4. Những điểm mới của đề tài
1.2.1. Tổng quan về mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng
dựng của một số nước trên thế giới
a. Quy hoạch ở cộng hòa Liên bang Đức
Quy hoạch không gian hay quy hoạch tổng thể vùng lãnh thổ ở Đức là loại quy hoạch tổng hợp về sự phát triển giữa các vùng và các ngành của toàn bộ lãnh thổ. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng là bộ phận của quy hoạch không gian. Một trong những chức năng của quy hoạch không gian là điều phối các loại hình quy hoạch, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh từ sự tranh chấp sử dụng đất đai của vùng lãnh thổ. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng là một bộ phận của quy hoạch không gian, do chính quyền địa phương thực hiện ở mức độ chi tiết tương ứng với cấp quận.
Chính vì vậy, mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Đức thể hiện trong quy hoạch không gian hay quy hoạch tổng thể vùng lãnh thổ. Trong đó, mỗi loại quy hoạch có mục tiêu riêng như xây dựng tối ưu các cơ sở hạ tầng, quy mô đô thị, sử dụng đất nông lâm nghiệp, khu an dưỡng nghỉ ngơi, cảnh quan… nhưng đều nhằm đạt mục tiêu chung: vì ấm no, vì lợi ích dân tộc, vì an toàn lương thực quốc gia, vì sự sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi sinh, phát triển đồng bộ và bền vững. Các mục tiêu riêng của quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng không phải lúc nào cũng đồng bộ, thống nhất với nhau mà nhiều khi còn đối kháng nhau, mâu thuẫn nhau. Điều đó đòi hỏi người làm quy hoạch phải nắm vững mối quan hệ giữa các mục tiêu đó, phải suy nghĩ, tìm phương án giải quyết hoặc giảm bớt các mâu thuẫn đối kháng đó.
Quy hoạch tổng thể phát triển lãnh thổ ở Cộng hòa Liên bang Đức bao gồm quy hoạch lãnh thổ và quy hoạch vùng. Quy hoạch lãnh thổ thực hiện việc sắp xếp (cấu tạo) không gian; cấu trúc định cư của khu vực; các biện pháp hạ tầng không gian lớn; xác định những khu vực dự phòng, những vùng ưu tiên. Để thực hiện các nội dung quy hoạch lãnh thổ cần có các hoạt động của quy hoạch lãnh thổ, chương trình phát triển lãnh thổ.
Tại Cộng hòa Liên bang Đức, Chính phủ của mỗi bang chủ quản việc quy hoạch lãnh thổ. Trên bình diện bang (cấp quốc gia), việc xây dựng chương trình phát triển lãnh thổ không mang tính cưỡng bức và thường được hội nhập vào “kế hoạch
phát triển lãnh thổ” nêu đầy đủ, chính xác và rất chi tiết các số liệu.
Quy hoạch vùng ở Đức có nhiệm vụ chính là thực hiện và sắp xếp sự phát triển tích cực của một khu vực. Khái niệm vùng được hiểu là những khu vực lớn trung bình, một phần của một bang, thường gồm nhiều huyện gộp lại. Quy hoạch vùng quan tâm đến sự phát triển kinh tế và xã hội đồng thời với việc bảo tồn và duy trì môi trường. Mối quan hệ này dựa trên lợi ích kinh tế và sinh thái làm cho quy hoạch vùng trở thành công cụ đặc biệt cho quy hoạch tổng thể. Hoạt động quan trọng nhất của quy hoạch vùng là việc thiết lập kế hoạch vùng, thường được gọi là “kế hoạch trật tự không gian của vùng”.
Một điển hình về thành công trong công tác quy hoạch ở Đức là quy hoạch thủ đô Berlin. Đó là phương án lớn về xây dựng mới và cải tạo trung tâm Berlin, là một công trường khổng lồ, cả ở trên mặt đất lẫn dưới đất, vì nó đặt vấn đề không những là phải xây dựng cùng một lúc ở nhiều khu khác nhau, mà còn phải cải tạo lại các hệ thống thiết bị và giao thông trên và dưới mặt đất cho cả vùng Berlin: hệ thống cống rãnh, điện, nước, điện thoại, tàu điện ngầm, xe lửa, xe điện, xe hơi... Thành công của quy hoạch tái thiết thủ đô Berlin là đã tạo nên bộ mặt mới của thành phố, trở thành một thủ đô hiện đại, xứng đáng với vị trí của nước Đức ở châu Âu và trên thế giới . [20].
