Việc viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số biện pháp hướng dẫn học sinh trung học phổ thông viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận​ (Trang 30)

7. Bố cục khóa luận

1.1.3. Việc viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận

1.1.3.1.Cơ sở để lồng ghép yếu tố nghị luận vào văn bản thuyết minh

a. Yêu cầu cần đạt về kĩ năng viết VBTM trong Chương trình Ngữ văn 2018

Trong Chương trình Ngữ văn 2018, ở cấp THCS và THPT, các yêu cầu cần đạt về dạy viết VBTM được nêu như sau:

Bảng 1.2: Yêu cầu cần đạt của kĩ năng viết VBTM ở cấp THCS và THPT trong Chương trình Ngữ văn 2018

Lớp Yêu cầu cần đạt của kĩ năng viết VBTM

6 Bước đầu biết viết VB thuyết minh thuật lại một sự kiện.

7 Bước đầu biết viết VB thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong trò chơi hay hoạt động.

8

Viết được VB thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên hoặc giới thiệu một cuốn sách; nêu được những thông tin quan trọng; trình bày mạch lạc, thuyết phục.

9 Viết được bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích

lịch sử, có sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh họa.

11 Viết được bài thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu

Từ bảng 1.2, có thể thấy, yêu cầu cần đạt đối với kĩ năng viết VBTM được nâng cao dần qua các lớp học, từ biết viết, đến viết được và trình bày được những thông tin quan trọng, trình bày mạch lạc, rõ ràng; sử dụng sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh họa và cuối cùng là viết được một VBTM tổng hợp, có sử dụng một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. Mặc dù đến lớp 11 HS mới học viết VBTM tổng hợp, nhưng trước đó, ở lớp 10, HS đã được làm quen với kiểu VB này trong kĩ năng đọc.

b. Cấu trúc của VBTM thuận lợi để lồng ghép YTNL

Các kiểu cấu trúc của VBTM đều có những dấu hiệu nhận biết riêng về mặt hình thức, cụ thể là các từ ngữ được sử dụng trong VB. Ví dụ như cấu trúc so sánh/đối chiếu thường sử dụng các từ/cụm từ như: trái với, cả hai, trái lại, tương đồng với, tuy nhiên, mặt khác, tương tự, mặc dù...; cấu trúc mô tả/tổng hợp thường sử dụng các từ/cụm từ như: ví dụ, nhận dạng, như là, để làm rõ,...; cấu trúc trình tự/chuỗi thời gian thường sử dụng các từ/cụm từ như: đầu tiên, kế đến, trước đó, về sau, trong suốt, ngay lập tức, trước đây, cuối cùng,... ; cấu trúc nguyên nhân/ảnh hưởng thường sử dụng các từ/cụm từ như: vì thế, bởi vì, do... Có thể thấy, các từ dấu hiệu này đều là những từ/cụm quan hệ từ và những từ ngữ có tính chất lập luận – một trong những biểu hiện của YTNL.

Hầu hết các kiểu cấu trúc của VBTM đều đòi hỏi tính rõ ràng, logic, gắn kết chặt chẽ giữa các nội dung. Để tạo nên hiệu quả gắn kết như mong muốn, các YTNL đóng vai trò quan trọng. Sự góp mặt của YTNL sẽ làm cho các nội dung trong VBTM được gắn kết thành một thể thống nhất và trở nên mạch lạc hơn.

Như vậy, từ đặc điểm và dấu hiệu nhận biết của từng kiểu cấu trúc của VBTM, có thể thấy rằng, cấu trúc của VBTM là một nhân tố thuận lợi cho việc lồng ghép YTNL vào VBTM.

1.1.3.2.Những điều cần lưu ý khi lồng ghép yếu tố nghị luận vào văn bản thuyết minh thuyết minh

Thứ nhất, YTNL trong VBTM chỉ là thành phần phụ, góp phần làm tăng tính thuyết phục của VBTM. Vì vậy, khi thực hiện lồng ghép yếu tố này vào VBTM cần

lưu ý về dung lượng của chúng so với tổng thể VB. YTNL chỉ nên chiếm dung lượng vừa phải, nếu quá nhiều, VBTM sẽ trở nên khô khan, nặng tính triết lí và làm lu mờ, lấn át thậm chí làm mất đi mục đích chính của VBTM là truyền đạt tri thức khách quan về đối tượng được thuyết minh.

