điển hình
* Trường hợp của chị K.L (41 tuổi), có 1 người con gái 7 tuổi, bé được chẩn đoán lúc gần 3 tuổi.
105
Kết quả thu được từ bảng khảo sát của chị K.L như sau:
ĐTB biểu hiện stress về mặt cảm xúc là 3,83. ĐTB biểu hiện stress về mặt nhận thức là 3,7.2 ĐTB biểu hiện stress về mặt hành vi là 3,50. ĐTB biểu hiện stress về mặt thể lý là 3,70.
ĐTB mức độ ảnh hưởng của đặc điểm trẻ đến stress là 3,50. ĐTB mức độ ảnh hưởng của vấn đề cá nhân đến stress là 2,96. ĐTB mức độ ảnh hưởng của môi trường bên ngoài đến stress 3,00.
ĐTB mức độ sử dụng cách ứng phó là 3,16 trong đó ứng phó tích cực là 3,40 và tiêu cực là 2,20.
ĐTB mức độ cần thiết của nhu cầu về hỗ trợ xã hội là 2,50.
Nội dung thu được sau khi trao đổi trực tiếp với chị K.L
Biểu hiện stress về mặt cảm xúc: Chị luôn cảm thấy đau lòng, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, hụt hẫng; luôn nghĩ mình thật có lỗi khi không đem lại hạnh phúc cho người mình yêu thương, chị tự trách bản thân mình thật nhiều; luôn ở trong tâm trạng hồi hộp, căng thẳng mỗi khi có tiếng chuông điện thoại reo; cảm thấy hối hận, không vui mỗi khi không kiềm chế khi la con; lúc nào cũng không thoải mái, cảm thấy buồn phiền; cảm giác bị cô lập; bế tắc, tuyệt vọng, khổ tâm.
Biểu hiện stress về mặt nhận thức: Chị thường e ngại trước những lời hỏi thăm, những lời hướng dẫn đưa bé đến chỗ này, chỗ kia chữa chạy. Chị có cảm giác gia đình mình thua thiệt, đáng thương; cảm thấy mệt mỏi khi nghe đến những chuyện bàn bạc về vấn đề chăm sóc, học hành của con cái; cảm thấy nản lòng, nhiều lúc muốn bỏ cuộc, mặc cho chuyện gì đến sẽ đến; luôn muốn đi đâu đó thật xa để nghỉ ngơi; hay quên (giờ họp, tắt bếp, nêm thức ăn…), gửi thiếu tài liệu, không tập trung, thỉnh thoảng thẩn thờ; lúc nào cũng có cảm giác mình rất bận rộn; chị cảm thấy mọi
106
cố gắng của mình thật vô ích và bản thân mình không có khả năng chăm sóc con.
Biểu hiện stress về mặt hành vi: Chị thường hay khóc; từ chối những dịp gặp gỡ bạn bè, người thân; không muốn tiếp xúc với người khác; lúc nào cũng khó chịu, gắt gỏng, sẵn sàng lớn tiếng khi gặp chuyện không vừa ý; trong công việc, chị thường hay mắc lỗi; không kiềm chế được cảm xúc; chậm chạp và thiếu sức sống; tự trách mình và tự tát vào mặt mình, đánh vào tay mình thật đau khi cảm thấy hối hận vì la con.
Biểu hiện stress về mặt thể lý: Chị rất thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không muốn làm gì; hay đau đầu; ăn uống không ngon miệng; ngủ không ngon, khó ngủ và thỉnh thoảng mất ngủ; sụt cân, dễ lo lắng, hoảng sợ.
