Một số khái niệm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) niềm tin vào tính hiệu quả của giáo dục việt nam của học sinh lớp 12 tại thị xã dĩ an, tỉnh bình dương​ (Trang 27)

1.2.1. Niềm tin

1.2.1.1. Khái niệm

Theo tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, niềm tin là khái niệm khó có định nghĩa thống nhất, vì nó được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Đây không chỉ là khái niệm khó nắm bắt mà còn dễ gây nhầm lẫn. Nhưng tóm lại, yếu tố

quan trọng nhất của niềm tin là tính được tin tưởng.

* Khái niệm “Niềm tin” trên thế giới

Theo P.V.Kopnin, người đầu tiên đặt vấn đề hết sức quan trọng về niềm tin với tư cách là một yếu tố đặc biệt của thế giới quan đã định nghĩa: “Niềm tin là tri thức đã chuyển thành tín niệm”.

N.I.Lapin quan niệm: “Niềm tin là sự tin tưởng, nó bộc lộ rõ ở kinh nghiệm hằng ngày, trong quan hệ với người khác…Nó có ở con người sớm hơn mọi định hướng khác. Niềm tin là hy vọng vào một tương lai tốt đẹp nó bao hàm mọi lý tưởng xã hội, kể cả lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”.

Theo E.A.Epxtipiepva trong “Hiện tượng niềm tin và tính tích cực của ý thức” thì niềm tin là hành vi chấp nhận một điều gì đó với tư cách là cái đúng (cái có giá trị, cái chính đáng, cái hợp lý) trong điều kiện thiếu vắng hay không thể có căn cứ đầy đủ.

V.I.Sincaruc đã đưa ra khái niệm: “Niềm tin là định hướng được đưa ra qua thực tế nhằm đạt tới cái có thể đúng với tư cách là điều đáng tin cậy” (Trịnh Đình Bảy, 2003).

A.V.Petrovski cho rằng, niềm tin là trạng thái tâm lý đặc biệt, thể hiện ở việc con người chấp nhận hoàn toàn không điều kiện các thông tin, văn bản, hiện tượng, sự kiện nào đó, quy định một số hành vi, phán đoán, chuẩn mực ứng xử quan hệ. Đối tượng mà cá nhân đặt niềm tin vừa là các sự vật hiện tượng bên ngoài (thông tin, sự kiện, hiện tượng), vừa là kết quả kết quả nhận thức của các cá nhân về các sự kiện (biểu tượng, suy luận của bản thân). Theo nhà tâm lý học người Mĩ J.H.Leuba, niềm tin (bao gồm niềm tin tôn giáo) bao hàm sự tin tưởng vào tính đúng đắn của những phán đoán hay các quan điểm nhất định, tình cảm, nhu cầu của cá nhân, ý chí thực hiện những nhu cầu đó.

Trong cuốn “Tâm lý học tôn giáo”, niềm tin là định hướng giá trị được xác định vững chắc trong nhận thức và chi phối hành động của cá nhân. Niềm tin có vai trò hết sức quan trọng đối với con người. Nó có thể làm thay đổi ý

thức, động cơ, tình cảm và lối sống của cá nhân (Tô Thúy Hạnh, 2009).

Robinson (1996) định nghĩa niềm tin: “Bên ủy thác niềm tin mong đợi, tin tưởng và kì vọng bên nhận ủy thác sẽ mang lại những lợi ích, sự thuận lợi, hoặc chí ít cũng không gây ra những bất lợi đối với họ” (Phạm Minh Tiến & Lê Quốc Hiếu, 2015).

* Khái niệm “Niềm tin” ở Việt Nam

Theo từ điển tâm lý học của Vũ Dũng: “Niềm tin là định hướng giá trị vững chắc, chi phối nhận thức và hành vi của cá nhân”. Niềm tin là trạng thái tâm lý đặc biệt của con người, thể hiện sự tiếp nhận hoàn toàn và vô điều kiện những thông tin, sự kiện, hiện tượng, kết luận của bản thân - những điều sau này có thể trở thành cơ sở của Cái Tôi của chủ thể, quy định một số cách ứng xử, hành vi, lập luận hay các mối quan hệ của chủ thể”.

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật, niềm tin là kết quả làm việc (trước) của ý thức, từ đó biểu tượng của chủ thể về thế giới, về vai trò của chủ thể trong thế giới đó được hình thành. Con người càng hiểu biết, thì những kết quả hoạt động của con người càng phức tạp và sẽ càng ít có những niềm tin mù quáng. Niềm tin được hình thành trong hoạt động, giao tiếp, trong các quan hệ xã hội và các trải nghiệm của bản thân. Niềm tin trở thành điểm tựa tinh thần của mỗi người.

