Malaysia
1.4.1.1. Tình hình tham gia
Malaysia là một quốc gia có nền công nghiệp điện tử phát triển tại Đông Á. Các doanh nghiệp điện tử của Malaysia hiện đang đóng vai trò chủ chủ yếu là các EMS. Malaysia đã nâng cấp được giá trị trong chuỗi cung ứng, từ việc tham gia ở công đoạn lắp ráp sang sản xuất các linh kiện phục vụ xuất khẩu (APEC, 2013).
Từ năm 1970, công nghiệp điện tử Malaysia đã bắt đầu dạng lắp ráp các chip điện tử do các hãng điện tử Mỹ yêu cầu. Đến năm 1980, Malaysia sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng theo yêu cầu của Nhật Bản; tiếp tục tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, thông qua việc liên kết hợp tác sản xuất với các hãng điện tử của Mỹ tại Đài Loan để sản xuất ra máy tính, thiết bị điện tử viễn thông.
Trong giai đoạn 1986-1995, Malaysia đã đưa ra kế hoạch làm chủ công nghiệp đã tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu, vốn đầu tư và thu hút lao động, nhờ thu hút FDI của các hãng sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới. Các sản phẩm điện tử của Malayxia đã xuất hiện tại nhiều thị trường lớn trên thế giới và chiếm thị phần lớn. Xuất khẩu trở thành động lực chính cho quá trình tăng trưởng công nghiệp điện tử.
Từ năm 2000, Malaysia tiếp tục thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp điện tử lần thứ hai với tham vọng khắc phục các hạn chế về nguyên liệu nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ, sự phụ thuộc vào Mỹ, nguồn lao động. Mục tiêu của chiến lược là từ bỏ các hoạt động lắp ráp, tiến thẳng vào hoạt động chế tạo làm phong phú thêm chuỗi giá trị dựa vào các khu công nghiệp chế tạo điện tử đạt năng suất cao. Các nội dung cơ bản của chiến lược là:
Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động chế tạo cần tập trung đầu tư vào hoạt động R&D, tiếp thị sản phẩm và hoạt động bán hàng. Mặt khác, thành lập các khu công nghiệp chuyên chế tạo bán thành phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời nâng cấp hệ thống sản xuất nội địa. Bốn khu công nghiệp điện tử lớn đã được thành lập trong khuôn khổ chương trình làm chủ công nghiệp lần thứ hai này, đó là Penang, Selangor, khu vực phía Nam Ihor và Multimedia Super Corridor xung quanh Kuala Lumpur. Việc hình thành các khu công nghiệp này đã giúp cho Malaysia giảm sự phụ thuộc từ nước ngoài, các cơ sở ở trong nước được nâng cấp có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu thông qua việc liên kết với các trung tâm chế tạo hàng đầu của thế giới, từ đó mở rộng các cơ sở sản xuất ra nước ngoài.
Thứ hai, liên kết các hoạt động công nghệ thông tin với nước ngoài, đặc biệt đối với các nước Châu Á. Cạnh tranh về kỹ năng công nghệ thông tin tại Châu Á sẽ giúp cho Malaysia thu được lợi nhuận cao hơn, tiến sâu hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đồng thời thu hút các OEM đầu tư các hoạt động sản xuất chuyên môn hóa tại các khu công nghiệp điện tử của Malaysia. Hoạt động liên kết có thể đưa lại thành công như đã từng xảy ra tại Singapore và Đài Loan vào năm 2000 và trở thành nhân tố quan trọng cho quá trình phát triển công nghiệp điện tử Malaysia. Với một quốc gia có quy mô vừa tại Châu Á, thì chính sách phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và nguồn nhân lực có kỹ năng... Tất cả các yếu tố này cần phải được nâng cấp. Những năm gần đây, trong tiến trình tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, khu công nghiệp điện tử Penang đã hợp tác sản xuất máy tính cá nhân với hãng Dell của Mỹ, đĩa cứng với Quantum, chip máy tính với Intel và phần mềm với Motorola. Nhiều nhà cung cấp của Malaysia hiện nay không còn phụ thuộc vào các OEM của Mỹ, bởi vì họ đang trở thành các thành viên mới trong mạng lưới sản xuất theo hợp đồng của Nhật Bản, Châu Âu và Đài Loan.