Thứ hai, khi lồng ghép YTNL vào VBTM cần lưu ý chọn nội dung thuyết minh phù hợp. Không phải nội dung nào cũng có thể lồng ghép mà cần có sự chọn lọc, cân nhắc kĩ lưỡng. Tùy từng mục đích khác nhau mà ta lựa chọn nội dung thuyết minh để lồng ghép YTNL. Ví dụ, nếu nhằm mục đích dẫn dắt, gợi mở, kích thích sự chú ý và hứng thú của người đọc, có thể lồng ghép YTNL vào phần mở bài; nếu nhằm mục đích đúc kết, chốt lại nội dung thì có thể lồng ghép YTNL vào phần kết bài hoặc một hoặc một vài đoạn văn nào đó của phần thân bài…

Tóm lại, khi lồng ghép YTNL vào VBTM, người viết cần lưu ý về dung lượng của yếu tố này so với tổng thể bài viết và lựa chọn nội dung phù hợp để lồng ghép nhằm đạt được hiệu quả như mong muốn.

1.1.3.3 Các yếu tố nghị luận có thể lồng ghép vào văn bản thuyết minh

VBTM có phương thức biểu đạt chính là thuyết minh, ngoài ra, người viết còn có thể sử dụng các phương thức hỗ trợ như: miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. Nếu như thuyết minh làm cho người đọc hiểu đối tượng, miêu tả khiến cho người đọc cảm thấy đối tượng, biểu cảm khiến cho người đọc rung động với đối tượng thì nghị luận khiến cho người đọc suy nghĩ về đối tượng.

Chính bởi tác dụng khiến cho người đọc suy nghĩ, suy tư về đối tượng mà YTNL đã có những đóng góp quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm cho nội dung thuyết minh, khiến cho VBTM trở nên hấp dẫn và thuyết phục hơn. Hình thức thể hiện của các YTNL trong VBTM bao gồm: câu văn có tính chất nghị luận, từ ngữ có tính chất lập luận và trật tự sắp xếp các câu văn theo hướng lập luận. Các biểu hiện cụ thể của những hình thức này như sau:

a. Câu văn có tính chất nghị luận

Trong VBTM, ngoài những câu văn mang tính chất trình bày, giới thiệu để truyền đạt các thông tin về đối tượng được thuyết minh xuất hiện hầu khắp và gần

như phủ trọn bài viết, còn có những câu văn mang tính chất nghị luận xuất hiện điểm xuyết ở một hoặc một vài nội dung nào đó trong bài viết. Tính chất nghị luận ở đây được hiểu là nhân tố suy luận, luận lí được lồng vào, đặt vào nội dung câu văn. Các câu văn có tính chất nghị luận trong VBTM thường là những câu văn nêu lên ý kiến, quan điểm, suy nghĩ, nhận xét, thể hiện phán đoán của người viết về một đặc điểm/khía cạnh nào đó của đối tượng được thuyết minh và đi kèm theo nó là một vài lí lẽ, dẫn chứng.

Ví dụ, trong văn bản Vì sao cái diều có thể bay trên trời? (Phụ lục 2.1), ngoài việc trình bày và giải thích cơ chế bay của diều, người viết còn đưa vào bài viết của mình những câu văn thể hiện ý kiến, nhận xét chủ quan cá nhân như câu “Vào ngày thời tiết thuận tiện, đến đồng quê thả diều thật là một công việc thích thú”, “Vào lúc ấy bất kể là người thả diều hay là người xem diều đều cảm thấy đó là một sự hưởng thụ tốt đẹp không gì sánh nổi.”. Trong văn bản Sống với sách (Phụ lục 2.2), song song với việc trình bày các thông tin về nơi xuất bản, nhà xuất bản, kích thước sách, bố cục cuốn sách, nội dung cuốn sách,... người viết còn lồng ghép vào văn bản những câu văn có tính chất nghị luận như: “Không chỉ gần gũi, thân quen với con người, sách còn là phẩm vật thông dụng nhất trong những đồ vật ở nhà và cũng là tài sản quý giá nhất được lưu giữ trong ngôi nhà của chúng ta.”, “Cuốn Sống với sách của tác giả Alan Powers do Trần Hoàng Dung biên dịch đã tìm tòi và khám phá những phương cách khác nhau để sách không những được lưu trữ một cách hợp lý mà còn đóng vai trò hoàn hảo trong việc tạo cá tính cho ngôi nhà hay căn hộ của chúng ta.”. Có thể thấy, trong VBTM, những câu văn có tính chất lập luận nêu lên ý kiến, đánh giá, nhận xét của người viết về một khía cạnh/một đặc điểm nào đó của đối tượng được thuyết minh đã góp phần làm cho bài viết thêm phần sâu sắc, tăng tính triết lí đồng thời gợi dẫn, tạo sự hứng thú, tò mò của người đọc đối với đối tượng được thuyết minh.

