Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện tam đường, tỉnh lai châu (Trang 45 - 48)

5. Kết cấu của đề tài

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Huyện Tam Đường nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lai Châu, được thành lập ngày 14 tháng 01 năm 2002 trên cơ sở tách thị trấn Phong Thổ và 14 xã thuộc huyện Phong Thổ. Ngày 27/12/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, theo đó huyện có 68.656,56 ha diện tích tự nhiên và 40.685 nhân khẩu, có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Sùng Phài, Nùng Nàng, Bản Giang, Bản Hon, Thèn Xin, Tả Lèng, Hồ Thầu, Bình Lư, Sơn Bình, Nà Tăm, Bản Bo, Khun Há và thị trấn Tam Đường. Đến ngày 8/4/2008, Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh huyện Tam Đường, thành lập thêm xã mới Giang Ma nâng tổng số đơn vị hành chính lên 14, trong đó có thị trấn Tam Đường và 13 xã. Huyện Tam Đường có vị trí tiếp giáp như sau:

- Phía Bắc giáp huyện Phong Thổ;

- Phía Tây giáp huyện Sìn Hồ và thành phố Lai Châu; - Phía Đông giáp huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai);

- Phía Nam giáp huyện Sìn Hồ và huyện Than Uyên.

3.1.1.2. Địa hình, địa mạo

Huyện Tam Đường có địa hình đa dạng, độ dốc lớn, bị chia cắt, có nhiều núi cao như sườn phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn, cao trên 1.000m. Ngoài ra còn có nhiều núi cao từ 1.500-2.000m, đặc biệt ở phía Nam huyện, đỉnh cao nhất 2.296m, xen kẽ những dãy núi cao là các thung lũng và sông suối. Trên địa bàn huyện có thị trấn Tam Đường có địa hình bằng phẳng hơn, chủ yếu là thung lũng và đồi núi thấp nên đã hình thành cánh đồng Bình

Lư với diện tích lớn, đất đai mầu mỡ để chuyên canh cây lúa nước. Huyện Tam Đường được cấu tạo bởi hai dãy núi Hoàng Liên Sơn và Pu Sam Cáp. Quá trình kiến tạo địa chất đã hình thành mạng lưới hang động lớn nhỏ trong lòng các dãy núi, tạo ra nhiều danh thắng đẹp như: Động Tiên Sơn, động Bản Hon, động Hủm Xanh…cùng nhiều thác nước như Thác Cầu Mây, thác Tác Tình, Cổng Trời, điều này tạo ra những tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch, nhất là các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm.

3.1.1.3. Khí hậu, thủy văn

Là một huyện nằm ở vùng Tây Bắc nước ta nên khí hậu tại đây cũng mang đặc trưng của vùng Tây Bắc. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ăn quả ôn đới và loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 210C - 230C chia làm hai mùa theo độ ẩm là mùa mưa và mùa khô, chia làm 4 mùa theo nhiệt độ: xuân, hạ, thu, đông. Trên địa bàn huyện không có sông lớn chảy qua, chỉ có các chi lưu của sông Nậm Na, Nậm Mu. Năm 2019, toàn huyện hiện có 182 công trình thuỷ lợi với 424,1 km cung cấp nước tưới cho 5.177 ha và 110 công trình nước sinh hoạt nông thôn tại 130 bản/14 xã, thị trấn trấn trên địa bàn huyện (UBND huyện Tam Đường, 2019).

3.1.1.4. Các nguồn tài nguyên - Tài nguyên đất

Tam Đường có diện tích đất tự nhiên là 68.542,38 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là hơn 55.000 ha (chiếm 80,2% diện tích toàn huyện) (UBND huyện Tam Đường, 2019). Trên địa bàn huyện có cánh đồng Bình Lư với diện tích lớn, đất đai mầu mỡ để chuyên canh lúa nước. Nơi đây có 3 hệ thống sông suối chính, phân bố đồng đều, nguồn nước dồi dào phù hợp cho việc phát triển nông lâm nghiệp theo hướng tập trung với đa dạng các sản phẩm chất lượng cao.

Tam Đường có diện tích đất lâm nghiệp hơn 55.000 ha (chiếm 80% diện tích toàn huyện), trong đó đất có rừng hơn 33.000 ha. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường, gắn liền với đời sống nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, do nhu cầu dân sinh nên một bộ phận nhân dân còn vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng làm cho rừng ngày càng suy giảm về diện tích và chất lượng. Mất rừng hệ lụy là sạt lở đất, lũ quét vào mùa mưa, hạn hán, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, làm cho đời sống người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, giữ cho được diện tích rừng hiện có, đẩy nhanh diễn thế, tái sinh phục hồi và tích cực trồng rừng mới đang là nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề và cấp bách đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường.

- Tài nguyên khoáng sản

Huyện Tam Đường được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản tương đối lớn, chủ yếu là khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, đá, sỏi, đất sét…Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có một số mỏ khoáng sản có giá trị kinh tế cao như: mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon); mỏ vàng, vàng đa kim ở các xã: Khun Há, Tả Lèng, Thèn Sin; mỏ sắt, chì, kẽm, nước khoáng… Với nguồn khoáng sản có trữ lượng lớn và phong phú, các hoạt động khai thác khoáng sản tạo điều kiện để huyện Tam Đường phát triển các ngành công nghiệp.

- Tài nguyên du lịch

Tam Đường được coi là cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan tuyệt đẹp được công nhận là danh lam thắng cảnh với thác Cầu Mây, thác Tác Tình, động Tiên Sơn, cọn nước Nà Khương và địa điểm mới khai trương là “cầu kính rồng mây”, đây là nơi du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh nên thơ của thành phố Lai Châu. Cùng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Putaleng được mệnh danh là “nóc nhà thứ hai của Đông

Dương” với độ cao 3.049m, chỉ sau đỉnh Fansipan cao 3.143m. Những năm gần đây, du lịch thám hiểm đỉnh Putaleng tại xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường trở thành sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm mới hấp dẫn dành cho du khách yêu thích khám phá mạo hiểm. Thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đường giai đoạn 2015-2020, đến nay, huyện đã xây dựng được 10 điểm du lịch, trong đó có nhiều điểm du lịch cộng đồng, sinh thái thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm như: Bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu); bản Lai Chải 1 (xã Khun Há); điểm du lịch cọn nước Nà Khương - Phiêng Tiên (xã Bản Bo); đồi thông Thèn Pả (xã Tả Lèng); Bản Thẳm (xã bản Hon)… Bên cạnh tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch, Tam Đường là địa phương tiếp giáp với khu du lịch Sa Pa, nằm trên hành trình của những tour du lịch thu hút nhiều du khách như: Sa Pa - Lai Châu - Điện Biên; Kim Bình - Lai Châu - Sa Pa. Năm 2018, toàn huyện thu hút được gần 80.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 24,2 tỷ đồng. Năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến với huyện Tam Đường đạt hơn 100.000 lượt, doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt trên 30 tỷ đồng (UBND huyện Tam Đường, 2019).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện tam đường, tỉnh lai châu (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)