a. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNo&PTNT)
Hoạt động tín dụng tại Ngân hàng NNo&PTNT cho thấy các vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động bảo đảm tiền vay tại Ngân hàng này đều xuất phát từ:
Thứ nhất, dư nợ tín dụng tăng trưởng quá nóng, trong khi cho vay dựa chủ yếu vào các yếu tố tài sản bảo đảm, bảo lãnh, danh tiếng - là những nguồn trả nợ thứ yếu - mà không đánh giá nguồn trả nợ chính;
Thứ hai, trình độ chuyên môn của cán bộ tín dụng còn nhiều hạn chế so với tiêu chuẩn;
Thứ ba, nhiều quy trình nghiệp vụ trong khâu thẩm định tài sản đã bị không ít cán bộ tín dụng xem nhẹ, thậm chí biến đây trở thành cơ hội để trục lợi bất chính như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đưa cả vàng giả vào để thế chấp, tham ô tài sản của ngân hàng như vụ Nguyễn Ngọc Tiến, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi nhánh Vĩnh Long đã lập hồ sơ đứng tên người nhà, đưa vàng giả vào cầm cố vay, sau đó chiếm đoạt trên 10 tỉ đồng;
Thứ tư, sự quản lý lỏng lẻo của lãnh đạo Ngân hàng dẫn đến cán bộ lợi dụng trục lợi: nhận tài sản thế chấp của khách hàng là sổ đỏ nhưng không nhập kho quỹ mà đem cầm cố vay vốn bên ngoài, chiếm đoạt. Vụ Võ Thị Hồng Điệp, cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Tân Lập (Buôn Hồ, Đắk Lắk) là một điển hình. Lợi dụng nhiệm vụ được giao quản lý 119 hồ sơ thế chấp, Điệp đã lấy 7 sổ đỏ là tài sản thế chấp của khách hàng đem ra ngoài cầm cố để vay 14 cá nhân hơn 26 tỉ đồng;
Thứ năm, quy trình nghiệp vụ bảo đảm tiền vay của Ngân hàng chưa thực sự phù hợp với các văn bản liên quan đến bảo đảm tiền vay hiện hành của các cơ quan ban ngành điển hình là vụ thế chấp hy hữu của Ngân hàng NNo&PTNT đã nhận thế chấp ảo (quyền sử dụng 6 thương hiệu thời trang mua từ nước ngoài) để doanh nghiệp rút ruột nghìn tỷ thật. Khoản nợ vay Ngân hàng NNo&PTNT đầu tư dự án Luxfashion tính đến ngày 12/10/2012 là hơn 3.099 tỷ đồng. Luật Sở hữu Trí tuệ cũng không có điều khoản công nhận quyền sở hữu thương hiệu có được từ việc mua lại tài sản thế chấp là thương
hiệu bị ngân hàng phát mại. Như vậy, Ngân hàng NNo&PTNT sẽ khó bán được 6 thương hiệu đã nhận thế chấp của Lifepro Việt Nam. Nhận thế chấp tài sản là thương hiệu với trị giá 1.464 tỷ đồng, nhưng lại không chắc chắn với quyền sử dụng tài sản ấy, Ngân hàng NNo&PTNT đã tạo ra một vụ thế chấp hy hữu trong lịch sử ngân hàng Việt Nam. Đương nhiên khi con nợ cao chạy xa bay, còn Ngân hàng NNo&PTNT cũng không thể đứng ra phát mãi quyền sở hữu 6 nhãn hiệu thời trang đó.
b. Ngân hàng TMCP A Châu (ACB)
Thực tế hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại Á Châu cho thấy việc cho vay không chặt chẽ cùng với chính sách mở rộng quá tham vọng càng được kích thích thêm do cạnh tranh trên thị trường dẫn đến coi nhẹ các tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động bảo đảm tiền vay: cho vay đảm bảo bằng chính cổ phiếu của ngân hàng mình, không thẩm định kỹ càng nhóm khách hàng liên quan là kết quả gây ra vụ việc bầu Kiên làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ACB. Bằng thủ đoạn "lấy mỡ nó rán nó", Bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên) đã vay số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của ngân hàng ACB; sau đó sử dụng tiền vay mua cổ phần, cổ phiếu của một số ngân hàng, rồi dùng số cổ phần, cổ phiếu đó để thế chấp lại các khoản vay ban đầu tại ngân hàng ACB, tạo ra vốn ảo, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước.
c. Các ngân hàng khác
Từ vụ việc các ngân hàng nhận thế chấp hàng hóa lưu kho là cá phi lê đông lạnh tại Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, nhìn từ giác độ pháp lý - kinh tế, để hạn chế rủi ro khi cho vay có bảo đảm bằng kho hàng thì ngoài việc thẩm định kỹ hồ sơ vay vốn và tài sản bảo đảm, các ngân hàng cần phải thay đổi cách thức tiếp cận vấn đề trong quá trình xem xét, quyết định việc nhận tài sản bảo đảm:
Một là, bắt buộc phải tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm trước khi quyết định cho khách hàng vay vốn;
Hai là, thực hiện một số kỹ năng nhằm quản lý hiệu quả tài sản thế chấp là kho hàng như : Bên cho vay sẽ kiểm soát hoàn toàn đối với hàng lưu kho (thường là thuê nhà kho của bên thứ ba). Theo cách thức này thì hàng lưu kho được mua về bằng tiền của bên cho vay và số hàng đó được cất giữ tại nhà kho của bên thứ ba được bên cho vay lựa chọn. Bên cho vay chỉ “giải phóng” hàng lưu kho khi tiền bán hàng đã được thanh toán và gửi vào tài khoản của bên cho vay;
Ba là, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại một trong các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản.