3.2.3.1. Chính sách ưu đãi đầu tư
Việt Nam đang có những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh cũng như hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là những yếu tố căn bản để Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cùng với đó, với sự quyết tâm cao độ của Chính phủ kiến tạo để cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh, cải thiện môi trưởng đầu tư như Nghị quyết 19 năm 2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020 và Luật Đầu tư sửa đổi và bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2017… cũng sẽ có những tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không thông qua TPP, đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn, dẫn tới nguồn vốn trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể giảm đi trong thời gian tới. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn kỳ vọng còn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư nhờ 16 hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán, trong đó, không chỉ là các dòng FDI mới đổ vào, mà cả việc mở rộng các dự án đầu tư sẵn có. Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… Việt Nam còn đón nhận các nhà đầu tư từ châu Âu, khi các quốc gia này cũng có những khó khăn bởi Brexit.
Các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài và các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học cao như miễn thuế thu nhập, thuế lợi tức, thuế xuất khẩu trong từng giai đoạn,… Cộng với lợi thế sẵn có về nguồn nhân lực giá rẻ, dồi dào, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để xây dựng nền tảng về công nghệ và hạ tầng cho phát triển các sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao. Tận
dụng tối đa hiệu ứng lan tỏa công nghệ từ FDI và có chiến lược hấp thụ công nghệ bài bản của doanh nghiệp với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.
Nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết, với nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có ưu thế cạnh tranh để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các Tập đoàn đa quốc gia. Năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và vốn thực hiện dự báo sẽ tăng khoảng 10 - 12% so với năm trước.18 Để có thể tận dụng tốt được xu hướng này, Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, đồng thời, tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hiện hành chưa ràng buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI, nhất là FDI đến nay chỉ chạy theo số lượng là chính, không tạo ra chuyển biến mới trong chuyển giao công nghệ và tiếp nhận công nghệ tiên tiến. Một nguyên nhân quan trọng là do chính sách phân cấp đầu tư cho các địa phương, dẫn đến tình trạng các địa phương chú ý quá nhiều đến thu hút số dự án, vốn đầu tư, tạo việc làm. Thu hút đầu tư nhưng Việt Nam cần cẩn trọng trong việc lựa chọn dự án FDI và nhà đầu tư nên tính đủ, tính đúng chi phí và thu nhập có liên quan, bao gồm môi trường và biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Theo lý thuyết “Cái vòng luẩn quẩn và cú huých từ bên ngoài” của Paul Samuelson thì thu hút FDI sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của một quốc gia nghèo, kém phát triển. Thu hút FDI vào một ngành sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành đó. Nghiên cứu thực tiễn sự tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu của Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc cho thấy việc thu hút FDI từ các hãng điện tử nước ngoài đã giúp cho ba quốc gia này không chỉ phát triển ngành công nghiệp điện tử mà còn giúp doanh nghiệp các quốc gia này tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
18 Cẩm Tú, Dù không có TPP, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2017 vẫn tích cực, tại địa chỉ: http://vov.vn/kinh-te/du-khong-co-tpp-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-nam-2017- van-tich-cuc-597849.vov, truy cập ngày 18/04/2017.
Việt Nam hiện nay cũng đã thu hút được nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới vào đầu tư trong ngành công nghiệp điện tử. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút FDI nhiều hơn nữa. Để thu hút FDI một cách có hiệu quả cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách. Cụ thể:
- Cần cải cách thủ tục hành chính: Rà soát các thủ tục về đầu tư, giảm bớt những thủ tục phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài. Tạo môi trường pháp lý thông thoáng.
- Chú trọng công tác thẩm định các dự án đầu tư FDI, phân loại các dự án đánh giá trình độ công nghệ sử dụng trong dự án: Các dự án đầu tư vào công nghệ cao ở Việt Nam đang tồn tại hai nhóm: (1) Nhóm nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, (2) Nhóm nhà đầu tư muốn lợi dụng nhân công giá rẻ ở Việt Nam, mang theo những công nghệ lạc hậu (Hải Nam, 2012). Để hưởng lợi từ sự lan tỏa công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, chúng ta nên tập trung cấp phép cho những dự án ở nhóm 1.
