Ngôn ngữ bị chi phối bởi các quá trình tiềm thức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết rừng na uy từ góc nhìn phân tâm học (Trang 142 - 146)

Thứ ngôn ngữ nổi bật trong tiểu thuyết Rừng Na-uy chính là ngôn ngữ độc

thoại. Chính loại ngôn ngữ này đã giúp nhà văn thể hiện thành công thế giới nội tâm của các nhân vật. Thông qua độc thoại nội tâm, những ám ảnh về hiện thực cuộc sống cũng như những vướng mắc trong tâm hồn nhân vật dần được hé lộ. Là một tiểu thuyết tâm lý, cho nên vai trò của độc thoại nội tâm là rất quan trọng. Câu chuyện về quá khứ của một người đàn ông ba mươi bảy tuổi được kể lại sau gần hai mươi năm bằng mạch hồi tưởng chảy dài nên những trang độc thoại nội tâm có thể nói là xuất hiện dày đặc trong tác phẩm. Theo khảo sát của chúng tôi, trong hơn 500 trang sách của tiểu thuyết Rừng Na-uy thì tần số xuất hiện độc thoại nội tâm của nhân vật chiếm gần 1/10 tác phẩm. Hầu hết các nhân vật trong tiểu thuyết này đều được nhà văn khai thác ở khía cạnh tâm lý và bản năng nên việc sử dụng nhiều câu văn độc thoại nội tâm là điều phù hợp. Qua độc thoại nội tâm, người đọc sẽ thấy rõ được hiện thực xã hội ngột ngạt, những chấn thương tâm lý nặng nề của con người trước tác động của thực tại đó. Với nhân vật Toru, mỗi lần xuất hiện độc thoại nội tâm là mỗi lần trong tâm hồn anh có những chấn động mạnh mẽ, nghe giai điệu của bài hát Rừng Na-uy tại sân bay Hamburg trong chuyến bay đến Đức, tâm hồn người đàn ông ba mươi bảy tuổi này bỗng dậy lên một nỗi xúc động, không thể kiềm chế “Giai điệu ấy bao giờ

cũng khiến toàn thân tôi run rẩy, nhưng lần này, nó làm tôi choáng váng hơn bao giờ hết” (Haruki Murakami, 2006), quá khứ sống lại trong anh “Tôi ngồi thẳng lên và nhìn qua cửa sổ về phía những đám mây đen lơ lửng trên biển trời Bắc, nghĩ đến những mất mát của cuộc đời mình” (Haruki Murakami, 2006). Từ hồi tưởng ban đầu

ấy, tác giả đã để cho mạch độc thoại tuôn chảy theo quy luật tâm lý của nhân vật Toru. Dòng hồi tưởng đưa nhân vật trở về với những kí ức đã qua với những đau khổ, mất mát trong tình yêu với Naoko, Midori, trong mối quan hệ bạn bè với Kizuki, Quốc-xã, Nagasawa,… Cứ thế hồi tưởng nối tiếp hồi tưởng, nỗi đau nối tiếp nỗi đau. Trong mối quan hệ với Naoko, có lẽ đây là một mối quan hệ đem đến cho Toru nhiều day dứt nhất. Naoko vừa đem đến cho anh niềm hạnh phúc tột độ những cũng gây ra cho anh biết bao thương tổn về tâm hồn. Chính vì điều đó, khi nghĩ về quá khứ đã qua, Toru nhớ nhiều nhất về Naoko, khi nghĩ về cô, ta thấy xuất hiện rất nhiều độc

thoại kéo dài. Ở cạnh Naoko nhưng lúc nào Toru cũng có cảm giác họ có một khoảng cách rất xa, anh không thể nào tìm được đường vào thế giới tâm hồn đầy bất ổn của cô, đôi mắt Naoko luôn khóa chặt tia nhìn và như đang tìm kiếm một cái gì đó, nó khiến tâm hồn Toru ngập tràn cảm giác tuyệt vọng. Những lúc kề cận Naoko, Toru vẫn cảm nhận có một khoảng cách giữa hai người, ngay cả khi hai thân xác đã hòa hợp vào nhau, Toru vẫn cảm thấy sự xa cách vô hình đó “Khi ôm Naoko trong tay,

tôi đã muốn nói với nàng rằng : Mình đang làm tình với cậu đây. Mình đang ở trong cậu đây. Nhưng thực tình chẳng có gì đâu. Không có chuyện gì hết. Chỉ là hai tấm thân kết nối với nhau mà thôi. […]. Nhưng tất nhiên tôi không thể hi vọng có ai hiểu những lời định nói ấy của mình” (Haruki Murakami, 2006). Hay đó là tâm trạng đau

