Thuật ngữ dòng ý thức do nhà tâm lý học người Mỹ William James sử dụng từ thế kỉ XIX, ông cho rằng ý thức của con người như một dòng chảy của một con sông trong đó các ý nghĩ, cảm giác, các liên tưởng bất chợt thường xuyên chen nhau, thay thế nhau, đan bện vào nhau một cách lạ lùng, phi logic. Dòng ý thức là trường
hợp cực đoan của độc thoại nội tâm, khi các mối liên hệ khách quan với môi trường thực tại khó bề khôi phục lại. Với sự tác động, phối hợp của các học thuyết đang bùng nổ trên thế giới trong thế kỉ XX, từ học thuyết của James, phân tâm học của Freud, thuyết trực giác của Bergson, một số nhà văn phương Tây đã sáng tác để biểu hiện dòng ý thức, xem đây là cách thức quan trọng và chân thật nhất trong việc miêu tả đời sống tinh thần đầy phong phú và phức tạp bên trong con người, mở ra cơ hội mới trong việc đi sâu khám phá những bí ẩn của trạng thái vô thức từ góc nhìn mới khoa học hơn. Qua Rừng Na-uy, thế giới tâm hồn đầy phức tạp của con người được
H.Murakami khám phá thông qua kiểu kết cấu tự sự rời rạc, men theo dòng ý thức của nhân vật người kể chuyện. Ở đó nhà văn xây dựng một kiểu kết cấu tự sự, xây dựng các chương đoạn thông qua việc mô phỏng dòng chảy tâm lý hỗn độn của nhân vật, gần như một dạng độc thoại nội tâm lỏng lẻo, phi trung tâm. Chính kết cấu tự sự dựa theo dòng ý thức góp phần quan trong trong hành trình tìm kiếm bản ngã của các nhân vật, nhất là với nhân vật chính Toru Watanabe.
Kết cấu hồi ức của tiểu thuyết Rừng Na-uy trước hết được thể hiện qua sự sắp xếp các chương đoạn của tác phẩm. Không giống như kết cấu của cốt truyện truyền thống, Rừng Na-uy, nhìn bề ngoài có một kết cấu lỏng lẻo, rời rạc, thiếu kết dính giữa các chương đoạn, thời gian, không gian đều bị đảo lộn, khó xác định. Toàn bộ tiểu thuyết được chia làm 11 chương, mở đầu chương thứ nhất lại là thời điểm của thực tại khi nhân vật Toru đã ba mươi bảy tuổi, thời điểm của mười tám năm sau khi câu chuyện xảy ra. Lúc này Toru đã là một người đàn ông trưởng thành, anh đang đáp chuyến bay xuống sân bay Hamburg của nước Đức, bất chợt nghe bản hòa tấu không lời ca khúc Rừng Na-uy của ban nhạc The Beatles, toàn thân Toru run rẩy và choáng váng. Sau chấn động do bài hát mang lại, tất cả mọi thứ bị màn sương khói của thời gian gần hai mươi năm che phủ bỗng chợt ùa về, gợi lên trong anh hình ảnh về buổi đi chơi nơi cánh đồng cỏ cùng người bạn gái vẫn còn rõ nét “Mười tám năm trôi qua,
nhưng tôi vẫn có thể nhớ lại từng chi tiết của ngày hôm đó trên đồng cỏ. Được tắm rửa sạch sẽ bởi những ngày mưa nhẹ nhàng mùa hạ, những ngọn núi xanh thẳm như rõ ràng hẳn lên. […]. Chỉ nhìn bầu trời thăm thẳm ấy thôi cũng đã thấy nao núng cõi lòng” (Haruki Murakami, 2006). Tuy nhiên, sau dòng hồi ức về buổi đi chơi vơi
