Giới thiệu về trường Đại học Ngoại thương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) động lực làm việc của cán bộ giảng viên trƣờng đại học ngoại thƣơng (Trang 42 - 47)

3.2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển

Trường Đại học Ngoại thương (tên tiếng Anh: Foreign Trade University, tên viết tắt: FTU) là một trường đại học kinh tế chuyên đào tạo về kinh tế và thương mại quốc tế của Việt Nam trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hiện có 3 cơ sở đào tạo: Cơ sở Hà Nội, cơ sở TP Hồ Chí Minh và cơ sở Quảng Ninh.

* Các giai đoạn hình thành và phát triển:

Giai đoạn hình thành (1960 – 1963): Ngành học Đại học Ngoại thương chính thức ra đời vào năm 1960. Sơ khai là bộ môn trong Khoa Quan hệ quốc tế do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý, nhưng đặt tại trường Đại học Kinh tế-Tài chính (nay là trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Chủ nhiệm Khoa đều do Bộ Ngoại giao cử về. Trong Khoa Quan hệ quốc tế có 2 bộ môn: bộ môn Ngoại giao và bộ môn Ngoại thương. Khóa 1 sinh viên Ngoại thương với 42 sinh viên được tuyển vào năm học (1960-1966) và Khóa 3 (1962-1967) sinh viên Ngoại thương vẫn do Khoa Quan hệ quốc tế trực tiếp quản lý. Như vậy, có thể nói Khoa Quan hệ quốc tế của trường Đại học Kinh tế - Tài chính trước đây là tổ chức tiền thân của trường Đại học Ngoại thương.

Giai đoạn 1964-1965: Năm 1964, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Khoa Quan hệ quốc tế tách khỏi trường Đại học Kinh tế - Tài chính để thành lập

Trường Đại học Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương trực thuộc Bộ Ngoại giao. Trụ sở của trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương đặt tại phường Láng Thượng trên khu đất của Trường Đại học Ngoại thương và Học viện Quan hệ Quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao). Tuy tên gọi là trường Cán bộ, nhưng nhiệm vụ trường được giao là đào tạo cán bộ có trình độ đại học cho Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương. Do vậy, trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương, ngoài các Phòng chức năng ra chỉ có 2 Khoa đào tạo là: Khoa Ngoại giao và Khoa Ngoại thương. Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương thành lập không được bao lâu thì phải đi sơ tán ra khỏi Hà Nội để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Tại nơi sơ tán - huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, thầy trò trường lại tiếp tục giảng dạy và học tập. Trong thời gian này, Khoa Ngoại thương trực tiếp quản lý 3 khóa sinh viên cũ và tuyển thêm khóa 4 và khóa 5. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của Khoa Ngoại thương đều do Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương) điều động từ Bộ về. Ngoài việc đào tạo sinh viên các khóa chính quy, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa Ngoại thương con làm nhiệm vụ mở các lớp bồi dưỡng về lý luận và nghiệp vụ Ngoại thương cho các cán bộ từ Phó Phòng nghiệp vụ trở lên của các Tổng công ty xuất nhập khẩu, Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan.

Giai đoạn 1965-1983: Năm 1965, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định chia tách Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương thành hai trường: Trường Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao và Trường Ngoại thương trực thuộc Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương). Tên hiệu chính thức của trường Đại học Ngoại Thương bắt đầu có từ thời gian này. Ngay sau khi thành lập, trường Đại học Ngoại Thương chuyển về địa điểm sơ tán mới ở huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, còn trường Đại học Ngoại giao ở lại nơi sơ tán cũ. Trong thời gian này, trường Đại học Ngoại thương còn 5 khóa sinh viên (từ khóa 3 đến khóa 6), còn sinh viên khóa 1 và khóa 2 đã tốt nghiệp ra trường.

