Những tồn tại trong quản lý, sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản trên địa bàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản ở huyện tuyên hóa, tỉnh quảng bình (Trang 87 - 94)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

3.4.1. Những tồn tại trong quản lý, sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản trên địa bàn

địa bàn huyện

3.4.1.1. Những bất cập trong chính sách khoáng sản và môi trường

Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/07/2011 với nhiều quy định mới trong cấp phép hoạt động khoáng sản nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản, tuy nhiên công tác ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm. Công tác lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản; công tác thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản; thanh tra, kiểm tra... cũng còn nhiều bất cập.

Luật Khoáng sản chưa đề cập nhiều đến nội dung bảo vệ môi trường, lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản chỉ được nêu ở điều 30 Luật khoáng sản 2010 và vấn đề sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản được nêu ở điều 31 và mới chỉ nêu chung chung chưa nêu cụ thể, chi tiết. Trong nghị định số 15/2012/NĐ – CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoáng sản phạm vi điều chỉnh chỉ là khoản 3 của điều 30 Luật Khoáng sản, còn khoản 1, khoản 2 của điều 30 thì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Nội dung bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản cũng chỉ được nêu ở điều 44 của luật Luật Bảo vệ môi trường 2005, bao gồm 5 khoản, trong đó riêng khoản 3 chỉ quy định những hoạt động khoáng sản có sử dụng thiết bị, hóa chất độc hại, khoản 4 áp dụng cho khoáng sản có chứa nguyên tố phóng xạ, dầu khí.

Luật Khoáng sản 2010 đã tăng cường phân cấp trong quản lý nhà nước cho các địa phương, nhất là thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng

sản. Vì vậy cónhiều giấy phép khai thác khoáng sản do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp chưa đúng với quyđịnh; quá trình cấp phép chưa ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, nhất là là trách nhiệm khai thác triệt để, tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản.

3.4.1.2. Những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trên địa bàn huyện còn hạn chế.Mặc dù đã đạt được nhưng kết quả đáng kể, nhưng qua điều tra những người có thẩm quyền ở địa phương và người dân, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản thực hiện chưa thường xuyên, chưa phổ biến sâu rộng tới mọi thành phần trong xã hội.

Việc quản lý khai thác khoáng sản chưa chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững. Đây không chỉ riêng địa bàn huyện Tuyên Hóa mà còn là thực trạng chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, vì vậy nên mới có các hoạt động khai thác khoáng sản quá trữ lượng quy định, không chú trọng đến bảo vệ môi trường, và nhiều vấn đề liên quan khác.

Công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu mới tập trung giải quyết các vụ việc theo đơn khiếu nại, tố cáo, chưa tổ chức được thường xuyên các cuộc thanh tra theo chuyên đề về lĩnh vực TNMT để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai sót ở cơ sở.

Chưa xử lý nghiêm và chưa có biện pháp răn đe cụ thể với những hành vi khai thác trái phép và trái với quy định về bảo vệ môi trường. Chưa kịp thời kiểm tra xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số điểm khai thác khoáng sản, khai thác sản xuất vật liệu xây dựng như mỏ đá tại xã Tiến Hóa, Thạch Hóa, Châu Hóa, mỏ khai thác quặng Mangan tại Thuận Hóa, …

Qua điều tra thực tế thì chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có thẩm quyền với người dân để cùng nhau giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động khoáng sản tại địa phương.

Hoạt động khoáng sản ngày càng đa dạng, diện tích đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản tăng nhanh, tuy nhiên các chính sách quản lý cho hoạt động khoáng sản không đáp ứng kịp thời cho sự thay đổi đó. Nguồn nhân lực phục vụ cho việc quản lý đất đai cho hoạt động khoáng sản còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ trong khi các khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực này ngày càng nhiều.

Công tác hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân có đất đai xung quanh khu vực khai thác khoáng sản mới chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt mà chưa tính đến hậu quả lâu dài mà họ phải gánh chịu.