b. Từ ngữ liên kết có tính chất lập luận

Ngoài những câu văn có tính chất nghị luận, YTNL trong VBTM còn được thể hiện qua cách dùng từ ngữ có tính chất lập luận. Tính chất lập luận ở đây được

hiểu là sự chặt chẽ, logic, rõ ràng, và hiệu quả thuyết phục của từ ngữ được sử dụng trong bài viết. Tính chất lập luận của từ ngữ này trong VBTM được thể hiện qua các phương diện sau:

Thứ nhất là các quan hệ từ và cặp quan hệ từ. Các quan hệ từ và cặp quan hệ từ như: nếu ... thì, không những ... mà còn, càng ... càng, vì thế...cho nên, khi (A) ... thì (B), nên,... không chỉ có tác dụng nối kết, gắn chặt các nội dung trong VB thành một thể thống nhất mà còn thể hiện được lối tư duy, cách suy nghĩ của người viết về vấn đề đang trình bày.

Ví dụ 1:

“Vào lúc cái diều đưa mặt ra đón gió, không khí thổi vào mặt diều, do bị cản trở nên trong một thời gian ngắn tốc độ đã giảm xuống rất nhiều. Vào lúc tốc độ gió bị giảm đột ngột, áp lực của nó sẽ tăng lên đột ngột. Bởi vì mặt diều nghiêng xuống dưới, nên áp lực của gió vuông với mặt nghiêng đó. Lực này lớn hơn trọng lực của cái diều rất nhiều nên đã đẩy cái diều bay lên.” (Trích Vì sao cái diều có thể bay lên trời?, Phụ lục 2.1).

Đoạn văn này đã sử dụng khá nhiều cặp quan hệ từ chỉ ý nghĩa nguyên nhân kết quả là: “do... nên, bởi vì... nên, ... nên”. Nhờ đó, nội dung thông tin được trình bày trở nên chặt chẽ, mạch lạc.

Ví dụ 2:

Sở dĩ chất diệp lục có màu xanh lục nó hút các tia sáng có màu khác, nhất là màu đỏ và màu lam, nhưng không thu nhận màu xanh lục, và lại phản chiếu màu này, do đó mắt ta mới nhìn thấy màu xanh lục. Nếu ta chiếu chất diệp lục của lá cây bằng một nguồn sáng màu đỏ, chất này sẽ thu nhận tất cả các tia màu đỏ, nhưng vì

không có tia sáng màu xanh lục để phản chiếu lại, nên kết quả ta nhìn vào lá cây chỉ thấy một màu đen sì... Như vậy lá cây có màu xanh là do chất diệp lục trong lá cây.

(Trích Tại sao lá cây có màu xanh lục?, Phụ lục 2.3).

Trong VB trên, để giải thích việc lá cây có màu xanh lục tác giả đã sử dụng các tri thức khoa học khách quan về tế bào lá, về hiệu ứng phản quang ánh sáng trong tự nhiên và trình bày các nội dung này bằng các câu văn có tính chất lập luận với các

quan hệ từ và cặp quan hệ từ như: vì, nhưng, do đó, nếu, sở dĩ... vì, vì... nên. Nhờ các quan hệ từ và các cặp quan hệ từ mà việc giải thích thông tin trở nên trở nên chặt chẽ, mạch lạc và rõ ràng.

Thứ hai là các từ lập luận. Các từ ngữ có tính chất lập luận được đưa vào trong VBTM thường là: nhưng, vậy, tuy nhiên, tại sao, thật vậy, nói chung, tóm lại, do vậy... Những từ ngữ này đã hỗ trợ rất tốt cho người viết trong việc gợi dẫn hứng thú, kích thích sự tò mò của người đọc về đối tượng được thuyết minh.

Ví dụ: Đoạn văn“Sách cũng minh hoạ những công cụ bình thường dùng để tiết kiệm khoảng trống nhằm dành chỗ cho sách ở những nơi linh tinh như cầu thang, hành lang, lối đi lại. Trong một căn nhà có người ham đọc sách đương nhiên không có nơi nào là không thể chứa sách được. Nhưng không có nghĩa là bất cứ phòng nào, hay lối đi nào cũng đều có thể làm thư viện.” (Trích Sống với sách, Phụ lục 2.2), xét theo mạch nội dung đoạn văn, có thể thấy từ “nhưng” tạo hiệu ứng lật ngược, đào sâu vấn đề. Câu trước đó mang hàm ý khẳng định có với cụm từ “không có nơi nào là không” thì câu sau đã bắt đầu bằng hàm ý phủ định “nhưng không có nghĩa là”. Sự xếp đặt liên tiếp giữa hai hàm ý đối lập nhau này trong đoạn văn có tác dụng nhấn mạnh và lôi kéo sự chú ý của người đọc rất tốt. Nhờ hiệu quả này mà các thông tin mà tác giả đưa ra trong bài viết sẽ gây ấn tượng hơn và khắc sâu hơn vào tâm trí người đọc.

