Những tồn tại hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý thuế thu nhập cá nhân tại cục thuế tỉnh tiền giang (Trang 76 - 80)

9. Kết cấu luận văn:

2.4.2 Những tồn tại hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động quản lý thuế TNCN tại Cục Thuể Tỉnh Tiền Giang còn tồn tại những hạn chế sau:

Thứ nhất, cơ quan thuế chưa kiểm soát được mọi nguồn thu nhập của từng cá nhân. Nguồn thu nhập chịu thuế TNCN đa dạng và phức tạp. Đối với những khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công thì cơ quan thuế có thể kiểm soát qua đơn vị trực tiếp chi trả thu nhập nhưng những người có thu nhập tự do ở nhiều nơi, kinh doanh đa vùng miền, bán hàng qua hệ thống mạng internet, đặc biệt là một bộ phận người mẫu, ca sĩ, cầu thủ…thì cơ quan thuế chưa kiểm soát được thu nhập, dẫn đến việc khai nộp thuế của một số cá nhân này thực hiện không nghiêm túc.

Thứ hai, sự phối hợp trong hoạt động quản lý giữa các bộ phận trong Cục Thuế và các đơn vị bên ngoài chưa hiệu quả. Việc phối hợp giữa các bộ phận trong cơ quan thuế chưa cao, gây nên tình trạng hạn chế của bộ phận này đã ảnh hưởng

đến kết quả, chất lượng quản lý của bộ phận khác hoặc đùn đẩy trách nhiệm khi có sai sót xảy ra. Trong phối kết hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan chức năng liên quan chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý thuế: chưa thường xuyên phối hợp với cơ quan công an trong xác nhận thông tin cư trú, tạm trú đối với người nước ngoài;chưa phối hợp với cơ quan hải quan để kiểm soát nghĩa vụ về thuế TNCN của người nước ngoài khi xuất nhập cảnh vào Việt Nam. Chưa khai thác hiệu quả nguồn thông tin về lao động, tiền lương trên ứng dụng trao đổi thông tin với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, việc cập nhật dữ liệu thuế TNCN trên các phần mềm quản lý thuế tại Cục Thuế tỉnh Tiền Giang còn tồn tại những mặc hạn chế.Việc kiểm tra và cập nhật thông tin quản lý trên phần mềm quản lý thuế còn chậm, nhất là đối với những hộ kinh doanh cá thể. Nhiều trường hợp NNT đã ngừng kinh doanh hoặc chuyển đi nơi khác nhưng cán bộ thuế không cập nhật trạng thái kịp thời. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động lập dự toán thu thuế TNCN năm 2017 không đạt chỉ tiêu dự toán giao (vì số lượng NNT hoạt động thực tế thấp hơn số liệu quản lý trong khi việc giao kế hoạch thu thuế hàng năm có căn cứ vào số lượng NNT quản lý trên ứng dụng làm cơ sở để lập kế hoạch thu NSNN cho năm sau). Hoạt động cấp mã số thuế TNCN và mã số thuế người phụ thuộc thường xảy ra sai sót, trùng lắp thông tin; việc khắc phục thường chậm và phức tạp; hoạt động thanh tra thuế chưa bao quát hết các đối tượng quản lý,... Ứng dụng phân tích rủi ro trong lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra là một cải tiến lớn của ngành thuế trong việc phân tích, đánh giá tình trạng hoạt động của doanh nghiệp để từ đó đưa ra danh sách doanh nghiệp có rủi ro cao để tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế. Tuy nhiên, hiện nay trên phần mềm này chưa có các tiêu chí về phân tích rủi ro đối với thuế TNCN nên việc thanh tra, kiểm tra thuế TNCN chủ yếu là kiểm tra sau hoàn thuế, giải thể, phá sản hoặc kết hợp với việc thanh tra, kiểm tra của các sắc thuế khác.

Thứ tư, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ thuế chưa đồng đều; kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng thanh tra, kiểm tra còn một số điểm hạn chế. Mặc dù trong thời gian qua, nhân sự tại Cục thuế Tỉnh Tiền Giang được lãnh đạo quan tâm, bố trí phù hợp tại các bộ phận, thường xuyên mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng cho cán bộ quản lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trình độ chuyên môn

của cán bộ thuế chưa được cải thiện nhiều, kỹ năng khai thác, tập hợp thông tin từ ứng dụng quản lý thuế của ngành còn yếu, kỹ năng tin học chưa đồng đều. Đây là một trở ngại trong việc thực hiện chiến lược cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế tại đơn vị.