Sách Từ điển Tiếng Việt xuất bản năm 1994 viết: Niềm tin là trạng thái tình cảm cụ thể của con người; đặt hoàn toàn hy vọng vào người nào hay cái gì đó; cho là đúng sự thật, là có thật.

Các tác giả của Sổ tay tâm lý học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1991, viết: “Niềm tin là sự định hướng giá trị được xác định vững chắc trong nhận thức và chi phối hành động của cá nhân trong cuộc sống. Niềm tin phản ánh sự hiểu biết nhất định của con người về thiên nhiên và xã hội. Niềm tin là một trong những phương pháp cơ bản của giáo dục để hình thành nhân cách của con người” (Trịnh Đình Bảy, 2003).

Tác giả Trần Hậu Kiêm và Nguyễn Đình Xuân cho rằng: “Niềm tin là một hệ thống quan niệm, ý tưởng về cái tương lai tươi sáng hơn cái hiện tại” (Trịnh Đình Bảy, 2003).

Ở góc độ tâm lý học, Nguyễn Ngọc Phú cho rằng “niềm tin là sự hoà quyện một cách hữu cơ giữa kiến thức “sự hiểu biết”, tình cảm, ý chí và mang khuynh hướng sẵn sàng thúc đẩy con người hành động phù hợp với những định hướng chuẩn mực giá trị bản thân”.

Trong sách tâm lý học đại cương, theo tác giả Lê Thị Hân “Niềm tin là một phẩm chất của thế giới quan, là sự kết tinh các quan điểm, tri thức, rung cảm, ý chí đã được con người trãi nghiệm trong hoạt động sống của mình, trở thành chân lý bền vững trong họ”.

Tác giả Lê Thị Bừng đã đưa ra khái niệm “Niềm tin là lòng tin cậy sâu sắc và có lí lẽ vững vàng thể hiện trong nguyên tắc, trong tư tưởng và trong hành động của con người”. Niềm tin được xây dựng trên cơ sở thế giới quan. Thế giới quan có tính thuần nhất tạo cho con người những quan điểm nhất quán .

Từ các quan điểm trên, tác giả đưa ra khái niệm làm công cụ nghiên cứu trong luận văn là Niềm tin là những tri thức phản ánh từ thế giới khách quan kết hợp cùng với những rung cảm đã chuyển thành chân lý bền vững trong mỗi cá nhân. Niềm tin là cơ sở tác động mạnh mẽ đến hành vi của con người.

Vậy niềm tin mang các đặc tính như sau:

+ Là những tri thức mà con người có được trong quá trình phản ánh thế giới khách quan.

+ Là những rung cảm nảy sinh từ quá trình phản ánh thế giới khách quan + Mỗi người có sự phản ánh thế giới khách quan khác nhau sẽ có niềm tin khác nhau.

+ Niềm tin của con người sẽ chi phối hành vi của họ.

1.2.1.2. Đặc điểm niềm tin

Xét dưới góc độ niềm tin xã hội, theo tác giả Phạm Liên Kết niềm tin có những đặc điểm như sau: (Phạm Liên Kết, 2015).

- Niềm tin là một giá trị: Trong đời sống xã hội, niềm tin tạo ra giá trị vật chất lẫn tinh thần.

- Niềm tin là vốn xã hội: Niềm tin tồn tại và tạo ra sự gắn kết xã hội. Không có niềm tin, xã hội sẽ không tồn tại, thậm chí sẽ bị sẽ hỗn loạn và khủng hoảng.

- Sự biến đổi niềm tin: Có những niềm tin không tồn tại lâu và thay thế bởi một niềm tin khác. Sự biến đổi này có nguyên nhân từ thực tế, bắt nguồn từ tri thức của con người có sự thay đổi.

Theo tác giả Trịnh Đình Bảy, với tư cách là một khái niệm triết học, niềm tin phải thể hiện được một cách đầy đủ cả bốn phương diện cơ bản: bản thể luận, nhận thức luận, giá trị luận và thực tiễn luận. Dựa trên phương diện bản thể luận đã vạch ra được những đặc tính cơ bản của niềm tin: tính chỉnh thể, tính ổn định và tính chức năng.

- Tính chỉnh thể: niềm tin luôn có xu hướng toàn vẹn không có niềm tin nửa vời, tin một phần.

- Tính ổn định: niềm tin không bị biến đổi trong quá trình vận động. Chủ thể của niềm tin luôn không muốn thay đổi, ngay cả khi vấp phải những sự kiện xáo trộn nhất là lúc chính biến chính trị xảy ra, cũng như xuất hiện những quan niệm mâu thuẫn xã hội gay gắt,…

- Tính chức năng: đem đến sự đền bù, sự phê chuẩn và sự đẩy mạnh tính tích cực cho chủ thể.