Thứ ba, phải nhanh chóng tranh thủ các cơ hội tiếp thu tri thức công nghệ quốc tế từ MNCs, TNCs. Đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, liên kết giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu với các cơ sở sản xuất trong ngành công
nghiệp điện tử. Malaysia đã lập các viện nghiên cứu và đầu tư vào các trường đại học, tạo điều kiện cho các trường đại học liên kết đào tạo với các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Không những thế, Malaysia cũng đang học tập kinh nghiệm và áp dụng các ý kiến của các nhà tư vấn để nâng cấp các khu vực công nghiệp điện tử. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất tại Malaysia đang liên kết với các viện nghiên cứu công nghệ thông tin của Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và một số quốc gia nổi trội về công nghệ khác để tiếp thu tri thức, kinh nghiệm hoạt động. Tiếp thu tri thức đã góp phần cho Malaysia nâng cao khả năng thiết kế, chuyển các OEM thành các ODM trong lĩnh vực công nghiệp điện tử.
1.4.1.2. Bài học kinh nghiệm
- Để tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa, Malaysia đã tập trung đầu tư vào R&D, tiếp thị sản phẩm; Mặt khác, Malaysia đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp…
- Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và FDI sẽ càng tạo ra lợi ích nhiều hơn cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử Malaysia.
- Nguồn nhân lực luôn là yếu tố quyết định tới sự phát triển bền vững, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, Malaysia coi trọng vấn đề phát triển nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp điện tử.
1.4.2. Kinh nghiệm tham gia chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc
1.4.2.1. Tình hình tham gia
Trung Quốc đóng vai trò như là điểm trung tâm của chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện tử. Trung Quốc tham gia vào chuỗi cung ứng chủ yếu ở công đoạn lắp ráp sản phẩm cuối cùng và thực hiện sản xuất một số linh kiện, hợp phần giá trị thấp (APEC, 2013). Các sản phẩm điện tử ở mọi hình thức gồm OBM, ODM tới OEM, EMS và lắp ráp. Tuy nhiên, các OBM, ODM thường là ở trong ngành sản xuất máy tính và điện thoại.
Với lợi thế về nhân công giá rẻ, trình độ khoa học công nghệ tương đối cao, Trung Quốc đang trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh so với các nước Châu Á khác
đã có nền công nghiệp điện tử phát triển như Malaysia, Hàn Quốc. Trung Quốc hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, do đã kết hợp được các yếu tố phát triển như bùng nổ thị trường sản phẩm công nghệ thông tin và dịch vụ, cung cấp không có giới hạn lực lượng lao động lành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin, FDI tăng trưởng liên tục, cải thiện chính sách thu hút FDI và nâng cấp các khu vực sản xuất công nghiệp. Trung Quốc đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài và các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học cao như giảm, miễn thuế thu nhập, thuế lợi tức, thuế xuất khẩu trong từng giai đoạn…Các sản phẩm sản xuất chính là sản phẩm trung gian, máy tính và thiết bị truyền thông. Đầu tư nước ngoài của Mỹ tại Trung Quốc trong sản xuất bán thành phẩm chỉ đứng sau mức đầu tư tại Singapore và Malaysia. Các hãng điện tử lớn của Nhật Bản cũng đang đầu tư vào Trung Quốc với mức vốn đầu tư của họ vượt qua mức đầu tư tại Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc. Các công ty của Đài Loan đã mở đường cho các OEM của Mỹ liên kết các nhà sản xuất tại Trung Quốc với mạng lưới sản xuất toàn cầu. Từ thập niên 1990, họ đã liên tục chuyển hoạt động sản xuất từ Đài Loan vào Trung Quốc đại lục. Các hãng máy tính của Mỹ như AMD, Cisco, Compaq, Hewlett-packard, Intel, Microsoft, Motorola, SunMicro Systems đều có các chi nhánh sản xuất thiết bị điện tử bán thành phẩm điện tử tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang là điểm đến hấp dẫn của các hãng điện tử Châu Âu như Alcatel, Ericsson, Nokia, Philips và Simens và các hãng điện tử của Nhật Bản Toshiba, Matsushita, Mitsubishi, NEC.
