“Giếng đồng” biểu tượng cho sự sống và cái chết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết rừng na uy từ góc nhìn phân tâm học (Trang 125 - 128)

Freud cho rằng “Biểu tượng là mối liên kết thống nhất nội dung rõ rệt của một

hành vi, một tư tưởng, một lời nói với ý nghĩa tiềm ẩn của chúng… Khi ta nhận ra, chẳng hạn trong một hành vi, ít nhất có hai phần ý nghĩa mà phần này thế chỗ phần kia bằng cách vừa che lấp, vừa bộc lộ phần kia ra, ta có thể gọi mối quan hệ giữa chúng là có tính biểu tượng” (Alain Gheerbrant, Jean Chevalier, 2002). Cách nói của

Freud đã nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa hai yếu tố cụ thể và tiềm ẩn trong một biểu tượng. Hầu hết các sự vật tồn tại trong cuộc sống đều có thể mang giá trị biểu tượng theo một quy ước chung nào đó của con người. Tìm hiểu biểu tượng chính là tìm ra mối quan hệ giữa cái cụ thể, có thể nắm bắt được và cái mơ hồ, đa nghĩa, không thể nắm bắt được.

“Cái giếng” là một trong những ám ảnh lớn của H. Murakami. Trong nhiều

tác phẩm của mình ông hay viết về nó và ông cũng đã từng khẳng định rằng ông thích nó bởi vì nó có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với bản thân ông “Tôi thích giếng; cá

nhân tôi ngay từ khi còn nhỏ đã bị một cái giếng thu hút mãnh liệt. Đây không phải là ẩn dụ cũng chẳng phải là so sánh. Bạn có thể gọi nó là một sự ám ảnh” (Haruki

Mukarami. (2009 ‘b’). Từ sự ám ảnh của bản thân nhà văn, cái giếng đã nhiều lần xuất hiện trong các tác phẩm của ông và trở thành một biểu tượng độc đáo. Trong

Rừng Na-uy, hình ảnh giếng đồng cũng là một trong những hình ảnh có sức ám ảnh,

xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm. Trong cuộc dạo chơi của Naoko và Toru trên đồng cỏ, họ nhắc đến giếng đồng như một sự ám ảnh của tâm linh. Trong văn hóa phương Đông, giếng là một biểu tượng chứa nhiều ý nghĩa. Nó vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho sự sống, cho sự sinh sôi nảy nở của sự vật nhưng đồng thời nó cũng mang ý nghĩa biểu tượng cho thế giới chết chóc, hủy diệt.

Trước hết, cái giếng mang ý nghĩa biểu tượng cho sự sống bởi vì trong lòng giếng có những yếu tố cơ bản tạo nên sự sống của nhân loại đó là đất, nước và không khí. Giếng trở thành nơi dung chứa sự hài hòa, ổn định và bao dung mát mẻ. Nó mang đến nguồn sống, vừa là phương tiện thanh tẩy, là trung tâm của sự tái sinh mầu nhiệm.

Dòng nước mát lành từ lòng giếng bao giờ cũng gợi sự tinh khiết, mát lành như sức mạnh huyền diệu, trong lành của thể xác và tinh thần, nó tưới mát vạn vật khiến vạn vật trở nên sinh sôi nảy nở, mang lại nguồn sống bao la.

Tuy nhiên, hình ảnh những chiếc giếng hoang lại là biểu tượng cho sự chết chóc, hủy diệt. Giếng hoang không dung chứa đầy đủ những gì cần thiết cho sự sống, nơi đáng giếng hoang âm u không có các yếu tố của sự sống như nước, không khí. Ở nói đó, bóng tối bao trùm, cõi hư vô thăm thẳm mở ra đến vô cùng. Con người sẽ cảm thấy nghẹt thở, bế tắc nếu chẳng may bị rớt vào trong đó. Chiếc giếng hoang trở thành một nỗi ám ảnh thường trực trong cõi vô thức của những con người bi quan, hoài nghi với cuộc đời. Như thế, giếng hoang còn là biểu tượng cho sự chết chóc và hủy diệt của con người trong thực tại.

Hình ảnh giếng đồng có lẽ không phải là một cái giếng có thực mà chỉ là một hình ảnh tưởng tượng trong tâm trí của Naoko, những mặc cảm về bệnh tật, sự bất lực trong đời sống tình dục đã tạo ra những ảo ảnh chi phối cuộc sống thực của cô, lúc nào cô cũng nghĩ về nó, nhìn thấy nó, nó luôn xuất hiện bên cạnh cô “Có thể nó

là một hình ảnh hoặc một dấu hiệu chỉ tồn tại trong con người Naoko, cũng như những thứ khác mà nàng thường thêu dệt thành sự thật trong tâm trí mình trong suốt những ngày đen tối ấy” (Haruki Murakami, 2006). Trong tưởng tượng của Naoko,

