Bước 1: Giới thiệu tình huống
-GV cung cấp thông tin về tình huống cho HS, nêu rõ nhiệm vụ, câu hỏi mà HS cần phải làm gì. Tình huống có thể được thể hiện bằng cách: in sẵn trên giấy khổ lớn, trình chiếu power point, cho HS xem clip hoặc phát phiếu học tập cho từng nhóm, từng HS. Đối với các tình huống đơn giản, GV có thể nêu câu hỏi tình huống hoặc kể câu chuyện chứa đựng tình huống.
- Khi đưa ra tình huống GV lưu ý về thái độ phải vui vẻ, nghiêm túc, giọng nói có sức truyền cảm để HS tập trung vào tình huống mình đưa ra. GV phải bao quát lớp để chắc chắn rằng tất cả HS đều nắm bắt tình huống.
Bước 2: Tìm cách giải quyết tình huống
- GV hướng dẫn HS tập thói quen luôn đặt nghi vấn đối với mỗi vấn đề gặp phải. - Tùy vào mức độ khó của tình huống mà GV dành thời gian phù hợp (3 – 5 phút) cho HS suy nghĩ để HS thu thập thông tin về tình huống, nghiên cứu và phân tích tình huống để phát hiện vấn đề cần giải quyết có trong BTTH.
- GV nên tạo bầu không khí thuận lợi trong thời gian chờ, để làm giảm áp lực đối với HS. Nếu tình huống có mức độ khó cao, GV phải sử dụng bộ câu hỏi định hướng để gợi ý vấn đề, dẫn dắt HS đến kiến thức cần giải quyết.
- Thông qua các hoạt động trên HS được rèn luyện năng lực phát hiện vấn đề (phân tích vấn đề, nhận ra mối liên hệ giữa các đối tượng, phát hiện vấn đề bằng cách đặt câu hỏi, giải thích vấn đề đang xét).
Bước 3: Giải quyết tình huống
- GV có thể tổ chức cho học sinh giải quyết tình huống theo nhóm hoặc cá nhân. Khi tổ chức thảo luận theo nhóm có thể sử dụng kết hợp các kỹ thuật dạy học như kỹ thuật khăn trải bàn, kỹ thuật công não.
- GV yêu cầu HS suy nghĩ tìm ra nhiều câu trả lời, đề xuất các phương án giải quyết khác nhau cho một vấn đề. Các câu trả lời khác nhau có thể của một HS hoặc của các HS trong một nhóm. Các em có thể đề xuất phương án bằng cách nói ra hoặc viết ra giấy trong nhóm/lớp, hình thức này thúc đẩy HS tích cực tham gia vào hoạt động.
- GV gọi ngẫu nhiên cá nhân HS hoặc gọi đại diện nhóm trình bày cách giải quyết tình huống.
- GV yêu cầu HS khác, nhóm khác nhận xét, có thể đưa ra đáp án khác. GV cho HS luyện tập nhận ra, phân tích những lỗi sai sửa chửa, phát hiện những điểm chưa hoàn chỉnh của bạn để bổ sung cho đầy đủ.
- GV rèn cho HS giữ lập trường và thể hiện quan điểm riêng của mình về phương án đưa ra. Để làm được điều này, HS phải hiểu vấn đề, phải có vốn kiến thức về vấn đề mà tình huống đặt ra và cần có sự tự tin, mạnh dạn trình bày ý kiến.
- Đối với từng đối tượng HS, GV tạo cơ hội phù hợp cho các em được tham gia giải quyết BTTH. HS khá, giỏi nên được khuyến khích đưa ra nhiều cách để giải quyết vấn đề, nhận xét phát hiện những hạn chế trong câu trả lời của người khác,… Đối với HS trung bình, yếu, GV tạo cơ hội cho các em tham gia hoạt động này bằng cách ưu tiên cho các em phát biểu trước ý kiến của mình.
Bằng việc giải quyết BTTH đặt ra, HS đã được phát triển năng lực giải quyết vấn đề (đề xuất các giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề, xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề, lựa chọn giải pháp hợp lí, tối ưu và sáng tạo để giải quyết vấn đề, tự điều chỉnh kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế).
Bước 4: Tranh luận để lựa chọn phương án tối ưu
-Khi có nhiều phương án giải quyết, lúc đó GV sẽ tổ chức cho HS tranh luận để chọn ra phương án tốt nhất. Hoạt động này nếu được tổ chức sôi nổi, hiệu quả sẽ rèn luyện được cho HS nhiều năng lực, đặt biệt là năng lực tranh luận vấn đề (xác định những hạn chế, sai lầm và khắc phục, sẵn sàng tranh luận để bảo vệ quan điểm bản thân, kết luận chính xác về vấn đề đang xét).
-Trước tiên, thảo luận và tranh luận trong nhóm, để chọn giải pháp tốt nhất. Sau đó, đại diện từng nhóm chia sẻ giải pháp của nhóm mình trước lớp với nhiều hình thức (thuyết trình, đóng vai, dùng thí nghiệm, dùng hình ảnh, dùng sơ đồ, biểu bảng...).
-Các nhóm tranh luận, lựa chọn, bổ sung. GV hướng dẫn HS đưa ra cách giải quyết chính xác và thuyết phục, đưa quyết định về phương án tốt nhất.
Bước 5: Kết luận vấn đề
- Cuối cùng GV nhận xét lại câu trả lời của các em, chính xác hóa kiến thức và nhận xét, góp ý về cách giải quyết vấn dề cho HS, rút ra kết luận từ tình huống, đúc kết kiến thức cần cho HS tiếp thu.
-GV có thể đánh giá, chấm điểm HS, hoặc có phần thưởng khích lệ tinh thần HS. Tuy nhiên, khi tình huống (được cài đặt sẵn trong SGK, hoặc do sự gia công sư phạm của thầy cô mà có) được biến thành sự kích thích trí tuệ nơi HS, thì quá trình sử dụng tình huống sẽ rút gọn theo ba bước:
Bước 1: Giới thiệu tình huống, nêu vấn đề cần giải quyết cho HS. Bước 2: Giải quyết tình huống:
-HS trả lời câu hỏi, giải quyết tình huống.
-HS khác nhận xét, phản biện ý kiến của bạn, tranh luận để đưa ra đáp án cuối cùng.
Bước 3: GV nhận xét, chốt lại vấn đề, rút ra những vấn đề HS cần nắm sau khi giải quyết tình huống.