Hệ thống thuế, phân loại thuế và các yếu tố cấu thành sắc thuế

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ HOÀN THIỆN CÔNG tác QUẢN lý NGUỒN THU từ đất tại CHI cục THUẾ THÀNH PHỐ ĐỒNG hới, QUẢNG BÌNH (Trang 25 - 30)

5. Kết cấu của đề tài và tổng quan nghiên cứu

1.2.3. Hệ thống thuế, phân loại thuế và các yếu tố cấu thành sắc thuế

a. Khái niệm hệ thống thuế

Hệ thống thuế là tổng hợp các yếu tố, bộ phận phục vụ cho công tác thuế của một đất nước, nhằm thực hiện chiến lược thuế của quốc gia đó trong từng thời kỳ cụ thể. Các bộ phận phục vụ này có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau theo một cơ chế và được bố trí, sắp xếp theo một mô hình nhất định nhằm đảm bảo tính thống nhất, đáp ứng khả năng thực hiện các chức năng và nhiệm vụ quản lý thu thuế.

Các bộ phận chính của một hệ thống thuế bao gồm:

Thứ nhất, hệ thống chính sách thuế. Hệ thống chính sách thuế bao gồm: các chính sách thuế trong phạm vi nội luật và các thoả thuận, cam kết quốc tế về thuế được ban hành dưới dạng các văn bản quy phạm pháp luật về thuế (như Luật, Pháp lệnh, Nghị Định, Thông tư, Hiệp định về thuế).

Thứ hai, hệ thống các định chế về thuế, là tổng hợp các qui định, các biện pháp về nghiệp vụ, về tổ chức, về kinh tế và hành chính... và cơ chế vận hành chúng nhằm tổ chức có hiệu quả việc thực thi các luật thuế như: Bộ máy hành thu thuế; các biện pháp nghiệp vụ quản lý và thu thuế; Hệ thống trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuế và hệ thống các tổ chức tư vấn, dịch vụ thuế... Trong đó, quan trọng nhất là hệ thống tổ chức bộ máy hành thu thuế và năng lực triển khai luật của đội ngũ công chức ngành Thuế.

Hiện nay, hệ thống các tổ chức tư vấn, dịch vụ thuế ở Việt Nam chưa phát triển và Nhà nước chưa có chủ trương mở rộng hình thức dịch vụ này. Tuy nhiên, một trong những nội dung cơ bản của cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế là tăng cường công tác phục vụ người nộp thuế - một hình thức dịch vụ công mà cơ quan thuế, người đại diện cho Nhà nước phải đảm nhiệm. Sự phát triển hình thức dịch vụ công trong công tác thuế đã được phần lớn các nước phát triển áp dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin cho đối tượng nộp thuế, tạo điều kiện để ĐTNT tự nguyện tuân thủ luật thuế, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thuế.

b. Phân loại thuế

Trên thực tế có nhiều tiêu thức phân loại thuế và các tiêu thức này rất đa dạng, tuỳ thuộc vào mục tiêu quản lý của mỗi quốc gia. Dưới đây ta nghiên cứu hai tiêu thức phân loại thuế cơ bản thường được áp dụng và tương ứng với hai tiêu thức phân loại có các hình thức thuế sau:

+ Phân loại theo phương thức đánh thuế: bao gồm các loại thuế sau:

* Thuế trực thu: Là loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế. Thuế trực thu có đặc điểm là đối tượng nộp thuế đồng nhất với đối tượng chịu thuế. Về nguyên tắc loại thuế này mang tính chất thuế luỹ tiến vì nó tính đến khả năng của người nộp thuế, người có thu nhập cao hơn phải nộp thuế nhiều hơn, còn người có thu nhập thấp thì nộp thuế ít hơn. Thuế

trực thu thường bao gồm các sắc thuế đánh trên thu nhập của tổ chức và cá nhân. ở nước ta các sắc thuế trực thu bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp...

