Các thành tố của kỹ năng tự học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kỹ năng tự học của sinh viên ngành tâm lý học trường đại học sư phạm thành phố hồ chí minh (Trang 31 - 35)

Nói về kỹ năng tự học, có nhiều quan điểm và cách tiếp cận vấn đề này. Sau đây là một số:

− Tác giả Nguyễn Quang Uẩn tiếp cận kỹ năng tự học từ các thành tố là: (1) định hướng, (2) lập kế hoạch, (3) thực hiện kế hoạch, và (4) kiểm tra đánh giá (Nguyễn Quang Uẩn, Trần Quốc Thành, 1992).

− Tác giả Vũ Trọng Rỹ thì tiếp cận kỹ năng từ học từ các góc độ: (1) nhận thức, (2) thực hành, (3) tổ chức, và (4) kiểm tra đánh giá (Vũ Trọng Rỹ, 1994). − Còn tác giả Nguyễn Thi Thu Huyền thì tiếp cận qua các thành tố: (1) lập kế

hoạch, (2) đọc sách, (3) ghi chép, (4) ôn tập, và (5) tự kiểm tra đánh giá (Nguyễn Thị Thu Huyền, 2013).

− Và tác giả Nguyễn Cảnh Toàn thì tiếp cận kỹ năng tự học qua các thành tố: (1) đọc sách, (2) phát hiện và giải quyết vấn đề, và (3) ghi nhớ và vận dụng kiến thức (Nguyễn Cảnh Toàn, 1997).

Từ đó có thể thấy rằng, có nhiều cách tiếp cận kỹ năng tự học. Việc này tùy thuộc vào mục đích và dụng ý của người nghiên cứu. Mỗi cách tiếp cận đều mang lại một giá trị nhất định, giúp con người có một cái nhìn đa chiều về vấn đề.

Trong đề tài này, dụng ý người nghiên cứu là chọn ra và tiếp cận một số thành tố của kỹ năng tự học. Các thành tố này độc lập nhau, và không tuân theo một quy trình logic. Thứ nhất, dựa trên khái niệm đã nêu, KNTH chứa trong nó ba thành tố, gồm: (1) Nhận thức về tự học; (2) Lĩnh hội kiến thức; Và (3) vận dụng kiến thức. Thứ hai,

bên cạnh ba thành tố này, dựa vào quá trình thăm dò thực tiễn cũng như quan điểm cá nhân, chúng tôi đưa vào thành tố thứ 4. Đó là sự vận dụng kỹ năng bổ trợ, gồm kỹ năng đặt câu hỏi bản chất và kỹ năng lập kế hoạch tự học. Như vậy, kỹ năng tự học trong đề tài được tiếp cận qua bốn thành tố, cụ thể như sau:

(1)Nhận thức về tự học (NTTH)

Nhận thức về tự học là những hiểu biết, cảm nhận của chủ thể về việc tự học. Trong đề tài này, người nghiên cứu tập trung vào ba yếu tố, bao gồm nhận thức về: (1) nội hàm khái niệm tự học, (2) về vai trò của tự học, và (3) về trách nhiệm bản thân với tự học.

Nhận thức về nội hàm khái niệm tự học. Tức là chủ thể hiểu thế nào là tự học. Các từ khóa chính trong nội hàm tự học là: tự mình tổ chức; lĩnh hội tri thức; chuyển hóa thành nhân cách – tức phẩm chất, năng lực. Ở đây chủ thể cần hiểu đúng về quá trình tự học. Nó không chỉ dừng ở việc lĩnh hội kiến thức, mà chúng còn phải được đem ra trải nghiệm, thực hành, vận dụng; và sau cùng, chúng sẽ được chuyển hóa thành phẩm chất, năng lực của bản thân chủ thể. Một khi việc hiểu còn thiếu sót, sai lệch, thì người học không thể tự học một cách đúng nghĩa như nó là.

Nhận thức về vai trò của tự học. Là chủ thể hiểu được những giá trị mà việc tự học mang lại. Chúng bao gồm như: mở rộng sự hiểu biết, hoàn thiện và nâng cao năng lực chuyên môn, trau dồi phẩm chất làm người. Với một sinh viên, việc tự học còn mang đến cho họ: kết quả học tập tốt hơn, cơ hội việc làm cao hơn, dễ dàng thành đạt trong sự nghiệp hơn. Một khi hiểu đúng và đủ những giá trị mà việc tự học mang lại, sẽ tạo cho chủ thể một nguồn nội lực để hành động. Chính vì là nội lực xuất phát từ sự nhận thức đúng nên sẽ bền vững, ổn định, và ít bị chi phối bởi cảm xúc.

