Phương pháp thanh tra tại chỗ toàn diện và hiệu quả đỏi hỏi phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thanh tra và giám sát, giữa thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng với thanh tra trên cơ sở rủi ro, giữa hoạt động kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập với thanh tra tại chỗ. Trước mắt, CQTTGSNH cần hoàn thiện phương pháp thanh tra tại chỗ theo hướng:
3.2.2.1. Tăng cường sự kết hợp giữa thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa
Theo chuẩn mực tại nguyên tắc số 16 của Ủy ban Basel: “Một hệ thống thanh tra ngân hàng hiệu quả phải bao gồm cả hai phương thức: giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ”. Hoạt động thanh tra tại chỗ cần đảm bảo kết hợp với giám sát từ xa thành một chu trình khép kín ở đó hoạt động thanh tra và giám sát là đan xen và kết quả của hoạt động này là tiền đề cho hoạt động kia. Dù là giám sát từ xa hay thanh tra tại chỗ, mục đích chung đều giống nhau, đều nhằm giám sát các TCTD và phòng ngừa các rủi ro thông qua việc phát hiện kịp thời các rủi ro không được quản lý tốt. Sự kết hợp giữa hai hoạt động này chính là để bổ trợ cho nhau, giúp hoạt động thanh tra tại chỗ đạt kết quả tốt hơn. Dựa trên hệ thống các chỉ tiêu giám sát và chỉ tiêu báo cáo thống kê hợp lý, giám sát từ xa có khả năng hỗ trợ thanh tra tại chỗ thông qua việc đưa ra dấu hiệu cảnh báo, xác định khu vực tập trung rủi ro để làm cơ sở hoạch định phạm vi, nội dung thanh tra tại chỗ theo định kỳ cũng như đột xuất. Khi CQTTGSNH thực hiện phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro, sự kết hợp giữa giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ thể hiện rõ
nét trong việc lập báo cáo giám sát CAMELS (giám sát từ xa đảm nhiệm các nội dung định lượng; thanh tra tại chỗ đảm nhiệm nội dung đánh giá định tính).
Để giám sát từ xa có hiệu quả, cần thường xuyên liên hệ với tổ chức tín dụng nhằm cập nhật hoạt động và có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt là giám sát chặt chẽ những biến động của các chỉ số tài chính.
3.2.2.2. Kết hợp giữa kiểm toán độc lập do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện với thanh tra tại chỗ do CQTTGSNH thực hiện
Kết quả kiểm toán là một kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy hỗ trợ cho công tác thanh tra, do đó, việc khai thác và sử dụng kết quả kiểm toán nội bộ TCTD và kết quả kiểm toán độc lập của các Công ty kiểm toán cần được coi trọng và quan tâm đúng mức. Trong trường hợp cần thiết, CQTTGSNH có thể thuê cơ quan kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán một số nội dung phục vụ cho mục đích thanh tra. Việc khai thác kết quả kết quả kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập của các thanh tra viên khi giám sát và (hoặc) thanh tra tại chỗ các TCTD phải được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trong các báo cáo của thanh tra viên. Điều này đã được cụ thể hóa trong Sổ tay thanh tra trên cơ sở rủi ro của CQTTGSNH và cần được xem là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, trình độ của thanh tra viên.
Về lâu dài, khi đã nâng cao được chất lượng, hiệu quả nghiệp vụ giám sát từ xa và có đầy đủ các điều kiện cần thiết về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin cho hoạt động thanh tra, giám sát thì cần sớm chuyển sang phương pháp thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra,