Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 45 - 50)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

3.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội

3.1.2.1. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

a. Khu vực kinh tế Nông - Lâm - Thủy sản

Nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển theo hướng tập trung, tích cực thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, tác động hỗ trợ nhau cùng phát triển; khai thác, nuôi trồng thủy sản phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thủy sản; hoạt động lâm nghiệp chuyển dần sang lâm nghiệp xã hội hóa; kinh tế trang trại bước đầu phát triển cả về số lượng, quy mô, phát huy ưu thế của từng vùng. Cơ cấu kinh tế nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thủy sản, giảm tỷ trọng nông, lâm

nghiệp. Phát triển nông nghiệp đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng cao gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới.

- Sản xuất nông nghiệp

Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực theo hướng nông nghiệp đô thị, năng suất,chất lượng, hiệu quả kinh tế tăng trưởng khá. Diện tích đất canh tác tăng cao. Bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất rau an toàn tại xã Bảo Ninh, Đức Ninh.

Theo thống kê năm 2017 diện tích đất gieo trồng của thành phố là 2.346 ha. Chủ yếu trồng lúa, màu (ngô, khoai, sắn, rau đậu các loại…), cây công nghiệpngắn ngày như lạc, đậu, ớt,… Trong vùng gieo trồng hai vụ chính là vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu, một số nơi có trồng thêm vụ Đông nhưng với diện tích không đáng kể và chủ yếu là cây màu ngắn ngày như khoai, các loại rau.

Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh) năm 2010 là 155.222 triệu đồng đến năm 2017 là 164.073 triệu đồng, tăng 8.851 triệu đồng.

- Lâm nghiệp

Tổng diện tích đất lâm nghiệp năm 2017 của thành phố là 6.567,76 ha. Rừng sản xuất, rừng phòng hộ chủ yếu là cây nguyên liệu như bạch đàn, keo, cây thông nhựa... các loại để trồng phủ xanh đất trống đồi trọc. Trong những năn gần đây, ngành lâm nghiệp đang được đẩy mạnh công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng dặm, tu bổ tái sinh và trồng mới. Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng và trồng rừng được chú trọng. Hiện nay diện tích đất rừng do thành phố quản lý là 2.986,47 ha chủ yếu là rừng phòng hộ trên địa bàn 5 xã, phường, trong đó có 2.700 ha được đưa vào phương án bảo vệ. Công tác giao đất, giao rừng được thực hiện kịp thời, cơ bản đảm bảo diện tích rừng có chủ quản lý.

Tích cực thực hiện xã hội hóa nghề rừng, giao khoán rừng, đất lâm nghiệp đến các tổ chức, nhóm hộ gia đình; lồng ghép các dự án đầu tư khoán, bảo vệ rừng hiện có, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên gắn với trồng rừng mới. Năm 2017 tổng giá trị lâm nghiệp (giá hiện hành) đạt 34.679 triệu đồng[9].

Tuy nhiên, rừng trên địa bàn thành phố đang có nguy cơ suy giảm về diện tích do quá trình đô thị hóa nhanh, chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp và để nuôi trồng thủy sản...Vì vậy, việc quan tâm trồng rừng trong các năm tới sẽ là cần thiết.

- Thủy sản

Ngành thủy sản từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Kinh tế phát triển mạnh, khai thác hải sản đã được ngư dân chú trọng đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn, nâng cấp ngư cụ, mở rộng ngư trường, nâng cao

hiệu quả và chất lượng khai thác hải sản. Trong những năm qua,thành phố đã khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để phát triển toàn diện cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thủy sản. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, năng suất tăng, đối tượng nuôi đa dạng, các mô hình nuôi thủy sản giá trị kinh tế cao được nhân rộng. Sản lượng thủy sản năm 2017 đạt 10.850 tấn, trong đó sản lượng khai thác 9.976 tấn và sản lượng thủy sản nuôi trồng là 874 tấn.

b. Khu vực kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng

Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thành phố đang từng bước ổn định và giữ được tốc độ tăng trưởng khá, phát triển mạnh về sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến. Giá trị sản xuất năm 2010 đạt 1.640.441 triệu đồng, năm 2017 đạt 3.466105 triệu đồng.