3.4.1.3. Những tồn tại về phía đơn vị khai thác và người dân

Số lượng các mỏ khoáng sản, số lượng các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện tăng trong những năm qua, nhưng vấn đề là hoạt động khai thác không có chiều sâu. Các đơn vị khai thác chưa chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản cũng như bảo vệ môi trường. Phần lớn các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện có quy mô vừa và nhỏ nên năng lực tài chính, kinh nghiệm còn hạn chế, chưa đầu tư thích đáng để lựa chọn công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm khai thác khoáng sản hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Chủ mỏ sau khi được cấp phép đã chia ra thành nhiều khu vực cho nhiều doanh nghiệp khai thác hoặc một doanh nghiệp nhưng được cấp phép khai thác nhiều mỏ đá nên rất khó quản lý. Nhiều đơn vị khai thác khoáng sản có tâm lý đầu tư ngắn hạn, thu hồi vốn nhanh, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không quan tâm nhiều đến thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội trong khai thác, chế biến.

Những người quản lý của các đơn vị khai thác chưa chú trọng nghiên cứu các quy định của pháp luật về khoáng sản; ý thức tuân thủ pháp luật của một số đơn vị khai thác còn thấp nên tình trạng vi phạm pháp luật nhất là về bảo vệ môi trường, tuân thủ quy trình, quy phạm kỹ thuật, an toàn lao động trong khai thác khoáng sản vẫn còn tồn tại.

Hoạt động khai thác khoáng sản không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đất mà còn ảnh hưởng đến nước và không khí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân xung quanh khu vực khai thác. Số lượng người mắc các bệnh về hô hấp tăng lên đáng kể, tiếng ồn từ việc nổ mìn khai thác đá vôi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người dân.

Mặc dù trước khi các dự án đi vào hoạt động, các đơn vị đã ký kết Bản cam kết bảo vệ môi trường tuy nhiên khi dự án đi vào hoạt động thì các quy định trong cam kết không được tuân thủ đầy đủ.

Về phía người dân, có thể do những lợi ích trước mắt có thể thấy được từ những hỗ trợ từ đơn vị khai thác mà họ đã thỏa thuận ký kết với nhau, nhưng sau một thời gian mỏ khai thác đi vào hoạt động họ mới nhận ra được những hậu quả của việc khai thác đối với đất đai, môi trường nghiêm trọng hơn những gì họ nghĩ. Khi đó người dân mới làm đơn khiếu nại lên cơ quan có chức năng, yêu cầu đơn vị khai thác ngừng hoạt động hoặc có những giải pháp phục hồi lại đất đai xung quanh khu vực khai thác cho họ thì đã muộn.

Nhiều trường hợp người dân không đồng tình với chính sách, hoạt động của đơn vị khai thác nhưng lại không gửi đơn khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền do người dân chưa hiểu rõ pháp luật để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

3.4.2. Những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản

3.4.2.1. Giải pháp về chính sách, quản lý

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường; đẩy mạnh việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, đôn đốc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về sử dụng đất, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản.

- Ban hành hệ thống chính sách phục vụ cho quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương, cụ thể trên địa bàn huyện Tuyên Hóa nơi mà người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, khi tiến hành các hoạt động khoáng sản phải chú trọng đến đất sản xuất của người dân cũng như tạo công ăn, việc làm cho những hộ dân bị thu hồi đất.

Phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc thực hiện các điều khoản về bảo vệ môi trường, sử dụng đất trong khai thác khoáng sản của Luật Khoáng sản 2010 và Luật Bảo vệ môi trường 2005, cụ thể là điều 30, 31 của Luật Khoáng sản 2010 và điều 44 của Luật Bảo vệ môi trường 2005.

- Phòng TNMT huyện cần phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường để các đơn vị khai thác nhận thức được trách nhiệm của mình trong hoạt động khai thác khoáng sản.

- Thực hiện nghiêm quy định về cấp phép khai thác khoáng sản đúng với những quy định trong điều 53 của Luật Khoáng sản 2010 về nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản Giấy phép khai thác khoáng sản: chỉ được cấp ở khu vực

không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản hợp pháp và không

thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng

sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; Không chia cắt khu vực khoáng sản có thể

đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho

nhiều tổ chức, cá nhân khai thác ở quy mô nhỏ.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường; Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc thăm dò, khai thác mỏ khoáng sản, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện việc đấu giá thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có năng lực, có công nghệ tiên tiến tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản; Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản. Khuyến khích, tạo điều kiện nâng cao trình độ, năng lực trong công tác quản lý cũng như trong công tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

