Chính sách nông nghiệp ở Việt Nam có truyền thống bị chi phối bởi chính sách lúa gạo. Trong thời gian gầy đây, đặc biệt là sau khi ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, nghề cá và nuôi trong thuỷ sản đã trở nên quan trọng hơn với mức độ tăng giá trị sản lượng đáng kể (GSO 2003). Tuy nhiên, lúa gạo có tầm quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp vì sự phân phối thu nhập cuối cùng của các hộ gia đình phụ thuộc vào lúa gạo kể cả với tư cách người tiêu dùng và/hoặc người sản xuất. Hơn nữa, chính phủ đã quan tâm đáng kể tới các vấn đề có liên quan đến lúa gạo do chính sách lúa gạo gắn liền với việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia ít nhất thì cũng từ khi phải nhập khẩu một lượng lớn gạo trong thời kỳ cận kề với nạn đói ở miền Bắc Việt Nam năm 1987. Quá trình cải cách trong thập kỷ 90 được đánh dấu bởi sự chuyển đổi quan trọng trong chính sách đối với lúa gạo. Cùng với việc mở cửa nền kinh tế và tự do hoá các thị trường, các hạn chế đối với việc xuất khẩu gạo và các rào chắn trong nước trong việc mua bán gạo được nới lỏng làm giá gạo thực tế tăng lên. Đồng thời, những hạn chế trong việc nhập khẩu phân bón giảm xuống nên giá phân bón cũng giảm. Sự tăng giá gạo và giảm giá phân bón làm tăng sản lượng gạo trên 20% và tăng thu nhập cho nông dân (Macours và Swinnen 2002). Sự phát triển này được hỗ trợ bởi sự kéo dài quyền được sử dụng đất và sự hội nhập nhiều hơn của Việt Nam và thị trường các sản phẩm nông nghiệp thế giới.
Cả chính sách đất đai mới và chính sách về lúa gạo mới đã thúc đẩy sự phát triển trong đó các yếu tố của sản xuất sẵn có nhất là lao động giản đơn và đất đai có thể được sử dụng hiệu quả hơn trong quá trình sản xuất. Hình 3.2 cho thấy sản xuất gạo ở Việt Nam đã liên tục tăng từ cuối những năm 1980. Việt Nam là đất nước có sản lượng gạo tăng cao nhất trong thập kỷ 90. Theo FAO, tốc độ tăng sản lượng gạo của Việt Nam trong thập kỷ 90 là 5.3% so với mức 1.5% ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Sự tăng sản lượng gạo làm tăng lượng gạo xuất khẩu và giá trị xuất khẩu ít nhất cũng là cho tới khi có cuộc khủng hoảng Châu Á khi mức cầu quốc tế giảm và giá gạo xuất khẩu cũng giảm. Trong giai đoạn 1992-1998 giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trung bình 9.2% mỗi năm. Một nửa sự tăng lên này là do sự biến động của tỷ giá hối đoái, một phần năm là do tăng mức giá gạo quốc tế và phần còn lại là do sự cải thiện tính hiệu quả và chất lượng. Ngày cả sau cuộc khủng hoảng khu vực, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Thái Lan).
Nguồn: Nguyễn Sinh Cúc (2003, tr. 354)
Sự tăng thu nhập chung của các hộ gia đình trong giai đoạn này rõ ràng là có tính chất vì người nghèo nhưng với biểu hiện khác nhau giữa các vùng. Đáng chú ý nhất là các hộ nông thôn ở miền nam có mức tăng thu nhập là 95% trong khi nông thôn miền bắc chỉ tăng có 55%. Tỷ lệ thu nhập giữa nông thôn miền bắc so với nông thôn miền nam giảm xuống còn 0.69. Benjamin và Brand (2004) đưa ra một số nguyên nhân giải thích về diễn biến sự bất bình đẳng là do sự mở rộng của sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 1992-1998. Đầu tiên, việc tăng sản lượng và hội nhập vào thị trường các sản phẩm nông nghiệp thế giới đi kèm với sự thương mại hoá khu vực trồng trọt. Chiến lược này được đặc biệt triển khai ở miền nam. Số liệu khảo sát các hộ gia đình (WB 2003) cho thấy trong năm 1998 trên quá nửa sản lượng lương thực được đưa ra thị trường ở miền nam (Ven biển nam trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông cửu Long), so với tỷ lệ một phần ba ở phía Bắc. Cho tới năm 2002, miền nam vẫn tiếp tục tăng mức thương mại hoá các sản phẩm lương thực trong khi miền bắc không đi được bao xa. Biểu hiện này có thể được xem là một trong những nguyên nhân lý giải cho mức độ tăng trưởng vì người nghèo khá cao ở các khu vực miền Nam Việt Nam trong giai đoạn khảo sát trước. Thứ hai, các khu vực sản xuất nhiều lúa gạo có xu hướng hưởng lợi khi giá gạo tăng trong khi các khu vực thiếu gạo lại chịu thiệt. Mức độ chuyên môn hoá là rất rõ ở miền nam (đặc biệt là vùng ven biển nam trung bộ, đông nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long), trong khi ở miền bắc thì chỉ có vùng đồng bằng sông hồng là sản xuất lúa gạo3. Thứ ba, giá lúa gạo tăng lên đã có ảnh hưởng hai chiều tới người nghèo. Một mặt, chúng tạo ra thu nhập cao hơn cho những hộ trồng lúa nhưng mặt khác chúng làm tăng giá loại lương thực chủ yếu của người nghèo. Trong khi ích lợi và chi phí là tương đối cân bằng giữa các hộ trong cùng một nhóm thu nhập thì nếu xét theo phân bố không gian, số liệu cho thấy lợi ích ròng của các hộ ở miền nam chuyên sản xuất lúa gạo là cao hơn. Điểm cuối cùng này có thể lý giải một phần cho chiều hướng bất bình đẳng trong nội bộ vùng chậm hơn so với sự bất bình đẳng giữa các vùng (xem thêm phần về tình trạng nghèo ở chương 2).
Cho dù có những thành công to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và sự giảm đáng ngạc nhiên tình trạng nghèo theo đầu người với việc sử dụng nhiều các yếu tố sản xuất là lao động giản đơn và đất đai trong giai đoạn này, thập kỷ 90 vẫn chứng kiến sự dịch chuyển xa dần khỏi ngành nông nghiệp. Sự dịch chuyển này có thể được quan sát ở Bảng 3.3