Năm 1968, lần đầu tiên trường Đại học Ngoại thương mới chính thức có Hiệu trưởng là đồng chí Lưu Văn Đạt và Phó Hiệu trưởng là đồng chí Lê Văn Ngọ. Một vài năm trước đó, Ban Giám Hiệu chỉ có chức Phó Hiệu Trưởng. Ngoài một số Phòng chức năng, Trường đã có các đơn vị chuyên môn như Khoa Nghiệp vụ Ngoại

thương; Khoa Ngoại ngữ, Khoa Tại chức và Bộ môn Chính trị. Công tác đào tạo bắt đầu tăng quy mô và đa dạng loại hình đào tạo. Trước đây, mỗi khóa chỉ tuyể trên dưới 50 sinh viên, đầu những năm 70 trở đi quy mô mỗi khóa đã tăng lên 75-100 sinh viên. Ngoài việc đào tạo sinh viên hệ chính quy, Trường còn mở rộng đào tạo hệ tại chức và phát triển hình thức bồi dưỡng cán bộ. Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng mở rộng và ác liệt. Điều này có gây ra những khó khăn nhất định cho các hoạt động của Nhà trường. Tuy nhiên, công tác giảng dạy, học tập và các sinh hoạt khác của Nhà trường vẫn diễn ra bình thường tại nơi sơ tán. Cuối năm 1967, tình hình chiến sự tạm yên ổn, Đảng ủy và Ban Giám hiệu quyết định chuyển Trường từ nơi sơ tán về lại trụ sở cũ tại Hà Nội. Từ thời gian này đến năm 1983, trường Đại học Ngoại thương tập trung sức lực vào việc xây dựng cơ sở vật chất và tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo (trừ năm 1972 Trường lại phải sơ tán lần thứ 2).

Giai đoạn 1984 - đến 2015: Năm 1984, Trường Đại học Ngoại thương chuyển từ Bộ Ngoại thương sang Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Thời gian này, phần lớn các Trường Đại chọn chuyển từ các Bộ ngành chủ quản sang Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trực tiếp quản lý. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp. Cho đến cuối những năm 80, cơ cấu tổ chức của Trường như Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, các Phòng chức năng, các Khoa và Bộ môn… tiếp tục được củng cố. Năm 1993, xuất phát từ nhu cầu cán bộ trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại Tp Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Cơ sở II) đã được thành lập theo Quyết định số 1485/GD-ĐT ngày 16/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, Đại học Ngoại thương được nhiều trường đại học quốc tế công nhận chương trình đào tạo và thiết lập quan hệ đào tạo, trong đó có Đại học La Trobe, Queensland, Úc; Đại học Vân Truyền, Đài Loan; Đại học Asia Pacific, Nhật Bản; Đại học Tổng hợp Colorado (CSU), Hoa Kỳ; Đại học Bedforshire, Anh; Đại học Rennes, Pháp. Sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học

Ngoại thương làm việc trong nước cũng như ở nước ngoài đều được đánh giá cao cả về kiến thức chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo đạt từ 98-100%. Đặc biệt, sinh viên Đại học Ngoại thương còn nổi tiếng năng động, sáng tạo và tự tin. Số lượng sinh viên xuất thân từ Đại học Ngoại thương giành được học bổng du học đại học và sau đại học tại nước ngoài luôn chiếm ưu thế trong số sinh viên các trường đại học tại Việt Nam. Chính nhờ những kết quả đó, Trường Đại học Ngoại Thương đã được Liên hiệp Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VUSTA) trao tặng Cúp vàng "Thương hiệu Việt" năm 2006 và Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới vào tháng 05 năm 2010 và Huân chương Độc lập hạng Nhất vào tháng 09 năm 2012.

Giai đoạn 2015 - đến nay: Thực hiện chủ trương tự chủ của các trường đại học theo nghị quyết 77/NQ-CP, Trường Đại học Ngoại thương được giao thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ theo quyết định 751/QĐ-TTg. Nhà trường đã tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, thành lập mới một số đơn vị độc lập để đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu phát triển như Trung tâm ươm tạo và sáng tạo, Trung tâm hỗ trợ sinh viên. Về hoạt động đào tạo, Nhà trường đã đẩy mạnh việc phát triển chương trình đào tạo mới theo định hướng nghề nghiệp quốc tế. Đến 2019, Nhà trường đã có 12 ngành với 19 chuyên ngành, trong đó có 3 chương trình tiên tiến, 5 chương trình chất lượng cao và 3 chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế, đưa tỷ lệ sinh viên Nhà trường tham gia học các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh lên 26%. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đa dạng hóa các chương trình đào tạo sau đại học, đưa số lượng chương trình ThS lên 8 chương trình với 6 chuyên ngành và 3 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ. Đối với Nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã xác định rõ 4 chương trình nghiên cứu và tổ chức được 23 nhóm nghiên cứu. Giai đoạn 2015- 2018, CBGV Nhà trường đã công bố 116 bài báo quốc tế, trong đó có 40 bài trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus.