Những năm qua, thành phố đã chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở công nghiệp, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xây dựng sản phẩm có thương hiệu. Việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp được đẩy mạnh, đưa vào khai thác các cụm công nghiệp Nghĩa Ninh, từng bước đưa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực dân cư. Khu Công nghiệp Tây Bắc và Bắc Đồng Hới đã có một số nhà máy đi vào sản xuất hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Đến nay, các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố đã thu hút được một lượng lao động đáng kể. Các cơ sở sản xuất được đầu tư mở rộng, số lượng cơ sở sản xuất tăng từ 1.818 cơ sở vào năm 2010 lên trên 2.082 cơ sở năm 2017, các cơ sở quy mô vừa và nhỏ phát triển khá, góp phần giải quyết việc làm cho 11.791 lao động.

Nhìn chung, các ngành công nghiệp chuyên môn hóa vẫn được duy trì ổn định và giữ tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành như sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, may mặc, sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sửa chữa xe có động cơ luôn chiếm tỷ trọng cao so với toàn ngành.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) năm 2010 đạt 1.640.441 triệu đồng đến năm 2017 là 3.466105 triệu đồng.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, kết quả phát triển công nghiệp của thành phố vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu đề ra. Quy mô các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, khả năng cạnh tranh không cao. Nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế. Việc triển khai các dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp còn chậm, hiệu quả đầu tư thấp. Tuy có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp phát huy nội lực, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhưng liên doanh, liên kết thu hút đầu tư từ bên ngoài còn hạn chế. Ngoài ra do tác động về nguyên liệu và thị trường tiêu thụ không

ổn định nên hiệu quả sản xuất nhìn chung còn đạt thấp, chuyển dịch nội bộ trong các nhóm ngành công nghiệp chưa mang tính đột phá. Các ngành công nghiệp như cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ còn ít và với quy mô nhỏ, chủ yếu là gia công, lắp ráp; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa. c. Khu vực kinh tế dịch vụ - thương mại và du lịch

Hoạt động thương mại, dịch vụ trong những năm qua phát triển khá có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... Các phương thức kinh doanh đa dạng, bảo đảm cho việc lưu thông hàng hóa, cung ứng vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất, bước đầu đã có sự liên kết giữa sản xuất và thương mại, nhất là các sản phẩm lợi thế của thành phố.

- Dịch vụ thương mại: Hoạt động thương mại dịch vụ được ưu tiên đầu tư, chương trình phát triển thương mại trong những năm qua thực hiện có hiệu quả, quy mô nghành nghề từng bước được mở rộng, thị trường ổn định. Mạng lưới cơ sở kinh doanh phát triển mạnh, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm là 4,41%. Tổng mức bán lẽ hàng hóa tăng bình quân hàng năm 10,36%, tăng 1,5 lần so với năm 2011.Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn và khách du lịch như: vật tư nông nghiệp, công nghệ phẩm, văn hóa phẩm, thực phẩm, sản phẩm mỹ nghệ, hàng trang trí nội thất, dịch vụ, ăn uống... được quan tâm đầu tư.

Mạng lưới dịch vụ thương mại phát triển phong phú, ngày càng được mở rộng. Hệ thống các chợ, siêu thị được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, tất cả đều được bố trí gần bến ô tô, cảng và đường giao thông chính, rất thuận lợi cho kinh doanh thương mại.

Nhìn chung, ngành thương mại có mức tăng trưởng khá, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, hàng hóa dồi dào và thị trường thương mại có sự trao đổi mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa thực sự vững chắc và cơ bản, thương mại nội địa tuy có phát triển nhưng vẫn còn ở mức thấp, chưa tạo được nguồn hàng ổn định chất lượng cao, cơ chế quản lý kinh doanh còn thiếu năng động, khả năng cạnh tranh thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao, lưu thông hàng hóa và cơ cấu tiêu dùng còn thể hiện trình độ sản xuất và mức sống dân cư thấp.

