Stress làm tiêu hao rất nhiều năng lượng về thể chất, nhận thức, cảm xúc và chi phối hành vi của con người. Nếu stress xảy ra quá thường xuyên, kéo dài quá lâu và quá nghiêm trọng đến mức không thể kiểm soát được nữa thì con người sẽ chịu hậu quả nặng nề về mặt thể chất và tinh thần, mệt mỏi, đau khổ, bế tắc dẫn đến kiệt sức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, mối quan hệ và nguy hiểm hơn cả là ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, việc ứng phó với stress là điều hiển nhiên cần thiết trong cuộc sống. Việc lựa chọn cách ứng phó nào sẽ phụ thuộc vào yếu tố cá
47
nhân của chủ thể như kinh nghiệm quá khứ, trình độ học vấn, quan niệm về cuộc sống, giá trị, niềm tin, tuổi tác, tình trạng sức khỏe cũng như yếu tố tình huống gây stress cho chủ thể.
Cách ứng phó stress được đề cập trong sổ tay quản lý stress của Liên Hiệp Quốc: Phần lớn stress có thể được kiểm soát. Sự quyết tâm và luyện tập kiên trì là chìa khóa để tìm ra căn nguyên gây stress và đối phó với nó trước khi nó leo thang đến mức không kiểm soát được. Việc hình thành và phát triển chiến lược quản lý và kiểm soát stress sẽ giúp tránh những tác nhân gây stress tiềm ẩn. Một số cách thức được cho rằng có hiệu quả trong quản lý stress như: xác định nguyên nhân gây stress, thừa nhận việc bản thân đang gặp vấn đề về stress vì chỉ có bản thân mới có thể xác định chính xác các tác nhân gây stress cho mình, biết những hạn chế, giới hạn của bản thân, không đặt mục tiêu, kỳ vọng quá cao, quản lý tốt thời gian, quyết đoán, chấp nhận thử thách, khó khăn, những gì không thể thay đổi, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, kiểm soát lượng rượu, thuốc lá, dành thời gian để thư giãn và tập thể dục, phát triển mối quan hệ lành mạnh, có thái độ tích cực, vui vẻ, hài hước, cười nhiều hơn, tránh làm việc quá sức, học cách nói ra yêu cầu và mong muốn được trợ giúp khi cần thiết, chăm sóc tốt cho bản thân, thừa nhận những cảm giác đau buồn, mất mát khi gặp khó khăn, nghịch cảnh là điều bình thường, đừng chỉ trích bản thân hoặc nghĩ rằng mình yếu đuối, đừng tưởng tượng người khác sẽ nghĩ xấu, nói xấu mình, đừng chịu đựng trong im lặng, cảm xúc được thể hiện ra bằng lời nói không chỉ giúp giải tỏa ngay thời điểm hiện tại và còn giúp phòng ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng về sau, chấp nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người khác (The United Nations, 1995).
Nghiên cứu của Dabrowska và Pisula (2010) đã chỉ ra rằng cha mẹ có con tự kỷ sử dụng các chiến lược ứng phó tích cực (hướng vào giải quyết vấn đề, suy nghĩ theo
48
hướng tích cực) làm giảm kết quả tiêu cực và tăng kết quả tích cực, trong khi việc sử dụng các chiến lược ứng phó tiêu cực (hướng vào giải quyết cảm xúc, suy nghĩ tránh né) có liên quan đến việc gia tăng kết quả tiêu cực. Vì vậy, cha mẹ có con tự kỷ sử dụng các chiến lược đối phó thích nghi có thể cải thiện các tình huống stress, bất chấp những thách thức mà họ gặp phải. Trong khi đó cha mẹ sử dụng các hành vi đối phó bằng cách tránh né thường làm tăng nguy cơ bị stress.