Thứ ba là các từ/cụm từ khẳng định hoặc phủ định. YTNL trong VBTM còn được thể hiện qua những từ ngữ có tính chất khẳng định hoặc phủ định như: luôn, chắc chắn, không hề, không bao giờ,... Các câu văn có sử dụng các từ ngữ này thường thể hiện nhận định, phán đoán của người viết về một khía cạnh/một đặc điểm nào đó của đối tượng được thuyết minh.

Ví dụ: Đoạn văn: “Sách trong nhà bếp cần đặt xa chỗ làm thức ăn bề bộn. Sách làm tăng thêm vẻ thân mật và nhiều khi tựa đề và gáy sách có thể kích thích ăn ngon và khi ngồi ăn thấy vui. Đồ đạc khác trong bếp thì có thể giấu trong tủ chạn nhưng sách thì cần để chỗ dễ thấy. Điều đó chắc chắn sẽ giúp ngăn ngừa cảm giác quá sạch sẽ và hiệu quả từ cuộc sống đầy áp lực và tính cách cá nhân khỏi len vào

phòng.”(Trích Sống với sách, Phụ lục 2.2). Từ chắc chắn thể hiện phán đoán của người viết về tác dụng của của việc sắp xếp sách trong nhà bếp “cần đặt xa chỗ làm thức ăn bề bộn” và đặt ở “chỗ dễ thấy”.

Như vậy, có thể thấy, các từ ngữ có tính chất chất lập luận như quan hệ từ và cặp quan hệ từ, từ/cụm từ lập luận, từ/cụm từ khẳng định hoặc phủ định được sử dụng khá nhiều trong VBTM, góp phần tạo nên sự gắn kết trong mạch văn đồng thời làm phong phú thêm giọng điệu bài văn, khiến cho người đọc quan tâm, chú ý hơn về nội dung thuyết minh.

c. Trật tự sắp xếp các câu văn theo hướng lập luận

Ngoài câu văn có tính chất nghị luận, từ ngữ liên kết có tính chất lập luận thì YTNL trong VBTM còn được thể hiện qua trật tự sắp xếp câu văn theo hướng lập luận. Trật tự sắp xếp theo hướng lập luận ở đây được hiểu là trình tự các câu văn được trình bày theo lối diễn giải của văn nghị luận, cụ thể là đầu tiên đưa ra vấn đề, sau đó phát triển vấn đề và cuối cùng là kết thúc vấn đề.

Ví dụ: Trong VB Tại sao lá cây có màu xanh lục? (Phụ lục 2.3) trình tự các câu văn trong VB được sắp xếp theo hướng lập luận. Đầu tiên là nêu vấn đề lá cây có màu xanh lục vì các tế bào lá chứa nhiều lục lạp. Các câu văn tiếp theo đưa ra các thông tin khoa học về đặc điểm của lục lạp trong lá, hiệu ứng phản quang ánh sáng của chất diệp lục có trong lục lạp của lá để giải thích cho hiện tượng lá có màu xanh lục – tức là phát triển vấn đề. Và sau khi đã minh bạch các thông tin, đưa ra được lí giải cho vấn đề được nêu ra thì VB được kết thúc bằng câu khẳng định “Như vậy lá cây có màu xanh là do chất diệp lục trong lá cây.”. Đây có thể được xem như là phần kết thúc vấn đề.

Tóm lại, các YTNL trong VBTM có thể được biểu hiện bằng các câu văn có tính chất nghị luận, các từ liên kết có tính chất lập luận và trật tự sắp xếp các câu văn theo hướng lập luận. Chúng tôi khái quát các biểu hiện của YTNL trong VBTM như bảng sau:

Bảng 1.3: Các hình thức biểu hiện của YTNL trong VBTM

Các hình thức biểu hiện Vai trò Ví dụ

Các câu văn có tính chất nghị luận.

Nêu lên ý kiến, quan điểm, suy nghĩ, nhận xét, thể hiện phán đoán của người viết về một đặc điểm/khía cạnh nào đó của đối tượng được nói đến trong văn bản. Đây là..., đây chính là..., có thể thấy

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số biện pháp hướng dẫn học sinh trung học phổ thông viết văn bản thuyết minh có lồng ghép yếu tố nghị luận​ (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)