2.4.2.1. Mối quan hệ giữa yếu tố chính sách phát triển-thăng tiến và sự hài lòng trong công việc của nhân viên
Cơ hội thăng tiến là một trong những yếu tố đáp ứng những nhu cầu cấp cao của con người. Thăng tiến chính là cách để khẳng định vị thế trong tổ chức và trước đồng nghiệp, thỏa mãn nhu cầu của mỗi con người trong tổ chức. Cơ hội thăng tiến sẽ đem lại sự hài lòng trong công việc của nhân viên tại công ty. Vì vậy, giả thuyết H1 được phát biểu:
Giả thuyết H1: Có mối quan hệ dương giữa yếu tố chính sách phát triển và thăng tiến và sự hài lòng trong công việc của người lao động;
2.4.2.2. Mối quan hệ giữa yếu tố thu nhập và phúc lợi với sự hài lòng trong công việc của người lao động
Chính sách thu nhập và phúc lợi là động lực và mục tiêu để họ quyết định gắn bó lâu dài với cơ quan. Vì vậy, chính sách thu nhập, phúc lợi xã hội cần được quan tâm, có hoạch định dài hạn để ổn định cuộc sống. Đồng thời tạo sự hài lòng trong công việc, nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên. Giả thuyết H2 được đề xuất:
Giả thuyết H2: Có mối quan hệ dương giữa thu nhập và phúc lợi và sự hài lòng trong công việc của người lao động;
2.4.2.3. Mối quan hệ giữa yếu tố điều kiện làm việc và sự hài lòng trong công việc của người lao động
Điều kiện làm việc có góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất làm việc đối với người lao động, tạo cho họ cảm giác được mọi người quan tâm về vật chất và tinh thần để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, là một trong những tiêu chí mà người lao động quan tâm
khi được cơ quan nhà nước tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch công chức. Nếu điều kiện làm việc trở nên không tốt thì công việc sẽ bị ảnh hưởng mang tính tiêu cực. Khi điều kiện môi trường làm việc cao hơn mức khá tốt thì nó chỉ khiến cho kết quả công việc tăng lên nhưng không nhiều. Giả thuyết H3 được đề xuất:
Giả thuyết H3: Có mối quan hệ dương giữa điều kiện làm việc và sự hài lòng trong công việc của người lao động
2.4.2.4. Mối quan hệ giữa yếu tố sự gắn bó đồng nghiệp và sự hài lòng trong công việc của người lao động
Trên thực tế chúng ta dành nhiều thời gian trong cuộc sống của mình bên cạnh đồng nghiệp hơn cả gia đình, vì vậy những mối quan hệ đồng nghiệp cũng rất quan trọng. Khi có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, người lao động sẽ không thấy chán nản mỗi khi đến nơi làm việc, đó cũng là động lực để họ yêu công việc của mình hơn, bởi mối quan hệ tốt sẽ khích lệ, động viên tinh thần làm việc tốt hơn. Mối quan hệ giữa các nhân viên tốt sẽ giúp họ thuận tiện hơn trong việc trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong công việc.
Đồng nghiệp là người làm việc cùng trong tổ chức hoặc gần hơn là những người làm việc cùng bộ phận với nhau. Quan hệ đồng nghiệp thân thiện và hỗ trợ sẽ góp phần làm tăng sự hài lòng công việc của người lao động. Giả thuyết H4 được đề xuất:
Giả thuyết H4: Có mối quan hệ dương giữa đồng nghiệp và sự hài lòng trong công việc của người lao động;
2.4.2.5. Mối quan hệ giữa yếu tố sự giúp đỡ của lãnh đạo và sự hài lòng trong công việc của người lao động
Mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới hay mối quan hệ giữa người lãnh đạo và người lao động là một vấn đề rất lớn tác động trực tiếp đến sự gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp. Như chúng ta đã biết người lao động không chỉ cần tiền mà còn nhiều nhu cầu khác cần được thoả mãn. Một trong những nguyên nhân khiến người lao động bỏ việc là mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới không được tốt. Người lao động luôn mong muốn lãnh đạo của họ luôn đối xử công bằng, biết lắng nghe và tôn trọng nhân viên, ghi nhận những đóng góp của họ và có những khen ngợi kịp thời. Một khi mối quan hệ này tốt sẽ tạo ra một bầu không khí vui vẻ trong doanh nghiệp và nó sẽ tác động tích cực đến sự hài lòng trong công việc của người lao động. Giả thuyết H5 được đề xuất:
Giả thuyết H5: Có mối quan hệ dương giữa sự giúp đỡ của lãnh đạo và sự hài lòng trong công việc của người lao động;
Tóm tắt chương 2
Trong chương 2, luận văn đã trình bày các lý thuyết sự hài lòng trong công việc của người lao động. Các khái niệm nghiên cứu được hình thành gồm các yếu tố ảnh hưởng sự hài lòng công việc: (1) chính sách phát triển và thăng tiến, (2) thu nhập và phúc lợi, (3) sự gắn bó đồng nghiệp, (4) sự giúp đỡ của lãnh đạo, (5) điều kiện làm việc. Biến phụ thuộc là sự hài lòng trong công việc của người lao động. Mô hình lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu được xây dựng dựa trên lý thuyết nền và các khái niệm nghiên cứu. Có 5 giả thuyết nghiên cứu được xây dựng trong mô hình nghiên cứu lý thuyết.
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU