Thứ nhất, nâng cao lợi ích của khách hàng: Quản trị quan hệ khách hàng giúp nâng cao khả năng tương tác giữa doanh nghiệp va khách hàng, khách hàng có thể tìm kiếm thêm thông tin về sản phẩm, qua đó khách hàng có thể khai thác thêm được tính năng của sản phẩm, khách hàng có thể nhận thêm từ doanh nghiệp các dịch vụ gia tăng khác.
Thứ hai, duy trì và nâng cao lòng trung thành của khách hàng: Quản trị quan hệ khách hàng làm khách hàng hài lòng hơn về sản phẩm và doanh nghiệp. Khách hàng có thể tương tác với doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể nắm bắt được những điểm mà khách hàng chưa hài lòng, từ đó điều chỉnh các hoạt động marketing cho phù hợp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc duy trì khách hàng và làm cho khách hàng trung thành hơn.
Đối với doanh nghiệp:
Thứ nhất, tiết giảm chi phí:
• Giảm chi phí marketing: Quản trị quan hệ khách hàng sẽ giúp nâng cao hiệu quả của sự tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động marketing, giảm chi phí cho hoạt động marketing.
• Giảm chi phí bán hàng: Nhờ có quản trị quan hệ khách hàng, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí tìm kiếm khách hàng, tiết kiệm được chi phí chăm sóc khách hàng, tiết kiệm chi phí nghiên cứu thị trường, v.v…
Thứ hai, lựa chọn thị trường mục tiêu chính xác hơn: Thông qua quản trị quan hệ khách hàng, doanh nghiệp có thể đánh giá được khả năng sinh lời của từng khách hàng, từ đó phân loại đánh giá và lựa chọn đầu tư vào từng nhóm khách hàng một cách có hiệu quả nhất.
Thứ ba, giảm thiểu tính chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa các hệ thống, qua đó doanh nghiệp sử dụng tập trung vào các hệ thống trọng điểm và tiết giảm chi phí đầu tư: Quản trị quan hệ khách hàng được xây dựng thành hệ thống dữ liệu và thông tin khách hàng, đồng thời lưu giữ trong ngân hàng dữ liệu trong một khoảng thời gian
dài. Điều này càng trở nên quan trọng khi doanh nghiệp ngày càng mở rộng quy mô kinh doanh, khi sự phân mảnh thị trường ngày càng trở nên mạnh mẽ và nhu cầu của khách hàng hướng tới sự cá biệt hóa.
Đối với nhà quản lý:
Quản trị quan hệ khách hàng cung cấp cho nhà quản lý những công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp nhà quản lý theo dõi được quá trình tương tác, giao dịch của nhân viên đối với khách hàng; thống kê, phân tích, đưa ra đánh giá và dự đoán khả năng kinh doanh của doanh nghiệp; phát hiện những lỗ hổng trong quy trình, hệ thống, sản phẩm, nhân sự của doanh nghiệp và có thể điều chỉnh, cải tiến nhanh chóng, phù hợp cho những vấn đề phát sinh.
Đối với nhân viên:
Quản trị quan hệ khách hàng cho phép nhân viên tự quản trị hiệu quả thời gian, công việc của mình. Đồng thời, CRM giúp nhân viên nắm rõ thông tin về từng khách hàng của mình; có thể đánh giá khả năng chuyển đổi, bán hàng cho khách hàng và đưa ra phương thức tương tác phù hợp; tăng khả năng hỗ trợ hậu mãi, tạo được uy tín với khách hàng.