KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ-XÃ HỘI HUYỆN MỘ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện mộ đức (Trang 33)

4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

3.1. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ-XÃ HỘI HUYỆN MỘ

3.1.1. Khái quát về đặc điểm điều kiện tự nhiên huyện Mộ Đức

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Huyện Mộ Đức là huyện đồng bằng ven biển, nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, có tọa độ địa lý từ 14052'51" đến 15005'49" vĩ độ Bắc và từ 108047'24" đến 108057'18" kinh độ Đông, với các giới cận:

- Phía Bắc giáp: Huyện Tư Nghĩa. - Phía Nam giáp: Huyện Đức Phổ. - Phía Tây giáp: Huyện Nghĩa Hành. - Phía Đông giáp: Biển Đông.

Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 21.388,82 ha, bao gồm 13 đơn vị hành chính (gồm 12 xã và 1 thị trấn) bao gồm: Thị trấn Mộ Đức, Đức Nhuận, Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Chánh, Đức Hiệp, Đức Minh, Đức Thạnh, ĐứcTân, Đức Hòa, Đức Phú, Đức Phong và Đức Lân.

Hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, có đường sắt Bắc Nam chạy qua và quốc lộ 1A chạy song song dọc theo chiều từ Phía Bắc đến phía Nam của huyện dài khoảng 20 km, có quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi nối với Quốc lộ 1A tại Thạch Trụ và có đường bờ biển dài 22km là những tuyến giao thông quan trọng trong giao lưu kinh tế với khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Nhìn chung, với vị trí địa lý khá thuận lợi, Mộ Đức đã hội tụ nhiều điều kiện để có thể hình thành, phát triển cơ cấu kinh tế đa dạng, nhiều ngành nghề và nhiều thành phần kinh tế khác nhau; có điều kiện mở rộng giao thương, phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi cho huyện trong việc thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân trong giai đoạn đến.

3.1.1.2. Địa hình, địa mạo

Mộ Đức nằm trong dải đồng bằng nhỏ hẹp thuộc vùng duyên hải miền Trung, tiếp giáp với biển Đông và vùng đồi núi thấp nối tiếp với Đông Trường Sơn. Địa hình huyện có hai dạng chính: trung du, miền núi và đồng bằng, ven biển.

- Vùng trung du, miền núi: Nằm ở phía Tây Nam của huyện có diện tích gần 8.000 ha. Độ cao trung bình từ 15 - 20m (chưa kể các đỉnh núi), có độ dốc khá lớn; do đó ảnh hưởng xói mòn nghiêm trọng khi mưa lũ. Ngoài sản xuất nông nghiệp, thế mạnh của vùng là phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả,...

- Vùng đồng bằng ven quốc lộ 1A và ven biển: Nằm ở trung tâm và phía Đông của huyện chiếm diện tích khá lớn vào khoảng 13.000 ha. Độ cao bình quân từ 2 - 4m, vùng ven biển cao 7 - 9m, tạo thành lòng máng về phía Đông từ xã Đức Thắng đến Đức Phong, Đức Lân, do đó thường xuyên bị ngập úng. Xen kẽ giữa vùng đồng bằng là các đồi núi úp bát và thấp dần đến vùng dọc sông Thoa, đây là vùng trũng nhất trong huyện. Dọc bờ biển là các sườn dốc hướng về phía đất liền, do đó các vùng đất giáp biển hàng năm thường bị cát xâm thực. Đây là vùng kinh tế chủ yếu của huyện, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, trồng lúa, hoa màu và NTTS...

3.1.1.3. Khí hậu, thủy văn

- Khí hậu: Mang đặc thù của khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và bị chi phối bởi điều kiện địa hình phía Đông dãy Trường Sơn với những đặc trưng chủ yếu: nóng ẩm, nhiệt độ cao, ánh sáng nhiều, lượng mưa khá lớn... đây là những nhân tố ảnh hưởng đến các yếu tố khí hậu của huyện, thể hiện theo hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8 và mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 02 năm sau.

+ Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26,70C, tháng lạnh nhất trong năm trung bình nhiệt độ 21,50C, đặc biệt nhiệt độ trung bình vào ban đêm thấp thường dưới 200C.

+ Tổng số giờ nắng trung bình trong năm khoảng 2.136 giờ. Các tháng có số giờ nắng cao nhất từ tháng 3 đến tháng 8, trung bình đạt từ 218 - 253 giờ/tháng. Các tháng có số giờ nắng thấp từ tháng 9 đến tháng 02 năm sau, trung bình đạt từ 124 giờ/tháng.

