nghiệp tại Chi cục Thuế TP. Nha Trang
2.5.1. Yếu tố vĩ mô
a. Mức độ hoàn chỉnh về pháp luật, chính sách thuế và các văn bản pháp quy liên quan đến công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp: Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật về thuế chưa rõ ràng, còn chồng chéo cụ thể trong từng trường hợp và có quá nhiều văn bản bổ sung sửa đổi, hướng dẫn trong thời gian ngắn, vì vậy việc cập nhật chính sách thuế đối với các DN mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn.
b. Yếu tố trình độ dân trí và tính tự giác, ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế đối với Nhà nước: Cùng với sự phát triển của kinh tế là sự phát triển của trình độ dân trí. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của đối tượng người nộp thuế ngày càng được nâng cao, đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quản lý thuế theo hướng hiện đại hóa. Các ứng dụng kê khai, nộp thuế hỗ trợ NNT đang được vận hành và từng bước được cải thiện. Ngoài ra, người nộp thuế cũng từng bước nắm bắt được và vận dụng tốt, đảm bảo nhanh và hiệu quả trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế. Bên cạnh đó, tính tự giác, ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế đối với Nhà nước: Bên cạnh một số đối tượng NNT chấp hành tốt chính sách pháp luật nhà nước thì cũng có một số công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng thành lập chỉ để xây dựng một vài công trình hoặc mua bán hoá đơn. Một số đối tượng lợi dụng kẽ hở trong chính sách thuế để thực hiện hành vi trốn thuế.
c. Yếu tố phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan nhà nước có liên quan ở địa phương: Trong công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp, để đảm bảo quản lý tốt nguồn thu, chống thất thu thuế, đòi hỏi Chi cục Thuế phải có sự hỗ trợ và phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước như: Thanh tra, Công an, Ngân hàng, Quản lý thị trường, Kho bạc v.v. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu, tình hình tài chính của người nộp thuế, xác định hành vi vi phạm, phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
d. Yếu tố cơ sở vật chất của ngành thuế: Cơ sở vật chất tại Chi cục Thuế TP. Nha Trang được nâng cao, các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để phục vụ tốt cho công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế đối với doanh nghiệp nói riêng.
2.5.2. Yếu tố vi mô
a. Yếu tố tổ chức bộ máy quản lý thuế tại Chi cục Thuế TP. Nha Trang: Tổ chức bộ máy quản lý thuế đối với doanh nghiệp tại Chi cục Thuế TP. Nha Trang được vận hành theo mô hình chức năng (chức năng tuyên truyền hỗ trợ NNT, quản lý kê khai, quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, kiểm tra thuế). Tuy nhiên, doanh nghiệp là 1 đối tượng của nhóm đối tượng doanh nghiệp, do đó cơ chế vận hành, tổ chức bộ máy quản lý thuế cũng thực hiện theo đúng mô hình chức năng của doanh nghiệp và chưa được Chi cục Thuế tổ chức, vận hành riêng biệt.
Trong giai đoạn năm 2017-2019, cán bộ biên chế của Chi cục Thuế ngày càng thiếu hụt, nguyên nhân do các năm gần đây, số công chức nghỉ theo chế độ nhiều, thực hiện công tác tổ chức sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm biên chế theo tinh thần Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/11/2014. Bên cạnh đó, số lượng công chức lớn tuổi vẫn còn chậm trong việc sử dụng tin học, công chức trẻ thiếu về kinh nghiệm xử lý. Tuy nhiên, Công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp yêu cầu ngày càng cao. Số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng qua các năm. Do đó, công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, áp lực trong công tác quản lý thuế đối với cán bộ công chức.
Về trình độ học vấn: tỷ lệ % cán bộ có trình độ thạc sĩ, đại học qua các năm đều tăng, cán bộ có trình độ trung cấp giảm dần. Đây là một tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao năng lực quản lý thuế đối với doanh nghiệp của cán bộ, công chức, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong trong tác quản lý thuế nói chung và công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp nói riêng. Đây là lực lượng nòng cốt, góp phần đảm bảo được nguồn thu ngân sách nhà nước.
b. Yếu tố hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ quản lý thuế đối với DN tại Chi cục Thuế TP. Nha Trang: Hệ thống CSDL, thiết bị tin học tại Chi cục Thuế TP.
Nha Trang từng bước được cải thiện nâng cao. Hệ thống CSDL đang được kiện toàn, rà soát và xử lý nhằm đảm bảo chất lượng thông tin chính xác và kịp thời. Tuy nhiên, số lượng thông tin doanh nghiệp là rất lớn, nhiều nội dung thông tin cần xử lý và có tính chất phức tạp vì do đặc thù ngành nghề. Vì vậy vẫn còn tình trạng hệ thống hạ tầng thông tin không đáp ứng được nhu cầu, dữ liệu truyền tải còn chậm, cơ sở dữ liệu thiếu và xảy ra lỗi trong quá trình tiếp nhận, xử lý tự động.
c. Yếu tố tuân thủ pháp luật thuế của DN do Chi cục Thuế TP. Nha Trang quản lý: Tuân thủ pháp luật và thực hiện đúng quy trình là yêu cầu cơ bản đặt ra trong công tác quản lý thuế. Thực hiện đúng quy trình cũng là 1 giải pháp hoàn thiện công tác quản lý, đảm bảo công tác quản lý thuế chặt chẽ đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh phức tạp và có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với khối lượng công việc quá lớn do số lượng DN quản lý nhiều, nhưng nhân sự lại thiếu hụt, nên việc đảm bảo tuân thủ đúng quy trình là 1 thách thức lớn đối với Chi cục Thuế TP. Nha Trang hiện nay.
d. Yếu tố tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế của Chi cục Thuế TP. Nha Trang. Xác định được tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC), tuyên truyền chính sách pháp luật. Chi cục Thuế đã nghiêm túc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho người nộp thuế:
+ Phối hợp với Đài Truyền thanh TP, Đài Phát thanh & Truyền hình Khánh Hoà, Phòng Văn hoá thông tin, UBND các xã phường... có kế hoạch tuyên truyền kịp thời về chính sách thuế mới, sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Cụ thể: Năm 2018: Cung cấp hơn 175 nội dung văn bản thuế mới cho NNT trên trang ứng dụng web-hosting của Chi cục Thuế. Thực hiện 04 phóng sự, 01 chuyên mục qua Đài Phát thanh và Truyền hình, 09 chuyên mục qua Đài Truyền thanh và Ban Tuyên giáo Thành ủy.
+ Đẩy mạnh dịch vụ công hỗ trợ người nộp thuế qua điện thoại, kịp thời giải đáp các vướng mắc theo yêu cầu của các cơ sở kinh doanh.
+ Tăng cường phổ biến các quy định mới về chính sách pháp luật về thuế nhằm kịp thời giúp cho các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch nắm bắt các quy định và thực hiện tốt những quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; lập hóa đơn và kê khai đầy đủ doanh thu khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định;
+ Tổ chức Hội nghị tập huấn kết hợp đối thoại chính sách thuế theo định kỳ cho các tổ chức, doanh nghiệp mỗi năm (02 đợt).
+ Thông tin tuyên truyền về số điện thoại đường dây nóng để người dân và khách du lịch phản ánh khi cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch có các hành vi vi phạm về niêm yết giá, xuất hóa đơn.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế còn mang tính dàn trải, chưa xây dựng được chuyên đề riêng biệt đối với nhóm doanh nghiệp có ngành nghề kinh tế đặc thù như, khách sạn, ăn uống,...; Tổ chức các buổi tập huấn theo từng nhóm đối tượng, do đó công tác tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả cao.