Đăc tính đền bù chỉ ra chức năng bổ sung trong điều kiện cuộc sống thiếu thông tin, tình huống không rõ ràng, điều kiện nội tâm căng thẳng, khi con người gặp căng thẳng, thiếu mục đích sống cao cả, nó sẽ đem đến cho con người niềm tin tốt đẹp hơn, hy vọng vào cái gì đó hợp lý, mặc dù hiện tại nó

chưa trở thành hiện thực, v.v…

Đặc tính phê chuẩn là chức năng bảo đảm cho hành vi con người chấp nhận, thừa nhận ý niệm, giá trị, mục đích, biến chúng từ cái đơn giản chỉ mới được chủ thể biết đến thành cái có giá trị đối với chủ thể phản ánh.

Đặc tính đẩy mạnh tính tích cực là chức năng quan trọng nhất của niềm tin. Người có niềm tin vững chắc sẽ tạo cho chủ thể năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn to lớn, có ý chí mạnh mẽ, nghị lực phi thường.

1.2.1.3. Cấu trúc của niềm tin

Theo tác giả Nguyễn Ngọc Phú “niềm tin là sự hoà quyện một cách hữu cơ giữa kiến thức “sự hiểu biết”, tình cảm, ý chí và mang khuynh hướng sẵn sàng thúc đẩy con người hành động phù hợp với những định hướng chuẩn mực giá trị bản thân”.

Trong khái niệm này đã đưa ra ba yếu tố đặc trưng biểu hiện cho niềm tin: yếu tố thứ nhất là kiến thức (sự hiểu biết), thức hai là tình cảm và thứ ba là ý chí.

Tương tự theo tác giả Lê Thị Hân “Niềm tin là một phẩm chất của thế giới quan, là sự kết tinh các quan điểm, tri thức, rung cảm, ý chí đã được con người trãi nghiệm trong hoạt động sống của mình, trở thành chân lý bền vững trong họ”. Khái niệm này cũng nêu ra những yếu tố kết tinh nên niềm tin như: các quan điểm, tri thức, rung cảm, ý chí.

Phân tích các yếu tố cấu thành niềm tin, tác giả Trịnh Đình Bảy đã nêu ra hai yếu tố đặc trưng cho niềm tin.

- Yếu tố cơ bản của kết cấu niềm tin là tri thức, yếu tố quan trọng nhất và cốt lõi nhất.

- Yếu tố không thể thiếu của niềm tin là xúc cảm, năng lực cảm nhận thế giới nội tâm của con người.

Theo ông để có niềm tin không chỉ cần tri thức, sự hiểu biết - kết quả hình thành thông qua tác động của thế giới bên ngoài vào bộ óc người, mà

còn cần có cả cảm xúc. Sự kết hợp tri thức đã đạt được với sự đồng cảm nội tâm (xúc cảm) tạo ra yếu tố tinh thần hết sức quan trọng đối với tồn tại người. Đó là niềm tin.

Yếu tố niềm tin là sự kết hợp của nhiều thành phần: hiểu biết sâu sắc về đối tượng, có xúc cảm mạnh (say mê) với đối tượng, sự lặp lại nhiều lần để củng cố ... Cá nhân không thể tin nếu chỉ từ những hiểu biết đơn thuần mà phải qua những trải nghiệm thực tế. Những cảm nhận nhiều lần với đối tượng là cơ sở hình thành niềm tin (Lý Minh Tiên, 2012).

Kết hợp khái niệm công cụ của đề tài và tiếp cận phân tích cấu trúc của niềm tin theo tác giả Trịnh Đình Bảy. Tác giả diễn giải cấu trúc của niềm tin như sau:

Tri thức là thành phần cơ bản của niềm tin, không có tri thức nhận biết về một người, một sự vật hiện tượng nào đó thì không thể tạo lập được niềm tin vào một người hay sự vật hiện tượng đó. Cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về đối tượng.

Xúc cảm là yếu tố không thể thiếu của niềm tin. Khi tiếp xúc với đối tượng nào đó khiến ta nảy sinh xúc cảm tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực đều gây ra một niềm tin nào đó. Cần có sự thể nghiệm trên đối tượng và nảy sinh cảm xúc

Để tạo được niềm tin, ít nhất cần có hai yếu tố này kết hợp tác động lẫn nhau xây dựng và củng cố niềm tin. Niềm tin chỉ có được qua sự thể nghiệm những hiểu biết trong cuộc sống. Trong quá trình thể nghiệm, cá nhân gắn hiểu biết lý thuyết với những xúc cảm cụ thể, kiểm nghiệm các tri thức trong thực tiễn (Lý Minh Tiên, 2012).

