2.1.7.1. Tác dụng của cây chè đối với sức khỏe và đời sống
Nước trà, từ xưa đến nay vẫn là một thức uống phổ biến của nhân dân trong nước và trên thế giới, uống trà chống được lạnh, khắc phục sự mệt mỏi của cơ bắp và hệ thần kinh trung ương, kích thích vỏ đại não, làm cho tinh thần minh mẫn sảng khoái, hưng phấn hơn nhờ chất cafein. Theo Yukihiko Hara [31] chè có khả năng kháng khuẩn, phòng ngừa bệnh huyết áp cao hay bệnh đái tháo đường, ngăn ngừa cholesterol tăng cao, chống lão hóa và phòng ngừa ung thư…
Cụ thể, hợp chất flavonoid trong cây chè có tác dụng chống oxi hóa [26]. Trong cơ thể con người có sẵn một vài enzyme dùng để bảo vệ và ngăn ngừa nhiều loại gốc tự do gây tác hại cho tế bào như: glutathion peroxidase hay superocid dismutase (SOD), phân hóa tố (catalase) trong nhiều tế bào như hồng cầu và gan
19
[25]. Tuy nhiên vì số lượng gốc tự do trong cơ thể quá nhiều nên phải bổ sung chất chống oxy hóa từ ngoài vào cơ thể theo dạng thức ăn, nước uống…
Nghiên cứu cho thấy hợp chất polyphenol trong chè có tác dụng chữa được các loại ung thư. Polyphenol chữa ung thư gan thông qua khả năng hoạt hoá các enzyme trong gan; các enzyme này có nhiệm vụ chuyển hoá các chất gây ung thư, những sản phẩm chuyển hoá thường có tính gây ung thư thấp hơn [7]. Chữa ung thư tuyến tiền liệt nhờ EGCG ức chế và ngăn chặn tận gốc nồng độ hoocmon I (IGF-I) phát triển mạnh giúp ngăn chặn nguy cơ mắc tiền liệt tuyến, đồng thời ngăn chặn các chất dinh dưỡng đến để nuôi tế bào ung thư [23]. Polyphenol chè xanh có thể bảo vệ và chống lại những tác hại của quá trình oxy hóa và sự phát triển của tế bào ung thư bàng quang [17]. Tác dụng chống lại tác động của tia cực tím gây ung thư da, khi đó EGCG là thành phần chính và có tác dụng bảo vệ nhất trong các hợp chất phenolic có trong chè [24]. Các nghiên cứu trên loài chuột cho thấy khả năng ức chế của EGCG trên N-methyl-N’-nitro-N-nitrosoguanidin (MNNG) làm giảm ung thư dạ dày [29]. Ngoài ra, các catechin trong trà xanh có khả năng ức chế sự phát triển ung thư đường ruột bằng cách giảm bớt chất 1,2-dimethylhydrazin trong ruột loài chuột được dùng để thí nghiệm [30]. Các catechin trong trà xanh còn ức chế N- nitrosomethylbenzyl-amin (NMBzA) (chất này làm phát triển u bướu trong buồng trứng) nhờ đó chống lại ung thư buồng trứng [20].
Chè có tác động bảo vệ đối với các bệnh về tim mạch là do khả năng của flavonoid trong việc ngăn ngừa sự oxy hóa các lipoprotein tỷ trọng thấp dưới hình thức xơ vữa động mạch, hoạt tính chống tụ huyết và làm chậm mạch cũng đã được công nhận. Sử dụng flavonoid có thể làm giảm nguy cơ chết do bệnh mạch vành tim ở phụ nữ, phụ nữ sau mãn kinh hoặc ở đàn ông có tuổi [18].
Chè xanh đã được nghiên cứu sơ bộ về các tiềm năng trong việc phòng chống bệnh HIV - AIDS như: Kích thích sản xuất tế bào bạch huyết mạnh lên đến 300%, kích thích sản xuất của các tế bào killer hệ thống miễn dịch lên đến 400%, giúp bảo vệ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng đường ruột thứ cấp, giảm mất trí nhớ, giảm thiệt hại thần kinh trong bệnh AIDS [21].
20
Cây chè còn có tác dụng bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Đến nay đã xác định được 16 tỉnh có khả năng thích hợp nhất để trồng chè, tập trung chủ yếu ở trung du miền Bắc và Tây Nguyên [11]. Trồng chè đúng quy trình kỹ thuật sẽ tạo ra một thảm thực vật có tác dụng phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn, xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nước ta và một số nước trên thế giới đã hình thành “Văn hóa chè” lâu đời, sinh động, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Ở Việt Nam, trong gia đình từ nông thôn đến thành thị, trà chiếm một vị trí trang trọng trong giao tiếp, giáo dục, lễ nghi, cưới xin, ma chay, hội hè, đình đám, thờ cúng. Trà còn tạo ra một nguồn cảm hứng trong sáng tác nghệ thuật như văn thơ, hội họa, ca múa nhạc, điêu khắc, nhiếp ảnh, điện ảnh, truyền hình [11].
2.1.7.2. Tác dụng của cây chè đối với nền kinh tế
Cây chè là cây xóa đói giảm nghèo tạo ra công ăn việc làm, ổn định đời sống cho hàng chục vạn hộ gia đình. Quy hoạch các vùng sản xuất chè tập trung giúp khai hoang ở trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa của đồng bào dân tộc [11].
Việt Nam là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới (FAO, 2016) [27]. Chè của Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường của hơn 30 nước trên thế giới, gồm có Liên Xô cũ và Đông Âu, Trung Cận Đông, Bắc Phi và gần đây bước đầu đưa vào các thị trường khó tính như Tây Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ, đem lại một nguồn kim ngạch xuất khẩu đáng kể. Bên cạnh đó thị trường trong nước cũng đòi hỏi số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, theo mức độ gia tăng dân số và mức sống của người dân [11].
Từ những ưu điểm tuyệt vời của cây chè mà công ty Ntea Thái Nguyên đã đưa ra một sản phẩm trà sữa , có tên gọi là trà sữa Matcha Latte.
21