Ưu điểm của thuế trực thu là động viên trực tiếp thu nhập của tổ chức, cá nhân vào ngân sách Nhà nước. Do đó, thuế trực thu có tác dụng rất lớn trong việc điều hoà thu nhập, giảm bớt sự chênh lệch đáng kể về mức sống giữa các tầng lớp dân cư, do đó bảo đảm công bằng trong xã hội.

Tuy nhiên, thuế trực thu dễ gây ra phản ứng từ phía người nộp thuế khi Nhà nước điều chỉnh tăng thuế. Hơn nữa việc theo dõi, tính toán số thuế phải nộp và thủ tục thu, nộp thuế hết sức phức tạp. Số thu động viên vào Ngân sách thường chậm và chi phí quản lý thu thuế khá tốn kém.

* Thuế gián thu: Là loại thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập hay tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hoá, dịch vụ. Người tiêu dùng những hàng hoá, dịch vụ đó là người chịu loại thuế này. Vì vậy, thuế gián thu được đánh khi có hành vi giao dịch hoặc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Thuế gián thu có đặc điểm là đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế không đồng nhất với nhau. Người nộp thuế là người sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, còn người chịu thuế là người tiêu dùng các hàng hoá đó. Thuế gián thu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cơ chế giá cả thị trường. Hay nói cách khác, thuế gián thu chịu ảnh hưởng của quan hệ cung cầu trên thị trường. Về nguyên tắc thuế gián thu mang tính chất luỹ thoái vì nó không tính đến khả năng thu nhập của người chịu thuế, người có thu nhập cao hay thấp đều phải chịu thuế như nhau nếu cùng mua một loại hàng hoá, dịch vụ. Loại thuế này thường là các sắc thuế có cơ sở đánh thuế là các khoản thu nhập dùng để tiêu dùng. ở nước ta các sắc thuế gián thu bao

gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu...

Ưu điểm của thuế gián thu là đối tượng chịu thuế rất rộng. Vì vậy, thuế gián thu đem lại nguồn thu thường xuyên và ổn định cho Ngân sách Nhà nước. Đối tượng quản lý thu thuế cũng tập trung hơn, nghiệp vụ tính và thu thuế thuế đơn giản, nên chi phí quản lý thuế cũng thấp hơn so với thuế trực thu.

Tuy nhiên, thuế gián thu có tính chất luỹ thoái nên không đảm bảo tính công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế. Nếu tính tỷ lệ động viên thuế gián thu so với thu nhập thì người giàu có tỷ lệ động viên thuế chịu thuế thấp hơn so với người nghèo.

+ Phân loại dựa vào cơ sở đánh thuế:

Căn cứ vào cơ sở đánh thuế để phân loại thuế thì có thể chia các sắc thuế thành ba loại như sau:

* Thuế thu nhập bao gồm các sắc thuế có cơ sở đánh thuế là thu nhập kiếm được. Thu nhập kiếm được từ nhiều nguồn: từ lao động dưới dạng tiền lương, tiền công; thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới dạng lợi nhuận, lợi tức cổ phần... do đó thuế thu nhập cũng có nhiều dạng: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập công ty, thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài, thuế lợi tức cổ phần...

* Thuế tiêu dùng là các loại thuế có cơ sở đánh thuế là phần thu nhập của tổ chức, cá nhân được mang ra tiêu dùng trong hiện tại. Trong thực tế loại thuế tiêu dùng được thể hiện dưới nhiều dạng như thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...

* Thuế tài sản là các loại thuế có cơ sở đánh thuế là giá trị tài sản. Tài sản có nhiều hình thức biểu hiện:

- Tài sản tài chính gồm có tiền mặt, tiền gửi, chứng khoán, thương phiếu...;

- Tài sản cố định gồm nhà cửa, đất đai, máy móc, nhà máy, xe cộ..; - Tài sản vô hình như thương hiệu, bí quyết kỹ thuật ...

Thuộc loại thuế tài sản là các sắc thuế như thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp...

+ Các yếu tố cơ bản cấu thành một sắc thuế

Khác với các hình thức động viên tài chính khác, thuế thực hiện chuyển giao thu nhập dưới các hình thức biểu hiện cụ thể của mình bằng một sắc thuế. Mỗi sắc thuế đều phải được quy định bằng một văn bản pháp luật và được gọi là một luật thuế. Trong một luật thuế thông thường chứa đựng các yếu tố cơ bản sau đây:

- Chủ thể chịu sự điều chỉnh của một luật thuế: Chủ thể chịu sự điều chỉnh của một luật thuế chỉ rõ khoản thuế đó do chủ thể nào phải nộp. Luật thuế gọi chủ thể đó là đối tượng nộp thuế (ĐTNT).

Đối tượng nộp thuế theo luật định là thể nhân hoặc pháp nhân có trách nhiệm phải nộp thuế cho Nhà nước theo luật pháp quy định. Đối tượng nộp thuế không nhất thiết là đối tượng chịu thuế. Trong nhiều trường hợp đối tượng nộp thuế cũng chính là đối tượng chịu thuế, khi trong sắc thuế đó người nộp thuế không có khả năng chuyển giao gánh nặng thuế cho người khác.

- Khách thể chịu sự điều chỉnh của luật thuế (Đối tượng chịu thuế): Khách thể trong luật thuế chỉ rõ đối tượng được đưa ra làm cơ sở tính thuế hay đối tượng chịu thuế. Trong luật thuế, người ta gọi khách thể là đối tượng chịu thuế.

Do cơ sở thuế là thu nhập, hàng hoá hay tài sản, do đó đối tượng chịu thuế cũng có thể là thu nhập, giá trị hàng hoá hoặc giá trị của tài sản. Mỗi một luật thuế có một đối tượng chịu thuế riêng. Đối tượng chịu thuế có thể được tính trên một đơn vị, trên một đơn vị vật lý hoặc một đơn vị giá trị.

- Mức thuế phải nộp trên một đơn vị đối tượng chịu thuế (Thuế suất): Mức thuế thể hiện mức độ động viên của Nhà nước trên một đơn vị của đối tượng chịu thuế. Trong ngôn ngữ luật thuế người ta gọi mức thuế phải nộp là thuế suất hay định suất.

Trong một luật thuế, thuế suất hay định suất là linh hồn của sắc thuế, mang trong mình nó gánh nặng của thuế, thể hiện nhu cầu cần tập trung nguồn tài chính và biểu hiện chính sách điều chỉnh kinh tế - xã hội của Nhà nước, đồng thời cũng là mối quan tâm hàng đầu của người nộp thuế. Vì vậy, việc xác định thuế suất trong một luật thuế phải quán triệt quan điểm vừa coi trọng lợi ích chung của quốc gia vừa phải chú ý thích đáng đến lợi ích của người nộp thuế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tập trung và tích tụ trong việc sử dụng công cụ thuế.

Thuế suất (t) được xác định dựa trên hai yếu tố: tổng số thuế cần huy động cho Nhà nước (T) và cơ sở thuế (C):

t = T/C

Tổng số thuế cần huy động phụ thuộc vào nhu cầu chi tiêu của Nhà nước trong từng thời kỳ, mức thu nhập và mức tích luỹ đạt được trong nền kinh tế quốc dân.

Cơ sở thuế là một bộ phận của đối tượng tính thuế được xác định làm căn cứ tính thuế. Cơ sở thuế thường thấp hơn đối tượng tính thuế, bởi vì tồn tại mức tối thiểu không phải nộp thuế, miễn giảm thuế. Một cơ sở thuế sau khi tính và nộp một loại thuế tương ứng có thể trở thành cơ sở của một loại thuế khác.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ HOÀN THIỆN CÔNG tác QUẢN lý NGUỒN THU từ đất tại CHI cục THUẾ THÀNH PHỐ ĐỒNG hới, QUẢNG BÌNH (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w