Naoko trên cánh đồng cỏ khép lại ở chương mở đầu, sang đến chương hai lại chuyển sang hồi ức về khoảng thời gian Toru rời Kobe lên Tokyo trọ học rồi tình cờ gặp lại Naoko. Các chương còn lại cũng được sắp xếp theo một trật tự hỗn loạn như thế, nương theo dòng hồi ức của nhân vật, rất nhiều những sự việc được nhớ lại, từ chuyện nọ nối tiếp chuyện kia, mỗi chuyện lại dường như không liên quan gì với nhau: cái chết của Kizuki, chuyện về Quốc-xã, chuyện về Nagasawa, chuyện về Midori, chuyện của Reiko,… trong câu chuyện của mỗi người lại mở ra câu chuyện của những người khác. Mỗi một chuyện là một mảng kí ức, được chắp nối không theo bất cứ trình tự nào. Như thế, nhìn bề ngoài thì kết cấu cốt truyện Rừng Na-uy lỏng lẻo, rời rạc như thế, nhưng đây chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Với cách thể hiện như thế này, nhà văn có thể diễn đạt một cách chân xác nhất sự vận động trong tâm thức nhân vật. Sau hai mươi năm, tất cả mọi việc đã từng diễn ra trong quá khứ đã đi vào tiềm thức, nơi tất cả kí ức thực sự quan trọng dần rơi vào quên lãng cho nên giờ đây rất khó phân định cái gì xảy ra trước, cái gì xảy ra sau, bởi tất cả như sương khói, như không tồn tại, chỉ có nỗi đau là đang hiện hữu. Dòng ý thức của nhân vật người kể chuyện đi đến đâu thì cốt truyện phát triển theo đến đấy. Tất cả như một giấc mơ hỗn độn khó nắm bắt. Có lẽ chính điều này đã khiến cho Rừng Na-uy trở thành một tác phẩm khó đọc, khó giải thích, khó có thể kể lại cốt truyện theo trình tự tuyến tính rõ ràng. Nhiều người còn cho rằng, tác phẩm này không có cốt truyện. Thật ra, Rừng
Na-uy vẫn là một tác phẩm có cốt truyện hẳn hoi, chỉ có điều, cốt truyện ấy bị nhòe
theo dòng hồi ức của nhân vật. Cho nên đừng nghĩ rằng các chương đoạn trong tiểu thuyết này không có liên hệ với nhau, sợi dây liên kết xuyên suốt của toàn bộ tác phẩm chính là dòng chảy của hồi ức.
Kết cấu hồi ức của tác phẩm còn được thể hiện qua các mức độ biểu hiện thế giới tinh thần của nhân vật. Khi nghiên cứu về thế giới tinh thần của con người, Freud đã phân chia tâm trí con người thành ba cấp độ : ý thức, tiềm thức và vô thức. Trong đó, ý thức giống như phần nổi của tảng băng trôi trên mặt nước còn tiềm thức và vô thức chính là phần chìm, ẩn ở tầng sâu bên dưới. Nếu vô thức – phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người, nơi ẩn chứa những bản năng, ham muốn, dục vọng thì tiềm thức là phần nằm ở giữa vô thức và ý thức, tiềm thức chứa đựng kí ức, những tri thức
được lưu giữ. Như vậy, hồi ức của con người thuộc về tiềm thức chứ không phải vô thức, tiềm thức chứa đựng những sự kiện tâm lí mà chủ thể không chủ ý huy động, nhưng nếu cần vẫn có thể xuất hiện trở lại trong suy nghĩ của con người. Dựa vào mô hình về các tầng cấu trúc tâm trí của con người của Freud, chúng ta dễ dàng lý giải quá trình tâm lý của nhân vật Toru. Quá trình tâm trí của nhân vật Toru cũng được thể hiện ở ba cấp độ tương ứng với mô hình của Freud. Ở cấp độ thứ nhất, những suy nghĩ và nhận thức chủ động của Toru khi anh ba mươi bảy tuổi là thuộc quyền kiểm soát cuả ý thức. Ngay từ đầu, Toru đã dùng ý thức để khẳng định hoàn cảnh thực tại của mình “Lúc ấy tôi đã ba mươi bảy tuổi, đang ngồi thắt chạt dây an toàn khi chiếc
747 kềnh càng nhào xuống qua tầng mây dày đặc về phía sân bay Hamburg” (Haruki
