Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng của các ngân hàng và làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; ban hành các thông tư, quyết định, chỉ thị cho các tổ chức tín dụng. Trong đó Ngân hàng Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng cho việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Vì vậy để có thể phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tại các ngân hàng thương mại đề nghị Ngân hàng Nhà nước:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy việc cung ứng cũng như xu thế phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại.
Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống các văn bản dưới luật, hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện một cách thuận lợi, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Các văn bản chế độ cần phải đi trước công nghệ một bước, nhằm tạo định hướng cho phát triển công nghệ, hoặc sửa đổi kịp thời phù hợp với công nghệ, đảm bảo an toàn cho việc triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Ban hành cơ chế quản lý dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng bán lẻ của các ngân hàng thương mại. Cho phép các ngân hàng thương mại quyết định các mức phí cho từng sản phẩm dịch vụ theo nguyên tắc thương mại mà không can thiệp vào từng mức phí cũng như đưa ra một biểu phí dịch vụ chung cho các ngân hàng thương mại, điều đó Ngân hàng Nhà nước sẽ làm mất tính cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại với nhau.
Thứ hai, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước là trung tâm thanh toán, chuyển nhượng bù trừ giữa các ngân hàng thương mại. Bởi vậy Ngân hàng Nhà nước cần phải đi trước đón đầu việc thực hiện hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, hạn chế việc dùng tiền mặt trong công tác thanh toán, nâng cao chất lượng các phương tiện và công cụ thanh toán.
Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại tự đầu tư hợp tác, liên kết, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng. Cục công nghệ thông tin ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu lựa chọn công nghệ và sản phẩm phần mềm tiên tiến trong và ngoài nước nhằm tư vấn, định hướng cho các ngân hàng thương mại sử dụng.
Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ ngân hàng, hệ thống thông tin quản lý, hệ thống giao dịch điện tử, hệ thống giám sát từ xa. Tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tham gia các chương trình và thể chế hợp tác, giám sát, trao đổi thông tin với các khối liên kết kinh tế khu vực và quốc tế, xây dựng hệ thống thông tin ngân hàng theo chuẩn quốc tế và xu hướng phát triển hiện nay của ngành ngân hàng.
Thứ ba, duy trì vai trò định hướng chiến lược và chỉ đạo sát sao quá trình triển khai phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng thương mại.
Để các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đi vào đời sống của người dân, tạo thói quen cho người dân giao dịch qua ngân hàng. Bản thân mỗi ngân hàng thương mại không thể thực hiện được mà phải có sự can thiệp và chính sách tổng thể của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng chung của các ngân hàng thương mại đảm bảo lợi ích chung cho mỗi ngân hàng và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.