Những tác nhân liên quan đến đặc điểm của trẻ (những đặc tính riêng biệt của chứng tự kỷ) gây stress cho chị nhiều nhất là trẻ thiếu sự bi bô, bập bẹ như những trẻ khác, thiếu phản ứng vui mừng, thích thú, quan tâm đến việc tiếp xúc với cha mẹ, người thân; tránh né tiếp xúc bằng mắt, thái độ hờ hững, ánh mắt vô hồn, không linh hoạt, chỉ thích chơi một mình, hay nắm tay người khác kéo đến nơi mà bé cần đi; tăng động, thích cảm giác mạnh (lấy kéo cắt vào tay chảy máu phải đi khâu nhiều mũi, tự leo lên bàn rồi nhảy xuống bị gãy tay); trẻ rất quấy phá, không nghe lời cô, không tập trung trong giờ học, tự ý đi lung tung, không ngồi yên được một chỗ, không chịu ngủ, hay ngồi chơi và nói cười một mình, khi bị nhắc nhở thì la hét, khóc lớn tiếng, thậm chí còn lấy đồ chơi của bạn, đánh bạn, cắn bạn; bé chỉ tập trung được một chút là tỏ vẻ khó chịu; trẻ chỉ thích ăn bằng tay, lấy bột giặt rải khắp nhà, vung vãi bánh kẹo khắp nơi, cứ hai ba tiếng là trẻ thay đồ mới; khi gặp chuyện không vừa ý hay bị nhắc nhở, trẻ la hét thật to, lấy tay đập vào đầu mình hoặc đánh lại chị; giãy nảy, nằm lăn ra sàn ăn vạ tại nơi đông người khi muốn đòi hỏi điều gì mà không được; hay thức vào ban đêm, ngồi chơi một mình, dỗ như thế nào trẻ cũng không ngủ lại.
107
Những tác nhân liên quan đến vấn đề cá nhân gây stress cho chị nhiều nhất là luôn tránh né nói chuyện với người khác về vấn đề của con; cảm thấy rất buồn khi nghĩ đến tình trạng của con; tâm trạng lúc nào cũng nặng nề, muốn khóc nhưng lại không khóc được cảm thấy có nhiều trách nhiệm hơn; cảm thấy rất mệt mỏi, tồi tệ trước những yêu cầu của việc chăm sóc con; cảm thấy không thoải mái khi đưa con mình đến nhà bạn bè hoặc người thân; cảm thấy sức khỏe suy giảm; cảm thấy cuộc sống không còn niềm vui hay hứng thú gì hết, chỉ mong ngày qua thật nhanh, đêm qua thật nhanh để chị làm xong bổn phận, trách nhiệm của mình với con, với chồng.
Những tác nhân liên quan đến môi trường bên ngoài gây stress cho chị nhiều là ánh mắt e ngại, trách móc như thể chị không biết dạy con, cưng chiều con quá mức để con hư mà không biết cách xử lý khi con có những hành vi bất thường nơi công cộng hoặc nhìn chị như “bà kẹ” khi chị la con; chị không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người thân; nhà trường, giáo viên và các phụ huynh khác không hiểu và thông cảm cho vấn đề của trẻ.
Những cách ứng phó stress thường xuyên của chị là cất hết những đồ vật nhọn, nguy hiểm, mua những thiết bị, đồ dùng an toàn trang bị trong nhà để tránh những tai nạn xảy ra cho trẻ; chị thường mua sắm trên mạng, những gì không có thì chị thường đợi chồng về rồi tự mình đi mua; thỉnh thoảng muốn đi đâu đó thật xa để nghỉ ngơi nhưng lại không nỡ xa con, sợ không có ai hiểu con, không ai có thể chịu đựng được con, không ai chiều con nên đành thôi, tiếp tục chịu đựng; khóc một mình, lảng tránh nói về vấn đề của con, không dám đối diện với vấn đề chữa trị, can thiệp cho con.
Nhu cầu hiện tại của chị là chị mong muốn có thêm kiến thức về chứng tự kỷ, để có thể biết trước những khó khăn có thể xảy ra và chuẩn bị tâm thế để đón nhận và giải quyết đồng thời mong muốn tìm được chỗ có chuyên gia tốt, phương pháp can thiệp hiệu quả để giúp con, nhất là trong việc cải thiện hành vi tăng động, hung
108
hăng của trẻ, Bên cạnh đó chị mong muốn người thân có thể chia sẻ, giúp đỡ công việc nhà, phụ với chị trong việc chăm sóc con, các cô, các phụ huynh khác ở trường có thể hiểu, thông cảm và chấp nhận trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được học chung với các bạn và hòa nhập vào cuộc sống.
