Giai đoạn vừa qua, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã thực hiện chuyển đổi công tác quản lý thuế theo hướng hiện đại, hiệu lực, mở rộng thực hiện nộp thuế điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện, quy trình quản lý thuế có tính tự động, liên kết và tích hợp cao theo chuẩn mực quốc tế.
Kết quả về công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế. Đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính từ khâu đăng ký thuế đến khai thuế,
nộp thuế, hoàn thuế thông qua việc: Đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, mẫu biểu tạo thuận lợi cho người nộp thuế; Liên thông với các cơ quan nhà nước có liên quan (cơ quan đăng ký kinh doanh, ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc, hải quan...) trong quá trình giải quyết các thủ tục về thuế cho người nộp thuế như hồ sơ đăng ký DN, thủ tục nộp thuế...
Triển khai trên toàn quốc dịch vụ thuế điện tử cơ bản đáp ứng yêu cầu về triển khai Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Cụ thể là:
- Duy trì dịch vụ khai thuế điện tử: Được triển khai thí điểm từ năm 2009. Đến nay đã có hơn 99% trên tổng số các DN đang hoạt động khai thuế qua mạng.
- Triển khai nộp thuế điện tử: Đã hoàn thành kết nối với 43 ngân hàng thương mại để thực hiện. Đến nay, đã có 100% DN hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử.
- Dịch vụ hoàn thuế điện tử: Chi cục Thuế đã triển khai hoàn thuế GTGT điện tử đối với tất cả người nộp thuế có nhu cầu tại tất cả các cơ quan thuế trên địa bàn.
- Thí điểm triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn có mã xác thực: Đã thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực đã giảm được 2 ngày làm việc.
Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về thuế
Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới toàn diện theo hướng khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp: Chuyển dần từ kiểm tra toàn diện sang kiểm tra theo hệ thống tiêu thức lựa chọn, đi vào chiều sâu theo nội dung vi phạm (chuyên đề, lĩnh vực như DN có dấu hiệu chuyển giá, DN kinh doanh thua lỗ, DN có số nợ thuế lớn…); Triển khai áp dụng thống nhất phương pháp thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế chủ động đăng ký phương pháp xác định giá tính thuế; Áp dụng thống nhất nguyên tắc xử lý kết quả sau kiểm tra thuế góp phần nâng cao
ý thức của công chức làm công tác kiểm tra. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra như lập kế hoạch kiểm tra hàng năm, quản lý hồ sơ kiểm tra thuế, kiểm tra hồ sơ khai thuế GTGT…
Quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế
Thực hiện rà soát, xác định, phân loại, theo dõi số nợ thuế và số thuế nợ đọng của từng người nộp thuế; phân tích nguyên nhân, phân loại nợ thuế để áp dụng các biện pháp thu hồi nợ phù hợp, hiệu quả; xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đôn đốc thu hồi và xử lý các khoản tiền nợ thuế của người nộp thuế. Kết quả là tổng nợ có xu hướng giảm dần.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế: Trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các vấn đề doanh nghiệp hỏi đều được cơ quan thuế trả lời, giải thích tương đối kịp thời, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Hằng năm, tỷ lệ đơn khiếu nại được giải quyết đúng hạn luôn chiếm trên 90%.
2.6.2.Hạn chế trong quản lý thuế
- Những hạn chế về quản lý thuế đối với DN trong môi trường pháp lý là hạn chế chủ yếu. Từ thực trạng quản lý thuế đối với DN và những vi phạm pháp luật thuế của DN phản ánh qua quá trình kiểm tra được tổng hợp bởi Chi cục Thuế TP. Nha Trang cho thấy trong thực tế vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định trong việc quản lý thuế của Nhà nước đối với DN hiện nay. Trên cơ sở phản ánh của thực trạng cũng như thông tin thu thập từ trong ngành thuế được tổng hợp, nghiên cứu đúc kết một số mặt hạn chế trong quản lý thuế đối với DN như sau:
- Một số hạn chế trong công tác quản lý thuế của cơ quan thuế
Thứ nhất, hành vi gian lận trong sử dụng hóa đơn làm thất thu thuế hiện đang rất phổ biến, chiếm tỷ lệ vi phạm cao. Điều này chứng tỏ hệ thống quản lý quá trình xuất và kê khai hóa đơn GTGT hiện nay chưa hiệu quả mặc dù TP. Nha Trang đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản
lý hóa đơn thông qua hình thức hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, quá trình này mới được triển khai từ năm 2011 dưới hình thức khuyến khích người nộp thuế sử dụng, mãi đến năm 2019 mới có quy định bắt buộc các DN phải chuyển đổi cơ chế áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình thực hiện. Do vậy, trong những năm qua, việc quản lý hóa đơn bằng công nghệ thông tin vẫn chưa thực sự đi vào hoạt động, còn thực hiện thủ công, khiến cho việc phát hiện các gian lận sử dụng hóa đơn GTGT chưa kịp thời là một trong những hạn chế dẫn đến không tuân thủ thuế TNDN.
