huyện Cao Lãnh giai đoạn 2006 – 2010
v Khu vực nông nghiệp: + Yếu tố về điều kiện tự nhiên:
Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến việc lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Phân bổ sử dụng đất đai cho từng ngành phù hợp với tiềm năng đất đai là rất cần thiết, có như vậy đất đai mới được khai thác và sử dụng có hiệu quả.
Huyện Cao Lãnh có sông Tiền chảy qua, còn có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Ngoài ra, đất đai, khí hậu và điều kiện tự nhiên huyện Cao Lãnh là vùng chịu ảnh hưởng bởi ngập lũ, đây là lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Trong những năm qua, ngoài canh tác cây lúa là chủ lực thì khai thác lợi thế lợi thế mùa lũ nuôi tôm, cá trên ruộng lúa, tận dụng bãi bồi ven sông nuôi thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp là hướng đi phù hợp giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
+ Yếu tố về kinh tế:
Sự phát triển kinh tế của cả nước, của tỉnh đã tạo nguồn lực giúp cho nền kinh tế huyện Cao Lãnh từng bước phát triển và dần đi vào ổn định. Sự hỗ trợ về vốn cho xây dựng cơ bản, đặc biệt là đầu tư hạ tầng hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp, nông thôn, kết hợp với giao thông và bố trí dân cư, phục vụ đa mục tiêu; đầu tư đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trước, trong và sau thu hoạch ở tất cả các lĩnh vực đã góp phần thành công rất lớn cho ngành nông nghiệp huyện trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã được đề ra.
+ Yếu tố về xã hội: - Dân số và lao động:
Dân số huyện Cao Lãnh tăng chậm, từ 194.461 người năm 2000 lên 197.126 người năm 2005, tăng bình quân 0,3%/năm và đạt 200.616 năm 2010, tăng bình quân 0,35%/năm. Trong đó, dân số khu vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Năm 2000 dân số khu vực nông nghiệp là 159.652 người, chiếm 82% dân số toàn huyện; năm 2005 là 155.532 người, chiếm 79% dân số toàn huyện; năm 2010 là 131.804 người, chiếm 66% dân số toàn huyện. Nhìn chung, dân số khu vực nông nghiệp giai đoạn 2000 – 2010 có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Nguồn lao động trong nông nghiệp rất dồi dào, cần cù, sáng tạo và nhạy bén trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần cho ngành nông nghiệp phát triển.
- Công tác chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác:
Phòng nông nghiệp huyện Cao Lãnh thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo nhằm hướng dẫn và chuyển giao công nghệ sản xuất cho nông dân thông qua các mô hình nhằm giảm giá thành, tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng hiện đại, giúp người dân từng bước thấy được hiệu quả kinh tế, từng bước thay đổi tập quán canh tác. Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sự thành công trong công tác thực hiện quy hoạch.
v Khu vực công nghiệp, xây dựng: + Yếu tố kinh tế:
Huyện Cao Lãnh mang đặc thù nông nghiệp, thiếu những tiềm năng và lợi thế cạnh tranh để phát triển công nghiệp; cơ cấu kinh tế huyện chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp còn yếu kém, nguồn thu ngân sách thấp, thiếu vốn đầu tư cho phúc lợi công cộng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân chậm được nâng cao, một bộ phận dân nghèo nông thôn còn khó khăn. Do đó, phát triển kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp để thu hút đầu tư là mục tiêu chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội huyện Cao Lãnh ở mọi giai đoạn phát triển.
+ Yếu tố xã hội:
- Dân số và lao động: sự dịch chuyển dân số và lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp giai đoạn 2000 – 2010 theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế có diễn ra nhưng chậm. Cụ thể năm 2000 dân số trong khu vực phi nông nghiệp là 34.809 người, chiếm 18% dân số toàn huyện; năm 2005 là 41.594 người, chiếm 21% dân số toàn huyện; năm 2010 là 68.812 người, chiếm 34% dân số toàn huyện. Nhìn chung, lực lượng lao động trong khu vực phi nông nghiệp vừa thiếu vừa lại vừa yếu, trình độ dân trí chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao.
- Kết cấu hạ tầng: do điều kiện về nguồn tài chính có giới hạn nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, các công trình, dự án không triển khai đúng tiến độ dẫn đến một số chỉ tiêu quy hoạch trong giai đoạn 2006 – 2010 vẫn chưa đạt.
- Cơ chế quản lý: sự phối hợp giữa ngành với ngành, ngành với xã để cùng xử lý công việc chưa thường xuyên và chưa chặt chẽ; công tác chỉ đạo, điều hành ở một số nơi thiếu kiên quyết, dứt điểm, kịp thời, nhất là trên lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, xử lý ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản; thủ tục hành chính còn chưa thật sự thông thoáng, sát thực tế; công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân còn chậm, thiếu thuờng xuyên.