1.2 Cơ sở thực tiễn
1.2.2 Kinh nghiệm quản lý các công trình cấp nước sạch
1.2.2.1 Kinh nghiệm quản lý ở các tỉnh đồng bằng, miền núi và các huyện lân cận
Kinh nghiệm thực hiện công tác đầu tư và quản lý vận hành các hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cho thấy trước tiên các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch các công trình cấp nước, không để đầu tư tự phát. Không chỉ chú trọng xây dựng mới, mà phải quản lý, bảo dưỡng tốt các công trình cấp nước đã được xây dựng, trong đó
cần quy định rõ thời gian, trình tự và các nội dung bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các công trình, thiết bị.
Đánh giá công tác đầu tư và quản lý vận hành các hệ thống cấp nước nông thôn của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cho thấy các tỉnh, thành cần tiến hành lồng ghép các chương trình và dự án cấp nước sinh hoạt khác tại địa phương. Đồng thời, cần ưu tiên cho việc nâng cấp, vận hành có hiệu quả những công trình nước sạch đã được xây dựng tại địa phương. Để quản lý vận hành công trình hiệu quả, cần chú ý tới việc lựa chọn mô hình quản lý, vận hành các công trình sau đầu tư phù hợp, đây là yếu tố quyết định sự hoạt động bền vững của công trình.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần rà soát lại chất lượng công trình, công trình nào bị hư hỏng mà người dân thật sự có nhu cầu thì phải tìm mọi biện pháp khắc phục. Cần xã hội hóa đầu tư, kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân. Hiện doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn còn hạn chế do bởi năng lực tài chính yếu.
Do vậy, cần cải thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích áp dụng mô hình hợp tác công - tư, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân có năng lực đầu tư vào các công trình CNTT nông thôn.
Sau 3 giai đoạn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (từ 1999-2015), thực tế cho thấy mỗi năm tiền ngân sách đầu tư cho mỗi tỉnh trung bình từ 30 tỷ đồng. Do vậy, để đạt được đầy đủ các mục tiêu cấp nước cho người dân nông thôn đề ra, các địa phương phải nỗ lực tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động đầu tư và quản lý, khai thác các hệ thống cấp nước nông thôn.
Thực tế hiện nay ở các huyện lân cận, đối với công tác quản lý công trình cấp nước có quy mô công suất tương tự như huyện Hạ Hòa, phần lớn mô hình quản lý ở các huyện là quản lý bởi cộng đồng và Ủy ban nhân dân xã, Hợp tác xã; Tuy nhiên trong 2 năm gần đây, có một số huyện đã dần chuyển sang áp dụng mô hình quản lý bởi doanh nghiệp do nhận thấy có nhiều ưu điểm và lợi thế trong công tác quản lý.
Dưới đây là thống kê của 2 huyện điển hình là huyện Lâm Thao và huyện Thanh Thủy. Thông qua kinh nghiệm quản lý các công trình cấp nước, 2 huyện trên đã chuyển đổi công tác quản lý bằng UBND xã và Hợp tác xã sang sử dụng mô hình quản lý bằng doanh nghiệp hầu hết các công trình trên địa bàn huyện, trong đó huyện Thanh Thủy là huyện miền núi với nhiều điểm tương đồng với huyện Hạ Hòa. Việc ưu tiên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp quản các công trình cấp nước đã mang lại hiệu quả về về nhiều mặt khác nhau. Cụ thể nhất có thể thấy trong bảng tỷ lệ hao hụt thấp ( ~ 20%), thấp hơn nhiều so với các mô hình quản lý khác (từ 30-40%); việc giảm hao hụt từ các công trình cấp nước trực tiếp mang lại các hiệu quả, ví dụ như hiệu quả về kinh tế, công suất cấp nước... gián tiếp mang lại hiệu quả về chất lượng và khả năng cung cấp thường xuyên cho người dân.
Bảng 1.1 Mô hình quản lý công trình ở các huyện lân cận
TT Tên, địa chỉ công trình
Mô hình quản lý Khối lượng sản xuất nước Tỷ lệ hao hụt (%)
1 CTCN khu 5, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao DN 129.948 19 2 CTCN K5, xã Vân Hùng, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao DN 141.696 19 3 CTCN khu 5, xã Sơn Dương , huyện Lâm Thao HTX 84.146 28 4 CTCN khu 3, xã Hợp Hải, huyện Lâm Thao HTX 98.688 30 5 CTCN khu 4 , xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao DN 106.457 19 6 CTCN khu 5, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao DN 1.467.218 19 7 CTCN TT Hùng Sơn, huyện Lâm Thao DN 2.616.664 19 8 CTCN TT Lâm Thao, huyện Lâm Thao DN 457.920 18
- --- - - -
9 CTCN TĐC Khu 3, xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy DN 26.730 20 10 CTCN Khu 5, xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy DN 34.538 20 11 XNCN Thanh Thủy, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy DN 1.998.000 20
1.2.2.2 Bài học rút ra cho huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ
Dựa trên kinh nghiệm quản lý ở các huyện, các tỉnh đồng bằng và các tỉnh miền núi lân cận, trên địa bàn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để nâng cao công tác quản lý vận hành các công trình cấp nước sạch.
