Đây là một giải pháp nhằm đảm bảo sẽ bồi thường cho các ngân hàng trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro, không có khả năng hoàn trả số tiền vay. Trên thực tế, ngân hàng có thể tham gia bảo hiểm tín dụng dưới 3 hình thức:
Mot là, ngân hàng khuyến khích người vay tiền tham gia bảo hiểm cho ngành nghề mà họ kinh doanh. Như vậy, khoản tín dụng trong trường hợp này được coi như là đã tham gia bảo hiểm.
Hai là, ngân hàng trực tiếp mua bảo hiểm từ các tổ chức bảo hiểm chuyên nghiệp và sẽ được bồi thường thiệt hại khi gặp rủi ro mất vốn tín dụng.
Ba là, ngân hàng tự bảo hiểm cho chính mình bằng cách thành lập quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp những thiệt hại do rủi ro gây ra, tạo sự chủ động đối với những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh. Việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro vẫn phải thực hiện nghiêm túc theo quy định nhưng cách trích lập có thể thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Việc trích lập có thể được thực hiện theo từng quý dựa trên cơ sở số dư nợ quá hạn cuối quý trước. Thực hiện phương án này sẽ giúp cho việc trích lập trở nên linh hoạt và phản ánh đúng thực chất của quỹ dự phòng. Ngay từ đầu năm tài chính ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng. Tuy nhiên, để phản ánh đúng số quỹ dự phòng rủi ro được trích phù hợp với tình hình nợ quá hạn, NHNN nên cho phép các ngân hàng được đưa vào thu nhập bất thường hoặc thoái chi số đã trích, đối với các khoản nợ quá hạn mới phát sinh trong năm cũng phải được trích lập đầy đủ.