* Trường hợp của anh B.V (39 tuổi), có 1 người con gái 5 tuổi, bé được chẩn đoán lúc gần 3 tuổi
Kết quả trả lời khảo sát của anh B.V như sau: ĐTB biểu hiện stress về mặt cảm xúc là 2,33. ĐTB biểu hiện stress về mặt nhận thức là 2,67. ĐTB biểu hiện stress về mặt hành vi là 2,42. ĐTB biểu hiện stress về mặt thể lý là 1,90.
ĐTB mức độ ảnh hưởng của đặc điểm trẻ đến stress là 3,47. ĐTB mức độ ảnh hưởng của vấn đề cá nhân đến stress là 2,80. ĐTB mức độ ảnh hưởng của môi trường bên ngoài đến stress 2,86.
ĐTB mức độ sử dụng cách ứng phó với stress là 2,12 trong đó ứng phó tích cực là 2,4 và tiêu cực là 1,20.
ĐTB mức độ cần thiết của nhu cầu về hỗ trợ xã hội là 1,95.
Nội dung thu được sau khi trao đổi trực tiếp với B.V:
Biểu hiện stress về mặt cảm xúc: hầu như anh hiếm khi có biểu hiện stress về mặt cảm xúc, chỉ thỉnh thoảng anh cảm thấy khó chịu, mất vui khi đưa con ra ngoài chơi vì sự tăng động, làm phiền đến người khác của bé; thỉnh thoảng anh cũng cảm thấy mệt mỏi, phiền phức khi phải hướng dẫn, dạy bảo bé vì sự tiếp thu của bé có giới hạn, anh phải mất nhiều thời gian để dạy bé, trong khi anh không đủ kiên nhẫn để làm điều đó; nhiều lúc nhìn thấy con ngồi chơi một mình anh cũng cảm thấy đau lòng và ước gì con có thể phát triển bình thường.
109
Biểu hiện stress về mặt nhận thức: anh cũng ít khi cảm thấy stress trong suy nghĩ, Chỉ có những lúc lớn tiếng với vợ trong cách dạy con mới khiến cho anh thấy có lỗi, cũng có lúc anh nghĩ nếu vợ chồng anh cứ tiếp tục tranh cãi như thế này thì gia đình có nguy cơ tan vỡ.
Biểu hiện stress về mặt hành vi: anh hầu như không có, hiếm khi lắm anh mới không muốn làm việc, muốn đi đâu đó cho thư giãn đầu óc.
Biểu hiện stress về mặt thể lý: anh hiếm khi có biểu hiện stress về mặt thể lý,
Những tác nhân liên quan đến đặc điểm của trẻ (những đặc tính riêng biệt của chứng tự kỷ) ít ảnh hưởng đến anh, tuy nhiên việc trẻ chậm phát triển trí tuệ, khó khăn trong việc học tập có ảnh hưởng đến anh nhưng không quá nhiều.
Những tác nhân liên quan đến vấn đề cá nhân gây stress có ảnh hưởng đến anh nhưng không nhiều là sự giảm sút về sự hài lòng trong cuộc sống do gia đình
không có nhiều thời gian để đi ra ngoài chơi vào những dịp lễ Tết.
Những tác nhân liên quan đến môi trường bên ngoài ít gây ảnh hưởng đến anh.
Những cách ứng phó stress: anh ít khi phải sử dụng cách ứng phó với stress, tuy nhiên anh lại chọn cách thức thường xuyên vui vẻ với con và quan tâm đến các thành viên khác trong gia đình.
Nhu cầu về sự hỗ trợ xã hội: nhu cầu anh mong muốn nhất là muốn có kiến thức về chứng tự kỷ nhiều hơn nữa để có hiểu và dạy con, để có thể kiên nhẫn và yêu thương con nhiều hơn.
Đây là hai trường hợp điển hình của một người cha và một người mẹ mà qua đó chúng ta có thể thấy cụ thể chân dung stress của cha mẹ có con tự kỷ. Đồng thời cũng cho thấy thực tế có sự khác biệt về biểu hiện stress của người mẹ và người cha và cha
mẹ có con tự kỷ cần có sự hỗ trợ để có thể giảm stress.
110