Đánh giá tình hình ngăn chặn nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội ở việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 62 - 68)

hội thời gian qua

2.3.2.1 Thành công

Từ những phân tích và đánh giá về nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH ở Việt Nam thời gian qua, chúng ta thấy rằng chính sách đảm bảo an toàn quỹ BHXH đạt được những thành công chủ yếu sau đây:

- Những quy định pháp lý cụ thể về chính sách khai thác, huy động nguồn tài chính cho quỹ BHXH đã được triển khai hiệu quả để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và các đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH.

- Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH ngày càng được chú trọng, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lao động, thành phần kinh tế có thể tham gia BHXH, đảm bảo quyền được tham gia BHXH của người dân một cách công bằng.

- Nguồn quỹ BHXH ngày càng tăng lên qua các năm, đồng thời quá trình khai thác thu BHXH cơ bản đáp ứng yêu cầu thu đúng, thu đủ, kịp thời và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Hàng năm, thu BHXH đều vượt mức kế hoạch do Chính phủ giao, năm sau luôn cao hơn so với năm trước.

- Nguồn quỹ BHXH đã được sử dụng, phân phối hiệu quả, ảnh hưởng tích cực đến việc ổn định đời sống của người lao động trong quá trình lao động và khi nghỉ hưu. Mức hưởng hiện nay cơ bản đảm bảo cuộc sống của hàng triệu người lao động khi gặp rủi ro không có thu nhập hoặc mất hết khả năng lao động. Các chế độ về BHXH được thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng chế độ. Việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đảm bảo đúng kỳ, đủ số tiền, tận tay, không gây phiền hà cho đối tượng thụ hưởng.

- Nguồn thu của quỹ BHXH đang có sự dịch chuyển từ chỗ phụ thuộc và NSNN (nguồn kinh phí cho việc thực hiện chính sách BHXH do nhà nước đảm bảo) sang hình thành một quỹ BHXH độc lập, nguồn thu chủ yếu là từ sự đóng góp của các bên tham gia BHXH với mục tiêu tiến dần đến cân đối, độc lập. Nhờ đó, bước đầu tạo nên sự ổn định tài chính cần thiết để thực hiện các chế độ BHXH đối với người lao động, xóa bỏ sự phụ thuộc và ảnh hưởng đến nguồn NSNN.

2.3.2.2 Nguyên nhân của những thành công đạt được

- Hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến BHXH ngày càng được quan tâm, bổ sung thường xuyên, liên tục được đổi mới và hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các văn bản được thể chế hóa ngày càng đồng bộ hơn, nhiều chương trình quốc gia được triển khai và sát với thực tiễn cuộc sống.

- Hệ thống tổ chức bộ máy thực hiện chính sách BHXH từng bước được thiết lập, củng cố, hoàn thiện và điều chỉnh theo hướng tách riêng chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện cho hệ thống BHXH hoạt động phù hợp với cơ chế mới. Đội ngũ cán bộ thực hiện công việc trực tiếp ngày càng được tăng cường về cả số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

- Nhận thức của xã hội cả từ phía người quản lý và người dân về chính sách BHXH dần được nâng cao. Người dân ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình khi tham gia và hệ thống an sinh xã hội.

2.3.2.3 Hạn chế

- Hàng năm, đối tượng tham gia BHXH đều có tăng, tuy nhiên tốc độ tăng bình quân thấp hơn tốc độ tăng số lượng lao động tham gia vào thị trường lao động. Tỷ lệ bao phủ BHXH bắt buộc mới đạt khoảng trên 20% trên tổng số lực lượng lao động của cả nước. Do đó, việc phấn đấu đạt 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020 như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị còn khoảng cách khá xa.

- Số lượng người tham gia BHXH có tăng lên nhưng không nhiều và không bền vững. Thực tế có nhiều lao động đã tham gia BHXH, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, họ rút khỏi thị trường lao động và muốn nhận BHXH một lần. Đây là vấn đề rất đáng quan ngại bởi không phù hợp với bản chất và mục tiêu của BHXH là bảo hiểm dài hạn, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động khi về già.

- Mặc dù chính sách khai thác, huy động nguồn cho quỹ BHXH đã được triển khai khá tốt, số thu đều tăng qua các năm. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH còn diễn ra phổ biến trên toàn quốc, ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Bên cạnh đó, một bộ phận đơn vị sử dụng lao động còn kê khai mức lương thấp, chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của nhà nước để giảm số tiền đóng BHXH.

- Tỷ lệ sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ BHXH đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng hiệu quả của việc đầu tư này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Có những năm tỷ lệ sinh lời thấp hơn hoặc bằng với tỷ lệ lạm phát khiến việc bảo tồn và phát triển quỹ BHXH an toàn trở nên khó khăn hơn.

- Thực hiện theo Luật BHXH, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, quỹ BHXH tập trung chủ yếu cho NSNN vay và mua Trái phiếu Chính phủ, tuy nhiên do thời hạn cho vay dài (10 năm) mà chưa được mở rộng đến các hình thức đầu tư khác có lợi nhuận cao hơn nên chưa tận dụng hết khả năng sinh lời của quỹ, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ trong dài hạn.

- Các lĩnh vực quỹ BHXH được phép đầu tư chưa đa dạng, cơ cấu chưa hợp lý (tỷ lệ cho NSNN vay và mua trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm đa số), vì vậy hiệu quả đầu tư chưa cao.

- Năm 2016, Luật BHXH sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn cũng như quy chế phối hợp trong việc cung cấp danh sách các Ngân hàng xếp hạng tín dụng tốt giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và BHXH Việt Nam chưa kịp ban hành, gây ảnh hưởng phần nào đến hoạt động đầu tư thời gian này của BHXH Việt Nam.

- Tỷ lệ bao phủ mới đạt khoảng 78% so với số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và trên 20% so với lực lượng lao động, tốc độ tăng đối tượng tham gia ngày càng chậm lại, tính bền vững của quỹ trong dài hạn cũng cần được quan tâm đúng mức trên cả bình diện chính sách và tổ chức thực thi pháp luật.

2.3.2.4 Nguyên nhân của những hạn chế

- Nhận thức của phần đông người lao động và đơn vị sử dụng lao động ở nước ta về BHXH còn hạn chế, chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ về bản chất, vai trò của chính sách BHXH đối với cuộc sống của người lao động và xã hội. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.

- Ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị sử dụng lao động về BHXH còn thấp, chưa quan tâm đến nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, người lao động có tâm lý sợ mất việc làm nên không dám đứng lên đòi quyền lợi cho mình.

- Cơ chế quản lý tài chính quỹ BHXH hiện nay tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Đặc điểm của cơ chế này là người lao động tham gia BHXH khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận khoản trợ cấp do quỹ BHXH chi trả. Tuy nhiên, quỹ này lại sử dụng khoản tiền đóng góp của những người tham gia BHXH hiện tại để chi trả cho cho những đối tượng hết tuổi lao động nói trên. Ở khía cạnh tích cực, cơ chế này tạo được mối liên hệ mật thiết giữa các thế hệ người lao động nối tiếp nhau, xác định rõ trách nhiệm của thế hệ sau đối với thế hệ trước thông qua cách sử dụng nguồn tiền chi trả chế độ hưu trí.

- Một số quy định của pháp luật về BHXH chưa chặt chẽ, hệ thống, nhiều lần sửa đổi, bổ sung các quy định về BHXH gây phiền hà cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH.

- Sự lạc hậu của chính sách tiền lương và thu nhập chưa tạo thuận lợi cho chính sách BHXH khu vực chính thức. Chính sách thu nhập hiện hành chưa đổi mới để phù hợp với cơ chế mới. Tiền lương thực tế hiện nay chưa đủ trả cho giá trị sức lao động, hiện còn thấp, làm cho đời sống của người làm công ăn lương trở nên khó khăn. Thang, bảng, ngạch, bậc lương và chế độ phụ cấp được thiết kế phức tạp, chưa đảm bảo sự công bằng, mang nặng tính bình quân, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các đối tượng, ngành nghề và khu vực. Nếu lấy tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ không đảm bảo được sự công bằng giữa các đối tượng tham gia.

- Hoạt động đầu tư quỹ chưa thực sự hiệu quả. Chưa xây dựng một chiến lược đầu tư với sự phân bổ tài sản một cách hợp lý trong dài hạn. Chưa có bộ máy quản lý đầu tư chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm quản lý đầu tư chuyên sâu và bộ máy giám sát quá trình đánh giá hiệu quả đầu tư.

- Môi trường đầu tư tài chính nước ta chưa thuận lợi do thị trường chứng khoán vẫn còn non trẻ. Các công cụ của thị trường tài chính còn hạn chế về số lượng, kỳ hạn và chủng loại. Thị trường bất động sản và cho vay tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn.

- Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, chưa có cơ chế để người dân tham gia giám sát hoạt động quản lý BHXH.

- Công tác quản lý thu, chi BHXH của bộ máy thực hiện chính sách BHXH còn nhiều hạn chế yếu kém, công tác quản lý lao động, tiền lương, tiền công, thu nhập, quản lý hộ tịch, hộ khẩu của người lao động và thân nhân người lao động của một số cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, ngành BHXH chưa quản lý được cơ sở dữ liệu tập trung, công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu quản lý BHXH, chưa phục vụ cho việc đối chiếu, kiểm soát trước khi giải quyết.

CHƯƠNG 3 – GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU NGUY CƠ MẤT CÂN ĐỐI QUỸ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội ở việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 62 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)