Cùng với sự phát triển và hình thành của ngành đường sắt ở Châu Âu đã manh nha xuất hiện khái niệm DLNN. Tuy nhiên, cho đến những năm đầu của thập niên cuối của thế kỉ XX , DLNN mới được xem như một loại hình du lịch và phổ biến ở hầu hết các quốc gia ở Châu Âu như: Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Hungari, Bungari,... Lúc bấy
giờ khái niệm DLNN được quan niệm tương đồng với các loại hình du lịch nông trại, du lịch di sản, du lịch xanh, du lịch nhà nghỉ ở nông thôn, DLNT,...
Sự khác biệt về DLNN ở các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển là ở chỗ: ở các nước đang phát triển, người ta xem DLNN là đa dạng hóa thu nhập từ nông nghiệp, góp phần chống đói nghèo, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Vì vậy, DLNN ở các nước này phát triển theo chiều rộng. Còn các quốc gia phát triển thì lại phát triển theo chiều sâu vì các khu vực nông thôn ngày càng bị thu hẹp lại.
* Ở Pháp
Một trong những quốc gia xuất hiện loại hình DLNN đầu tiên là Pháp. Ở đây có rất nhiều mạng lưới nông thôn như : “Nhà ở nước Pháp”, mạng lưới “Đón tiếp nông dân”, mạng lưới “Chào đón ở nông trại”,... Hộ nông dân nào muốn tham gia vào mạng lưới này phải sửa chữa nhà cửa của mình cho phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống du lịch. Đó không phải nhà mới xây dựng với các tiện nghi hiện đại mà là các nhà truyền thống có ngăn cách các phòng cho khách ở với các tiện nghi tối thiểu và phải giữ phong cách địa phương.
Sau khi tham gia, Ban quản lí sẽ huấn luyện về dịch vụ du lịch, kiểm tra và xếp hạng nông dân theo tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao đồng thời quy định giá thuê song song với việc phát hành các sách hướng dẫn du lịch để thông tin cho khách hàng. Các mạng lưới du lịch nông thôn của Pháp còn xây dựng những mô hình chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng như:
- Nhà khách: tiếp khách như “bạn” của gia đình, có phòng ngủ, bàn ăn và món ăn cổ truyền.
- Nhà đón tiếp trẻ con: đón nhóm khoảng 10 trẻ em thành thị muốn về sống ở nông thôn vài ngày để tìm hiểu thực tiễn. Trẻ em được vui chơi, ăn ngủ với trẻ em nông thôn và có người phụ trách.
- Trại hè: là một miếng đất gần một di tích lịch sử văn hóa được tổ chức để có thể căng lều trại, có nhà vệ sinh, bếp ăn ngoài trời có thể tiếp các nhóm khoảng 20 thanh thiếu niên về và du lịch ở quanh vùng.
- Nhà sàn vui chơi: tổ chức 3 đến 25 nhà sàn có thể tiếp 6 người ăn ngủ. Xung quanh có các nơi vui chơi đi câu, đi chơi, đi săn, đi xe đạp, dạo chơi,.. ở các di tích lịch sử văn hóa hay có phong cảnh đẹp.
Tuy nhiên, mỗi mô hình DLNN ở Pháp không thể áp đặt hoàn toàn ở Việt Nam vì giữa hai quốc gia có sự khác biệt hoàn toàn về văn hóa, điều kiện sản xuất sinh hoạt, đời sống và phong cảnh tự nhiên cũng khác nhau.
Cái mà Việt Nam cần học ở đây là sự hướng đến nhu cầu đa dạng của khách du lịch để thiết kế các loại hình du lịch nông nghiệp đặc trưng, chẳng hạn xây dựng nên những mô hình “nông trại Family” hướng tới đối tượng du lịch là gia đình, hay mô hình “nông trại vui vẻ” hướng tới đối tượng khách du lịch là thanh thiếu niên, hoặc “nông trại tình yêu” với đối tượng là các cặp đôi đang yêu nhau,... và những chương trình du lịch phù hợp với đối tượng khách du lịch là nước ngoài và khách nội địa đến từ các thành thị.
Đối với khách du lịch nước ngoài cần hướng đến khai thác khía cạnh văn hóa địa phương là chủ yếu. Trong khi đó, khách nội địa đến từ thành thị nhằm mục đích nghỉ ngơi, thư giãn sau những áp lực cuộc sống đô thị mang lại.
