Tai biến, biến chứng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi u tuyến giáp lành tính tại bệnh viện đại học y hà nội (Trang 73 - 75)

Các nghiên cứu về phẫu thuật tuyến giáp nói chung và phẫu thuật nội soi nói riêng, biến chứng hay gặp và được quan tâm nhiều là tổn thương thần kinh thanh quản quặt ngược, suy cận giáp trạng.

Về tỷ lệ tổn thương TKQN: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có 01 trường hợp tổn thương TKQN tương đương tỷ lệ 3,0%. Theo dõi sau 1 tháng khám lại giọng nói đã đã cải thiện nhiều. Trong NC của Tô Minh Khá có 2/37 trường hợp chiếm tỷ lệ 5,4% xảy ra tổn thương TKQN; Nguyễn Văn Lâm tỷ lệ này 1,7%; Trịnh Minh Tranh là 2,5%; Hồ Khánh Đức là 2,6% [40], [47], [48], [51]. So với các nghiên cứu nước ngoài: Gyan Chand tỷ lệ tổn thương TKQN là 4,5%; Kim Yong Seok là 4,4%; NC của Sasaki không có trường hợp nào tổn thương TKQN trong nhóm 54 bệnh nhân cắt thùy giáp [42], [44], [45]. Trong mổ mở u giáp lành tính, theo nghiên cứu của Lê Văn Giáp gặp 1/30 trường hợp tổn thương TKQN; Tạ Thị Hà Phương gặp 2/48 trường hợp [56], [57]. Như vậy có thể thấy tỷ lệ biến chứng thần kinh thanh quản quặt ngược trong phẫu thuật nội soi là khá thấp và cũng tương đương với phẫu thuật mở kinh điển.

Về xếp loại tổn thương TKQN, thời gian theo dõi sau mổ trong NC của chúng tôi là 01 tháng nên chưa kết luận được là tổn thương TKQN tạm thời hay vĩnh viễn [65]. Tuy nhiên đây không phải là mục tiêu chính của NC này, để tìm hiểu sâu hơn về tổn thương TKQN và các biến chứng khác của PTNS tuyến giáp cần có những NC được thiết kế riêng.

Có một bệnh nhân xuất hiện tụ máu sau mổ ngày thứ nhất chiếm tỷ lệ 3,0%. Một số nghiên cứu không ghi nhận biến chứng này như NC của Nguyễn Văn Lâm (2013), Trịnh Minh Tranh(2013) [40], [51]. Nghiên cứu của Kim Yong Seok (2014) trên 452 bệnh nhân có 0,4 % bệnh nhân chảy máu sau mổ [44]. Trước đây, chảy máu sau mổ cắt tuyến giáp là một biến chứng khá hay gặp, nếu lượng máu lớn có thể gây chèn ép đường thở khiến bệnh nhân suy hô hấp, phải xử trí cấp cứu. Ngày nay, nhờ sự phát triển của các phương tiện hỗ trợ phẫu thuật cũng như kinh nghiệm ngày càng cao của phẫu thuật viên, tỷ lệ biến chứng chảy máu sau mổ ít gặp hơn. Trong NC của chúng tôi là một khối máu tụ xuất hiện tại vị trí cán xương ức, kích thước khoảng 2,5 x 3 cm. Do có nền xương phía dưới và khối máu tụ khu trú nên được xử trí chọc hút và băng ép, bệnh nhân ổn định trong ngày.

Một số biến chứng khác cũng đã được ghi nhận trong các nghiên cứu khác nhưng không gặp trong nghiên cứu của chúng tôi như hạ canxi máu, nhiễm trùng, tụ dịch, bỏng da hay tràn khí dưới da.

Về ảnh hưởng của các biến chứng đối với sự chăm sóc bệnh nhân sau mổ. Chương trình cải thiện chất lượng phẫu thuật của trường đại học Ngoại khoa Hoa Kỳ đã đưa ra các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng phẫu thuật tuyến giáp trên cơ sở của một nghiên cứu đoàn hệ thực hiện trên 14540 bệnh nhân được phẫu thuật cắt giáp tại 98 bệnh viện của Hoa Kỳ và các tác giả đánh giá kết quả phẫu thuật trong thời gian 30 ngày sau mổ, tương đối giống thời gian đánh giá trong NC của chúng tôi [66]. 3 yếu tố đã được đưa vào phân tích là tổn thương TKQN, hạ canxi máu và chày máu tụ máu vết mổ. Kết quả là nếu giảm được tỷ lệ 2 biến chứng tổn thương TKQN và hạ canxi máu sẽ cải thiện được việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi u tuyến giáp lành tính tại bệnh viện đại học y hà nội (Trang 73 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)