Đồng thời, với định hướng trong thời gian tới là chuyển dần từ công đoạn lắp ráp sang công đoạn sản xuất các linh phụ kiện, thì chúng ta cũng cần chú trọng thu hút các dự án FDI đầu tư vào công đoạn sản xuất linh phụ kiện. Để thực hiện được hai mục tiêu trên, thì công tác thẩm định các dự án đóng vai trò quan trọng, làm cơ sở để Việt Nam lựa chọn dự án FDI phù hợp với định hướng đã đề ra cho ngành công nghiệp điện tử.
3.2.3.2. Chính sách phát triển khoa học công nghệ quốc gia
Công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao. Lợi thế về công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đồng thời giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh được những công đoạn có giá trị gia tăng cao. Trong thời gian tới, để công nghiệp điện tử Việt Nam nâng cấp lên công đoạn sản xuất linh phụ kiện và xa hơn là tham gia vào công đoạn thiết kế, phát triển sản phẩm, thì đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong ngành công nghiệp điện tử là việc nhất thiết phải làm. Trong dài hạn, để công nghiệp điện tử phát triển bền vững thì chúng ta cần phải làm chủ về công nghệ, giảm sự phụ thuộc công nghệ bên ngoài. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới.
Một số giải pháp cụ thể để phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp điện tử:
- Chính phủ nên xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, tăng ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ; nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình khuyến công, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo doanh nghiệp tiếp thu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
- Nỗ lực nâng cấp vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu từ sản xuất lắp ráp, gia công, thông qua chính sách thu hút FDI, tăng cường liên kết dọc với các tập đoàn nước ngoài để chuyển sang sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao giữ nguyên thương hiệu gốc của nước ngoài nhưng được sản xuất và thiết kế trong nước. Sau khi trở thành các nhà sản xuất ODM cho các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp nội địa sẽ hấp thụ được công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, quản lý đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Chính phủ cần đưa ra các chính sách để khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp nội địa. Để quá trình chuyển giao này diễn ra hiệu quả, một trong những công tác cần phải thực hiện là xây dựng các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp điện tử. Công nghệ, bản quyền thiết kế là những tài sản vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Trong ngành công nghiệp điện tử, các doanh nghiệp nắm giữ các công nghệ, thiết kế sẽ tạo ra lợi thế trước các đối thủ trong ngành. Các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam hiện nay thường là những hãng điện tử hàng đầu thế giới, họ luôn sở hữu các công nghệ, thiết kế tiên tiến. Do đó, họ luôn quan tâm tới các quy định của quốc gia chủ nhà trong việc bảo vệ những bản quyền công nghệ, thiết kế của họ. Nếu các tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp FDI được bảo vệ tại Việt Nam, các doanh nghiệp này sẽ cởi mở hơn trong việc đầu tư vốn và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Sự chuyển giao này sẽ tạo ra sự lan tỏa công nghệ trong ngành công nghiệp điện tử. Các doanh nghiệp của
Việt Nam có nhiều cơ hội được tiếp cận, sở hữu những công nghệ hiện đại. Đồng thời với việc bảo vệ các tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp FDI, chính các doanh nghiệp điện tử cũng được bảo vệ bởi các quy định về sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển các phát minh, sáng kiến của mình và sau đó tiến hành thương mại hóa. Bên cạnh việc ban hành các quy định về sở hữu trí tuệ, Chính phủ cũng nên khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký bản quyền các phát minh, sáng chế của mình, đồng thời có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Tăng cường vai trò của các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, xây dựng mối liên kết bền chặt giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp sản xuất. Sớm đẩy nhanh quá trình triển khai đầu tư, xây dựng đưa Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung vào hoạt động để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trọng điểm của công nghiệp điện tử.
- Cần xây dựng cơ chế thích hợp để thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ của các Viện nghiên cứu.
- Xây dựng các chuẩn quốc gia về kỹ thuật điện tử dựa theo tiêu chuẩn của khu vực và thế giới để phân loại doanh nghiệp theo trình độ công nghệ, từ đó phục vụ cho công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đối với doanh nghiệp.
- Cần phát triển sự hợp tác liên kết 4 bên giữa các Chính phủ - doanh nghiệp - viện, trường - tổ chức tín dụng. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò ban hành các chính sách, cơ chế về ưu đãi đầu tư phát triển khoa học công nghệ; các doanh nghiệp liên kết với viện, trường để nghiên cứu phát triển các công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp; các tổ chức tín dụng đóng vai trò hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp trong hoạt động phát triển khoa học công nghệ.