Trước tiên là phải chú trọng công tác quản lý công trình cấp nước có sẵn trên địa bàn huyện thông qua sự rà soát của nhân dân, chính quyền địa phương; các công trình không thể hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả được chính quyền địa phương tổng hợp, báo cáo để sớm đưa vào duy tu, sửa chữa, cải thiện năng suất sử dụng nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Đồng thời rà soát các khu vực chưa được cung cấp nước sạch để đề xuất biện pháp bổ sung đấu nối hoặc xây dựng công trình cấp nước nếu cần thiết.
Thông qua Quyết định số 3606/QĐ-BNN-HTQT ngày 04/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt văn kiện chương trình “mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn ngân hàng thế giới, mặc dù có được nguồn viện trợ kinh phí lớn từ Ngân hàng thế giới (WB) kết hợp với nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn sự nghiệp thì việc chủ động thu hút, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp và vốn trong dân cũng góp phần nâng cao công tác triển khai các dự án mới cũng như quản lý có hiệu quả các dự án đã đưa vào hoạt động.
Để thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia, cần có hành lang pháp lý cụ thể hơn về hợp tác công - tư (PPP) cho lĩnh vực cấp nước nông thôn làm cơ sở pháp lý để hướng dẫn, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nước sạch nông thôn. Ưu tiên nguồn vốn (bao gồm cả ODA), đối ứng cho các dự án đầu tư công - tư, phục hồi và nâng cấp các hệ thống cấp nước tập trung đã được xây dựng. Ngoài ra cần tích cực tuyên truyền, phổ biến lợi ích việc sử dụng nước sạch trong người dân, góp phần hiểu biết và nâng cao dân trí để người dân tự giác thực hiện các chỉ đạo của chính quyền cả trong công tác thực hiện dự án mới cũng như các dự án đã đi vào hoạt động. Trong tương lai, xét từ góc độ thị trường, hoạt động cung cấp nước sinh hoạt nông thôn cũng cần chuyển từ phương thức phục vụ sang dịch vụ. Hoạt động cấp nước nông thôn nên được dần chuyển cho các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện, từng bước xã hội hóa công tác cấp nước sạch cho người dân sinh sống ở khu vực nông thôn.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Tổng kết các nội dung của Chương 1, luận văn đã hệ thống hóa cơ sở lý luận cũng như thực tiễn liên quan tới công tác quản lý khai thác và phát triển bền vững các công trình cấp nước sạch nông thôn tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Cụ thể:
Trên khía cạnh cơ sở lý luận:
Trước hết, luận văn đã làm rõ về khái niệm, đặc điểm cũng như vai trò, tầm quan trọng của các hệ thống cấp nước nông thôn trong việc việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, phòng tránh các bệnh do nước không an toàn gây ra.
Luận văn cũng đã trình bày về các nội dung quan trọng trong công tác quản lý khai thác hệ thống cấp nước nông thôn, bao gồm nội dung, tiêu chí đánh giá hiệu quả, các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Trên khía cạnh cơ sở thực tế:
Trong chương 1 của luận văn đã trình bày sơ lược về quá trình phát triển các hệ thống cấp nước, và các mô hình quản lý công trình cấp nước nông thôn trên phạm vi các tỉnh đồng bằng miền núi và trên địa bàn các huyện lân cận. Các quy định, chính sách mới nhất áp dụng trong lĩnh vực cấp nước nông thôn cũng được nêu ra nhằm hệ thống hóa tài liệu pháp lý, cơ sở quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc tham khảo, vận dụng một cách phù hợp tùy theo đặc điểm riêng của từng vùng miền những yếu tố và bài học kinh nghiệm nêu ra sẽ là tiền đề quan trọng cải thiện đáng kể chất lượng công tác quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn tại địa phương.
Tìm hiểu đầy đủ, chính xác, rõ ràng về cơ sở pháp lý của Nhà nước và học hỏi các bài học kinh nghiệm phù hợp đúc rút trên phạm vi toàn quốc sẽ giúp tăng cường công tác đầu tư, quản lý vận hành, tăng cường tính bền vững các hệ thống cấp nước trên địa bàn huyện nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung, góp phần thực hiện thành công Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới hiện đang được Chính phủ triển khai và thúc đẩy trên phạm vi toàn quốc.
CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN ĐANG THỰC HIỆN VÀ ĐÃ ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HẠ HÒA