Để từng bước nâng cao năng lực hoạt động, đảm bảo thực hiện đầy đủ và có hiệu quả vai trò của Kiểm toán nội bộ thì cả lãnh đạo và người làm công tác Kiểm toán nội bộ phải nhận thức đầy đủ vai trò của Kiểm toán nội bộ:
Thứ nhất, Kiểm toán nội bộ là một công cụ quan trọng trong bộ máy quản trị, điều hành hoạt động của Chi nhánh, giúp lãnh đạo Chi nhánh xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng, tổ chức thi hành các cơ chế, chính sách, đảm bảo cho các cơ chế chính sách này khi được ban hành nó sẽ được chấp hành đúng đắn, đi sâu vào trong thực tế.
Thứ hai, Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tổng kết, kiểm nghiệm thực tiễn của chính sách, từ đó góp phần vào quá trình tự sửa chữa những thiếu sót, tồn tại trong các cơ chế, chính sách, quy trình. phù hợp với sự phát triển theo mục tiêu đã đề ra của Chi nhánh.
Thứ ba, Kiểm toán nội bộ giúp cho Chi nhánh ngăn ngừa những việc làm sai trái, đảm bảo tăng cường sự an toàn về tài sản, tiền bạc; tăng cường sự ổn định và phát triển của hệ thống NHNN.
Thứ tư, mọi hoạt động và tài liệu đã được kiểm toán nội bộ là cơ sở đáng tin cậy cho việc công bố các số liệu chính xác, công khai hoạt động tài chính trước công chúng, làm cơ sơ cho các hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước, kiểm toán của vụ Kiểm toán nội bộ.
Hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài để có đội ngũ nhân viên có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp, có khả năng khai thác những tính năng cao cấp của công nghệ cao phục vụ cho công tác quản trị, giám sát, kiểm tra. Muốn đạt được mục tiêu này trước hết cần nâng cao chất lượng tuyển dụng, tránh tình trạng chuyển những người không làm tốt công việc được giao sang làm công việc kiểm toán nội bộ. Bên cạnh đó, để khuyến khích nhân viên phát huy năng lực bản thân, thì ban lãnh đạo cần đánh giá đúng năng lực của cán bộ, đề ra các yêu cầu về trình độ của Kiểm toán viên, đề xuất các chế độ phù hợp với kết quả công việc, đồng thời phải quy định chính sách kỷ luật rõ ràng, cụ thể.
Các lĩnh vực kiểm toán ở NHNN rất đa dạng và phong phú bao gồm tất cả các hoạt động nghiệp vụ và phải thường xuyên luân chuyển vị trí của các cán bộ làm công tác kiểm soát, vì thế cán bộ làm công tác kiểm toán nội bộ đòi hỏi phải am hiểu tất cả các lĩnh vực. Chính vì thiếu kỹ năng chuyên môn nên cán bộ kiểm toán thường do dự khi đặt ra các câu hỏi và khi có nghi ngờ họ thường dễ chấp nhận câu trả lời hơn là kiểm nghiệm nó. Do đó cần phải xây dựng chính sách để đào tạo để kiểm soát viên thấy được mối liên hệ giữa các khâu trong quy trình, nghiệp vụ, mối quan hệ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban. Bên cạnh đó còn phải đào tạo theo hướng chuyên sâu cho các cán bộ nhằm giúp kiểm soát viên có thể đưa ra được những tham mưu cho Giám đốc chi nhánh để hoàn thiện hơn nữa quy trình, nghiệp vụ.
88
Phòng Kiểm soát nội bộ cần đưa ra các yêu cầu nhất định về kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện công việc kiểm toán cụ thể, trên cơ sở đó xác định chương trình đào tạo cần thiết để đăng ký với trường Bồi dưỡng cán bộ, Vụ KTNB, Vụ Tổ chức cán bộ. Các chương trình đào tạo cần tập trung cả vào hai lĩnh vực kỹ năng chuyên môn và kỹ năng ứng xử, giao tiếp. Hàng năm, ngân hàng nên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên, cần đặt ra quy định về số giờ bồi dưỡng nghề nghiệp liên tục tối thiểu cho từng kiểm toán viên nội bộ. Chi nhánh cần tạo điều kiện để kiểm toán viên được tham gia đầy đủ các khóa học ngắn và dài hạn nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ không chỉ do NHNN tổ chức mà cả các Bộ, Ngành liên quan. Chi nhánh cần quan tâm, bố trí cán bộ làm kiểm soát công tác tin học được tham gia đầy đủ các khóa đào tạo tin học và nghiệp vụ NHNN nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát và sử dụng hệ thống tin học tại chi nhánh. Hơn nữa, chi nhánh cần có mối liên hệ rõ ràng giữa hiệu quả công việc của cán bộ và kế hoạch bồi dưỡng cán bộ nhằm phát hiện và đáp ứng các yêu cầu về bồi dưỡng cán bộ.
Bên cạnh đó, do đặc thù của công việc có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau do đó yêu cầu cán bộ làm công tác kiểm soát phải không ngừng tìm tòi, khai thác những tài liệu, quy định của lĩnh vực đó. Tự khai thác những báo cáo chuyên đề của Vụ Kiểm toán Nội bộ nhằm học hỏi, rút kinh nghiệm trong công tác kiểm soát tại chính Chi nhánh, tránh tình trạng xảy ra những sai sót mà Vụ KTNB đã nêu ra ở các đơn vị khác.
Trình độ tin học của cán bộ kiểm soát còn hạn chế nên chất lượng của công tác kiểm toán tin học còn chưa đáp ứng được các nội dung theo yêu cầu.
Về định hướng nghề nghiệp, thuyên chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ: Phòng nên xây dựng hệ thống bồi dưỡng cán bộ nhằm định hướng sự nghiệp cho các kiểm toán viên nội bộ phù hợp với những chính sách
về nhân sự của chi nhánh. Nên sử dụng phương pháp đánh giá dựa trên độ thành thạo nghề nghiệp; định hướng sự nghiệp phải dựa trên hiệu qủa công việc của cán bộ và các mục tiêu của chi nhánh. Đặc biệt do 3 năm liên tiếp (từ năm 2015 đến 2017 phòng đều có cán bộ chủ chốt nghỉ hưu), do đó phòng cần bổ sung cán bộ mới. Tuy nhiên, theo thực trạng hiện nay, phòng rất cần cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động tại chi nhánh theo hướng đi sâu vào các nghiệp vụ chính có tính rủi ro cao để tham mưu kịp thời cho Ban lãnh đạo Chi nhánh để chỉ đạo, điều hành. Tăng cường hơn nữa tần suất thực hiện kiểm toán tuân thủ tại các phòng, ban chi nhánh. Như vậy sẽ tạo thành một guồng quay công việc, kiểm soát viên sẽ tích lũy được kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động của Chi nhánh, hơn nữa khi công việc được làm thường xuyên thì việc cập nhật văn bản hàng năm sẽ dễ dàng, nhanh hơn, mỗi năm lại góp phần hoàn chỉnh hơn về quy trình thủ tục của các phòng, ban chức năng thì công việc kiểm soát năm sau sẽ đơn giản, gọn gàng hơn năm trước.
Kiểm toán viên nội bộ cũng phải cập nhật thay đổi phương pháp kiểm toán, cần kết hợp phương pháp kiểm toán hệ thống với kiểm toán chi tiết nhằm đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả của từng quy trình hoạt động một cách toàn diện, nhờ đó kiểm toán viên sẽ tiết kiệm được thời gian kiểm toán và lại có thể đưa ra kết luận tổng thể, định hướng vào rủi ro trong hoạt động.