khổ vì nhận ra Naoko chưa bao giờ yêu mình, anh biết người Naoko cần không phải là anh, hơi ấm để sưởi ấm tâm hồn nàng cũng không phải là hơi ấm của anh “Hơi ấm

của tôi không phải là cái nàng cần mà là hơi ấm của người khác kia” (Haruki Murakami, 2006). Thậm chí có những đoạn độc thoại kéo dài đến 15 trang sách diễn tả tâm trạng đau đớn của Toru khi anh hay tin Naoko không còn trên cõi đời này nữa, anh quên tất cả mọi thứ, lang thang khắp mọi nơi và buông mình trong vô thức “Tôi

có thể nói gì đây? Mà có được gì nữa đâu? Naoko đã không còn tồn tại trên đời này nữa, nàng đã chỉ còn là một nắm tro tàn”; “Thật quá lạ lùng là nàng đã chết và không còn là một phần của thế giới này nữa. Tôi không thể chấp nhận được sự thật ấy. Tôi không tin được. Tôi đã nghe tiếng đóng đinh vào ván thiên quan tài nàng, nhưng vẫn không thể quen sự thật rằng nàng đã trở về cõi hư vô” (Haruki Murakami,

2006). Hàng loạt những câu cảm thán, câu nghi vấn liên tiếp xuất hiện tạo cho người đọc những cảm nhận dồn dập, rõ nét về tâm hồn nhạy cảm, đầy thương tích của nhân vật, xen lẫn với nó là những khoảnh khắc độc thoại nội tâm. Những khoảnh khắc độc thoại nội tâm ấy là những ý nghĩ, chợt đến chợt đi như những tia chớp lóe lên trong đầu óc, càng chìm trong kí ức, tâm hồn Toru càng bị điều khiển bởi vô thức. Những đoạn độc thoại nội tâm như một sự ám gợi sâu sắc một dòng chảy triền miên từ trong vô thức của nhân vật.

Không chỉ có Toru, mà các nhân vật khác cũng chịu sự chịu phối của vô thức. Naoko chủ yếu sống trong kí ức về những người đã chết. Cái chết của những người

thân yêu đã khiến cho tâm hồn cô chịu tổn thương sâu sắc. Nỗi ám ảnh của quá khứ vẫn cứ đeo đẳng triền miên cuộc sống hiện tại của cô. Trực tiếp chứng kiến cái chết của người chị gái và cái chết của người yêu khiến tâm hồn cô tê điếng. Nhà văn đã sử dụng những từ ngữ chứa đầy ẩn ức để miêu tả trạng thái tâm lí của Naoko. Từ nỗi ám ảnh của quá khứ, hơn ai hết Naoko nhận ra những khiếm khuyết của chính bản thân cô “Mình là một con người khiếm khuyết – khiếm khuyết hơn cậu biết rất nhiều.

Đó cũng chính là lí do vì sao mình không muốn cậu ghét mình. Bởi vì nếu cậu làm thế mình sẽ thực sự tan rã” (Haruki Murakami, 2006). Vì biết mình khiếm khuyết

nên Naoko không dám mở lòng đón nhận Toru vì biết làm như thế cô sẽ đem đến sự bất hạnh cho anh. Thế nhưng, Naoko lại rơi vào bi kịch của chính mình, trong con người Naoko luôn có sự giằng xé, đấu tranh quyết liệt giữa khát khao muốn hòa nhập xã hội với sự ám ảnh của quá khứ, cho nên cuối cùng cô không chỉ làm tổn thương Toru mà còn tự làm tổn thương chính mình “Mình nói điều này không phải để chống

chế hoặc tự bào chữa, mà vì đó là sự thật. Nếu mình đã để lại một vết thương trong người cậu” (Haruki Murakami, 2006). Càng ngày Naoko càng cảm thấy xa lạ với chính mình, cô không thể hiểu được tiếng nói ẩn khuất sâu trong tâm hồn cô. Cô càng lo lắng, đau khổ khi thấy dấu hiệu bệnh tình của mình ngày càng trầm trọng “Mình

sợ mình không bao giờ bình phục được. Mình sẽ méo mó thế này mãi và già đi rồi tàn tạ ở nơi này. Mình thấy lạnh như thể trong người mình đóng thành băng hết”

(Haruki Murakami, 2006). Hình bóng Kizuki luôn ám ảnh tâm trí nàng “Mình cảm

thấy Kizuki đang từ trong bóng tối nói với ra mình, gọi mình, Này Naoko, chúng ta không thể xa nhau được. Khi mình nghe anh ấy nói thế, mình không biết phải làm gì nữa” (Haruki Murakami, 2006). Mọi cánh cửa dường như đã bị đóng chặt, khoảng

cách giữa bản ngã và tha nhân ngày càng xa vời cuối cùng cô chọn cái chết như một sự giải thoát cho một kiếp đời đầy đau khổ.