Có thể nói stress là một phần trong cuộc sống của những người làm cha làm mẹ khi chăm sóc con tự kỷ. Cảm giác tội lỗi, lo lắng, tức giận, kiệt sức… sẽ hiện diện đâu đó trong suốt quá trình chăm sóc con cái. Khối lượng công việc, bận tâm, lo lắng nhiều hơn trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc đặc biệt của trẻ đem lại cho cha mẹ những bất ổn trong sức khỏe, cảm giác mệt mỏi, huyết áp tăng hoặc có những thói quen lo âu như cắn móng tay hay nghiến răng...Và nhiều bậc phụ huynh có nhu cầu được giải tỏa bằng cách gia tăng việc hút thuốc, mượn rượu giải sầu, hoặc sử dụng thuốc an thần...Nếu liên tục lạm dụng trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến việc nghiện ngập, lạm dụng chất từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất, gia tăng nguy cơ ung thư đến nguy cơ tử vong do sử dụng quá liều… Việc nghiện như thế cũng sẽ gây ra sự suy giảm nhận thức, dẫn đến sự khó khăn đưa ra các quyết định hợp lý, không ổn định, tỉnh táo về mặt tinh thần. (Arny, 2013).
Từ cơ sở phân tích lý luận và nghiên cứu thực tiễn, trong phạm vi đề tài này, chúng tôi đưa ra 2 cách ứng phó: ứng phó tích cực và ứng phó tiêu cực
* Ứng phó tích cực: tập trung vào giải quyết vấn đề, giải quyết cảm xúc của bản thân một cách tích cực thông qua sự nỗ lực không ngừng thay đổi về nhận thức và hành vi của bản thân cụ thể tìm kiếm, thu thập thông tin để giúp hiểu vấn đề, lên kế hoạch, chiến lược ứng phó hữu ích, ổn định cảm xúc, bình tĩnh đối diện và tìm cách giải quyết vấn đề, triển khai hành động, tìm kiếm sự trợ giúp, hỗ trợ từ người
49
thân, bạn bè, xã hội khi cần thiết.
Cụ thể:
Ứng phó dựa vào nguồn lực cá nhân: Chấp nhận sự chẩn đoán của con nhưng không xem đó là tất cả vấn đề của gia đình; xác định các nguồn lực có sẵn và lên kế hoạch giải quyết vấn đề, dành thời gian chăm sóc sức khỏe thể chất (kiểm tra sức khỏe định kỳ, tập luyện thể dục thể thao, chú ý vấn đề ăn uống...); dành thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần (nghỉ ngơi thư giãn, đi du lịch, tham gia hoạt động giải trí, đọc sách, ngủ đủ giấc...); thay đổi nhận thức (suy nghĩ tích cực, lạc quan hơn...); quan tâm đến sự thay đổi của bản thân để kiểm soát stress; cho phép bản thân bộc lộ cảm xúc nhưng không thái quá; thỉnh thoảng tự thưởng cho bản thân; tìm hiểu thông tin về vấn đề của trẻ để tập thích nghi và học cách ứng phó; ngưng cảm giác thất vọng về vấn đề của trẻ, tìm niềm vui trong việc chăm sóc trẻ; vui vẻ với con; có kế hoạch đảm bảo an toàn cho trẻ (thiết bị đồ dùng trong nhà, thông tin liên lệ khi trẻ đi lạc...); bố trí không gian trong nhà hợp lý, khoa học; giữ gìn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp; học cách làm cho bữa ăn trở nên ngon miệng, vui vẻ tạo sự dễ chịu cho trẻ cũng như cho bản thân cha mẹ
Ứng phó dựa vào nguồn lực bên ngoài: Tham gia các tổ chức, nhóm cha mẹ có con tự kỷ để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; tìm sự hỗ trợ về mặt tâm lý từ các chuyên gia; tâm sự, chia sẻ với người khác (bạn bè, đồng nghiệp, người thân); tìm sự trợ giúp từ thành viên trong gia đình; sử dụng các dịch vũ hỗ trợ, tiện ích
* Ứng phó tiêu cực: lảng tránh vấn đề, tìm cách giảm bớt stress một cách nhất thời, không cần biết hậu quả, hành động theo cảm xúc, bột phát, lạm dụng chất, thuốc lá, rượu bia, làm tổn thương bản thân và người khác, trút giận lên người khác và những thứ xung quanh, tự chìm sâu trong sự thất vọng, mệt mỏi.
Cụ thể: Trút giận lên đồ vật hoặc người khác; làm tổn thương, gây nguy hiểm
50
cho bản thân và người khác; vùi đầu vào công việc, luôn tạo sự bận rộn thái quá; lạm dụng chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện, thuốc an thần); sa đà vào những hoạt động giải trí (mua sắm, chơi game, mạng xã hội quá mức).