* Cộng hòa Liên Bang Đức:
Bên cạnh những khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh nông nghiệp, đồng thời với nhu cầu DLNN công chúng ở Đức tăng lên mạnh mẽ, đã dẫn đến việc hộ nông dân tham gia vào kinh doanh nhà nghỉ gia đình để phục vụ khách du lịch. Hiện nay, hàng năm có khoảng 150 -180 hồ sơ xin đăng kí kinh doanh nhà nghỉ gia đình để phục vụ khách du lịch.
Tại Đức có 2 loại hình nhà nghỉ gia đình tại các vùng nông thôn bao gồm: B&B (Bed & Breafast) cung cấp dịch vụ ăn uống, buồng ngủ và các loại hình du lịch khép kín.
Việc kinh doanh các loại hình nhà nghỉ gia đình phục vụ nhu cầu của khách du lịch được quan tâm từ xã hội và các cơ quan chức năng. Các cơ quan quản lí du lịch, các Bang đã ban hành sách hướng dẫn DLNN. Nội dung hướng dẫn chủ yếu là cách thức kinh doanh nhà nghỉ ở vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tư
vấn cho các nông gia tham gia các hoạt động kinh doanh về việc hướng dẫn sử dụng nguyên liệu, các loại cây trồng,... trong quá trình phục vụ du lịch.
* Ở Ý:
Năm 1970 đến khoảng 1980, tại Ý tình trạng bỏ nghề nông tăng mạnh và xu hướng ào ạt đổ về thành phố kiếm việc làm. Trong 10 năm đó, có khoảng 400.000 hộ nông dân chuyển sang nghề khác, chính phủ Ý đã phải đối mặt với những khủng hoảng trầm trọng. Tình trạng như vậy cũng diễn ra tương tự cũng diễn ra ở Nhật Bản, Pháp, Mỹ,... Để giải quyết các vẫn đề trên chính phủ của các nước phát triển phải đề ra những biện pháp ngăn chặn, trong đó có một hướng được triển khai rất hiệu quả và chứng minh qua vài chục năm hoạt động là có tác dụng rất tốt đối với thu nhâph của người nông dân, thay đổi bộ mặt của nông nghiệp. Đó là việc chính phủ hướng sự quan tâm của công đồng toàn xã hội về việc phát triển du lịch nông nghiệp.
Việc phát triển các loại hình DLNN tại một số nước đã đưa ra những kết quả kinh tế rất đáng khích lệ, như ở Ý trong 5 năm 1985 -1990 doanh thu hoạt động du lịch này tăng gấp 2 lần. Trong 10 năm từ 1990- 2000 đã tăng lên 50%. Tại một số quốc gia đã được cơ quan quản lí nhà nước quan tâm, đầu tư hỗ trợ trong việc phát triển loại hình DLNN.
* Vương quốc Anh
Từ những năm 20 của thế kỉ XX, tốc đô thị hóa ở Anh diễn ra rất nhanh khiến cho cảnh quan nông thôn tại nhiều khu vực có xu hướng bị phá vỡ trên phạm vi rộng lớn. Điều này đã thúc đẩy chính phủ Anh quan tâm hơn đến việc sử dụng đất đai ở những khu vực nông thôn nhằm đẩm bảo duy trì sản xuất nông nghiệp và cảnh quan nông thôn.
Hiện nay, ở Anh có khoảng 14.000 trang trại tham gia vào tổ chức các hoạt động kinh doanh DLNN chiếm khoảng 7% tổng số trang trại nông nghiệp ở Anh. Có loại hình du lịch nông thôn : phục vụ cho việc nghỉ dài ngày, bao gồm các hộ kinh doanh nhà nghỉ hay căn hộ có nấu bếp; kinh doanh theo hình thức cho thuê chỗ cắm trại cho nông trại.
Năm 1987, tại Anh “ Hiệp hội những người kinh doanh loại hình nhà nghỉ gia đình tại các nông thôn” được thành lập. Hội viên phải là những người am hiểu vè canh
tác nông nghiệp hoặc chăn nuôi trồng trọt, đồng thời hội viên này phải có nguồn thu nhập nào đó liên quan đến nông nghiệp. Ngoài ra, hội viên nhất thiết phải là thành viên của tổ chức liên kết tại địa phương như là một xã viên của hợp tác xã.
* Nhật Bản
DLNN cũng được quan tâm phát triển ở Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nguyên nhân của việc phát triển loại hình du lịch này là do quá trình phát triển kinh tế và đô thị hoá, quá trình di dân cơ học của lao động vùng nông thôn đã làm cho sản xuất và phát triển ở các vùng nông thôn, miền núi và ven biển ở Nhật Bản có xu hướng đình trệ. Đồng thời, vấn đề phân cách hoặc tách rời giữa các vùng thành thị và nông thôn trở lên ngày càng rõ nét. Chính vì lí do đó việc áp dụng loại hình DLNN được lựa chọn và được quan tâm đầu tư phát triển.
