Ra máu âm đạo bất thường bao gồm ra máu sau giao hợp và ra máu tự nhiên là triệu chứng chiếm tỉ lệ cao nhất trong các triệu chứng lâm sàng xuất hiện đầu tiên của nhóm bệnh nhân nghiên cứu (71,7%). Sau đó là triệu chứng rong kinh (13,1%) và ra khí hư/ dịch hôi (10,9%). Đau bụng vùng hạ vị chiếm
tỉ lệ thấp nhất (4,3%). Kết quả này cũng tương đồng với một số tác giả như Vũ Hoài Nam, triệu chứng lâm sàng đầu tiên thường gặp là ra máu âm đạo chiếm tỉ lệ 80,3% [29], Ngô Thị Tính cũng gặp 88,6% ra máu âm đạo bất thường [58], tỉ lệ này theo nghiên cứu của Đặng Thị Việt Bắc là 90,1% [59]. Dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường là do tổn thương ung thư tại CTC có hiểu hiện sùi, loét, hoại tử, khi có những chấn thương cơ học như giao hợp thì rất dễ chảy máu. Nếu như chảy máu kéo dài bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi và một số triệu chứng khác liên quan đến tình trạng thiếu máu. Theo các nghiên cứu về UTCTC của các tác giả trong và ngoài nước, triệu chứng này là dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất, tiếc rằng đây không phải là triệu chứng phát hiện sớm UTCTC.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian từ khi có triệu chứng đầu tiên đến khi nhập viện cao nhất ở nhóm dưới 3 tháng (47,8%), tiếp theo là nhóm 3-6 tháng (41,3%), 6-12 tháng chiếm 8,7%, có 01 trường hợp 15 tháng chiếm 2,2%. Nhìn chung, hầu hết bệnh nhân đi khám bệnh trong vòng 6 tháng đầu. Vũ Hoài Nam khi nghiên cứu trên các bệnh nhân UTCTC giai đoạn IB-IIA, đa số là các trường hợp dưới 3 tháng (71,6%), không có trường hợp nào nhập viện vượt quá 12 tháng [29]. Trong nghiên cứu của tác giả Tô Anh Dũng, thường gặp nhất là các bệnh nhân đến khám trong vòng 3 tháng đầu với tỉ lệ 51,85% [42].
4.1.3. Đặc điểm đại thể, vi thể
Ung thư CTC có 3 kiểu phát triển chính gồm: thể sùi, thể loét và thể loét – sùi. Trong nghiên cứu của chúng tôi u sùi là hình thái hay gặp nhất (71,7%), các thể loét và loét – sùi ít gặp hơn với tỉ lệ tương ứng là 17,4% và 10,9%. Trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Tiến Quang, tỉ lệ sùi 71,4%, thể loét – sùi 17,8% [40]. Kết quả nghiên cứu của tác giả Vũ Hoài Nam [29] cho thấy
thể sùi chiếm 77,8%, thể loét – sùi 16%. Nhìn chung, sùi cổ tử cung là hình thái hay gặp nhất.
Khi nghiên cứu về hình thái vi thể của u nguyên phát thì thường gặp nhất là ung thư biểu mô vảy (84,8%), UTBM tuyến chỉ chiếm 10,9% và UTBM tuyến vảy chiếm 4,3%. Theo kết quả nghiên cứu của Vũ Hoài Nam cho thấy thể mô bệnh học hay gặp nhất trong bệnh nhân UTCTC là ung thư biểu mô vảy 79%, tỉ lệ ung thư biểu mô tuyến là 18,5%, ung thư biểu mô tuyến vảy 2,5% [29]. Theo tác giả Nguyễn Tiến Quang trong nghiên cứu trên 157 bệnh nhân cho tỉ lệ UTBM vảy CTC là 88,5% [40]. Tỉ lệ về mô bệnh học theo tác giả Carlos A và cộng sự cho thấy 90% bệnh nhân UTCTC có mô bệnh học là UTBM vảy, 10% là UTBM tuyến [2].