8. Kết cấu khóa luận
2.3.1. Những mặt đạt được
Thứ nhất, công tác tuyển dụng đã tuân thủ đúng quy định của các văn bản pháp luật của nhà nước, các cấp có thẩm quyển về tuyển dụng công chức xã
Tuyển dụng công chức xã qua các năm 2015, 2016 và 2017 đều được xây dựng kế hoạch tuyển dụng rõ ràng có căn cứ vào những quy định cụ thể của pháp luật, như: Luật cán bộ công chức 2008, nghị định 24/2010/NĐ-CP, nghị định 112/2011/NĐ-CP,...Bên cạnh đó, việc tuyển dụng công chức cấp xã tại huyện được thực hiện dựa trên sự hướng dẫn của tỉnh Yên Bái về tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, HĐTD công chức cấp xã cũng xây dựng quy chế thi tuyển, xét tuyển cụ thể cho từng năm.
Có thể thấy từ việc xây dựng kế hoạch đến quá trình tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã của huyện đều bám sát theo các quy định, trình tự trong các văn bản pháp luật có liên quan. Điều này, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong tuyển dụng, giúp cho quá trình tuyển dụng diễn ra liên tục, thuận lợi, không bị chồng chéo giữa các khâu với nhau. Từ đó việc phân công nhiệm vụ và đánh giá trách nhiệm của từng bộ phận dễ dàng hơn, đảm bảo hiệu quả của công tác tuyển dụng.
Thứ hai, công tác thi tuyển, xét tuyển được thực hiện một cách tương đối hợp lý, rõ ràng
Việc áp dụng các hình thức thi tuyển, xét tuyển được thực hiện một cách linh hoạt phù hợp với tình hình của từng xã trong huyện. Những xã miền núi, điều kiện khó khăn cần phải có những ưu tiên hơn trong quá trình tuyển người vào làm việc.
Tất cả các bước trong quá trình tuyển dụng đều được lên kế hoạch rõ ràng, các năm đều có dự kiến về thời gian, địa điểm, nội dung thực hiện từng bước một cách cụ thể.
Thông báo tuyển dụng được đăng tải công khai, dễ hiểu với những thông tin đầy đủ về vị trí, chức danh cần tuyển, yêu cầu đối với người dự tuyển, thành phần hồ sơ, các chế độ ưu tiên, địa chỉ liên hệ,... giúp cho các cá nhân có nhu cầu dễ tiếp cận và tham gia dự tuyển hơn.
Thời gian triệu tập thí sinh, tổ chức thi tuyển thường vào những ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật) nên tạo điều kiện cho các thí sinh tham gia mà không bị ảnh hưởng nhiều đến công việc của họ, hơn nữa vào thời gian đó nơi tổ chức thi tuyển không có người đi làm nên an ninh, trật tự được đảm bảo hơn.
Việc thành lập HĐTD, các ban chuyên môn cũng như trong quá trình tổ chức thi tuyển, xét tuyển đều được lập thành các biên bản, có xác nhận của các bên, có chữ ký và được lưu giữ cẩn thận.
Thứ ba, tuyển dụng đã lựa chọn được những thí sinh đạt yêu cầu, bổ sung đội ngũ công chức có chất lượng cho UBND các xã, thị trấn
Như phần thống kê kết quả ở trên có thể thấy, qua 3 năm các công chức tuyển dụng được đều là những người tương đối trẻ, có bằng cấp đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các vị trí chức danh cần
tuyển. Thậm chí, có những người còn có trình độ đại học và cao đẳng, cao hơn so với yêu cầu trình độ trung cấp trở lên của yêu cầu tuyển dụng. Kết quả của các kỳ tuyển dụng cho thấy: Giai đoạn 2015-2017 huyện đã tuyển được thêm 57 công chức xã, trong đó xét tuyển 05 người, thi tuyển 52 người, 50 công chức có trình độ đại học, 07 công chức có trình độ cao đẳng. Với mặt bằng chung như vậy, việc tuyển dụng đã đạt yêu cầu về chất lượng, bổ sung được đội ngũ công chức có trình độ vào làm việc tại cấp xã.
Thứ tư, quá trình tuyển dụng có sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa các cấp, các bộ phận có liên quan
Trong quá trình tuyển dụng công chức cấp xã, tại UBND huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã có sự thống nhất và phối hợp làm việc giữa phòng Nội vụ, UBND huyện Trấn Yên với UBND các xã, thị trấn trong huyện và với Sở Nội vụ, UBND tỉnh Yên Bái. Sự phối hợp hoạt động chặt chẽ thể hiện ở cả hai chiều, từ UBND các xã, thị trấn đi lên và từ tỉnh đi xuống, UBND các xã, thị trấn có vai trò quan trọng trong việc xác định nhu cầu nhân sự trình lên UBND huyện, UBND tỉnh ra quy chế hướng dẫn việc tuyển dụng đối với các huyện, Sở Nội vụ trực tiếp cử công chức phối hợp với UBND huyện tổ chức việc thẩm định hồ sơ, đề thi, tổ chức xét tuyển và thi tuyển. UBND huyện Trấn Yên, phòng Nội vụ là cơ quan phụ trách chính, trực tiếp tổ chức tuyển dụng từ các khâu, lập kế hoạch, thông báo tuyển dụng, tổ chức thi tuyển, xét tuyển cho đến công nhận kết quả thi và bổ nhiệm vào ngạch công chức. Chính sự phối hợp chặt chẽ này đã tạo ra sự thống nhất hoạt động giữa các cấp, các bộ phận có liên quan trong quá trình thực hiện công tác tuyển dụng công chức cấp xã, góp phần nâng cao hiệu quả cũng như tăng tính công bằng, khách quan trong tuyển dụng.