đó là một cái giếng sâu hun hút, lạnh lẽo và chứa đầy bóng tối “Nó sâu đến độ không

thể đo được, và đầy chặt bóng tối, như thể toàn bộ bóng tối của thế giới đã được nấu chảy và lèn vào đó đến tận cùng đậm đặc của chúng” (Haruki Murakami, 2006). Nỗi

lo lắng bị rơi vào chiếc giếng sâu lạnh lẽo luôn thường trực trong tâm trí Naoko, cô cố gắng để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân nhưng càng lúc càng trở nên yếu đuối. Phải chăng chiếc Giếng đồng kia chính là biểu tượng cho sự cô đơn, bất lực và trống rỗng trong con người Naoko. Trước một thực tại vỡ vụn, đầy đau thương và mất mát, Naoko dường như mất hết mọi phương hướng, cô luôn sống trong trạng thái chông chênh, lo âu và sợ hãi. Quyền năng của bóng tối và sự hủy diệt luôn ám ảnh, bủa vây, bóp nghẹt tâm hồn cô. Sự lo lắng, sợ hãi ấy có lẽ tồn tại trong tiềm thức và vô thức của Naoko từ rất lâu, từ cái chết của người yêu, của người chị gái và những trở ngại trong tâm sinh lý nó đã ném tâm hồn cô vào nơi tối tăm của chiếc giếng hoang. Cô

nghĩ đến một cái chết thật khủng khiếp sẽ xảy đến với mình “Mình kêu đến rách phổi

nhưng không ai nghe thấy, và không thể hi vọng có ai tìm thấy mình, rồi bọn nhện và rết bò lên khắp người mình, xương của những nạn nhân trước lủng củng khắp xung quanh, rồi thì tối mò và ướt lạnh, và mãi tít trên đầu là cái chấm sáng ti tí như một mảnh trăng mùa đông. Mình chết trong đó, ở ngay đâu đây, dần dà tí một, chỉ có một mình” (Haruki Murakami, 2006). Những hình dung ghê rợn về cái chết nơi đáy giếng

của Naoko phần nào đã cho thấy được những bất ổn về tâm lý, dù bên ngoài lành lặn nhưng bên trong tâm hồn thì đã có những tổn thương không thể nào chữa khỏi. Naoko sống giữa bao người nhưng tâm hồn nàng hoàn toàn cô đơn, trống rỗng, có một sự xa cách quá lớn giữa bản thể và tha nhân làm tâm hồn cô cô đơn đến tột độ.

Hình ảnh giếng đồng còn là biểu tượng cho sự bất lực tình dục. Naoko yêu Kizuki tha thiết, cô yêu cả những khuyết điểm của anh, và có lẽ mối tình của họ sẽ thật đẹp nếu không gặp phải những trở ngại trong tình dục. Họ cùng nhau lớn lên, yêu nhau và đến với nhau như là một điều tự nhiên nhất trên đời, họ không giấu giếm nhau bất cứ bí mật nào, sẵn sàng khám phá cơ thể của nhau nhưng cả hai chưa bao giờ xảy ra một quan hệ tình dục đúng nghĩa. Naoko không thể nào “ướt” khi gần gũi với Kizuki dù họ có cố gắng và đã thử mọi cách. Đó là một nỗi bất hạnh của một người đàn bà khi không thể cùng người đàn ông mà mình yêu thương đi đến cảm xúc khoái lạc của cuộc sống. Nàng đau khổ vì sự bất lực của bản thân, và nỗi đau của nàng cũng đã gây ra bi kịch của người tình, việc Kizuki tự tử cũng có một phần nguyên nhân từ sự bất lực trong tình dục của cô. Xuất phát từ những ám ảnh tâm lý, trong nàng có một khoảng trống quá lớn, nỗi cô đơn trong nàng là tuyệt đích mà bất kì ai cũng không thể lấp đầy. Cái chết của người chị gái và người yêu đã hình thành trong Naoko một khoảng trống tâm linh, nó tạo ra một tâm hồn đầy méo mó, thương tổn cho dù có cố gắng mở lòng mình đón nhận thực tại, đón nhận tình cảm của Toru nhưng rồi mọi sự cố gắng đều thất bại, cánh của đưa nàng trở về với thực tại đã bị khóa chặt, nàng rới xuống cái giếng sâu của cõi lòng nàng, mãi mãi khong bao giờ có thể thoát ra được.

Như vậy, hình ảnh giếng đồng trong tác phẩm chính là biểu tượng sự chết chóc, hủy diệt. Một cái giếng do Naoko tưởng tượng ra, nó thể hiện sự cô đơn, mất

phương hướng của cô trước thực tại đồng thời nó còn là biểu tượng cho sự bất lực của bản thân nàng trong hoạt động tình dục. Biểu tượng giếng đồng đã góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu những bí ẩn trong tâm hồn của nhân vật Naoko.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết rừng na uy từ góc nhìn phân tâm học (Trang 125 - 128)