+ Lượng mưa trung bình năm là 1.915 mm và phân bố không đồng đều trong năm. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12 và trùng với mùa bão lớn, lượng mưa chiếm khoảng 82% tổng lượng mưa cả năm. Mưa lớn tập trung vào tháng 10, 11, lượng mưa chiếm tới 50% tổng lượng mưa cả năm.

+ Mùa khô kéo dài từ tháng 01 đến tháng 8, lượng mưa chiếm khoảng 18%. Đặc điểm các tháng ít mưa, các sông suối thường bị cạn kiệt nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Một số yếu tố khí hậu, thời tiết đáng chú ý:

+ Gió Tây khô nóng: hàng năm có khoảng 50 - 55 ngày gió Tây khô nóng, xuất hiện vào mùa khô. Trong thời kỳ này nhiệt độ cao nhất có thể đạt tới 410C và độ ẩm thấp (dưới 60%). Đặc biệt, mùa hè còn có gió Tây Nam khô nóng từng đợt từ 5 - 7 ngày gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

+ Bão: Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động mạnh vào tháng 9, 10, 11 hàng năm gây ra những trận mưa lớn kéo dài và kết hợp với gió mùa Đông Bắc sinh lũ lụt, hướng gió chủ yếu là Đông - Tây và Đông Nam - Tây Bắc, gió cấp 9, cấp 10 khi có bão. Trung bình một năm có 1-2 cơn bão, năm nhiều nhất có 5 cơn bão.

Nhìn chung, khí hậu huyện Mộ Đức tương đối thuận lợi, cho phép sản xuất nhiều vụ trong năm và cây trồng, vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, tập trung vào một mấy tháng trong năm, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, đồng bằng hẹp, hàng năm thường có bão, lũ lụt làm cho đất đai thường bị sa bồi, thủy phá, ngập úng ở vùng đồng bằng ven biển và xói mòn ở vùng miền núi, ảnh hưởng đến sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, khó khăn cho việc quản lý và SDĐ đai.

- Thủy văn: Chế độ thủy văn của huyện chịu ảnh hưởng chính của sông Vệ. Với lưu lượng dòng chảy lớn Qn = 58,7m3/s, tháng ít nước nhất trong năm đạt từ 14,3 - 23,7m3/s. Sự hình thành lũ và số lượng các cơn lũ trên sông quyết định bởi thời gian và cường độ ở tâm mưa sông Vệ. Ở đây mưa lũ chỉ kéo dài 3 tháng vào khoảng giữa mùa mưa (tháng 10 - 12), nghĩa là xảy ra chậm hơn 1 tháng và kết thúc trước gần 2 tháng so với mùa mưa.

Chế độ hải văn chịu ảnh hưởng của thủy triều. Chế độ thủy triều tại đây có khoảng 2/3 số ngày trong tháng là nhật triều, còn lại là bán nhật triều; thời gian triều lên kéo dài hơn thời gian triều rút. Biên độ thủy triều 1 - 1,5m. Chế độ dòng chảy do dòng triều lưu và dòng hải lưu đóng vai trò quyết định.

Hiện tượng nước dâng có thể do dao động gió mùa hoặc do bão gây ra, có thể đạt độ cao 1,5 - 3,0m tùy theo hướng và vận tốc gió.

Vùng hạ lưu chịu ảnh hưởng của thủy triều và bị nước mặn xâm nhập (sự xâm nhập và mức độ mặn của biển ở khu vực này phụ thuộc vào lưu lượng dòng chảy trong sông và biên độ của thủy triều).

3.1.1.4. Các nguồn tài nguyên:

a. Tài nguyên đất đai:

Với tổng diện tích tự nhiên 21.388,82 ha, đã khai thác đưa vào sử dụng 20.779,66ha (chiếm khoảng 97,19%). Đất chưa sử dụng còn 603,16 ha (chiếm khoảng 2,81%). Theo phương pháp phân loại FAO - UNESSCO, trên địa bàn huyện có 4 nhóm đất chính và được chia thành 10 đơn vị đất [27], cụ thể như sau :

- Nhóm đất cát biển: (AR)

Diện tích nhóm đất cát biển khoảng 1.975,00 ha chiếm 9,23% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã ven biển như Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Chánh, Đức Minh, Đức Phong. Đất cát biển được hình thành từ các trầm tích sông, trầm tích biển, các sản phẩm dốc tụ, lũ tích, từ sự phá hủy các đá giàu thạch anh như granit, quacrit, cát được phân thành 2 đơn vị đất: đất cát mới biến đổi (ARc) và đất cát điển hình (ARh).