- Đẩy mạnh công tác thẩm định, phê duyệt và kiểm tra việc thực hiện dự án cải tạo phục hồi môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo những quy định của quyết định số 18/2013/QĐ – TTg về cải tại, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Các đơn vị khai thác khoáng sản phải lập dự án cải tạo phục hồi môi trường và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của quyết định 18/2013/QĐ-TTg, sau khi kết thúc hoạt động khai thác các mỏ phải tiến hành hoàn thổ theo đúng phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt trước khi trả lại đất cho địa phương quản lý, sử dụng. Địa phương chỉ tiếp quản đất sau khai thác khoáng sản khi đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng phương án đã được phê duyệt và tiến hành quản lý, sử dụng phù hợp với nhu cầu, quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

- Cần thiết có sự tham gia và giám sát của cộng đồng, người dân cần phải được thông báo, biết được những tác động của dự án qua báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi dự án đi vào hoạt động; Có văn bản, chính sách quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng địa phương trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản từ tỉnh đến huyện đủ số lượng, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

3.4.2.2. Giải pháp kinh tế

- Tiến hành công bố rộng rãi danh mục, trữ lượng các mỏ đã được quy hoạch thăm dò, khai thác trên địa bàn, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư thăm dò và khai thác khoáng sản.

- Có những hỗ trợ thích đáng cho những hộ dân có đất xung quanh khu vực khai thác khoáng sản để tránh những khiếu nại về đất đai liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi hoặc chịu ảnh hưởng.

- Phân định rõ lợi ích của cộng đồng địa phương được hưởng bao nhiêu trong nguồn thu từ hoạt động khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

- Xây dựng quy chế ký quỹ môi trường bắt buộc đối với các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn. Có những chế tài cụ thể bắt buộc các doanh nghiệp phải nộp quỹ đúng theo quy định.

- Xác định rõ các nguồn thu của ngân sách Nhà nước từ khoáng sản, quỹ cải tạo môi trường, phí bảo vệ môi trường,… làm rõ việc sử dụng chúng đúng mục đích hay chưa? Có đóng góp cho mục tiêu bảo vệ môi trường không?

Thực tế điều tra cho thấy nguồn thu từ hoạt động khoáng sản tại các xã được nghiên cứu chưa được sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường (xã Thuận Hóa, Thạch Hóa) hoặc nếu có thì tỷ lệ điều tiết khoản thu từ hoạt động khoáng sản để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường là rất thấp, không đáng kể. Trong khi đó theo điều 5 Nghị định 74/2011/NĐ – CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thì phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Vì vậy các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ về vấn đề này để đảm bảonguồn kinh phí bảo vệ môi trường hợp lý nhằm đáp ứng được những yêu cầu thực tế, đảm bảo việc thu phí và sử dụng phí bảo vệ môi trường gắn liền với hiệu quả bảo vệ môi trường.

3.4.2.3. Giải pháp kỹ thuật

- Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại vào khai thác để nâng cao hiệu suất khai thác, hạn chế tối đa tổn thất tài nguyên và ô nhiễm môi trường.Giảm lượng mìn và cao độ trong mỗi lần khai thác, chọn thời điểm phù hợp... để tránh hiện tượng phát tán bụi ra khu vực dân cư. Nổ mìn theo lịch cố định, thực hiện nghiêm ngặt chế độ kiểm tra vành đai an toàn nổ mìn để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.

- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình công nghệ thăm dò, khai thác và phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản sau khi kết thúc khai thác.

- Đắp đê, chắn đê xung quanh khu vực khai thác khoáng sản để tránh hiện tượng đất, đá vùi lấp đất đai xung quanh của người dân cũng như ảnh hưởng đến an toàn của người dân xung quanh khu vực khai thác. Thực tế tại các mỏ đá được nghiên cứu thì mặc dù đã xây dựng đê xung quanh khu vực khai thác nhưng chưa đáp ứng độ cao và các yêu cầu kỹ thuật vì vậy vẫn diễn ra hiện tượng đá rơi giữa ruộng sản xuất của người dân.

- Đơn vị khai thác phải có trách nhiệm tiến hành thu gom đá rơi giữa đất sản xuất của người dân, để đảm bảo cho việc sử dụng đất sản xuất được tiếp tục diễn ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản ở huyện tuyên hóa, tỉnh quảng bình (Trang 87 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)