Đặc điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu ngành điện tử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp điện tử của việt nam (Trang 31 - 33)

1.2.2.1 Tính chuyên môn hóa của chuỗi cung ứng toàn cầu ngành điện tử

Đặc thù của ngành điện tử nói chung là có tốc độ phát triển nhanh, chu kỳ sống của sản phẩm ngắn. Đây cũng là ngành công nghiệp hiện đại, có yêu cầu đầu tư lớn, cạnh tranh của thị trường gay gắt và độ rủi ro cao nhưng nếu phát triển đúng hướng sẽ thu lại lợi nhuận lớn. Bởi vậy các hãng điện tử thường không tự thực hiện tất cả mọi công đoạn để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Việc một công ty tự mình thực hiện

22

tất cả các công đoạn sẽ không đạt được tính hiệu quả về chi phí, đồng thời khả năng để thay đổi công nghệ, phát triển sản phẩm mới cũng kém linh hoạt. Điều này dẫn tới tính chuyên môn hóa trong ngành công nghiệp điện tử. Quá trình từ khi lên ý tưởng sản phẩm tới khi sản phẩm cuối cùng được phân phối đến tay người tiêu dùng được phân đoạn thành nhiều công đoạn nhỏ hơn. Mỗi công đoạn lại có sự tham gia của các công ty khác nhau. Các công ty được liên kết với nhau thông qua các quan hệ về sở hữu (công ty mẹ - công ty con) hay quan hệ hợp đồng để hình thành một chuỗi liên tiếp để tạo ra sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cuối cùng. Chuỗi liên kết các doanh nghiệp trong trường hợp này chính là chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện tử. Lợi thế so sánh quốc gia và sự chuyên môn hóa lao động quốc tế đã tạo điều kiện cho sự tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện tử của các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau.

1.2.2.2 Tính toàn cầu hóa của chuỗi cung ứng ngành điện tử

Đặc điểm này của chuỗi thể hiện ở hai phương diện:

Thứ nhất, về thị trường tiêu thụ sản phẩm: sản phẩm của ngành công nghiệp điện tử được tiêu thụ ở khắp nơi trên thế giới, hầu hết các ngành công nghiệp đều sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp điện tử. Nhờ sự phát triển của hệ thống phân phối và vận tải, các sản phẩm của ngành điện tử được cung cấp cho thị trường toàn cầu.

Thứ hai, về thành viên trong chuỗi: các thành viên trong chuỗi là các tổ chức, doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau. Trước đây, hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu ngành điện tử hầu hết chỉ tập trung ở các nước phát triển. Sự tham gia của các nước đang phát triển vào chuỗi cung ứng toàn cầu là không đáng kể, chỉ giới hạn ở việc cung cấp nguyên liệu đầu vào. Nhưng trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, vai trò của các nước đang phát triển trong chuỗi cung ứng điện tử ngày càng trở nên quan trọng. Các nước phát triển chuyển dần dây truyền, nhà máy sản xuất để tận dụng chi phí sản xuất hợp lý (chi phí nhân công giá rẻ, chi phí thuê đất đai…) hay những ưu đãi về thuế quan và chính sách mở cửa thị trường tại các nước đang phát triển. Từ đó, quá trình sản xuất của chuỗi được phân chia thành nhiều công

23

đoạn, bố trí mỗi công đoạn ở nhiều quốc gia khác nhau theo yêu cầu và điều kiện cụ thể, tạo ra một mạng lưới sản xuất sản phẩm điện tử mang tính toàn cầu.

1.2.2.3 Chuỗi cung ứng ngành điện tử được dẫn dắt bởi các hãng điện tử dẫn đầu trên thế giới

Khởi nguồn của ngành công nghiệp điện tử ngày nay được bắt đầu từ các nước phát triển. Trải qua hàng thập kỷ, ngành công nghiệp điện tử của các quốc gia này ngày càng phát triển cả về chất lượng và giá trị, hình thành nên các tập đoàn điện tử dẫn đầu trên thế giới. Các hãng dẫn đầu nắm giữ trong tay công nghệ kỹ thuật rất hiện đại, đây là lợi thế giúp các hãng này liên tục giữ vai trò dẫn đầu trong sự đổi mới công nghệ của toàn chuỗi, đồng thời giúp họ nắm giữ sức mạnh thị trường và dẫn dắt chuỗi. Các hãng điện tử dẫn đầu tham gia vào chuỗi ở các công đoạn như R&D, thiết kế sản phẩm, marketing, xây dựng thương hiệu và phân phối các sản phẩm cuối cùng. Những hoạt động này có giá trị gia tăng tương đối cao. Do đó giá trị mà các hãng dẫn đầu nắm giữ cũng tương đối lớn. Những công đoạn tạo ra giá trị gia tăng thấp như sản xuất, gia công, lắp ráp… thường được thực hiện ở các quốc gia có công nghệ kém phát triển hơn. Những công nghệ mà các quốc gia này sở hữu thường được chuyển giao từ chính các quốc gia có công nghệ cao. Điều này dẫn tới việc phụ thuộc công nghệ của các quốc gia đi sau vào các quốc gia phát triển. Hiện tại các hãng điện tử dẫn đầu trong chuỗi cung ứng ngành điện tử chủ yếu là các công ty, tập đoàn của Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu, Hàn quốc (Sturgeon, J.T, Kawakami, M.,2010).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp điện tử của việt nam (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)