Đất ARh có khả năng giữ phân, giữ nước kém, hàm lượng các chất dinh dưỡng thấp, là một trong những loại đất kém phì nhiêu nhất nên chủ yếu là trồng rừng (phi lao, keo), một số cây hoa màu ngắn ngày như đậu các loại, dưa, khoai lang … chú ý bón đủ phân và chống khô hạn cho đất.

Nhìn chung, nhóm đất cát biển là loại đất xấu: thành phần cơ giới chủ yếu là cát, không có kết cấu, hàm lượng chất dinh dưỡng ở mức nghèo và rất nghèo, dung tích hấp thu thấp, đất thường xuyên bị khô hạn.

- Nhóm đất phù sa: (FL)

Diện tích 10.540,00 ha, chiếm 49,28% diện tích tự nhiên, phân bố phổ biến ở vùng đồng bằng, được tạo thành chủ yếu do quá trình lắng đọng phù sa của các sông Vệ, sông Thoa. Do địa hình phức tạp, các dãy núi xen kẽ với đồng bằng, các vật liệu phù sa còn được bổ sung bởi các sản phẩm dốc tụ hay lũ tích từ các dãy núi xung quanh đồng bằng. Tuy nhiên, do đặc tính nước lũ về và rút đi nhanh nên đất phù sa có thành phần cơ giới nhẹ và trung bình (cát pha thịt trung bình, thịt nhẹ). Căn cứ vào mức độ biến đổi như xuất hiện tầng B Cambic, mức độ glây nông hay sâu, độ no bazơ, thành phần cơ giới của lớp đất mặt, nhóm đất phù sa trên địa bàn huyện được chia thành 3 đơn vị đất:

+ Đất phù sa trung tính ít chua (FLe). + Đất phù sa chua (FLd).

+ Đất phù sa đốm rỉ (FLc). + Nhóm đất Glây: (GL)

Diện tích 467,50 ha, chiếm 2,18% tổng diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Đức Phong, Đức Thắng, Đức Nhuận, Đức Thạnh, Đức Lân. Thường gặp ở địa hình trũng vùng đồng bằng, thung lũng, đất thường xuyên dư ẩm. Đặc tính glây thể hiện mạnh trong phạm vi từ 0 - 100 cm. Nguồn gốc ban đầu là đất phù sa, ngoài ra còn có nguồn gốc từ đất cát hoặc các sản phẩm dốc tụ trong thung lũng đồi núi. Ở huyện Mộ Đức có 2 đơn vị đất:

+ Đất glây ít chua - Eutric Gleysols (GLe): được chia thành 2 đơn vị đất phụ là đất glây ít chua giàu mùn (GLe-m) và đất glây ít chua cơ giới nặng (GLe-s).

+ Đất glây chua - Dystric Gleysols (GLd): được chia thành 1 đơn vị đất phụ là đất glây chua giàu mùn (GLd-u).

- Nhóm đất xám: (AC)

Diện tích 6.550,00 ha, chiếm 30,62% tổng diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Đức Thắng, Đức Chánh, Đức Lân, Đức Phong, Đức Phú, Đức Hòa, Đức Tân, thị trấn Mộ Đức, Đức Hiệp, Đức Thạnh, Đức Minh với 3 đơn vị đất:

- Đất xám bạc màu - Haplic Acrsols (ACh): được chia thành 3 đơn vị đất phụ là đất xám bạc màu cơ giới nặng (ACh-s), đất xám bạc màu cơ giới nhẹ (ACh-a), đất xám bạc màu glây nông (ACh-g1).

- Đất xám kết von - Ferri Acrisols (ACf): được chia thành 2 đơn vị đất phụ là đất xám kết von nông (ACf-fe1), đất xám kết von sâu (ACf-fe2) với diện tích 442,50 ha, chiếm 2,07% diện tích tự nhiên.

- Đất xám ferralit - Ferralic Acrisols (ACfa): Đất xám ferralit có diện tích 4.492,50 ha, chiếm 21,00% diện tích tự nhiên được phân bố ở các xã Đức Thắng, Đức Chánh, Đức Lân, Đức Phong, Đức Phú, Đức Hòa, Đức Tân, thị trấn Mộ Đức, Đức Hiệp. Ở cấp phân vị thứ 3, đặc tính Ferralic, Lithic và đặc tính Humic là những cơ sở để chia đất xám ferralit ở huyện ra làm 4 đơn vị đất phụ sau: Đất xám ferralit đá lẫn nông (ACfa-l1), đất xám ferralit đá lẫn sâu (ACfa-l2), đất xám ferralit kết von nông (ACfa-fe1) và đất xám ferralit điển hình (ACfa-h).

b. Tài nguyên nước

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước.

Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước mưa, nguồn nước ngầm, nước biển. Hiện nay, nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong huyện được lấy từ 2 nguồn:

- Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt, thường được gọi là tài nguyên nước mặt, tồn tại thường xuyên hay không thường xuyên trong các thủy vực ở trên mặt đất như:

sông ngòi, hồ tự nhiên, hồ chứa (hồ nhân tạo), đầm lầy và đồng ruộng. Đây là thành phần chủ yếu và quan trọng nhất, được sử dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất. Do đó, tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước mặt nói riêng là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển KT-XH của địa phương.

Do cấu tạo bề mặt địa hình nên hệ thống sông ngòi ở huyện Mộ Đức khá hạn chế, toàn huyện chỉ có 2 con sông lớn là sông Vệ và sông Thoa.

Sông Vệ: Là con sông lớn nhất huyện, bắt nguồn từ huyện Ba Tơ, thượng nguồn sông Liên với độ cao 1.200m, chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc dài 91km, chảy qua các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, đổ ra Cửa Lỡ (An Chuẩn - Đức Lợi) và cửa Cổ Lũy. Tại Mộ Đức, chiều dài qua huyện khoảng 13 km, qua các xã Đức Hiệp, Đức Nhuận, Đức Thắng và Đức Lợi. Vào mùa mưa, nước lên cao gây lũ lụt nhỏ, đem lại lớp phù sa màu mỡ cho các xã ven sông. Vào mùa khô, nước sông được khai thác tưới cho khu vực ven bờ, lưu lượng bình quân đạt từ 14,3 - 23,7 m3/s.

Sông Thoa: Là một nhánh của sông Vệ có chiều dài khoảng 11,5 km chảy qua các xã Đức Hiệp, Đức Hòa, Đức Tân, thị trấn Mộ Đức, Đức Phong nối với sông Hội An ở xã Đức Lân rồi chảy qua xã Phổ An huyện Đức Phổ.

Do địa hình chi phối, hầu hết các con sông đều dốc ở thượng nguồn, còn ở hạ lưu thì uốn khúc quanh co, độ dốc ở đáy sông nhỏ, càng về hạ lưu dòng sông càng mở rộng gây ảnh hưởng đến việc tiêu, thoát lũ, là nguyên nhân gây ra úng ngập. Còn về mùa khô thì hầu hết các con sông đều cạn. Với những đặc điểm của sông suối nêu trên, việc xây dựng các hồ đập tưới nước ở thượng lưu không nhiều, công suất không lớn. Tuy nhiên, nhờ nguồn nước mưa được lưu giữ khá nhiều trong các sông suối cộng với kênh mương Thạch Nham, các hồ chứa nước Giếng Tiên, hồ Ông Tới (Đức Lân), hồ Đá Bàn (Đức Tân), hồ Hóc Sầm, hồ Hóc Mít (Đức Phú)... nên phần nào đáp ứng được khả năng tưới tiêu, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

- Nguồn nước ngầm: Qua khảo sát sơ bộ, nguồn nước ngầm ở huyện Mộ Đức khá dồi dào, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. Hiện nay, phần lớn nhân dân trong huyện đang sử dụng nguồn nước ngầm mạch ngang, độ sâu 2 - 6m phục vụ cho sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm mạch nông ở một số xã ven biển bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, rất ít giếng khơi có nguồn nước ngọt sử dụng tốt cho ăn uống.

Nguồn nước ngầm ở đây thích hợp với khai thác quy mô nhỏ, không thích hợp cho việc xây dựng nhà máy, giếng khoan tập trung công suất lớn.

Nhìn chung, môi trường nước của huyện khá dồi dào. Nếu được đầu tư và khai thác hợp lý sẽ rất thuận lợi cho phát triển sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong huyện.

c. Tài nguyên rừng

Cho đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu đánh giá một cách đầy đủ về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn huyện nói riêng. Do vậy, hiện nay chưa có tư liệu để phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về hệ động, thực vật rừng của huyện. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, đánh giá tính đa dạng sinh học sơ bộ khái quát như sau:

- Thảm thực vật: Mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có độ ẩm cao, bức xạ nhiệt đầy đủ là điều kiện thuận lợi để các cây nhiệt đới phát triển thành nhiều kiểu rừng có ưu thế rõ rệt. Tuy nhiên, thảm thực vật bị tàn phá mạnh đã làm mất đi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện mộ đức (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)