Nguyên nhân

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật về thuế TNCN còn phức tạp. Hệ thống văn bản pháp luật về thuế nói chung và thuế TNCN nói riêng thường xuyên thay đổi, bổ sung với khối lượng văn bản hướng dẫn nhiều và một số quy định trong văn bản luật còn chưa rõ ràng đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế và NNT. Đặc biệt, căn cứ tính thuế, thuế suất, thu nhập chịu thuế của thuế TNCN bao gồm nhiều loại, nhiều mức thuế suất khác nhau đã gây khó khăn không nhỏ cho cán bộ quản lý và người nộp thuế trong việc kê khai, tính thuế. Mẫu biểu tờ khai thuế TNCN thường xuyên thay đổi hàng năm, đã gây khó khăn rất lớn cho NNT thực hiện nghĩa vụ kê khai tờ khai thuế, công tác kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa các năm cũng gặp khó khăn do các chỉ tiêu trên tờ khai thay đổi.

Thứ hai, ý thức của người dân về thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN chưa cao.Hiện nay cơ quan thuế đang thực hiện quản lý theo cơ chế NNT tự khai, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều NNT (nhất là cá nhân kinh doanh, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh)có ý thức về chấp hành chính sách thuế chưa cao, còn có những biểu hiện trốn tránh, thoái thác. Bên cạnh đó các cơ quan chi trả thu nhập, vì lợi ích của các cá nhân tại đơn vị nên cũng không thực hiện trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN trước khi chi trả thu nhập cho người lao động.

Thứ ba, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ thuế còn hạn chế, chưa cập nhật đầy đủ các kiến thức, kinh nghiệm quản lý mới để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, dẫn tới sự yếu kém trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đến mọi người dân, đồng thời dẫn đến những sai phạm trong quá trình quản lý thuế: tính thuế, quyết toán thuế... Với thủ đoạn trốn thuế ngày càng tinh vi, phức tạp, để phát hiện ra những sai phạm của NNT bắt buộc cán bộ thuế phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng phân tích, nhận biết các vấn đề phát sinh đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một số công chức thuế còn hạn chế kiến thức về tin học, ngoại

ngữ, kế toán doanh nghiệp, không chủ động học tập nâng cao trình độ, có tâm lý ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm đã làm giảm hiệu quả quản lý thuế trong thời gian qua.

Thứ tư, ứng dụng CNTT của ngành thuế chưa cập nhật kịp thời theo sự thay đổi của chính sách thuế. Mặc dù số lượng nâng cấp ứng dụng CNTT trung bình hằng năm tại cơ quan thuế là rất lớn, tuy nhiên vẫn chưa cập nhật kịp theo sự thay đổi của chính sách thuế. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho cán bộ thuế cũng như người nộp thuế. Hiện nay, các khâu của quy trình quản lý thuế đều được thực hiện trên ứng dụng CNTT. Do vậy, khi có sự thay đổi chính sách thuế mà ứng dụng hỗ trợ chưa nâng cấp kịp thời sẽ xảy ra tình trạng tồn đọng dữ liệu tại các bộ phận, nhất là đối với cán bộ tiếp nhận tờ khai của NNT. Nguyên nhân này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, theo dõi nghĩa vụ thuế đối với người nộp thuế, ảnh hưởng đến chất lượng xử lý công việc của cán bộ thuế.

KẾT LUẬN CHƯƠNG II

Chương này đã giới thiệu về Cục Thuế tỉnh Tiền Giang, kết quả hoạt động thu NSNN giai đoạn 2016-2018 .Trên cơ sở phân tích các số liệu từ các báo cáo tổng kết công tác thuế hàng năm giai đoạn 2016-2018, số liệu từ các phần mềm quản lý thuế của ngành, tác giả sử dụng phương pháp thống kê, so sánh kết quả hoạt động qua các năm. Tác giả cũng đã tính toán các tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý thuế tại Cục Thuế tỉnh Tiền Giang. Qua đó, tác giả đã đưa ra nhận định về những mặt đạt được, những hạn chế tồn tại trong hoạt động quản lý thuế tại Cục Thuế như: quản lý đăng ký thuế chưa chặt chẽ, việc kiểm tra, rà soát thu nhập từ nhiều nơi của cá nhân còn hạn chế, sự phối hợp giữa các bộ phận trong cơ quan thuế chưa đồng bộ, số liệu cập nhật vào các chương trình quản lý chưa kịp thời. Tác giả cũng đã nêu và phân tích nguyên nhân của những tồn tại này làm cơ sở đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế tại Cục Thuế Tỉnh Tiền Giang trong chương tiếp theo.

CHƯƠNG III: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN TẠI CỤC THUẾ TỈNH TIỀN GIANG

3.1 Quan điểm, định hướng và mục tiêu quản lý thuế tại Cục Thuế Tỉnh Tiền Giang từ năm 2019 đến năm 2020

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý thuế thu nhập cá nhân tại cục thuế tỉnh tiền giang (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)