Kết quả ước lượng chưa chuẩn hóa và chuẩn hóa của các tham số hồi quy chính được trình bày ở Bảng 4.8. Kết quả cho thấy các mối quan hệ đều có ý nghĩa thống kê ( p < 1%), các giả thuyết về mối quan hệ của các khái niệm kì vọng trong mô hình nghiên cứu lý thuyết đều được chấp nhận. Mức độ giải thích của 4 yếu tố này ảnh hưởng đến sự gắn kết với tổ chức là 68%.
Cụ thể, giả thuyết H1, yếu tố tôn trọng con người ảnh hưởng cùng chiều đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết quả ước lượng cho thấy giả thuyết này được chấp nhận (β = 0,4; p = 0,000 < 0.01). Kết quả của nghiên cứu này giống với nghiên cứu Trương Thị Thành Thủy (2012). Nghiên cứu này cho rằng yếu tố tôn trọng con người ảnh hưởng cùng chiều đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên ngành tiêu dùng tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Giả thuyết H2: Yếu tố sự ổn định ảnh hưởng cùng chiều đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết quả ước lượng cho thấy các giả thuyết này cũng được chấp nhận (H2: β = 0,278; p = 0,000 < 0.01). Kết quả nghiên cứu phù hợp với nghiên cứu của Trương Thị Thành Thủy (2012). Nghiên cứu này cho rằng yếu tố ổn định ảnh hưởng cùng chiều đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên ngành tiêu dùng tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Giả thuyết H3: Yếu tố nguyên tắc ảnh hưởng cùng chiều đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn
huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dựa vào kết quả ước lượng cho thấy giả thuyết H3 được chấp nhận (β = 0,26; p = 0,000 < 0.01). Kết quả nghiên cứu khác với nghiên cứu của Trương Thị Thành Thủy (2012). Nghiên cứu này cho rằng yếu tố nguyên tắc không ảnh hưởng đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên ngành tiêu dùng tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.Điều này có thể giải thích là những yêu cầu về sự cẩn thận, chính xác trong công việc cũng như yêu cầu tuân thủ các quy định, quy trình làm việc của doanh nghiệp và phòng ban được xem như là những yêu cầu mang tính đặc thù của tính chất công việc, nên được các đối tượng khảo sát đánh giá đây không phải là yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến sự gắn kết với tổ chức.
Giả thuyết H4: Yếu tố sự năng nổ ảnh hưởng cùng chiều đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dựa vào kết quả ước lượng cho thấy giả thuyết H4 được chấp nhận (β = 0,284; p = 0,000 < 0.01). Kết quả nghiên cứu cũng phù hợp với nghiên cứu của Trương Thị Thành Thủy (2012). Nghiên cứu này cho rằng yếu tố sự năng nổ ảnh hưởng cùng chiều đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên ngành tiêu dùng tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.