3.2.1.2. Hoạt động của trường Đại học Ngoại thương * Về cơ sở vật chất:

Trường Đại học Ngoại thương có 3 cơ sở đào tạo tại Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh. Cơ sở vật chất của Nhà trường được trang bị ngày càng khang trang, hiện đại, các phòng học lớn, nhỏ, phòng thực hành đã được đầu tư xứng đáng cả về lượng và chất. Các phòng học được bố trí hợp lý, số lượng phòng học bảo đảm đáp ứng được đầy đủ nhu cầu học tập và giảng dạy. Trong những năm học vừa qua, nhà trường đã lắp đặt bổ sung thêm máy chiếu, ti vi, điều hòa nhiệt độ cho các phòng học, đảm bảo 100% phòng học có điều hòa không khí, có đủ thiết bị trình chiếu hiện đại, phục vụ tốt cho nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và sinh viên. Bên cạnh đó, đối với các trang thiết bị hiện có, nhà trường thường xuyên cho tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để kịp thời sửa chữa và thay thế các trang thiết bị hỏng hóc, gặp sự cố để đảm bảo chất lượng phục vụ học tập.

Ngoài trang bị trong các phòng học, ký túc xá dành cho sinh viên, do tổng diện tích của trường còn nhỏ nên diện tích dành cho các khoa, bộ môn, phòng chức năng còn hạn chế, song nhà trường đã có nhiều quan tâm đến việc trang bị các phương tiện giảng dạy, cũng như nơi học tập và làm việc cho các giảng viên. Để hỗ trợ cho công tác giảng dạy của giảng viên, nhà trường đã bố trí địa điểm làm việc riêng cho các giảng viên, giúp cho các giảng viên có thể vừa làm việc, vừa có thể giao lưu, học hỏi, chia sẻ các kinh nghiệm giảng dạy. Bên cạnh đó, các trang thiết bị trong thư viện cũng hỗ trợ tối đa cho các giảng viên, người lao động trong toàn trường tìm kiếm các thông tin chuyên ngành và các thông tin khác liên quan ở trong và ngoài nước. Nhiều tài liệu nước ngoài cũng đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu, phục vụ cho việc tra cứu online của người học cũng như các giảng viên và người lao động trong toàn trường.

* Về tình hình hoạt động của trường:

Với 59 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã và đang đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán- kiểm toán, luật và ngoại ngữ cho đất nước. Hiện nay, Nhà trường có 3 cơ sở đào tạo: Cơ sở Hà Nội, Cơ sở II-TP HCM và Cơ sở Quảng Ninh. Trong 5 năm vừa qua, Nhà trường tiếp tục thực hiện cơ chế

tự chủ tài chính và thực hiện các mục tiêu ổn định quy mô đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, triển khai đồng bộ các mặt hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chất lượng đào tạo của Nhà trường ngày càng được khẳng định và nâng cao. Chất lượng tuyển sinh đầu vào hàng năm đều ở mức cao nhất trong các trường khối kinh tế.

Đội ngũ cán bộ, viên chức của Nhà trường không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2014, tổng số cán bộ, viên chức của Nhà trường là 760 trong đó nữ chiếm 70,9%, trình độ từ thạc sỹ trở lên chiếm 75,2%, số đoàn viên Công đoàn là 656. Đến tháng 4/2019, toàn trường có 807 cán bộ, viên chức trong đó nữ chiếm 72%, trình độ từ thạc sỹ trở lên chiếm 67%. Tỷ lệ giảng viên của Nhà trường hiếm 68%, tỷ lệ cán bộ quản lý duy trì ở mức 10% và cán bộ hỗ trợ, phục vụ ở mức 20%.

Đảng bộ Nhà trường liên tục được Đảng uỷ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội công nhận là Đảng Bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh; Công đoàn trường được Công đoàn giáo dục Việt Nam công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của trường được Trung ương đoàn tặng Cờ thi đua xuất sắc toàn diện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) động lực làm việc của cán bộ giảng viên trƣờng đại học ngoại thƣơng (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)