9. Cấu trúc của luận văn
1.3.3. Các giai đoạn hình thành kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục
của trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non
Dựa theo tác giả Hoàng Thị Oanh phân loại các giai đoạn hình thành kỹ năng, đối với trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi để hình thành kỹ năng nói chung và kỹ năng phòng tránh XHTD cho trẻ nói riêng, theo đề tài cần trải qua 3 giai đoạn:
1.3.3.1. Giai đoạn 1: Cung cấp các kiến thức cần thiết cho trẻ.
Để hình thành cho trẻ kỹ năng PTXHTD, trước tiên chúng ta cần cung cấp kiến thức cần thiết cho trẻ, làm sao cho trẻ hiểu được ý nghĩa của việc hành động tự bảo vệ bản thân trong những tình huống không an toàn là rất quan trọng và cần thiết. Giáo viên nên kết hợp với Bố mẹ giúp trẻ nhận biết được những tình huống XHTD thông qua tranh ảnh, video clip, trò chơi… trẻ sẽ tiếp thu kiến thức dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tránh kiểu cung cấp kiến thức theo kiểu giáo điều, khô cứng, lý thuyết suôn, vì như vậy trẻ sẽ khó hình dung, khó tiếp thu và không phát huy được giá trị thực tiễn ở trẻ.
1.3.3.2. Giai đoạn 2: Giúp trẻ nhận biết tình huống XHTD
Thông qua phương tiện trực quan: hình ảnh, video clip… mà giáo viên đã cung cấp ở giai đoạn 1. Đến giai đoạn này, GV tiến hành tổ chức trò chơi cho trẻ, ban đầu trẻ sẽ khó hình dung để nhận biết tình huống XHTD cũng như chưa thể lựa chọn được cách giải quyết cho bản thân. Lúc này GV sẽ gợi mở cho trẻ giúp trẻ nhận biết tình huống XHTD, gợi ý cho trẻ về cách lựa chọn cách giải quyết phù hợp với tình huống, giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia vào hoạt động. Dần dần trẻ sẽ nhận biết tình huống XHTD một cách chính xác mà không cần sự trợ giúp hay gợi ý của giáo viên.
1.3.3.3. Giai đoạn 3: Cho trẻ lựa chọn cách giải quyết một cách độc lập
Giai đoạn này, GV sẽ đặt ra các trò chơi về tình huống XHTD, lúc này GV sẽ không gợi mở hay giúp trẻ nhận biết tình huống XHTD cũng như không gợi ý cho trẻ về phương án giải quyết nữa. Mà yêu cầu trẻ phải quan sát và tự nhận biết tình huống XHTD, tự suy nghĩ và tự chủ động lựa chọn cách giải quyết theo cách nghĩ của mình. Vì chỉ khi trẻ chủ động và độc lập suy nghĩ, trẻ mới có thể ghi nhớ lâu hơn và như vậy kỹ năng PTXHTD mới được hình thành nhanh chóng và thật sự hiệu quả.
Bước đầu tham gia vào trò chơi, hầu hết trẻ thường hành động máy móc, không suy nghĩ, thực hiện hành động chỉ gói gọn trong việc lặp lại hành động của người lớn. Trẻ không thể tự hoạt động trong những điều kiện hoàn cảnh thay đổi hoặc trong những tình huống XHTD mới mà giáo viên đặt ra.
Về sau trẻ có thể tự mình hành động một cách độc lập ứng phó với các tình huống XHTD mà giáo viên đặt ra. Hoạt động này của trẻ lúc này mang tính chất cá nhân, thoát khỏi sự bắt chước. Trẻ biết nhận biết tình huống XHTD, chủ động lựa chọn cách giải quyết và tự xử lý tình huống có hiệu quả ở những hoàn cảnh khác nhau để bảo vệ bản thân.