Nghiên cứu về bệnh héo rũ gốc mốc đen (Aspergillus niger Van Tiegh)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) điều tra tình hình sản xuất và thử nghiệm một số chủng vi khuẩn có ích bacillus cho cây lạc tại thị xã an nhơn, tỉnh bình định (Trang 29 - 30)

Bệnh héo rũ gốc mốc đen do nấm A. niger gây ra, là một trong ba bệnh héo rũ gây hại quan trọng và phổ biến ở tất cả các vùng trồng lạc trên thế giới (Kuraishi, H,M. Itoh và cs, 2000).

Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về nấm A. niger. Người ta đã phân loại được 37 loài gây hại trên thực vật, đồng thời nó cũng là nguyên nhân gây bệnh cho người và động vật [22].

Theo D.J.Allen và J.M.Lenne (1998), bệnh héo rũ gốc mốc đen được phát hiện lần đầu tiên tại Sumatra vào năm 1926, nhưng thực tế loài nấm gây bệnh này đã được ghi nhận từ những năm 1920, gây biến dạng mầm củ và biến màu vỏ lạc, hạt lạc [27]. Theo N. Kokalis Burelle (1997), ở Châu Á bệnh được ghi nhận đầu tiên tại Andhara Pradesh (Ấn Độ) năm 1980 [34].

Theo Đỗ Tấn Dũng, ở giai đoạn hạt trước khi nảy mầm đến nhú mầm ra khỏi mặt đất và giai đoạn cây con rất mẫm cảm với bệnh. Triệu chứng điển hình của bệnh là cây khô héo nhanh chóng, nhất là khi cây còn non. Ở những cây bệnh, toàn bộ vùng cổ rễ và thân ngầm sát mặt đất có vết bệnh màu nâu, nâu đậm, biểu bì và vỏ vỡ nứt, thối mục làm cho cành lá héo cong, lá hơi vàng xanh. Cổ rễ, gốc thân sát mặt đất thâm mục nát và trên bề mặt bộ phận nhiễm bệnh về sau có phủ lớp nấm mốc đen. Bệnh phát triển dần và phát sinh phát triển mạnh vào giai đoạn cây lạc sau trồng khoảng 30 ngày. Giai đoạn cây lạc đã lớn cũng có thể dễ nhiễm bệnh. Bệnh phát triển ở phần thân ngầm dưới mặt đất, sau đó lan dọc lên các thân, nhánh phía trên. Về sau các nhánh héo rũ, chết khô, rễ bị thối mục, bộ phận bó mạch dần hóa nâu và trên mô bệnh cũng như củ lạc của cây bệnh có phủ lớp nấm mốc màu đen [6].

Tác giả Lê Lương Tề, thì cho rằng ở Việt Nam bệnh héo rũ gốc mốc đen do nấm A. niger phát triển mạnh trong điều kiện tương đối cao, ẩm ướt, cây sinh

trưởng kém. Trên những vùng lạc trồng độc canh, trên những vùng đất cát thô, trên những chân đất chứa nhiều chất hữu cơ và tàn dư cây trồng đợt trước chưa hoai mục thì bệnh có nguy cơ phát sinh và phá hại nặng. Bệnh phát sinh gây hại từ khi cây con cho đến khi thu hoạch, nhưng giai đoạn dễ mẫn cảm nhất là giai đoạn cây lạc phân cành [18].

Theo Vũ Triệu Mân (2007), biện pháp phòng trừ bệnh tổng hợp như sau: - Luân canh: Luân canh lạc với lúa nước, mía và các loại cây trồng khác để hạn chế nguồn bệnh và cải tạo đất, thời gian luân canh 2 năm.

- Bón phân hợp lý: Cần bón NPK đầy đủ, cân đối để cây lạc sinh trưởng tốt, tăng cường sức chống bệnh, đặc biệt ở vùng đất bạc màu cần bón nhiều vôi, dùng phân chuồng hoai mục để bón hoặc trộn với chế phẩm sinh học Trichoderma.

- Xử lý hạt giống: Chọn lọc hạt giống tốt và xử lý khô bằng TMTD 2 kg/tấn hạt hoặc dùng Bayphidan 10 - 15 gam/tạ hạt giống.

- Một số thuốc có thể phun vào gốc cây để chống bệnh như: Sumi-8 12,5 WP, Topsin M 70WP, Dithane M45 80WP, Tilt super 300ND 0,2%.

- Vệ sinh đồng ruộng: Cần nhổ ngay cây bệnh khi mới chớm phát sinh, rắc vôi bột vào gốc trên mặt luống hoặc tưới nước vôi loãng 4% vào gốc để hạn chế bệnh [19].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) điều tra tình hình sản xuất và thử nghiệm một số chủng vi khuẩn có ích bacillus cho cây lạc tại thị xã an nhơn, tỉnh bình định (Trang 29 - 30)