Nhận thức về trách nhiệm bản thân với tự học. Nghĩa là chủ thể cần nhận thức rõ rằng tự học là việc của chính mình, chứ không phải trách nhiệm, nghĩa vụ của bất kì ai khác. Tức là chủ thể phải tự mình tổ chức lấy việc lĩnh hội tri thức rồi chuyển hóa chúng thành phẩm chất, năng lực cho bản thân. Nếu có, những người khác chỉ đóng vai trò thứ yếu, nhằm hỗ trợ, gợi ý, cố vấn mà thôi. Trách nhiệm chính thuộc về bản thân người học. Nhận thức được điều này sẽ giúp người học tối ưu hóa sự nỗ lực bản thân, giảm thiểu sự phụ thuộc từ bên ngoài. Khi đó, sự tự học có thể diễn ra mà ít cần thầy, hoặc hoàn toàn không cần thầy. Có như thế việc tự học mới có thể đi sâu đến

thấu suốt vấn đề, đi lâu đến suốt đời của người học.

Như vậy, nhận thức về nội hàm của tự học giúp chủ thể đi đúng đường; nhận thức vai trò của tự học giúp chủ thể tự sản sinh ra nội lực thúc đẩy và duy trì việc tự học; nhận thức về trách nhiệm bản thân giúp chủ thể độc lập khi tự học, từ đó đi thật sâu cũng như tự học suốt đời.

(2)Lĩnh hội kiến thức (LHKT)

Lĩnh hội kiến thức gồm giai đoạn liên tiếp nhau là tiếp nhận kiến thứctiêu hóa kiến thức.Kiến thức ở đây được hiểu là những kinh nghiệm, thông tin, dữ kiện, v.v. Kiến thức có trong sách vở, trên internet, và trong đời sống thực tế hàng ngày. Vì vậy, có hai con đường để tiếp nhận kiến thức, đó là đọc tài liệuquan sát cuộc sống. Đọc tài liệu ở đây bao gồm tài liệu in như sách, báo, tạp chí, v.v, và tài liệu điện tử như sách điện tử, sách nói, website tin tức, v.v. Quan sát cuộc sống ở đây nói đến sự tiếp thu những kinh nghiệm, thông tin dữ kiện từ những người xung quanh, hay từ những gì diễn ra trong đời sống. Việc tiếp nhận kiến thức trong đề tài này được người nghiên cứu giới hạn ở việc đọc tài liệu. Như vậy, thành tố lĩnh hội kiến thức bao gồm việc đọc tài liệusự tiêu hóa kiến thức.

Đọc tài liệu

Tài liệu - sách, tạp chí, cả phiên bản điện tử lẫn phiên bản in ấn - được coi là nơi lưu trữ hết thảy tinh hoa của nhân loại qua các thời kỳ. Là thứ giúp con người tách mình ra khỏi đám đông sinh giới. Đọc sách cũng như tài liệu nói chung là thúc đẩy việc cung cấp nguồn kiến thức đầu vào của mỗi người. Do đó, đọc tài liệu đóng vai trò quan trọng với sự hiểu biết của con người. Để việc đọc tài liệu được hiệu quả thì cần phải tìm chọn nguồn tài liệu chất lượng và phải đọc cho hiệu quả.

Tiêu hóa kiến thức

Kiến thức vũ trụ thì vô cùng phong phú, đa dạng; không phải luôn đúng theo thời gian và với mọi trường hợp; không phải lúc nào cũng dễ dàng để hiểu chúng một cách sâu sắc. Do đó, sau khi tiếp nhận kiến thức, chủ thể cần tiêu hóa chúng, biến chúng thành tri thức. Tức là quá trình chủ thể biến kiến thức bên ngoài thành sự hiểu biết bên trong của riêng mình. Sản phẩm của quá trình này thể hiện dưới dạng sự mở rộng hệ thống hiểu biết, hoặc là các nhận định, kết luận mới của riêng chủ thể.

Có những kiến thức rất dễ dàng để tiêu hóa, chẳng hạn như: Trái đất hình cầu chứ không phải khối lập phương, con người cần oxi để thở, v.v. Tuy nhiên, cũng có những kiến thức thật khó để tiêu hóa, chẳng hạn như: Quy luật lượng chất, nguyên lý mối liên hệ phổ biến, tâm lý người hình thành và phát triển dựa trên hoạt động và giao tiếp, v.v. Muốn tiêu hóa được những kiến thức khó như thế, thường đòi hỏi ở người học nhiều thời gian và tâm sức. Nghĩa là ở đây người học sẽ phải thường xuyên suy ngẫm, quan sát, phân tích và đúc kết. Lúc này, kiến thức coi như đã được tiêu hóa ở một mức độ nào đó, được chủ thể đúc kết lại thành một cái gì đó của riêng mình.

Như vậy, quá trình lĩnh hội kiến thức bao gồm việc đọc tài liệu và tiêu hóa kiến thức. Đọc tài liệu quan trọng ở việc tìm chọn tài liệu cho phù hợp và cách đọc cho hiệu quả. Tiêu hóa kiến thức chú trọng ở việc chủ thể thực hiện các quá trình tư duy về kiến thức ấy nhằm hiểu chúng một cách sâu sắc.

