Giấc mơ là một trong những đối tượng nghiên cứu đặc biệt quan trọng của phân tâm học. Freud cho rằng việc lý giải giấc mơ là con đường lớn nhất để hiểu được cõi vô thức của con người. Giấc mơ là là sự hoạt động của trạng thái tinh thần trong khi ngủ, là hành trình của vô thức. Con người thường đi vào mộng mị khi và chỉ khi bản thân họ chịu tác động của một áp lực tâm lý nào đó. Càng ức chế tâm lý, càng bị ám ảnh, con người càng rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần, và tất cả các trạng thái này sẽ chuyển vào giấc mơ.
Do giấc mơ là sản phẩm của vô thức, nằm ngoài sự kiểm soát của ý thức nên những gì thấy được trong mơ người nằm mơ nhiều lúc đi ngược lại với những biểu hiện thường thấy của của con người. Qua giấc mơ những ham muốn, những góc khuất của con người được phơi bày, hé lộ. Đọc giấc mơ của con người sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc tìm hiểu những suy nghĩ mà con người còn che giấu. Giấc mơ giống như một lời thú tội chân thật nhất của cái tôi về những khát khao, ham muốn, oán ghét…mà đôi khi chính bản thân họ cũng không hề hay biết. Trong Rừng Na-uy, H.Mukarami không đi sâu miêu tả nhiều về những giấc mơ mà chủ yếu khai thác những biểu hiện khác của vô thức. Giấc mơ chỉ xuất hiện trong một vài khoảnh khắc ngắn ngủi của các nhân vật thế nhưng nó cũng thể hiện khá rõ nét những ẩn ức, dồn nén trong tâm hồn của các nhân vật. Trước hết phải kể đến giấc mơ của Midori, đó là giấc mơ hiếm hoi về người mẹ quá cố của cô. Thông thường khi người mẹ của mình qua đời thì theo tâm lý chung những đứa con đều thương tiếc và đau khổ với sự mất mát lớn lao nhất cuộc đời. Thế nhưng, cái chết của mẹ Midori không làm cho cô buồn, không làm cô khóc, cô không côc đơn và thậm chí còn thấy rất thoải mái khi thoát khỏi sự kiểm soát vô cùng khắc nghiệt của mẹ. Nhưng cũng có đôi lúc Midori nằm mơ thấy mẹ “Lúc thì mẹ tớ đang từ trong bóng tối quát mắng vọng ra, lên án là tớ
đã vui khi bà ấy chết. Nhưng tớ có vui đâu” (Haruki Murakami, 2006). Giấc mơ của
những ám ảnh về những gì mà mẹ cô đã gây ra cho cô sẽ không thể chữa lành. Sự xung đột giữa cái bên trong và cái bên ngoài tạo nên một cá tính lạnh lùng của Midori. Thật sự cô không ghét mẹ, cô luôn khao khát được nhận tình yêu thương từ bố mẹ nhưng những gì mà họ cho cô chỉ là sự la rầy, quát mắng. Những lời mắng chửi của mẹ cô như những mũi kim xuyên thẳng vào tim đau đớn và uất nghẹn. Nó cứ cháy âm ỉ trong cõi vô thức và khi ẩn ức dâng trào nó chuyển vào giấc mơ. Từ giấc mơ của Midori có thể nhận thấy những ám ảnh, ức chế tâm lý mà cô đã phải trải qua từ đó có thể hiểu rõ hơn về con người và tính cách của nhân vật này.
Những giấc mơ của Toru cũng cho thấy những áp lực về tâm lý đang đè nặng lên nhân vật này. Trong cái lần đến thăm Naoko ở khu nghỉ dưỡng Ami, Toru đã chìm vào một giấc ngủ chưa từng có, trong cảm thức của anh luôn có mặt Naoko trong căn phòng quen thuộc từ nhà bếp với những chiếc bát đĩa, từ nhà tắm với chiếc bàn chải đánh răng, từ chiếc giường với chiếc đèn ngủ mà Naoko vẫn thường dùng, Toru “mơ
thấy một con bươm bướm bay lượn như múa trong ánh sáng mờ ảo” (Haruki Murakami, 2006). Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, hình ảnh một con bươm bướm có nhiều ý nghĩa. Ở Nhật Bản, con bướm là biểu hiện cho vẻ duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ, những đường bay lượn của con bươm bướm cũng dịu dàng và duyên dáng như vẻ đẹp của Naoko. Trong lần tới thăm này, Toru đã nhận ra những biến đổi trên thân thể Naoko và theo anh đó là một cuộc tái sinh huyền dịu, thân thể Naoko ngày càng dịu dàng và xinh đẹp hơn. Trong biểu tượng của Kitô giáo, con bướm tượng trưng cho “linh hồn trút bỏ được cái vỏ xác thịt của mình và trở thành
ân sủng và chân phúc” (Alain Gheerbrant, Jean Chevalier, 2002). Có lẽ từ cõi thẳm
sâu của vô thức, Toru đã có những dự cảm chẳng lành về số phận ngắn ngủi, mỏng manh của Naoko cũng giống như cánh bướm kia. Ngoài ra, cánh bướm trong đêm còn là biểu tượng của bản chất con người ước mơ vươn tới những đỉnh cao của tình yêu và trong bóng đêm lạnh lẽo, cầu khẩn xin có được đôi cánh. Giấc mơ thứ hai lại tiếp tục đến với Toru cũng trong cái đêm thứ hai anh ở lại nhà nghỉ Ami trong căn phòng của Naoko, lần này không phải là là cánh bướm bay lượn trong thứ ánh sáng mờ ảo mà những rặng liễu trải dài “Tôi mơ thấy những cây liễu. Cả hai bên của một
gió mạnh đang thổi, nhưng cành liễu vẫn im phăng phắc” (Haruki Murakami, 2006).
Cây liễu trong quan niệm của phương Tây vừa là biểu tượng của sự tang thương, chết chóc bởi dáng hình của nó đã gợi nên những tình cảnh buồn thương da diết. Nhưng bên cạnh đó, liễu còn là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của sự bất tử. Giấc mơ về những cây liễu của Toru gợi liên tưởng đến bản năng sống và bản năng chết của con người. Giấc mơ ấy lại một lần nữa báo hiệu về cái chết không thể tránh khỏi của Naoko nhưng cũng chính từ cái chết đó nó đã trở thành trung tâm của sự tái sinh. Bởi với Naoko chết không phải là chấm dứt sự sống mà bắt đầu sự sống theo một cách khác mà thôi.
Việc giải mã giấc mơ thông qua các biểu tượng, giúp người ta có thể hiểu hơn về những phức cảm, dồn nén, ẩn ức của con người. Thông qua giấc mơ, người ta có thể hiểu về mâu thuẫn và những xung đột tinh thần đang diễn ra bên trong tâm hồn con người. Chính điều này mà Freud đã từng khẳng định, giải mã giấc mơ là cách ngắn nhất để hiểu được thế giới tâm hồn của con người.