1.2.1.4. Vai trò của niềm tin

* Về mặt sinh học

Bruce Lipton là nhà sinh vật học tiên phong của Mỹ chủ trương rằng gen có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường. Trong các công trình nghiên cứu

của ông đã chứng minh rằng: Niềm tin của con người có thể thay đổi hoạt động của tế bào con người.

Khoa học vẫn luôn tin rằng tế bào của con người được quy định bởi bộ gen. Nhưng với nghiên cứu này, nhà sinh vật học đã phá bỏ điều đó.

* Về mặt xã hội

Trong nghiên cứu của tác giả Trịnh Đình Bảy, niềm tin khoa học có những vai trò sau: (Trịnh Đình Bảy, 2003).

- Củng cố thế giới quan khoa học: Thế giới quan là hệ thống quan niệm của con người về thế giới mà tri thức chỉ trở thành thế giới quan khi và chỉ khi nó được chuyển thành niềm tin. Nhờ có niềm tin mà tri thức đạt được mới trở thành cơ sở hiện thực cho hành động. Niềm tin vững chắc thế giới quan càng vững chắc và ngược lại.

- Củng cố lý tưởng cuộc sống: lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta phấn đấu để đạt được mặc dù hiện thực chưa được thể hiện một cách đầy đủ. Với niềm tin đúng đắn sẽ củng cố quyết tâm, tạo ra nghị lực phi thường cho con người để đạt mục đích cuối cùng.

- Tạo ra môi trường phát triển: niềm tin là động lực thúc đẩy, khích lệ hoạt động sáng tạo của con người, giúp chúng ta tìm ra biện pháp đúng đắn để đi đến mục tiêu đã định. Ngược lại, mất niềm tin con người dễ mất phướng hướng, sinh ra trạng thái chán chường và không đạt được những gì đã định.

- Định hướng hành vi, tạo lập nhân cách: hành vi con người có được nhờ ý thức dẫn đường nhưng để hiện thực được hành vi cần có niềm tin tác động. Hành động của chủ thể càng tích cực, nhất quán thì việc tạo lập nhân cách xuất hiện.

Theo Anthony Robbins, tác giả của cuốn “Đánh thức con người phi thường trong bạn” cho rằng: “Niềm tin là một mệnh lệnh không thể chối từ đối với hệ thần kinh, và nó có sức mạnh phát huy hay triệt tiêu năng lực hiện tại cũng như trong tương lai của ta. Cho nên nếu muốn định hướng cuộc đời

mình, ta phải bắt đầu kiểm soát niềm tin. Và để thực hiện điều đó, chúng ta cần phải hiểu chúng thực sự được hình thành từ đâu và bằng cách nào”.

1.2.1.5. Phân loi nim tin

Theo Vũ Anh Tuấn căn cứ vào các khía cạnh khác nhau để phân loại niềm tin (Vũ Anh Tuấn, 2006).

* Căn cứ vào quá trình hình thành niềm tin, niềm tin có 3 mức độ như sau:

- Niềm tin trao đổi: là loại niềm tin giữa hai đối tượng có sự ngang bằng nhau về lợi ích, kiến thức, tình cảm,…

- Niềm tin lý tưởng: là loại niềm tin về những điều tốt đẹp. Niềm tin này gây hứng thú cho con người hoạt động theo những điều tốt đẹp đó.

- Niềm tin tâm thức: là loại niềm tin có sự hòa quyện cả lý trí và tình cảm, dẫn đến sự say xưa tự nguyện hành động theo niềm tin.

* Căn cứ vào sự biểu hiện của niềm tin trong đời sống xã hội giữa con người với nhau, niềm tin được phân thành 3 loại:

- Niềm tin thông thường: là loại niềm tin diễn ra trong đời sống hằng ngày, phản ánh những vấn đề thông thường.

- Niềm tin khoa học: là loại niềm tin hình thành căn cứ trên những bằng chứng mang tính khoa học.

- Niềm tin tôn giáo: loại niềm tin hình thành từ những điều khoa học không giải thích được dựa vào các thế lực siêu nhiên, mang tính chất thiêng liêng.

1.2.2. Tính hiệu quả của giáo dục

1.2.2.1. Khái niệm hiệu quả

Theo từ điển Tiếng Pháp Lepetit Lasousse (1905) định nghĩa: “Hiệu quả là kết quả đạt được trong việc thực hiện một nhiệm vụ nhất định”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) niềm tin vào tính hiệu quả của giáo dục việt nam của học sinh lớp 12 tại thị xã dĩ an, tỉnh bình dương​ (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)