Từ những năm 2000, Chính phủ Trung quốc đã đề ra chiến lược đầu tư phát triển sản xuất thiết bị điện tử và bán thành phẩm, với mục tiêu hòa nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Trung Quốc đã rút ra được nhiều bài học từ Malaysia trong sản xuất bán thành phẩm điện tử. Những khu công nghiệp sản xuất lớn đã được hình thành tại Bắc Kinh và Thượng Hải với mức đầu tư lên tới 7 tỷ USD2. Trung Quốc hy vọng tại các khu công nghiệp này sẽ thay thế các vị trí của các công ty của Mỹ trong hoạt động sản xuất thiết bị điện tử và bán thành phẩm. Với tốc độ tăng trưởng cao, các sản phẩm của Trung Quốc đang được tiêu thụ trên các thị trường thế giới
2 Trần Văn Tùng và TS Vũ Đức Thanh, Công nghiệp điện tử Đông Á trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, tại địa chỉ: http://www.inas.gov.vn/191-cong-nghiep-dien-tu-dong-a-trong- mang-luoi-san-xuat-toan-cau.html, truy cập ngày 18/04/2017
và thị trường trong nước. Thực chất, năng lực sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm này trên thị trường thế giới của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất Trung Quốc đang gặp phải mối đe dọa từ các nhà sản xuất thiết bị và bán thành phẩm của các nhà sản xuất Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Nhật Bản với các khu công nghiệp hiện đại, thì các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc vẫn đối mặt với những khó khăn như chất lượng sản phẩm còn thấp, nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Do đó để theo kịp với mức phát triển về công nghiệp điện tử thế giới, Trung Quốc đang đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nâng cấp các khu công nghiệp sản xuất điện tử, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tích cực hoạt động R&D để nâng cao năng lực công nghệ và khả năng thiết kế.
Trung Quốc là một ví dụ về thành công trong nâng cấp vị trí trong chuỗi cung ứng sản phẩm ngành công nghiệp điện tử. Giai đoạn trước, Trung Quốc khuyến khích đầu tư FDI để sản xuất các sản phẩm lắp ráp, gia công. Đây là các sản phẩm dưới dạng giữ nguyên thiết kế chế tạo gốc của các OEM. Sau đó, thông qua liên kết dọc với các tập đoàn đa quốc gia để nhận giấy phép sản xuất, Trung Quốc chuyển sang các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao giữ nguyên thương hiệu gốc của nước ngoài nhưng được sản xuất và thiết kế trong nước. Đây chính là một dạng sản xuất của các ODM. Gần đây, Trung Quốc đã sản xuất nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao nhờ phát triển các liên kết ngang và các liên kết hỗn hợp trong các lĩnh vực như nghiên cứu chế tạo, thiết kế mẫu mã sản phẩm,… do Trung Quốc tự thiết kế và mang thương hiệu riêng của mình như máy tính Lenovo, điện tử gia dụng Haier,... Đây chính là hình thức sản xuất của các OBM. Sau khi trở thành các nhà sản xuất thiết kế gốc, và các nhà sản xuất linh kiện gốc cho các TNCs, các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc học được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất những hàng hoá tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Vì vậy, những doanh nghiệp này đều có kế hoạch xây dựng những chuỗi cung ứng toàn cầu do chính họ điều phối. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa về mặt thủ tục hành chính cũng như thủ tục chuyển vốn ra nước ngoài khi các công ty này muốn sáp nhập hay mua lại các chuỗi giá trị toàn cầu của các TNCs. Dưới sự giúp đỡ đó của Chính phủ, một số công ty
nội địa như Lenovo đã thành công trong việc mua lại thương hiệu của công ty máy tính IBM của Mỹ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra nhiều chính sách phát triển khoa học công nghệ, như Chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ cao và Chương trình Ngọn đuốc nhằm phát huy tiềm năng khoa học công nghệ để thúc đẩy công nghiệp hoá, thương mại hoá và quốc tế hoá.