Như vậy, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Cộng hòa Liên bang Đức không phải là các quy hoạch riêng rẽ mà là các quy hoạch ngành, quy hoạch bộ phận trong hệ thống quy hoạch lãnh thổ và quy hoạch vùng. Vì vậy, mối quan hệ giữa hai loại quy hoạch này có sự thống nhất về không gian và thời gian quy hoạch; cơ bản phù hợp với nhau và hỗ trợ lẫn nhau về nội dung quy hoạch. Những mâu thuẫn, đối kháng lẫn nhau về mục tiêu và nội dung giữa hai loại quy hoạch được điều chỉnh, được hạn chế nhằm đạt mục tiêu chung là phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.
b. Một số đặc điểm quy hoạch vùng ở Mỹ
Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Mỹ là bộ phận của quy hoạch vùng. Về mặt lý thuyết, quy hoạch vùng ở Mỹ hiện nay có hai xu hướng chính:
Thứ nhất, đặt trọng tâm vào hiệu quả kinh tế thuần tuý, thường dựa trên việc đưa ra các mô hình toán và kinh tế định lượng rất phức tạp để phân tích hoạt động kinh tế vùng và từ đó đề ra các hướng đầu tư hữu hiệu nhất;
Thứ hai, nghiên cứu quy hoạch vùng mang tính chất phát triển kinh tế - xã hội
hơn là nhấn mạnh hiệu quả kinh tế thuần tuý; xu hướng quy hoạch này mang tính công bằng xã hội nhiều hơn tính hiệu quả kinh tế, nên chú ý nhiều hơn đến yếu tố môi trường và phát triển bền vững nên hay được áp dụng trong thực tế hơn.
Trên thực tế, quy hoạch vùng ở Mỹ gồm quy hoạch vùng nhiều bang, quy hoạch vùng bang hoặc vùng một vài quận trong một bang. Trong đó, quy hoạch cấp vùng nhiều bang thực chất là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở quy mô lớn, còn quy hoạch vùng bang hoặc vùng một vài quận thực chất là quy hoạch phối hợp phát triển giữa đô thị trung tâm với các vùng nông thôn xung quanh. [11].
Như vậy, mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Mỹ thực chất thể hiện chủ yếu ở mối quan hệ giữa quy hoạch xây dựng ngành của các tập đoàn kinh tế với quy hoạch sử dụng đất của chính quyền các địa phương. Mặc dù là một nước phát triển, các quy hoạch này được thống nhất trong quy hoạch phát triển chung là quy hoạch vùng nhưng giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Mỹ trong thực tế thường vẫn có những mâu thuẫn nảy sinh cần giải quyết mà nguyên nhân chính là do quyền lợi chính trị, kinh tế của các chủ thể thực hiện quy hoạch rất khác nhau. Thực tế ở Mỹ, mỗi địa phương có một hệ thống rất phức tạp các cơ quan quy hoạch, đưa ra nhiều biện pháp quy hoạch chồng chéo trên địa bàn địa phương. Chỉ có các dự án ngành như giao thông, thủy lợi - thủy điện, truyền tải điện,... hoặc các dự án phát triển tổng hợp (bao gồm cả hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế...) trong đó Chính phủ Liên bang giúp đỡ tài chính cho các chính quyền địa phương nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan - mới có sức hấp dẫn và có thể hiện thực hoá tốt.
c. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Trung Quốc
Bên cạnh Luật đất đai, Trung Quốc đã ban hành Luật Quy hoạch nông thôn và đô thị (có hiệu lực từ ngày 01/01/2008). Công tác quy hoạch ở Trung Quốc hiện nay chịu sự điều chỉnh chủ yếu của hai Luật này. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Trung Quốc là các quy hoạch độc lập nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tương đối thống nhất với nhau.
Quy hoạch sử dụng đất đai cả nước của Trung Quốc được lập lần đầu tiên vào năm 1987, lần thứ hai vào năm 1998 và lần thứ ba vào năm 2003; nội dung quy hoạch qua các lần dần dần được hoàn thiện, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Quy hoạch sử dụng đất của Trung Quốc được triển khai với các nhiệm vụ: đẩy mạnh việc sử dụng đất hợp lý, bảo đảm các lợi ích; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và
cải thiện chất lượng môi trường; đẩy mạnh việc sử dụng đất bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế; đẩy mạnh việc quản lý nhà nước.
Quy hoạch sử dụng đất ở Trung Quốc bao gồm các loại hình: Quy hoạch tổng thể (bắt buộc theo luật mang tính chiến lược, toàn diện, quy định chính sách); quy hoạch chuyên ngành (mang tính chuyên đề, đặc thù); quy hoạch chi tiết (quy hoạch bố trí trên thực địa).
Quy hoạch xây dựng ở Trung Quốc được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Quy hoạch nông thôn và đô thị. Chính phủ Trung Quốc đã đề ra chính sách phát triển chăm lo nhà ở cho nhân dân lao động là chính sách trung tâm. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã đặc biệt chú trọng công tác cải tiến quản lý ngành xây dựng và nhà đất, quản lý thị trường bất động sản.