(3)Vận dụng kiến thức (VDKT)

Vận dụng kiến thức. Là quá trình chủ thể đem những hiểu biết có được ra áp dụng, trải nghiệm, nhằm giải quyết một vấn đề nào đó trong thực tiễn. Thực tiễn ở đây không chỉ được hiểu là những gì bên ngoài, sự vật, hiện tượng; mà còn bao gồm cả những gì thuộc nội tâm của chủ thể như tình cảm, thái độ, tính cách, trí tuệ, v.v. Vận dụng kiến thức không diễn ra một tích một tắc mà có khi cả một quá trình, mất nhiều thời giờ và năng lượng của chủ thể. Đây được xem là giai đoạn tích lũy về lượng, là tiền đề của sự biến đổi về chất trong chủ thể. Lượng ở đây là thời gian, là sự suy ngẫm đủ lâu, là số lần thực hành, v.v; còn chất chính là năng lực mới, phẩm chất mới.

Quá trình vận dụng kiến thức nói cách khác chính là sự hoạt động (hàm chứa cả hoạt động giao tiếp) của con người. Vận dụng có hiệu quả sẽ làm cho con người biến đổi về chất – tức tạo ra những chất mới trong nhân cách chủ thể, dưới dạng phẩm chất và năng lực. Phẩm chất biểu hiện qua tình cảm, thái độ, hành vi, v.v của chủ thể với bản thân và với xã hội, thế giới, vũ trụ. Năng lực thể hiện ở chỗ chủ thể có thể tạo ra giá trị cho bản thân, cho người khác và cho môi trường sống. Đây là dấu hiệu cho thấy độ hiệu quả của quá trình vận dụng nói riêng, cũng là độ hiệu quả của quá trình tự học nói chung. Bấy giờ, từ lá dâu chuyển thành những sợi tơ. Từ kiến thức chuyển hóa thành nhân cách; giúp chủ thể hoàn thiện hơn chính mình, bước lên một nấc thang cấp độ cao hơn trong nhân cách, tiệm cận hơn với bậc hiền tài của quốc gia nói riêng

và nhân loại nói chung.

(4)Kỹ năng bổ trợ cho tự học (KNBT)

Để việc tự học hiệu quả, chủ thể cần trang bị cho mình những kỹ năng để hỗ trợ. Chúng có thể là: KN tư duy phản biện, KN ngoại ngữ, KN tìm kiếm thông tin, KN công nghệ thông tin, v.v. Tuy nhiên, trong số đó không thể thiếu một kỹ năng nào đó để định hướng tư duy, đặt ra vấn đề; kỹ năng mà có thể giúp chủ thể quản lý được lộ trình tự học của mình. Do vậy, người nghiên cứu đề xuất hai kỹ năng, là KN đặt câu hỏi bản chấtKN lập kế hoạch.

Về kỹ năng đặt câu hỏi bản chất. Có thể thấy, nền văn minh của nhân loại bắt đầu bằng những câu hỏi. Câu hỏi là nền móng của mọi tri thức, là sự khởi đầu của tất cả. Chẳng hạn như: Trái Đất hình tròn hay vuông? Tại sao quả táo lại rơi thẳng xuống? Rốt cuộc con người sống để đeo đuổi điều gì? Sau khi chết, thần thức con người sẽ đi đâu? v.v. Mặt khác, tư duy con người thể hiện qua những câu hỏi mà họ đặt ra. Câu hỏi càng sâu sắc thì tư duy càng cao thâm. Không có câu hỏi, sẽ không có tư duy, và sẽ chẳng có học hay tự học. Không thể có một người không biết đặt câu hỏi mà lại có năng lực tư duy tốt. Quá trình học phải luôn đi liền với hỏi. Không thể tách rời học và hỏi. Học mà không hỏi thì là học vẹt, rập khuôn, máy móc. Vì thế,

KN đặt câu hỏi bản chất được người nghiên cứu đưa vào nhóm các thành tố của KNTH.

Về kỹ năng lập kế hoạch. Lập kế hoạch là một việc quan trọng trong học tập, nghiên cứu, cũng như trong hầu hết các lĩnh vực cuộc sống. Lập kế hoạch là vạch sẵn lộ trình chinh phục mục đích, khi nào, làm gì, như thế nào; dựa trên điều kiện, hoàn cảnh và tính chất công việc. Trong việc tự học, nếu thiếu kế hoạch thì sẽ rất dễ làm cho người học hoang mang, mất phương hướng, khó làm chủ được lộ trình tự học của mình, từ đó sinh ra chán nản, bỏ cuộc giữa chừng. Do đó, kỹ năng lập kế hoạch được người nghiên cứu lựa chọn và đưa vào một tiêu chí đánh giá trong kỹ năng tự học.

Tóm lại, từ việc nghiên cứu tài liệu kết hợp với quan điểm cá nhân, người nghiên cứu chọn thêm hai kỹ năng để bổ sung vào nhóm các thành tố của tự học, đó là kỹ năng đặt câu hỏi bản chất và kỹ năng lập kế hoạch tự học.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kỹ năng tự học của sinh viên ngành tâm lý học trường đại học sư phạm thành phố hồ chí minh (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)