Tính hiệu quả của giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) niềm tin vào tính hiệu quả của giáo dục việt nam của học sinh lớp 12 tại thị xã dĩ an, tỉnh bình dương​ (Trang 35 - 38)

1.2.2.1. Khái niệm hiệu quả

Theo từ điển Tiếng Pháp Lepetit Lasousse (1905) định nghĩa: “Hiệu quả là kết quả đạt được trong việc thực hiện một nhiệm vụ nhất định”.

Từ điển Tiếng Việt (2000) định nghĩa: “Hiệu quả là kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại”.

Trong lĩnh vực quản lý hành chính, các nhà quản lý hành chính cho rằng: hiệu quả là mục tiêu chủ yếu của khoa học hành chính, là sự so sánh giữa các chi phí đầu tư với các giá trị của đầu ra, sự tăng tối đa lợi nhuận và tối thiểu chi phí, là mối tương quan giữa sử dụng nguồn lực và tỷ lệ đầu ra - đầu vào (Trần Minh Huyền, 2017).

Trong lĩnh vực kinh tế, nhà kinh tế học Adam Smith cho rằng: “Hiệu quả là kết quả đạt được trong hoạt động kinh tế, là doanh thu tiêu thụ hàng hóa”.

Theo tác giả Trần Minh Huyền: “Hiệu quả là phép so sánh dùng để chỉ mối quan hệ giữa kết quả thực hiện các mục tiêu, hoạt động của chủ thể và chi phí mà chủ thể bỏ ra để có kết quả đó trong những điều kiện nhất định”.

Từ các định nghĩa và quan điểm trên, có thể thấy các tác giả tập trung đề giải thích hiệu quả như là kết quả đạt đươc do mục đích, nhiệm vụ của một lĩnh vực nào đó đặt ra.

Do vậy, trong đề tài này người nghiên cứu tiếp cận khái niệm hiệu quả theo Từ điển Tiếng Pháp Lepetit Lasousse (1905) định nghĩa: “Hiệu quả là kết quả đạt được trong việc thực hiện một nhiệm vụ nhất định”.

1.2.2.2. Khái niệm giáo dục

Giáo dục là một khái niệm được hiểu theo nhiều cấp độ rộng, hẹp khác nhau.

* Hiểu theo nghĩ rộng, giáo dục là quá trình hình thành và phát triển nhân cách dưới ảnh hưởng của những tác động có mục đích, được tổ chức một cách có kế hoạch, có phương pháp, có hệ thống của các cơ quan chuyên biệt giáo dục và đào tạo (hệ thống trường học và các trung tâm giáo dục của xã hội như trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm cai nghiện ma tuý v.v.).

* Hiểu theo nghĩ hẹp, giáo dục là quá trình hình thành và phát triển nhân cách người được giáo dục dưới ảnh hưởng của những tác động sư phạm của nhà trường chỉ liên quan đến một mặt giáo dục như đạo đức, thể chất, thẩm mĩ

và cả lao động sản xuất.

Giáo dục là quá trình truyền thụ và lĩnh hội hệ thống kinh nghiệm xã hội từ thế hệ trước sang thế hệ sau nhằm chuẩn bị cho thế hệ sau tham gia lao động sản xuất và đời sống xã hội (Trần Thị Hương, Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hồ Văn Liên và Ngô Đình Qua, 2010).

Kinh nghiệm xã hội:

+ Là tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, niềm tin, hành vi và thói quen đạo đức. + Là kĩ năng lao động và kinh nghiệm ứng xử; là hiểu biết và thói quen về cuộc sống; là kinh nghiệm hoạt động sáng tạo, kĩ năng thích nghi.

Tóm lại, giáo dục là một hiện tượng xã hội phức tạp bao gồm rất nhiều yếu tố: gia đình; xã hội; nhà trường; tập thể - cá nhân; người giáo dục - người được giáo dục; giáo viên - học sinh; quản lý giáo dục - tác động giáo dục; lý luận giáo dục - thực tiễn giáo dục. Hiện tượng xã hội này xuất hiện và phát triển cùng với sự xuất hiện và phát triển của xã hội loài người và tính phức tạp càng tăng lên theo sự phát triển đó (Nguyễn Thị Ngọc Xuân, 2014).

1.2.2.3. Mục tiêu của giáo dục

Điều 2 của Luật giáo dục 2009 nêu ra mục tiêu của giáo dục:

“Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Để thực hiện mục tiêu giáo dục trên, nhà trường cần thực hiện nhiệm vụ cụ thể như sau để phát triển toàn diện nhân cách của học sinh (Trần Thị Hương et al., 2010).

- Đào tạo con người có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp: Giáo dục cho học sinh các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức do xã hội quy định về lối sống, phong cách, thái độ ứng xử trong cộng đồng; hướng

dẫn các em nắm vững hệ thống tri thức khoa học, phổ thông, cơ bản, hiện đại, phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn về tự nhiên, xã hội, con người; hình thành hứng thú, nhu cầu, ý chí, nghị lực, thói quen rèn luyện thể dục thể thao và giữ gìn vệ sinh để nâng cao sức khoẻ của bản thân; giáo dục năng lực nhận thức và cảm thụ cái đẹp trong tự nhiên, cuộc sống và nghệ thuật cũng như vẻ đẹp chân chính ở chính mình; truyền đạt hệ thống tri thức cơ bản về các loại hình lao động phổ biến, giúp học sinh nắm vững nguyên tắc chung của lao động.

- Giáo dục đào tạo con người trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội: Giáo dục cho học sinh hiểu và nắm vững những vấn đề cơ bản trong đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, những cơ sở pháp luật của hiến pháp, luật pháp hiện hành, có ý thức, hành động và lối sống theo pháp luật.

- Giáo dục hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của con người: Bồi dưỡng cho học sinh thế giới quan khoa học, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người công dân; rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, phát triển năng lực và phẩm chất trí tuệ, đặc biệt là năng lực tư sáng tạo, v.v…

- Giáo dục đáp ứng cho yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Giáo dục tính tích cực tham gia các hoạt động lao động, xã hội, chính trị…của học sinh; tạo điều kiện để học sinh vận dụng tri thức, kĩ năng vào cuộc sống, bước đầu đóng góp sức mình xây dựng xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

1.2.2.4. Khái niệm tính hiệu quả của giáo dục

Từ các khái niệm trên, ta thấy: “Tính hiệu quả của giáo dục là kết quả đạt được trong việc thực hiện những nhiệm vụ mà ngành giáo dục đặt ra”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) niềm tin vào tính hiệu quả của giáo dục việt nam của học sinh lớp 12 tại thị xã dĩ an, tỉnh bình dương​ (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)