Quan niệm về phân vùng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phân vùng môi trường phục vụ quản lý môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại dải ven biển của tỉnh thái bình (Trang 25 - 27)

Trong quản lý tài nguyên và môi trường, phân vùng ban đầu được sử dụng để quản lý sử dụng đất đai ở một khu vực nhất định, có thể là khu vực đô thị hoặc khu vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Như vậy, về mặt lịch sử, khái niệm về phân vùng có liên quan chặt chẽ đến việc quy hoạch sử dụng đất đai (Land use planning) [18]. Quy hoạch sử dụng đất chính là một phương pháp đánh giá mang tính hệ thống các tiềm năng đất, nước, các phương án sử dụng các tiềm năng này và các điều kiện KT-XH cần thiết để lựa chọn phương án sử dụng đất tốt nhất, hiệu quả nhất phục vụ cho mục đích phát triển. Nói cách khác, các biện pháp này chính là phương án phân vùng kèm theo hệ thống các điều kiện và tiêu chuẩn quy định (đôi khi mang tính pháp lý) và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực sử dụng đất theo đúng định hướng đã đặt ra.

Hiện nay, phương pháp phân vùng nói trên được mở rộng phạm vi áp dụng sang nhiều lĩnh vực hoặc các ngành sử dụng tài nguyên có liên quan.

Phân vùng (Zoning) là việc phân chia lãnh thổ thành những thể tổng hợp có ranh giới khép kín, có những đặc điểm riêng không giống các vùng khác và không lặp lại trong không gian, tương đối đồng nhất theo các tiêu chí và các mục

tiêu nhất định nhằm đơn giản hóa việc nghiên cứu hay quản lý có hiệu quả hơn theo đặc thù riêng của từng đơn vị trong vùng [19].

Mục đích chủ yếu của phân vùng là phân chia các vùng để sử dụng tài nguyên một cách hợp lý. Trên thực tế, phân vùng là hệ thống cho phép ngăn ngừa các tác động bất lợi cho sự phát triển đối với tài nguyên môi trường. Phân vùng được xem như một phương pháp hiệu quả nhằm sắp xếp và hệ thống lại các hệ thống lãnh thổ, đã được sử dụng rộng rãi trong các khoa học địa lý, kể cả phân vùng tự nhiên bộ phận cũng như phân vùng địa lý tự nhiên tổng hợp [24].

Mỗi vùng là một đơn vị lãnh thổ có những đặc điểm tương đồng và các mối liên kết với nhau theo một số quy luật đặc thù tùy theo mục tiêu của hệ thống phân vùng. Mỗi hệ thống phân vùng được xác định bằng các hệ thống chỉ tiêu và tiêu chí được xây dựng trên các cơ sở mục tiêu phân loại vùng và mục tiêu sử dụng kết quả phân vùng ấy. Quy mô của các đơn vị lãnh thổ (vùng, tiểu vùng) phụ thuộc vào mức độ đồng nhất các yếu tố tự nhiên của lãnh thổ đó và tùy thuộc vào việc sử dụng lãnh thổ cho các mục đích khác nhau.

Phân vùng trong các ngành khác nhau có thể là: Phân vùng địa lý tự nhiên; phân vùng địa chất; phân vùng khí hậu; phân vùng sinh thái; phân vùng cảnh quan; phân vùng kinh tế; phân vùng sinh thái nông nghiệp; phân vùng địa lý thổ nhưỡng; PVMT;...

Phân vùng là phân chia một cách tương đối theo mức độ tổng hợp của các đối tượng thành hai loại hình: Phân vùng chuyên ngành và phân vùng tổng hợp (Trương Quang Hải, 2006). Phân vùng chuyên ngành được tiến hành theo một dấu hiệu hoặc nhóm dấu hiệu riêng biệt. Loại này thường là phân vùng định hướng trùng với bản đồ các đường đẳng trị của dấu hiệu phân loại. Trong phân vùng bộ phận chỉ xét tổng thể các nhân tố của một thành phần cấu thành (như trong phân vùng thủy văn; phân vùng khí hậu; phân vùng địa lý thực vật; phân vùng địa lý thổ nhưỡng,... trong khoa học tự nhiên hay phân vùng sinh thái nông nghiệp, phân vùng kinh tế công nghiệp,... trong khoa học xã hội). Trong phân vùng tổng hợp, ngay ở bậc thấp nhất,

các thể tổng hợp hoàn chỉnh được chú ý xem xét ở tất cả các thành phần cấu thành (như phân vùng cảnh quan, phân vùng sinh thái, phân vùng văn hóa,...).

Các đặc tính của phân vùng bao gồm: Tính toàn vẹn lãnh thổ (không lặp lại); tính ước định ranh giới (có thể xác định hoặc không); và tính chủ quan trong phân vùng (thể hiện mục đích của phân vùng).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phân vùng môi trường phục vụ quản lý môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại dải ven biển của tỉnh thái bình (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)