3.2.3.3. Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hỗ trợ không những thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, mà các doanh nghiệp FDI cũng thiết lập được hệ thống cung cấp phụ kiện, nguyên vật liệu khép kín, chế tạo dụng cụ bán dẫn và các loại máy móc dụng cụ chuyên dụng phục vụ sản xuất tại Việt Nam. Việc thiết lập các mạng lưới cung cấp khép kín không những làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành
sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp mà còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút được nhiều vốn FDI. Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ là một khâu đột phá nhằm góp phần nâng cao giá trị tăng thêm, đáp ứng nhu cầu về kinh kiện, phụ tùng cho sản xuất trong nước và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử sau: - Có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hỗ trợ ngành điện tử.
Cải thiện hệ thống thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; đưa ra các cam kết tích cực triển khai các chính sách ưu đãi (về thuế, về vốn, ưu đãi lãi suất vay, quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…) mà Chính phủ và các Bộ đã ban hành dành cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện tử, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử.
Hỗ trợ môi trường kinh doanh, trong đó đề xuất tạo thuận lợi cho việc hình thành và hoạt động của các trung tâm cung ứng nguyên - phụ liệu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
- Hình thành khu, cụm công nghiệp điện tử
Xây dựng thí điểm một số khu, cụm công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu phụ trợ có trang thiết bị, công nghệ tiên tiến cho ngành công nghiệp điện tử với những ưu đãi cần thiết để khuyến khích liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, trong đó hạt nhân là các công ty đa quốc gia. Cụm công nghiệp điện tử được hiểu là khu vực tập trung chủ yếu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành công nghiệp điện tử, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử.
Lấy cụm ngành làm trung tâm để phát triển dần ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho từng ngành, qua đó tạo mạng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp. Tận dụng các công ty đa quốc gia ở Việt Nam và khuyến khích, cuốn hút các công ty này vào tạo dựng cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hình thành các cụm ngành là một loại giải pháp nhằm nâng cao năng lực của ngành, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Chính sách
phát triển cụm ngành đã và đang được nhiều nước Đông Á thực hiện và khá thành công, trước đây là Nhật Bản, nay là Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan,... Tuy nhiên, không như Nhật Bản, không phải các nước đi sau đều thành công.
Kinh nghiệm phát triển cụm ngành điện tử của Malaysia là một ví dụ để Việt Nam học hỏi. Sản xuất đồ điện và điện tử là ngành công nghiệp mũi nhọn của Malaysia. Ngành này chiếm trên 50% tổng giá trị thương mại hàng hóa của Malaysia trong giai đoạn 1996- 2005. Cụm sản xuất đồ điện và điện tử của Malaysia tập trung chủ yếu ở Pulau Pinang, Selangor và Melaka. Có thể chia ngành sản xuất đồ điện và điện tử của Malaysia thành sáu nhóm ngành nhỏ: sản xuất đồ điện, sản xuất thiết bị điện dân dụng, sản xuất linh kiện điện, sản xuất đồ điện tử, sản xuất đồ điện tử công nghiệp và sản xuất đồ điện tử dân dụng. Năm 2005, ở Malaysia có tất cả 901 công ty hoạt động trong ngành sản xuất đồ điện và điện tử, chủ yếu là sản xuất đồ điện và linh kiện điện tử (596 công ty). Các tập đoàn đa quốc gia giữ vai trò chủ đạo, còn các công ty bản địa của Malaysia chủ yếu sản xuất sản phẩm cung ứng cho các tập đoàn này. Nhờ đó, các công ty đa quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ nhất, giúp các công ty non trẻ của Malaysia tham gia được vào thị trường đồ điện và điện tử của nước ngoài. Thứ hai, giúp phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ như luyện kim; cơ khí chính xác, tự động hóa,… Đây cũng là một điều kiện tiên quyết để h.nh thành các cụm liên ngành. Thứ ba, giúp nâng cao năng lực công nghệ và nghiên cứu của Malaysia. Nhiều tập đoàn đã hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu công của Malaysia trong hoạt động R&D (như cải tiến quy tr.nh sản xuất và phát