Với mục đích của nó là khôi phục lại sự phát triển của các vùng nông thôn, tăng cường giao lưu giữa cư dân thành thị và các vùng nông thôn, tăng cường sự hiểu biết và nâng cao nhận thức của những người dân thành thị đối với các hoạt động sản xuất cũng như các giá trị văn hoá tại các vùng nông thôn.
Tiêu biểu là mô hình ở Moku Moku, nay là một tổ hợp bao gồm trang trại, nhà hàng, siêu thị nông nghiệp, khu nghỉ dưỡng, suối nước nóng, lớp dạy nông nghiệp, lớp dạy làm bánh, nấu bia, vườn thú, cửa hàng quà tặng, café…
Với 45.000 khách hàng thường xuyên (câu lạc bộ người dùng trung thành) và lượng khách du lịch 500.000 người/năm, Moku Moku là mô hình nông nghiệp thành công nhất ở Nhật, đã được viết thành sách cũng như thu hút một lượng lớn những người quan tâm nông nghiệp (từ Nhật và nước ngoài) đến học hỏi.
* Trung Quốc
Từ năm 1990, chính phủ đã xây dựng chương trình DLNN nhằm mục đích chống đói nghèo tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, vùng ven đô Thượng Hải.... Nông nghiệp kết hợp du lịch Trung Quốc trung bình mỗi năm đã tiếp đón hơn 700 triệu người, có hơn 1,5 triệu cửa hàng kinh doanh miệt vườn, có hơn 28 nghìn khu nông nghiệp đạt quy mô nhất định, hơn 15 triệu nông dân được hưởng lợi ích, hàng năm doanh thu dự kiến vượt quá 150 tỷ Nhân dân tệ, trở thành con đường mới giúp nông dân tìm việc làm và tăng thu nhập. Về các mặt kế thừa văn hóa canh tác nông nghiệp,
mở rộng chức năng nông nghiệp, thúc đẩy nhất thể hoá thành phố và nông thôn, nông nghiệp kết hợp du lịch đều phát huy tác dụng quan trọng.
* Hàn Quốc
Năm 1984, DLNN bắt đầu từ một dự án “Khám phá làng nông thôn truyền thống” do cơ quan Phát triển Nông thôn Hàn Quốc (RDA) với thí điểm 141 làng nhằm tăng thu nhập cho người dân. Mục đích của dự án là lôi kéo người dân thành phố về khám phá đời sống nông thôn.
Có một điểm đặc biệt là các ngôi làng của Hàn Quốc có quy mô nhỏ, khoảng 30- 50 hộ dân sinh sống với khoảng 150 người. Khi tham gia dự án này mỗi hộ nông dân được nhận khoản tiền đầu tư là 200.000 USD nhằm tiếp thị và duy trì bộ máy quản lí dự án cấp cơ sở, ví dụ mỗi làng lập ra một trang web giới thiệu những nét đặc sắc của mình tới du khách. Các làng tham gia dự án được yêu cầu giản lược tối đa nét sinh hoạt thành thị đã du nhập, duy trì đúng lối sống nông thôn.
Tại Việt Nam, muốn áp dụng mô hình này để phát triển DLNN cần phải: Thứ
nhất, cần phát triển những chương trình dự án DLNN theo hướng bền vững với sự
phối kết hợp giữa các làng quê, các vùng, giữa chính quyền và nông đân, giữa công ty du lịch và địa phương. Thứ hai, cần có một cơ quan quản lí nhà nước đứng ra định hướng xây dựng và điều phối toàn bộ hoạt động DLNN.
Việc học tập kinh nghiệm của các nước khác là cần thiết tuy nhiên không nên quá rập khuôn, máy móc vì điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên và văn hóa của mỗi quốc gia là khác nhau nên hình thức DLNN cũng khác nhau để phù hợp với từng quốc gia.
Thậm chí, cùng trong một quốc gia, nhưng mỗi vùng địa lí khác nhau cũng có thể áp dụng những mô hình du lịch khác nhau, vì vậy để phát triển mô hình này một cách hiệu quả, cần xây dựng một đề án chi tiết, cần có sự chung tay của chính quyền địa phương và người nông dân. Trong một tương lai không xa, DLNN sẽ là loại hình du lịch đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh lớn cho du lịch Việt Nam.