Không gian nghệ thuật từ cái nhìn ẩn ức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết rừng na uy từ góc nhìn phân tâm học (Trang 133 - 137)

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới thì “không gian là biểu tượng chung

của môi trường, ở bên ngoài hay bên trong, mà bất kì một sinh thể nào, cá thể hay tập thể đều hoạt động trong nó” (Alain Gheerbrant, Jean Chevalier, 2002). Không

gian cũng như thời gian đều là hình thức tồn tại của con người, là nơi diễn ra mọi hoạt động sinh tồn và phát triển của con người. Thế nhưng, từ góc nhìn phân tâm học, không gian lại được nhìn nhận qua cái nhìn ẩn ức, mang đậm yếu tố vô thức. Đọc

Rừng Na-uy, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những không gian rất quen thuộc của

Nhật Bản từ rặng núi, cánh đồng hoa, đồng cỏ, khu rừng xanh thẳm,..Nhưng không gian không còn là không gian tồn tại khách quan nữa mà là không gian mang quan niệm chủ quan của tác giả. Ở đây, H.Murakami đã xây dựng nên hình thức không gian phù hợp trong việc miêu tả thế giới tinh thần đầy phức tạp của con người. Đó là một không gian có tâm trạng, chứa đầy ẩn ức.

Không gian qua cái nhìn ẩn ức là dạng không gian tù đọng, tối tăm, xa xôi, mờ ảo chịu sự chi phối trực tiếp của tâm trạng con người. Không gian hiện lên quan dòng tâm tư của nhân vật là một không gian đầy ám ảnh. Thông qua những giấc mơ, những hồi ức dữ dội của nhân vật, nhà văn đã xây dựng nên hình ảnh không gian tù đọng, tăm tối, xám xịt, nhòe mờ hư ảo. Các hình tượng không gian này góp phần trực tiếp trong việc liên kết với bức tranh tâm trạng của nhân vật. Có thể kể đến những không

gian chuyên biệt như không gian mưa, không gian thiên nhiên, không gian phòng riêng, không gian tâm lí.

Không gian thiên nhiên trong tiểu thuyết Rừng Na-uy là những dấu hiệu ám gợi, những dự báo cho những biến cố trong cuộc đời của nhân vật. Hình ảnh thiên nhiên xuất hiện đầu tiên trong tác phẩm là không gian của một buổi chiều mưa, khi Toru đáp chuyến bay đến Hamburg của nước Đức. Không gian hiện lên với một gam màu xám xịt “Những trận mưa tháng Mười một lạnh lẽo thấm đẫm mặt đất, khiến

mọi vật cũng ảm đạm như một bức tranh phong cảnh Hà Lan xưa: đám nhân viên mặt đất trùm áo mưa, mảnh cờ ủ rủ trên nóc một tòa nhà vuông vức trong sân bay, một tấm biển quảng cáo xe BMW. Chao ôi, lại nước Đức đây rồi” (Haruki Murakami,

2006). Tác giả dựng nên một không gian nghệ thuật đặc biệt để kích động cảm xúc của nhân vật: những cơn mưa thường đem đến cho con người cảm giác lạnh lẽo của da thịt nhưng nó cũng khơi gợi sự lạnh lẽo của tâm hồn. Từ một nơi xa xứ, cảm giác cô đơn dâng lên trong lòng Toru, nó đánh thức trong anh những kỉ niệm thật ngọt ngào nhưng cũng thật xót xa về hình ảnh người con gái anh yêu. Hơn nữa, không gian mưa của hiện tại ở sân bay Hamburg đã gợi nhắc những không gian mưa trong quá khứ. Toru và Naoko cũng đã từng trải qua những kỉ niệm dưới màn mưa của thời tuổi trẻ. Đó là một buổi chiều Toru và Naoko gặp lại nhau trên chuyến tàu Chuo giữa thành phố Tokyo hoa lệ. Đó là một buổi chiều đã làm thay đổi cuộc đời của cả hai con người “Buổi chiều chủ nhật giữa tháng Năm. Những trận mưa rào ngắn ngủi