Tuy nhiên, đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử vẫn còn hạn chế do không phải DN nào cũng có đủ điều kiện tiếp cận hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, do cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tại TP. Nha Trang hiện nay chưa tốt qua thực tế áp dụng kê khai thuế qua mạng thường xuyên xảy ra những trường hợp bị lỗi về nghẽn mạng, tốn thời gian công sức để nộp tờ khai qua mạng. Do đó, các DN vẫn ngần ngại việc áp dụng công nghệ vào quá trình xuất và nhận hóa đơn, một công việc gắn liền với hoạt động SXKD, không được phép trì trệ. Vì vậy, việc sử dụng hóa đơn điện tử có thể hạn chế việc không tuân thủ thuế nhưng vẫn chưa được ứng dụng triệt để và rộng rãi trên toàn quốc.
Thứ hai, theo quy định của Luật quản lý thuế thì hàng năm cơ quan thuế chỉ thực hiện công tác phân tích rủi ro qua số liệu kê khai của người nộp thuế 1 lần để lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế theo Thông tư 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015. Số liệu phân tích được tính và chấm điểm theo từng tiêu chí, từng ngành nghề. Tuy nhiên, việc thực hiện một năm một lần để lập kế hoạch kiểm tra là chưa mang tính cập nhật và thường xuyên. Bằng chứng là trong quá trình rà soát, thống kê tình hình chấp hành pháp luật thuế, cơ quan thuế phát hiện vẫn còn không ít DN chưa được thanh kiểm tra nhiều năm liền (Tổng cục thuế 2017). Điều này chứng tỏ công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những vi phạm pháp luật thuế chưa được thực hiện kịp
thời, đồng bộ làm thất thu thuế; điển hình như trường hợp các DN có số lỗ nhiều năm liền không phải nộp thuế TNDN mà chưa được kiểm tra thuế sẽ có cơ hội tận dụng số lỗ chuyển sang để không phải nộp thuế.
Thứ ba, hệ thống tích hợp thông tin dữ liệu của người nộp thuế hiện nay của ngành thuế vẫn chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời. Các thông tin về ngành nghề kinh doanh vẫn còn chung chung theo mã ngành đăng ký của DN, chưa được cập nhật chi tiết nên một số công ty đã bị xác định sai ngành nghề thực sự, khiến cho quá trình nhận định thông tin về người nộp thuế không chính xác dẫn đến khá nhiều các vi phạm tập trung vào một số lĩnh vực ngành nghề đáng lưu ý.
- Hạn chế trong những quy định pháp lý liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế TNDN
Thứ nhất, quy định về việc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ áp dụng đối với các hóa đơn có tổng giá trị thanh toán từ 20.000.000 đồng trở lên được quy định tại Khoản 1, Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014, DN có thể tránh né bằng cách dùng tiền mặt thanh toán với nhiều khoản có trị giá thấp hơn 20.000.000 đồng để không phải giao dịch qua ngân hàng, nhằm hạn chế sự kiểm soát của Nhà nước. Nhờ vậy, DN có thể kê khai các khoản chi phí không liên quan đến hoạt động SXKD mà các cơ quan chức năng khó phát hiện do việc thanh toán bằng tiền mặt không được kiểm soát. Điều này dẫn đến những vi phạm về thuế TNDN qua hành vi kê khai tăng chi phí được trừ của các DN hiện nay cũng rất phổ biến.
Thứ hai, quy định không cần xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng tại Khoản 1, Điều 16, Nghị định 51/2010/NĐCP ngày 14/05/2010 tạo tâm lý cho người bán không bắt buộc phải xuất hóa đơn khi bán hàng và người mua không bắt buộc phải lấy hóa đơn. Với nền kinh tế hiện nay, còn sử dụng hình thức thanh toán bằng tiền mặt tương đối
nhiều và tâm lý không cần phải lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ thì rủi ro cho việc gian lận sử dụng hóa đơn GTGT, hoặc kê khai thiếu doanh thu, thu nhập chịu thuế dẫn đến thất thu thuế TNDN là rất cao.
Thứ ba, pháp luật thuế hiện nay không có quy định về việc sử dụng vốn vay trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, DN hoàn toàn có thể tận dụng khoản chi phí lãi vay làm lá chắn thuế một cách hợp lý, miễn là khoản vay này được thuyết minh là sử dụng cho hoạt động SXKD của DN. Đây là một trong những hạn chế về quy định pháp lý tạo cơ hội cho DN thực hiện các vi phạm về khai tăng chi phí để làm giảm nghĩa vụ thuế TNDN.
Thứ tư, đối với các khoản chi phí mua hàng không có hóa đơn mà được phép lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điểm 2.4, Khoản 2, Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 thì không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các DN hợp thức hóa các khoản chi không phục vụ SXKD với giá trị lớn làm giảm nghĩa vụ thuế TNDN dẫn đến vi phạm về hành vi khai tăng chi phí được trừ.
- Hạn chế xuất phát từ nguồn nhân lực quản lý nền kinh tế
Một số những tồn tại đã đề cập về quản lý hóa đơn GTGT, quá trình cập nhật thông tin của DN chưa kịp thời là kết quả của việc chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác trong nền kinh tế. Do DN liên quan đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau nên thông tin có thể được khai thác ở nhiều kênh. Tuy nhiên, hiện nay các nội dung về hoạt động của DN chưa được hỗ trợ để khai thác một cách hiệu quả; việc yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác hầu hết thực hiện bằng văn bản, còn thủ công.
Yếu tố thái độ rất quan trọng ảnh hưởng đến hành vi của người nộp thuế như lý thuyết mô hình tâm lý xã hội và tài chính đã nêu. Trong đó, sự “sẵn sàng hợp tác” liên quan đến thái độ và nhận thức của cá nhân về hệ thống thuế
theo Strumpel (1969) trong Devos (2014). Do đó, DN có thái độ tuân thủ thuế tích cực hơn khi họ cảm nhận được sự công bằng từ hệ thống chính sách pháp luật và cơ quan thuế quản lý. Tuy nhiên, không khỏi thừa nhận rằng luôn tồn tại một bộ phận cán bộ thuế còn thiếu sót về năng lực, trình độ chuyên môn trong công tác quản lý thuế, cấu kết với DN để trục lợi. ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của ngành thuế.
Tóm tắt chương 2
Chương giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Nha Trang, Tổ chức bộ máy quản lý thuế tại Chi cục Thuế TP. Nha Trang, Kết quả thực hiện dự toán thu NSNN tại Chi cục Thuế TP. Nha Trang. Chương cũng đánh giá thực trạng công tác quản lý thuế một số kết quả đạt được trong quản lý thuế đã chuyển đổi công tác quản lý thuế theo hướng hiện đại, hiệu lực, mở rộng thực hiện nộp thuế điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện, quy trình quản lý thuế có tính tự động, liên kết và tích hợp cao theo chuẩn mực quốc tế. Chương cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế trong công tác quản lý thuế của Doanh nghiệp hiện nay như hành vi gian lận trong sử dụng hóa đơn làm thất thu thuế hiện đang rất phổ biến, chiếm tỷ lệ vi phạm cao, do cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tại TP. Nha Trang hiện nay chưa tốt, Hạn chế trong những quy định pháp lý liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế TNDN, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác trong nền kinh tế, cán bộ thuế còn thiếu sót về năng lực, trình độ chuyên môn trong công tác quản lý thuế. Kết quả là cơ sở thực tiển để đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với DN trong thời gian tới.
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TẠI CHI CỤC THUẾ TP. NHA TRANG