1.3.3.1. Tạo động lực thông qua tiền lương
Tiền lương hay tiền công trả cho người lao động được coi là một trong số các hình thức tạo động lực vật chất cơ bản đối với người lao động. Khi người lao động muốn nhận được tiền lương cao thì người lao động cần nâng cao giá trị bản thân, nâng cao trình độ, chuyên môn để đóng góp vào thực hiện mục tiêu của tổ chức. Tiền lương được coi là một công cụ hữu hiệu giúp giữ chân người lao động và khuyến khích họ làm việc hiệu quả nhất có thể.
Tiền lương là một phần không thể thiếu trong việc duy trì cuộc sống, đảm bảo những nhu cầu thiết yếu của con người, giúp họ tái sản xuất sức lao động. Ngoài ra tiền lương còn thể hiện giá trị, địa vị của người lao động và là mục tiêu lao động hàng đầu của đa số người lao động.
Vì vậy, mỗi tổ chức cần xây dựng cho mình một hệ thống trả lương hợp lý và khoa học. Để tiền lương được sử dụng như một đòn bẩy kinh tế thúc đấy người lao động làm việc có hiệu quả và thực sự phát huy được vai trò của nó thì khi xây dựng chế độ trả lương tổ chức cần phải chú ý đến các nguyên tắc sau:
Đảm bảo tiền lương phải dựa trên cơ sở kết quả thực hiện công việc của
người lao động và công bằng giữa người lao động. Công bằng sẽ khuyến khích người lao động hăng hái làm việc và đảm bảo mức lương được trả tương xứng với kết quả làm việc của người lao động;
Tiền lương phải đáp ứng nhu cầu tái sản xuất lao động và nhu cầu nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động;
Tiền lương phải đảm bảo hợp lý giữa các ngành nghề trong nền kinh tế và
công bằng so với thị trường lao động;
Tiền lương xây dựng phải đảm bảo rõ ràng dễ hiểu, để người lao động hiểu về quy chế lương, biết cách tính lương của mình.
1.3.3.2. Tạo động lực thông qua tiền thưởng
Tiền thưởng chính là khoản tiền bổ sung cho tiền lương nhằm ghi nhận những thành tích đặc biệt hoặc thành tích xuất sắc của người lao động. Tiền thưởng được sử dụng như công cụ nâng cao hiệu suất, chất lượng công việc của người lao động.
Nhà quản lý sử dụng công cụ tạo động lực thông qua tiền thưởng phải căn cứ dựa trên các tiêu chuẩn cụ thể đảm bảo sự công bằng và hợp lý.
Tiền thưởng không chỉ là phương tiện bổ sung thu nhập cho người lao động mà còn là phương tiện đánh giá kết quả làm việc, tinh thần trách nhiệm của người lao động đối với công việc. Tiền thưởng là một trong những biện pháp khuyến khích người lao động quan tâm đến kết quả làm việc, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, thời gian hoàn thành công việc.
Các nguyên tắc tạo động lực thông qua tiền thưởng:
Tiền thưởng cần dựa trên thành tích mà mỗi cá nhân đạt được;
Tiền thưởng phải dựa trên những căn cứ tiêu chuẩn thưởng nhất định của tổ chức;
Thời gian không nên quá dài giữa điểm diễn ra hành vi được thưởng;
Mỗi tổ chức căn cứ vào điều kiện, đặc điểm của tổ chức mình mà lựa chọn
hình thức trả thưởng phù hợp để làm cho tiền thưởng trở thành đòn bẩy kinh tế thúc đẩy việc tạo động lực làm việc cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức.
1.3.3.3. Tạo động lực thông qua phụ cấp
Phụ cấp là việc tạo động lực thông qua khoản tiền hoặc các chương trình ưu đãi mà tổ chức hỗ trợ cho người lao động do việc họ đảm nhận thêm trách nhiệm. Phụ cấp nhằm bổ sung cho tiền lương, thưởng, nhằm bù đắp thêm cho người lao động và tạo ra sự công bằng giữa những người lao động, góp phần hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Một số phụ cấp như: phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động.
1.3.3.4. Tạo động lực thông qua phúc lợi
Một trong những hình thức tạo động lực quan trong thông qua tài chính chính là thông qua các phúc lợi. Đây là phần thù lao gián tiếp được trả cho người lao động dưới dạng các hỗ trợ về cuộc sống, có thể chia làm hai loại:
Phúc lợi cố định là khoản phúc lợi mà các tổ chức, hình thành theo yêu cầu chung của pháp luật như các loại bảo hiểm là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;
Phúc lợi tự nguyện là khoản phúc lợi mà các doanh nghiệp hay tổ chức đưa ra dựa trên khả năng kinh tế của doanh nghiệp hay tổ chức cũng như sự quan tâm của lãnh đạo ở đó, ví dự như: phúc lợi về bảo hiểm tự nguyện ở mức cao hay thấp, phúc lợi về cha mẹ, con cái, ốm đau, hiếu hỉ.
Nguyên tắc chi trả phúc lợi:
Đảm bảo nguyên tắc cả hai bên là người lao động và tổ chức cùng có lợi;
Đảm bảo khách quan và công bằng giữa những người lao động với nhau,
Đảm bảo sự hưởng ứng của người lao động;
Qua các chương trình phúc lợi có thể thấy đây cũng là một công cụ tạo động lực làm việc hiệu quả tác động đến người lao động trong tổ chức. Các tổ chức thực hiện tốt các chương trình phúc lợi là thể hiện sự quan tâm tới người lao động, góp phần tạo động lực làm việc cho người lao động, khuyến khích họ yên tâm làm việc và làm việc có hiệu quả.