suốt buổi sáng đã tạnh hẳn, và gió nam đã xua tan những đám mây là là trên mặt đất” (Haruki Murakami, 2006). Để rồi sau những lần gặp gỡ, những cuộc trò chuyện,

cùng nhau đi dạo khắp ngõ ngách của thành phố, trong lòng Toru đã dấy lên một tình yêu mãnh liệt dành cho Naoko – người yêu cũ của Kizuki – bạn thân của anh trước đó. Toru vẫn không thể nào quên được cái đêm mưa hôm sinh nhật lần thứ hai mươi của nàng “cái đêm mưa tháng Tư ấy, để chúng tôi có thể bám chặt lấy sự trần trụi

của nhau mà không thấy lạnh lẽo” (Haruki Murakami, 2006). Không gian mưa đã

gắn chặt với biết bao hồi ức của Toru về người bạn gái cũ. Vì vậy, cứ mỗi lần ngắm mưa, trong tâm hồn Toru luôn dậy sóng, cho nên dù đã hai mươi năm trôi qua, trước cơn mưa xứ lạ, tâm hồn Toru thấm đẫm những kỉ niệm về mối tình đầu của mình.

Không gian qua cái nhìn ẩn ức còn là dạng không gian nhỏ bé, tăm tối, cô lập như không gian căn phòng. Không gian phòng riêng cũng là kiểu không gian rất đặc trưng trong tiểu thuyết của H.Murakami. Khi sống trong một thực tại đầy những hoài nghi và bất trắc, con người thường co mình lại và tự xây dựng cho mình một thế giới “bất khả xâm phạm”, ở đó họ cảm thấy an toàn với chính mình vô tình họ tạo ra một thứ không gian vỏ bọc. Nhưng càng lẩn trốn, con người lại càng rơi vào tột cùng bi kịch của sự cô đơn. Tìm hiểu những dạng không gian nhỏ bé, riêng biệt của từng nhân vật cũng là một cách để ta hiểu hơn về những vùng tối trong đời sống tâm thức của con người. Trong Rừng Na-uy, chúng ta hay bắt gặp những không gian nhỏ bé, riêng biệt như thế, nó là một không gian đặc biệt dành cho những con người cô đơn. Đó là căn phòng nơi khu học xá mà Toru sống suốt hai năm trời, một nơi mà anh nhận thấy nó giống như một nhà tù được cải tạo thành khu học xá. Dù đó là một căn phòng chung nhưng Toru vẫn cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Trong không gian ấy dù được tiếp xúc với rất nhiều người, nhưng bản thân anh vẫn chưa thể mở lòng với họ, trừ Quốc-xã và Nagasawa, Toru không có thêm bất cứ người bạn nào. Khi Toru chuyển khỏi khu học xá, anh tìm thuê được một căn nhà riêng, nhưng cũng chính không gian đó, Toru tiếp tục gặm nhắm nỗi cô đơn của mình. Căn phòng trọ của Naoko cũng có tính chất vỏ bọc như vậy, một căn phòng với cách bày trí vô cùng đơn giản, đến mức Toru không thể nhận ra lối sống mới của Naoko khi đến Tokyo. Dường như Naoko muốn thay đổi mọi thứ nhằm dứt bỏ quá khứ để xây dựng một cuộc đời mới. Nhưng sự thay đổi này chỉ là hình thức còn về bản chất tâm hồn cô vẫn không thôi sự ám ảnh về cái chết của những người thân yêu. Càng cố che đậy thì quá khứ càng hiển hiện, nỗi đau càng bị khoét sâu thêm làm cuộc sống Naoko trở nên bế tắc. Hay đó là một không gian tách biệt với thế giới bên ngoài của khu nghỉ dưỡng Ami, một nơi mà Toru nhận xét “chỗ này thật yên tĩnh, cảnh vật xung quanh thật hoàn hảo và Reiko

là một người tuyệt vời. Nhưng đây không phải là chỗ ở lâu dài. Nó quá chuyên biệt. Càng ở lâu sẽ càng khó lòng mà đi đâu được nữa” (Haruki Murakami, 2006). Những

không gian biệt lập như thế này thật sự là một nơi chốn lý tưởng cho những con người cô đơn. Trong Rừng Na-uy, có 16 lần những không gian riêng biệt như thế được nhắc