Trong Rừng Na-uy rất ít xuất hiện ngôn ngữ đối thoại, có chăng cũng chỉ là những đối thoại rời rạc, nhạt nhẽo, ít nội dung. Nhà văn còn tạo ra những đoạn đối thoại trật khớp, mỗi người đều sống trong thế giới riêng của mình. Thân thể họ tồn tại trong thực tại nhưng tâm hồn họ lại lạc trong quá khứ, chìm trong cõi sâu vô thức. Các dạng đối thoại trật khớp theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” ấy nhằm thể hiện sự

cô đơn, cô độc của con người. Trong Rừng Na-uy, kiểu đối thoại trật khớp này xuất hiện khá nhiều, các cuộc đối thoại giữa các nhân vật cho thấy mỗi người là một cá thể cô đơn, tồn tại trong thế giới riêng của chính mình. Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, Reiko đã nhận ra cách nói chuyện “nhát gừng”, rất lạ lùng của Toru. Cách nói chuyện của anh cho thấy sự thờ ơ, vô cảm trước những gì đang trải qua trong cuộc sống. Chứng nói lắp và sự sạch sẽ quá mức của Quốc-xã cũng là một thứ bệnh cô đơn bởi lối sống của anh hoàn toàn xa lạ với những người trong khu học xá. Biểu hiện rõ nhất phải kể đến bố của Midori và Naoko. Naoko luôn cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt bằng lời nói, cô không thể diễn tả hết những gì mà mình đang nghĩ trong đầu, cô tìm đến cách giao tiếp thứ hai là ngôn ngữ viết nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Trong tâm hồn Naoko dường như đang có một tha lực nào đó cản trở, áp chế, tước mất tất cả các phương tiện giao tiếp với xã hội “Hễ định viết thư là cô ấy lại nghe có tiếng

người nói chuyện với mình và không thể viết được nữa. Những giọng nói ấy chen vào sự nỗ lực chọn từ ngữ của cô ấy” (Haruki Murakami, 2006). Khi mọi mối liên hệ với

bên ngoài bị cắt đứt hoàn toàn, Naoko đã tìm đến cái chết vì không tìm thấy bất cứ cơ hội nào có thể kết nối cô với thực tại. Bố Midori cũng rơi vào trường hợp tương tự, ông cũng luôn bị ám ảnh của vô thức. Thứ ngôn ngữ mà ông dùng là ngôn ngữ của kí ức. Có lẽ cái chết của người vợ thân yêu cũng đã gây ra bao tổn thương trong tâm hồn ông. Ông cũng là một loại người cô đơn “tôi không thể đoán biết ông đang

nghĩ gì hoặc cảm thấy gì trong tầng sâu thẳm của cõi vô thức” (Haruki Murakami,

2006). Cái cách nói nhát gừng của ông cụ với những câu nói ngắn gọn, cộc lốc, lúc nào cũng chỉ có vâng, thôi, kinh lắm,.. không phải chỉ vì bệnh tật làm ông kiệt sức mà có lẽ còn vì những lí do khác nữa. Toru vẫn không thể hiểu nổi ý nghĩa của những câu nói rời rạc của ông cụ “Không thể hiểu ông định nói gì, tôi chỉ biết im lặng. Ông

cũng nằm yên một lúc lâu. Rồi ông có vẻ như đang muốn nói “Làm ơn”. Ông mở to mắt rồi nhìn tôi rất chăm chú. Tôi đoán ông cố nói với tôi điều gì đó mà chịu không thể tưởng tượng ra được” (Haruki Murakami, 2006). Rõ ràng, khi mọi nỗ lực diễn

đạt ngôn ngữ của con người không tìm được sự thấu hiểu, khi ấy con người hoàn toàn rơi vào trạng thái cô đơn, sống một kiếp đời tẻ nhạt, buồn chán, không tìm ra lối thoát.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết rừng na uy từ góc nhìn phân tâm học (Trang 142 - 146)