Về quản lý quy hoạch, thực hiện theo nguyên tắc:
- Phân cấp cụ thể trong việc xét duyệt quy hoạch.
- Khống chế một cách nghiêm ngặt về việc xây dựng các khu chức năng, bảo đảm thống nhất với quy hoạch và quản lý toàn diện của thành phố.
- Quy hoạch chung và quy hoạch cụ thể phải quy định rõ ràng những nội dung mang tính bắt buộc. Bất cứ đơn vị và cá nhân nào đều không được điều chỉnh những nội dung có tính bắt buộc trong quy hoạch chung và quy hoạch cụ thể mà đã được phê chuẩn. - Quản lý một cách nghiêm ngặt về việc sửa đổi quy hoạch chung sử dụng đất đai, quy hoạch chung thành phố và quy hoạch làng xã cũng như thị trấn.
- Quy hoạch xây dựng phải gắn liền với quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch thời gian vừa và dài ngành bất động sản.
- Quy mô sử dụng đất đai trong quy hoạch chung thành phố, quy hoạch làng xã và quy hoạch thị trấn không được vượt quá quy mô sử dụng đất đai được xác định trong quy hoạch chung sử dụng đất đai.
- Quy hoạch chung thành phố, quy hoạch làng xã và quy hoạch thị trấn phải coi phạm vi bảo hộ đồng ruộng cơ bản trong khu quy hoạch là nội dung mang tính bắt buộc….[12], [13].
Như vậy, giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của Trung Quốc có sự thống nhất cơ bản về mục tiêu, nội dung quy hoạch. Quy mô sử dụng đất của quy hoạch xây dựng phải phù hợp với quy mô được xác định trong quy hoạch sử dụng đất đai. Việc quản lý thực hiện quy hoạch ở Trung Quốc được quy định tương đối chặt chẽ, thể hiện ở các khía cạnh: các quy hoạch phải xác định những nội dung có tính bắt buộc; quy định chặt chẽ những trường hợp được phép thay đổi, điều chỉnh quy hoạch;
nguyên tắc bảo vệ đất nông nghiệp, bảo vệ nguồn tài nguyên, di sản văn hóa, bảo vệ môi trường…
Các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch ở Trung Quốc là một trong những nhân tố chính bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng.
d. Một vài nhận xét qua kinh nghiệm quy hoạch của một số nước trên thế giới
Qua nghiên cứu tình hình về mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của các nước trên thế giới, đại diện là quy hoạch của các nước được trình bày ở trên, chúng ta có thể rút ra một số nội dung cần được xem xét để áp dụng nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Việt Nam.
Hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển (như Đức, Mỹ) và đang phát triển (như Trung Quốc), có quy trình quy hoạch sử dụng đất đai mang tính đặc thù riêng. Trước hết họ chú trọng về quy hoạch tổng thể không gian (hay còn gọi là định hướng phát triển tổng thể - Master Plan), trên cơ sở quy hoạch không gian người ta tiến hành phân vùng sử dụng đất, sau đó tiến hành quy hoạch chi tiết cho từng khu vực.
Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở các nước, nhất là ở các nước phát triển thường là quy hoạch bộ phận của quy hoạch tổng thể không gian nên về cơ bản có sự thống nhất, đồng bộ với nhau về không gian, thời gian, nội dung quy hoạch; cả hai loại quy hoạch đều hướng tới mục tiêu chung là phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Trong quy hoạch lãnh thổ cũng như quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất, các nước đều quan tâm giải quyết việc sắp xếp không gian, các biện pháp hạ tầng không gian lớn, xác định những vùng ưu tiên, từ đó thực hiện các hoạt động của quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch vùng.
Việc lập các quy hoạch thường do các cơ quan công quyền của Nhà nước thực hiện, có sự tham gia của các tập đoàn, tổ chức kinh tế ở mức độ khác nhau và thường có sự tham gia rộng rãi của người dân. Ở các nước phát triển, về cơ bản các cơ quan nhà nước chỉ tham gia sâu vào quá trình duyệt quy hoạch tổng thể không gian và phân vùng sử dụng đất. Quy hoạch chi tiết phát triển từng vùng thông thường được đấu thầu cho các cơ quan phát triển bất động sản tư nhân.
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội ở từng nước mà mức độ chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có khác nhau nhưng nhìn chung giữa hai loại quy hoạch này cơ bản có sự thống nhất,
hỗ trợ lẫn nhau theo nguyên tắc quy hoạch xây dựng là sự cụ thể hóa, chi tiết hóa của quy hoạch sử dụng đất.