2.1.1. Vài nét về địa bàn nghiên cứu
Thành phố Bạc Liêu có vị trí địa lý thuận lợi: Phía Bắc giáp với huyện Vĩnh Lợi, phía Nam giáp Biển Đông, phía Tây giáp huyện Hòa Bình và phía Đông giáp với tỉnh Sóc Trăng. Thành phố Bạc Liêu là một trong mười đơn vị hành chính của tỉnh, là trung tâm hành chính nằm ở phía Đông của tỉnh Bạc Liêu và là đầu mối giao lưu trong và ngoài tỉnh.
Bạc Liêu có ba dân tộc sinh sống chủ yếu là Kinh, Hoa và Khmer. Sự đa dạng các dân tộc cùng sinh sống đã tạo cho Bạc Liêu một nền văn hóa phong phú mang những nét đặc trưng từ văn hóa ẩm thực cho đến phong cách sống và giao tiếp hàng ngày. “Trong đó người Kinh chiếm 89,9%, Khmer 7,66% và Hoa 2,34%; các dân tộc còn lại, mỗi dân tộc chỉ có dưới 100 người, thậm chí chỉ có trên dưới một chục người” (Báo Ảnh Dân tộc và miền Núi, 2018).
Trưởng thành muộn hơn nhiều so với các thị xã của các tỉnh khác trong khu vực phía Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng, hiện nay thành phố Bạc Liêu đã trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh chỉ sau 4 năm nâng cấp lên thành phố (từ năm 2010 đến năm 2014). Đây là nguồn động lực to lớn cho nhân dân thành phố Bạc Liêu nói riêng và toàn tỉnh Bạc Liêu nói chung cố gắng vươn lên phát triển. Tuy nhiên, trình độ dân trí còn thấp, tập tục sinh hoạt còn lạc hậu, kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, bấp bênh (chủ yếu là làm lúa, muối, nuôi tôm và đánh bắt hải sản ven bờ); nhiều trường hợp lao động không có việc làm, nhất là với người dân ở khu vực các xã vùng ven như Vĩnh Trạch, Hiệp Thành… có rất nhiều cha mẹ trẻ phải bỏ quê lên TP.HCM làm thuê kiếm sống, để con lại cho cha mẹ già
nuôi dưỡng ở quê. Đây là những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển giáo dục của thành phố Bạc Liêu nói chung trong đó có GDMN.
Quy mô phát triển giáo dục mầm non theo “Báo cáo sơ kết học kỳ I năm học 2017 - 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong học kỳ II” của Phòng GD – ĐT thành phố Bạc Liêu ngày 22/2/2018 như sau:
- Về mạng lưới cơ sở giáo dục: Tính đến cuối tháng 12/2017, toàn thành phố có 18 trường mầm non – mẫu giáo (trong đó có 06 trường tư thục).
- Công tác tổ chức: Tính đến tháng 01/2018, bậc học mầm non có tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên là 706 người (Trong đó có 45 CBQL, 411 GV và 250 NV). Tỷ lệ đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ là 100% (có 84,14% trên chuẩn đào tạo).
- Về quy mô học sinh: Tổng số nhóm, lớp là 222 lớp (trong đó có 85 lớp tư thục). 100% các nhóm, lớp đều học 2 buổi/ ngày và học bán trú.
Tổng số trẻ đến trường: 7.075 trẻ (trong đó tư thục 2.413 trẻ), Trong đó: + Nhà trẻ: 730 trẻ/29 lớp, có 45 trẻ là người dân tộc thiểu số (công lập 33 trẻ, tư thục 12 trẻ).
+ Mẫu giáo: 6.345 trẻ/193 lớp, có 906 trẻ là người dân tộc thiểu số (công lập 750 trẻ, tư thục 156 trẻ).
- Về công tác kiểm định chất lượng GD: 100% các cơ sở GDMN tự đánh giá theo hướng dẫn của Bộ GD – ĐT. Trong đó có 05 trường MN/MG được đánh giá ngoài.
Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc – giáo dục trẻ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý GDMN, tính đến cuối học kỳ I năm học 2017 – 2018, toàn thành phố có 07 trường mầm non, mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.