1.2.4.1. Quy mô tín dụng
Quy mô tín dụng không phải là chỉ tiêu phản ánh trực tiếp RRTD nhưng nếu quy mô tín dụng tăng quá nóng, không tương ứng với khả năng kiểm soát của NH thì lúc đó, quy mô tín dụng sẽ phản ánh RRTD. Sự thể hiện này ở các khía cạnh:
Thứ nhất, nếu quy mô tín dụng quá lớn (xét trên tổng dư nợ của NH), vượt khả năng quả lý của NH thể hiện qua sự gia tăng các chỉ tiêu: dư nợ trên tổng tài sản, dư nợ/số lượng cán bộ tín dụng so với mức trung bình của các NH, số lượng KH/số lượng cán bộ tín dụng,. thì mức độ rủi ro tăng lên.
Thứ hai, nếu NH mở rộng quy mô tín dụng theo hướng nới lỏng tín dụng cho từng KH: cho vay vượt quá nhu cầu của KH thì sẽ dẫn đến rủi ro KH sử dụng vốn sai mục đích, không kiếm soát được mục đích sử dụng vốn vay. Điều này sẽ gây ra rủi ro cho NH.
1.2.4.2. Cơ cấu tín dụng
Cơ cấu tín dụng phản ánh mức độ tập trung tín dụng trong một ngành nghề, lĩnh vực, loại tiền. do vậy, nếu cơ cấu tín dụng quá thiên lệch vào những lĩnh vực mạo hiểm, sẽ phản ánh rủi ro tín dụng tiềm năng. Cơ cấu tín dụng có thể
được chia theo ngành, loại hình doanh nghiệp, thời hạn tín dụng, loại tiền tệ hay theo tài sản đảm bảo.
1.2.4.3. Nợ quá hạn
Nợ quá hạn là một trong những chỉ tiêu phản ánh rủi ro tín dụng. Nợ quá hạn sẽ phát sinh trong trường hợp khi đến thời hạn trả nợ theo cam kết, người vay không có khả năng trả được nợ. Tùy theo thời gian quá hạn, khoản nợ này sẽ được xác định là nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, hoặc là nợ có khả năng mất vốn... Nợ quá hạn được phản ánh qua 2 chỉ tiêu sau:
(i) Tỷ lệ nợ quá hạn = Số dư nợ quá hạn / Tổng dư nợ
(ii)Tỷ lệ khách hàng có nợ quá hạn trên tổng số khách hàng = Số khách hàng có nợ quá hạn / Tổng số khách hàng có dư nợ.
Nếu ngân hàng có chỉ tiêu nợ quá hạn và số khách hàng có nợ quá hạn lớn thì ngân hàng đó đang có mức rủi ro cao và ngược lại.
ỉ.2.4.4. Nợ xấu
Ở Việt Nam theo quy định số 18/2007/QD-NHNN ngày 22/04/2005 của NHNN Việt Nam, nợ xấu là các khoản nợ thuộc nhóm 3,4 và 5 quy định tại điều 6, bao gồm:
Nhóm 3 (Các khoản nợ dưới tiêu chuẩn):Các khoản nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày.
Nhóm 4 (Các khoản nợ nghi ngờ): Các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày. Tỷ lệ nợ xấu cũng là một chỉ tiêu để đánh giá chất lượng tín dụng của tổ chức tín dụng. Nếu tỷ lệ này cao thì rủi ro tín dụng cao vì đây là những khách hàng có dấu hiệu khó khăn về mặt tài chính nên khó trả nợ cho Ngân hàng.
Các khoản nợ này phát sinh là do ngân hàng thẩm định thiếu chính xác, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc phá sản, nợ phải trả tăng, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc cố ý không trả nợ.... Điều này sẽ gây cho Ngân hàng khó khăn lớn trong việc bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Nếu nợ xấu không giải quyết kịp thời thì đến một thời điểm nào đó khả năng trích lập sự phòng rủi ro sẽ không đủ để bù đắp phần tổn thất đó và việc nâng cao tiềm lực tài chính đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn là vấn đề khó khăn cho các Ngân hàng.
1.2.4.5. Dự phòng rủi ro tín dụng
Tỷ lệ trích lập = Dự phòng RRTD/ Tổng dư nợ kỳ báo cáo dự phòng RRTD được trích lập
Tại Việt Nam hiện nay, việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của hầu hết các Ngân hàng được thực hiện theo quyết định số 493/QD-NHNN và quyết định số 18/2007/QD-NHNN của NHNN Việt Nam.Theo đó, tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với từng nhóm nợ như sau: Nhóm 1 là 0%; nhóm 2 là 5%; Nhóm 3 là 20%; Nhóm 4 là 50%; Nhóm 5 là 100%.
Dự phòng chung: Tổ chức tín dụng thực hiện trích lập và duy trì dự phòng chung bằng 0,75% tổng giá trị các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4.
Tỷ lệ này ngày càng cao chứng tỏ rủi ro càng cao vì dự phòng trích lập nhiều sẽ làm tăng chi phí của Ngân hàng dẫn đến giảm lợi nhuận thậm chí làm cho Ngân hàng bị lỗ.
1.2.4.6. Lãi treo
Lãi treo là khoản lãi tính trên nợ quá hạn mà ngân hàng chưa thu được và như vậy chỉ số này càng thấp càng tốt.
Ngoài việc sử dụng các chỉ tiêu định lượng trên, hiện nay nhiều ngân hàng cũng đã sử dụng các chỉ tiêu định tính để đánh giá chất lượng tín dụng
như việc tuân thủ các quy chế, chế độ thể lệ tín dụng, lập hồ sơ cho vay, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả,...