- Dịch vụ du lịch: Phát triển nhanh, diễn ra sôi động, nhộn nhịp và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng của thành phố. Các hoạt động du lịch được phát triển theo hướng phong phú, đa dạng hóa với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch. Cơ sở hạ tầng các bãi tắm biển Nhật Lệ, Bảo Ninh và Quảng trường Biển, công viên Nhật Lệ được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Hệ thống nhà hàng, khách sạn phát triển mạnh. Đến nay, thành phố có 194 cơ sở lưu trú, với 4.757 phòng nghỉ và 8.864 giường, tăng 60 cơ sở, 2.259 phòng nghỉ và 5.545 giường so với năm 2010. Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch được chú trọng, quy mô và loại hình du lịch ngày càng phát triển, tỷ lệ cán bộ phục vụ qua đào tạo được nâng cao rõ rệt. Chất

lượng dịch vụ du lịch có nhiều chuyển biến tiến bộ, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, môi trường sinh thái được gìn giữ, tạo cơ sở để du lịch phát triển bền vững. Lượng khách du lịch đến Đồng Hới tăng bình quân hàng năm là 19,05%, tăng 2 lần so với năm 2010.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc,...) các khu du lịch, các điểm du lịch còn chậm và chưa đồng bộ. Vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và lợi thế phát triển, đặc biệt là các loại hình du lịch thế mạnh của địa phương như du lịch biển và du lịch sinh thái. Sản phẩm du lịch còn nghèo, ít có sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc biệt chất lượng dịch vụ, công tác phục vụ cho du lịch chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu, do đó khó thu hút được du khách.

- Dịch vụ khác: các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải, bảo hiểm, vui chơi, giải trí,... ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Vận tải hàng hóa, hành khách chất lượng được nâng cao, đáp ứng hầu hết nhu cầu đi lại của nhân dân. Dịch vụ phục vụ cho sản xuất công nghiệp như cơ khí sửa chữa, đào tạo nghề được chú trọng, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

3.1.2.2. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội

a. Thuận lợi

Thành phố Đồng Hới có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội thành phố: là trung tâm chính trị của tỉnh Quảng Bình, nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia (quốc lộ 1A, sân bay Đồng Hới).

Tài nguyên đất đai có nhiều nhóm, loại đất và với các tiểu vùng khí hậu đặc thù cho phép để phát triển tập đoàn sinh vật phong phú.

Tài nguyên khoáng sản đa dạng phong phú, tuy không có trữ lượng lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố, đặc biệt sản xuất vật liệu xây dựng.

Là vùng đất cách mạng với nhiều di tích lịch sử, di tích kết hợp danh lam thắng cảnh (biển, rừng...)tạo lợi thế cho thành phố phát triển một số loại hình du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng, thăm quan văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái biển, rừng...

Cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố đã được xây dựng và tích lũy qua nhiều năm, mặc dù chưa đồng bộ, có phần thiếu và bị xuống cấp, song cũng là tiền đề cơ bản quan trọng phục vụ cho sự phát triển của thành phố.

b. Khó khăn

Khí hậu khắc nghiệt nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như gió, lốc, bão, lũ mưa lớn kéo dài, gió mùa Tây Nam khô nóng… gây nên lũ, lụt, hạn hán, cát bay,... đã gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Địa hình phức tạp và chia cắt mạnh gây khó khăn trong việc đầu tư khai hoang, cải tạo đồng ruộng và bố trí cơ sở hạ tầng. Chất lượng đất nhiều khu vực xấu do hiện tượng nhiễm mặn, xói mòn rửa trôi và sa mạc hóa.

Kinh tế phát triển chưa đều, thiếu bền vững, vốn đầu tư còn thấp, sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ, công nghệ chưa cao, chưa tạo được bước đột phá để tăng trưởng nhanh. Kinh tế quốc doanh, hợp tác xã đã được sắp xếp, đổi mới nhưng còn chậm, chưa sôi động về cả số lượng, quy mô doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm. Năng lực, điều kiện để xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm tham gia vào hội nhập khu vực và quốc tế còn hạn chế; giá trị xuất nhập khẩu thấp và tăng chậm, thu hút vốn đầu tư từ các địa phương khác ở trong nước và từ ngoài nước thấp.

Quản lý và đầu tư đô thị: việc lập các quy hoạch còn chậm, thiếu, chưa đồng bộ và chất lượng chưa cao. Quản lý nhà nước và quy hoạch, xây dựng đô thị còn nhiều bất cập và không đồng bộ. Triển khai đầu tư, quản lý đầu tư và khai thác công trình chưa phát huy hết hiệu quả.

Chưa khơi dậy ý thức tự giác và chủ động của cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động văn hóa, bảo tồn, môi trường, trật tự đô thị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 45 - 50)