3.1.1.1. Đối với người lao động
Rõ ràng, việc tạo động lực sẽ góp phần giúp người lao động cảm thấy thỏa mãn các nhu cầu, không chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản về sinh hoạt hàng ngày, mà còn thỏa mãn các nhu cầu cao hơn như tự khẳng định, được tôn trọng, được đóng góp vào sự thành công chung của một tổ chức. Khi đó, động lực giúp người lao động hăng hái hơn trong công việc, nâng cao hiệu suất làm việc, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Tuy nhiên, ở một góc độ nhất định, tạo động lực cũng có thể gây ra áp lực đối với người lao động, khiến cho họ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, dẫn tới giảm hiệu suất lao động. Việc luôn phải cố gắng duy trì, chạy theo các chỉ tiêu đề ra của tổ chức trong một thời gian dài có thể lại tạo ra Áp lực hay động lực, lúc này không tác động tích cực đến người lao động, mà ngược lại, lại trở thành gánh nặng, tác động không tốt đến người lao động.
3.1.1.2. Đối với người sử dụng lao động
Rõ ràng, việc người lao động trong công ty mong muốn, nỗ lực làm việc và cống hiến cho công ty sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động.
Thứ nhất, điều này sẽ thể hiện ở việc giảm tỷ lệ lao động vắng mặt, hoặc đi muộn trong giờ làm việc, ảnh hưởng đến tiến độ công việc của tổ chức, doanh nghiệp.
Thứ hai, việc tạo động lực cho người lao động có tác động trực tiếp đến năng suất lao động của nhân viên
Thứ ba, việc tạo động lực cho người lao động có tác động trực tiếp đến mức doanh thu mà công ty, tổ chức thu được, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.
Thứ tư, việc tạo động lực cho người lao động cũng đồng nghĩa với việc công ty phải đảm bảo trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo an ninh an toàn trong lao động, qua đó giảm thiểu các chi phí do mất an toàn hoặc sai sót, rủi ro trong quá trình thực hiện công việc.
Thứ năm, việc không tạo được động lực cho người lao động sẽ khiến cho họ không muốn gắn bó với doanh nghiệp, tổ chức, đồng thời chuyển sang một nơi làm việc khác mà họ cho là tốt hơn. Hiện tượng chảy máu chất xám sẽ xảy ra đối với những doanh nghiệp hoặc tổ chức nào không có giải pháp tạo động lực để giữ chân người lao động, nhất là các lao động có tay nghề cao.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp và tổ chức cũng cần phải cân nhắc các chi phí và các biện pháp tạo động lực cho người lao động, nếu không có thể tạo ra hiệu ứng ngược. Việc tạo động lực phải có sự công bằng, nếu không cũng sẽ gây ra bất mãn của một số cá nhân, gây mất đoàn kết trong nội bộ. Việc tạo động lực cũng sẽ góp phần xây dựng văn hóa trong tổ chức, doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy, việc tạo động lực cho người lao động là cần thiết để duy trì sự gắn bó, cũng như kích thích sự sáng tạo của người lao động, đồng thời kích thích sự tăng trưởng bền vững ở cả góc độ kinh tế và văn hóa của tổ chức, doanh nghiệp.
3.1.1.3. Đối với xã hội
Động lực là yếu tố kích thích sự phát triển. Bởi vậy, khi các cá nhân trong xã hội có động lực sống, động lực làm việc sẽ có tác động tích cực đến đời sống xã hội, kích thích sự sáng tạo, hăng say làm việc của cả xã hội, đồng thời kích thích sự phát triển của nền kinh tế, xã hội.
Cũng giống như đối với doanh nghiệp, việc một nhà nước càng tạo động lực cho người dân, như tạo ra các công ăn việc làm, khuyến khích lao động, nghiên cứu, sáng tạo ra các công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm mới sẽ giúp nền kinh tế nước đó tăng trưởng ổn định và bền vững.
Việc tạo động lực cũng góp phần làm giảm thiểu các bất ổn trong xã hội. Việc thất nghiệp có thể gây nên các vấn đề về trật tự an ninh xã hội, làm giảm sức sản xuất của nền kinh tế, và nghiêm trọng hơn, có thể khiến nền kinh tế lâm vào
khủng hoảng. Bởi vậy, không chỉ có các doanh nghiệp, tổ chức, mà cả xã hội cũng cần phải quan tâm đến vấn đề tạo động lực cho người lao động trong xã hội.