Murakami, 2006). Toru quan sát mọi vật xung quanh và ý thức của anh về thực tại ở sân bay nước Đức vẫn đang hiện ra trước mắt. Thế nhưng, khi giai điệu của bản hòa không lời ca khúc “Rừng Na-uy” vang lên nhè nhẹ, giai điệu ấy đã khiến toàn thân Toru run rẩy, choáng váng, giờ đây thực tại bỗng lùi xa, khung cảnh của cánh đồng cỏ đã thay thế hoàn toàn cho khung cảnh thực tại của sân bay Hamburg. Tại sao Toru lại rơi vào trạng thái như vậy? Để lý giải cho những suy nghĩ và hành động của Toru, trong tâm hồn anh bỗng trỗi dậy những kí ức sống động về những chuyện đã qua. Những hồi ức của thời điểm hai mươi năm trước khi Toru là một anh chàng sinh viên lần đầu xa nhà lên thủ đô học, rồi tiếp theo đó là nhiều chuyện liên tiếp xảy ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của Toru sau này. Thực tại đã bị che phủ, ý thức mất kiểm soát, tâm hồn Toru giờ đây đang sống trong những hồi ức khi anh mười tám tuổi. Những sự việc đã từng xảy ra trong quá khứ, nó không hề mất đi mà vẫn còn được lưu giữ trong tiềm thức của Toru, nhờ sự tác động của ngoại cảnh, tiềm thức ấy như được sống lại. Những hồi ức được lưu giữ trong tâm trí của Toru chính là tầng thứ hai – tầng tiềm thức của con người. Những sự kiện đã từng xảy ra trước đó, tưởng rằng đã không còn bởi đôi lúc dù có cố nhớ vẫn không sao nhớ nổi, nhưng đến một lúc nào đó nó vẫn có thể trở lại trong tâm trí của con người. Tuy nhiên, trong quá trình hồi tưởng, có những lúc dòng ý thức của con người bị gián đoạn, trong dòng hồi tưởng của Toru, rất dễ nhận thấy những kí ức mà anh nhớ lại luôn nhập nhằng, xáo trộn từ chuyện này sang chuyện khác, từ người này sang người khác. Nguyên nhân
của những xáo trộn này xuất phát từ những nỗi sợ hãi, lo âu, những nỗi đau, sư xấu hỗ,.. tất cả những cái này nằm ở tầng sâu nhất trong tâm trí con người – tầng vô thức. Chính vô thức đã chi phối tất cả những suy nghĩ và hành động của Toru.
Từ dòng hồi ức tuôn chảy của nhân vật người kể chuyện, tác giả cho người đọc thấy niềm khắc khoải khôn nguôi của cả một thế hệ thanh niên Nhật Bản những năm 60 của thế kỉ trước khi phải chịu đựng sự thiếu thốn những giá trị tinh thần. Những nỗi niềm ấy tạo nên sự day dứt và trăn trở cho biết bao thế hệ độc giả, bởi nhà văn đã thể hiện nó một cách chân xác và cảm động. Từ kết cấu cốt truyện theo dòng hồi ức, cũng như sự chi phối của tiềm thức và vô thức đến suy nghĩ và hành động của con người. Nhà văn đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn lao trong hành trình tìm kiếm bản ngã của chính mình. Hành trình đi tìm bản ngã là hành trình gian truân và tê buốt nhất bởi không dễ gì người ta tìm được câu trả lời : Ta là ai trong cuộc đời này?. Đôi khi con người phải đối diện với một thực tại đau xót, muốn sống, muốn được tồn tại một cách đúng nghĩa là một con người – họ phải luôn phải đấu tranh với chính mình, với chính bản ngã của mình, hành trình ấy đầy niềm khắc khoải và dằn vặt và đau đớn. Có lẽ vì thế mà dòng hồi ức của nhân vật người kể chuyện bao giờ cũng đắm chìm trong nỗi cô đơn, sự bơ vơ, lạc lõng trước thực tại và nỗi ám ảnh triền miên với quan niệm về lẽ sống chết trong cuộc đời.
Do được dệt từ dòng ý thức với những hồi tưởng của nhân vật chính về những kí ức đã qua, dòng mạch cảm xúc tuôn trào đến đâu thì câu chuyện được kể đến đó, bất chấp diễn biến sự kiện xảy ra trước hay sau, mối liên hệ giữa sự kiện này với sự kiện khác,.. Cho nên nhìn bề ngoài, cứ tưởng những hồi tưởng của nhân vật như một mớ hỗn độn, rời rạc, rối tung, thiếu sự kết dính nhưng kì thực nó lại thống nhất trong một dòng chảy – dòng chảy ý thức của nhân vật người kể chuyện. Sự việc càng rời rạc, hỗn loạn thì càng cho thấy được sự lạc lõng, bơ vơ, buồn chán trong tâm hồn của người kể chuyện. Đó là cuộc vượt thoát của cõi vô thức mà từ lâu nó đã bị ý thức “đóng băng”, cản trở. Kí ức hiện lên trong tâm tư của nhân vật là một kí ức phi logic, những ẩn ức của quá khứ một khi được khai phóng nó trở thành một cơn cuồng phong ồ ạt vượt ra khỏi sự kiểm soát, phá bỏ mọi trật tự không gian, thời gian chiếm lĩnh tâm tư con người. Qua những trạng thái phân lập giữa nhớ - quên, những hình ảnh
sống động của quá khứ mười tám năm trước cứ lần lượt hiện về. Đây chính là cuộc hành trình đi tìm bản ngã “Không có cách gì khác : kí ức tôi ngày càng xa cách cái
điểm mà Naoko thường đứng – nơi có cái bản ngã xưa cũ của tôi thường ở đó. [...]. Mỗi lần xuất hiện, nó lại kích động một chỗ nào đó trong tâm trí tôi” (Haruki Murakami, 2006). Nhờ kỹ thuật dòng ý thức mà H.Murakami đã làm cho tác phẩm
Rừng Na-uy bứt phá khỏi mô hình phản ánh hiện thực thông thường để tìm đến một
hiện thực khác – hiện thực được tái hiện trong vô thức của con người.
Hơn nữa, bên cạnh việc tạo ra dòng ý thức cho nhân vật người kể chuyện xưng “tôi” – Toru Watanabe còn có sự xuất hiện của nhiều kí ức, sự chen lấn của nhiều tiếng nói, sự xuất hiện của nhiều bức tranh đồng hiện. Rất dễ nhận thấy trong Rừng
Na-uy, ngoài kí ức của Toru còn có những kí ức của Naoko, Midori, Reiko,.. Tất cả
như đan bện, hòa trộn vào nhau tạo nên một cấu trúc tự sự theo tư duy của tiểu thuyết hậu hiện đại. Với cách thức này, nhà văn đã khước từ vai trò toàn năng của mình và trao điểm nhìn cho không chỉ một mà nhiều nhân vật. Tính đa cực, phi trung tâm trong cách xây dựng nhân vật người kể chuyện được xem là xu hướng của các nhà văn hậu hiện đại phương Tây. Với việc di chuyển điểm nhìn, trao điểm nhìn cho nhiều nhân vật giúp sự việc được nhìn nhận khách quan hơn, từ đó dễ dàng đưa người đọc khám phá thế giới tâm hồn nhân vật từ nhiều góc độ. Cho nên, khi tiếp xúc với Rừng
Na-uy ta như chạm vào, nhập vào dòng ý thức của nhiều nhân vật, hiểu rõ hơn về
những ẩn ức trong sâu thẳm tâm hồn họ. Đó là một Naoko luôn sống trong kí ức về những người đã chết, sự ám ảnh đó gây ra cho cô những trạng thái tâm thần bất ổn, những mặc cảm về thân phận đã đến chứng bệnh thần kinh sau này. Đó là kí ức của Midori với những năm tháng tuổi thơ bị kìm kẹp trong sự hà khắc của bố mẹ để rồi cô trở nên mạnh mẽ, nổi loạn ở tuổi trưởng thành. Đó là kí ức của Reiko với những băn khoăn, trăn trở khi không được sống cho chính mình và sự bất hạnh từ những khúc mắc trong bản năng tính dục của mình,… Sử dụng dòng ý thức người kể chuyện, H.Murakami đã tạo ra một thế giới mà ở đó thực và ảo đan cài, ranh giới giữa hiện tại và quá khứ mờ nhòa, không gian và thời gian như trở nên vô định. Ở đó, con người trở nên lạc loài, chìm đắm trong mê cung của vô thức. Càng cố gắng quẫy đạp thì càng chìm sâu vào nỗi tuyệt vọng trong nỗ lực tìm kiếm bản ngã đích thực của mình.