1.1 Cơ sở lý luận
1.1.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý các công trình cấp nước sinh
hoạt nông thôn
1.1.4.1 Những nhân tố chủ quan
Nhân tố đầu tiên ảnh hưởng tới chất lượng công tác quản lý khai thác hệ thống cấp nước có thể kế tới là việc lựa chọn mô hình quản lý công trình cấp nước sau đầu tư. Việc lựa chọn mô hình quản lý sau đầu tư phù hợp đóng vai trò hết sức quan trọng; chính tổ chức bộ máy và nhân sự phù hợp là yếu tố then chốt đối với sự duy trì và phát triển của các hệ thống cấp nước. Yếu tố này sẽ đảm bảo các công trình được quản lý,
khai thác, vận hành bài bản và đảm bảo công tác duy tu, bảo dưỡng và phát triển bền vững công trình.
Bên cạnh việc lựa chọn được mô hình quản lý sau đầu tư phù hợp thì trước đó, công tác khảo sát, thiết kế và xây dựng công trình cần được tiến hành thận trọng, đảm bảo sự phù hợp của hoạt động đầu tư xây dựng công trình. Chủ đầu tư hoặc đơn vị được phân giao quản lý đầu tư cần tiến hành khảo sát nhu cầu dùng nước của người dân, cộng đồng và sau đó lên phương án thiết kế phù hợp với nhu cầu (hiện tại và tương lai). Trong quá trình thiết kế và xây dựng, Chủ đầu tư cần đảm bảo công tác theo dõi, giám sát quản lý chất lượng xây dựng các hạng mục chính và chất lượng lắp đặt các tuyến đường ống phân phối và truyển tải, hệ thống điện… Đồng thời, thực tế cho thấy nếu có được sự tham gia giám sát của cộng đồng và người dân trong khu vực thực hiện dự án thì chất lượng công trình sẽ được đảm bảo và việc quản lý công trình sau này sẽ thuận lợi do có được sự đồng thuận của người hưởng lợi.
Trong lĩnh vực cấp nước nông thôn, yếu tố giá nước đóng vai trò rất quan trọng vì các công trình đều phục vụ cho người dân nông thôn, thậm chí là ở vùng sâu, vùng xa, với thu nhập không cao. Hiện tại, giá nước do UBND tỉnh ban hành đối với từng khu vực/công trình dựa vào khung giá nước do Bộ Tài chính quy định. Việc đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành giá nước sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo doanh thu bù đắp được các chi phí vận hành, bảo dưỡng và có lãi phục vụ đầu tư và phát triển về dài hạn. Trong trường hợp UBND tỉnh muốn đảm bảo vấn đề an sinh xã hội thì cần phải có chính sách bù giá rõ ràng và đầy đủ để công trình có thể phát huy hiệu quả phục vụ.Trong quá trình quản lý và khai thác vận hành công trình, công tác Thông tin - Giáo dục - Truyền thông cộng đồng và người dân về vai trò và tầm quan trọng của nước sạch sẽ vừa góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân vừa đảm bảo tỷ lệ dùng nước cao, tạo nguồn thu ổn định phục vụ cho việc vận hành, bảo dưỡng và phát triển dịch vụ cấp nước.
1.1.4.2 Những nhân tố khách quan
Ngoài những yếu tố chủ quan nêu trên, chất lượng công tác quản lý khai thác vận hành hệ thống cấp nước sạch nông thôn còn bị tác động bởi một số yếu tố khách quan như
điều kiện tự nhiên bất lợi (bão lũ, sạt lở đất…), sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp chính quyền, ý thức bảo vệ công trình của người dân.
Những năm gần đây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra với tần suất cao hơn, dẫn đến nhiều hư hỏng của công trình, nhất là đập ngăn nước, tuyến ống khi đi qua các khe suối. Các công trình cấp nước tự chảy xây dựng vùng miền núi với địa hình phức tạp, tuyến ống dài đi qua nhiều khe suối, núi đá xa khu dân cư gây khó khăn trong công tác bảo quản, trông coi. Nhiều công trình sử dụng các loại ống nhựa PVC dễ vỡ, hư hỏng, dập bể khi va đập, hoặc quá trình thi công, đào bới làm đứt gãy dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước cao, giảm hiệu quả của công trình.
Việc sụt giảm nguồn nước cũng có nguy cơ tác động tiêu cực tới công tác quản lý khai thác công trình cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn. Các công trình cấp nước tự chảy sử dụng nguồn nước mặt, trong khi đó nguồn nước mặt ngày càng suy giảm, cạn kiệt, chất lượng kém, nhưng nhu cầu sử dụng ngày càng cao nên dẫn đến nhiều công trình không đủ nguồn nước cung cấp hoặc chỉ đủ cho một vài cụm dân cư giảm hiệu quả hoạt động của công trình, từ đó dẫn đến chi phí đầu tư vào công trình không mang lại hiệu quả tối ưu về kinh tế.
Sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của cấp chính quyền cơ sở nơi có công trình cấp nước cũng có vai trò tích cực đối với việc duy trì và phát triển bền vững dịch vụ cấp nước nông thôn. Nếu có được sự quan tâm hỗ trợ thì công tác đầu tư xây dựng công trình được tiến hành nhanh chóng và thuận tiện, ngoài ra còn huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân địa phương, công tác quản lý vận hành công trình sẽ đạt kết quả tốt. Ngược lại, nếu thiếu sự quan tâm và vào cuộc của chính quyền sẽ gây nhiều khó khăn cho Chủ đầu tư trong quá trình xây dựng cũng như đơn vị quản lý khai thác công trình sau đầu tư.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động nếu không được chú trọng sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực đối với chất lượng hoạt động quản lý, vận hành công trình; không tạo được ý thức, trách nhiệm người sử dụng, cộng đồng hưởng lợi đối với trách nhiệm bảo vệ công trình, nghĩa vụ đóng góp, chi trả tiền sử dụng nước trong quá trình sử dụng công trình.