đến. Những ngôi nhà biệt lập, hoang vu, im lìm, thiếu vắng sự sống ấy trở đi trở lại như một vòng tròn khép kín, mang một nỗi buồn, một nỗi cô đơn của con người.

Khác với không gian bối cảnh là không gian bên ngoài, không gian vật chất hiển hiện ngay trước mắt, không gian tâm tưởng xuất hiện bên trong nhân vật thường gắn liền với giấc mơ, những kí ức mờ xa giờ đây trở lại trong tâm trí của con người. Không gian tâm tưởng thường được thể hiện qua những hình ảnh mơ hồ, huyền ảo, khơi gợi kí ức mông lung của quá khứ. Hình ảnh những con đom đóm không chỉ là biểu tượng cho ánh sáng của ngọn lửa mà còn mở ra một không gian tâm tưởng trong tâm hồn Toru. Ánh sáng le lói của chú đom đóm mà Quốc-xã tặng Toru đã gợi trong Toru một kí ức xa xôi nơi một thời quá khứ nơi một miền quê yên tĩnh, ở nơi đó có thứ ánh sáng rực rỡ chói lòa xuyên thủng màn đêm, nó khác hẳn với ánh sáng yếu ớt của con đom đóm mà Toru đang cầm. Sự đối lập giữa quá khứ và thực tại đã mở ra một không gian tâm tưởng trong hồi ức của nhân vật. Một không gian ánh sáng khác xuất hiện rất nhiều lần trong tác phẩm là không gian ánh trăng. Mặt trăng là thực thể có thật, chiếu rọi ánh sáng, xua đi màn đêm tăm tối nhưng ánh trăng mờ ảo cũng mở ra không gian tâm tưởng của tâm hồn người. Có tới 17 lần không gian ánh trăng xuất hiện trong tác phẩm. Rõ ràng, đây không phải là một sự trùng hợp, ngẫu nhiên mà nằm trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Không gian ánh trăng thường gắn với hình ảnh Naoko. Ánh trăng xuất hiện tôn tạo vẻ đẹp hình thể của Naoko và ánh trăng cũng khơi gợi trong tâm tưởng Toru về vẻ đẹp hình thể ấy. Cái đêm Naoko tắm mình trong ánh sáng dịu nhẹ của vầng trăng mãi luôn là một kí ức đẹp trong tâm khảm của chàng, Naoko đã để lộ vẻ đẹp khuôn mặt nàng dưới ánh trăng, ánh trăng làm rõ đường viền môi nàng “Tắm trong ánh trăng dìu dịu, thân thể của Naoko ánh lên như da thịt sơ

sinh khiến tôi thấy tan nát cõi lòng” (Haruki Murakami, 2006) “Da thịt đã phải qua nhiều biến đổi để tái sinh trong tuyệt đỉnh hoàn hảo dưới ánh trăng” (Haruki

Murakami, 2006). Trăng và Naoko đã hòa quyện vào nhau làm nên một vẻ đẹp mờ ảo, hư thực, ẩn hiện đem đến một nỗi day dứt, khao khát kiếm tìm.

Sự kết hợp đan xen, hài hòa giữa không gian bối cảnh và không gian tâm trạng đã góp phần khắc họa được thế giới nội tâm u buồn man mác của các nhân vật trong

tiểu thuyết Rừng Na-uy, khơi gợi được nỗi cô đơn, lạc lõng của kiếp người trong cõi nhân sinh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết rừng na uy từ góc nhìn phân tâm học (Trang 133 - 137)