1.4.2.2. Bài học kinh nghiệm
Trung Quốc đã xây dựng chiến lược chú trọng và chính sách ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp điện tử qua từng giai đoạn:
- Giai đoạn 1: tận dụng những lợi thế sẵn có về nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ, chi phí lao động thấp, có thị trường khổng lồ, Trung Quốc luôn có chính sách ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài vào những ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học cao để thực hiện sản xuất các sản phẩm dưới hình thức OEM
- Giai đoạn 2: Thông qua liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các công ty đa quốc gia, Trung Quốc tiếp thu chuyển giao công ngh để sản xuất dưới hình thức ODM.
- Giai đoạn 3: Trung Quốc tăng cường nghiên cứu R&D, nâng cao năng lực thiết kế để sản xuất dưới hình thức OBM và xây dựng những chuỗi cung ứng toàn cầu do chính họ điều phối.
CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM KHI THAM GIA VÀO CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU
2.1. Vài nét về ngành công nghiệp điện tử Việt Nam
2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển của ngành điện tử Việt Nam
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã hình thành và phát triển từ năm 1970 đến nay, xuất phát điểm từ việc lắp ráp các thiết bị điện tử dân dụng như ti vi đen trắng, radio, loa… sau đó là ti vi màu và các phương tiện điện tử khác. Khuynh hướng chính của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam là lắp ráp dưới dạng CKD, SKD và IKD. Ngoài ra, còn tiến hành sản xuất, chế tạo các thiết bị điện tử công nghiệp, các hệ thống cân đo điện tử, điều khiển tự động, các thiết bị điện tử ý tế và chuyên dụng, tiếp đó là công đoạn lắp ráp máy vi tính, gia công xuất khẩu các bảng mạch điện tử và thực hiện các dịch vụ khác. Thực hiện các chính sách đổi mới và kêu gọi những nhà đầu tư nước ngoài, diện mạo của ngành công nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi khi nhiều công ty nước ngoài đã đầu tư sản xuất linh phụ kiện để xuất khẩu và cung cấp cho các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với các loại hình sản phẩm như: các linh kiện thụ động, các cụm chi tiết kim loại, đèn hình, nhựa, các bộ phận cho máy tính điện tử.
Giai đoạn 1975 - 1990: Phần lớn là các xí nghiệp lắp ráp, sản xuất hàng điện tử dân dụng, liên doanh với các công ty Nhật Bản như Sony, National, Sanyo… và vài xí nghiệp sửa chữa nhỏ. Giai đoạn này mặc dù có nhiều hãng điện tử nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng chỉ có hai hãng đầu tư sản xuất linh phụ kiện xuất khẩu với quy mô lớn là Orion của Hàn Quốc và Fujitsu của Nhật Bản. Sự ra đời của Liên hiệp các Xí nghiệp điện tử Việt Nam, tuy còn nhỏ bé nhưng đã sản xuất được một số loại phụ tùng linh kiện cơ bản và lắp ráp sản phẩm phục vụ kịp thời cho nhu cầu trong nước đang tăng lên và xuất khẩu ra nước ngoài. Liên hiệp được coi như yếu tố nòng cốt hình thành nền công nghiệp điện tử giai đoạn này.
Giai đoạn 1990 đến nay: Từ đầu những năm 90, với chủ trương đổi mới hội nhập kinh tế, Chính phủ đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các khu chế
xuất, khu công nghiệp nên đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của ngành. Ngành Công nghiệp điện tử chỉ thực sự phát triển sau năm 1994 với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc ba thành phần kinh tế: các doanh nghiệp quốc doanh, các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp quốc doanh đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh liên doanh liên kết với các hãng nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp tư nhân được thành lập, hoạt động sản xuất kinh doanh rất năng động. Nhiều công ty điện tử nổi tiếng của các nước đã vào Việt Nam liên doanh với các doanh nghiệp trong nước hoặc đầu tư 100% vốn xây dựng cơ sở sản xuất. Với chính sách